Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực luật sư: Nhiều sai phạm cần chấn chỉnh

06/02/2009
“Năm 2009 sẽ là năm chúng tôi thực hiện quyết liệt các cuộc thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực luật sư và tư vấn pháp luật”, ông Hoàng Quốc Hùng – Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp đã cho PV Báo PLVN biết như vậy ngay trong ngày đi làm đầu tiên của năm mới. Bởi lẽ, năm 2008 vừa qua được coi là năm đột phá của thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực nói trên. Đây cũng là năm đầu tiên hoạt động này được tiến hành theo Nghị định 76/CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp). Chỉ qua thanh tra tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện hàng loạt sai phạm.

“Sờ” đâu sai đó.

Theo báo cáo của Sở Tư pháp Hà Nội, hiện Hà Nội có 356 tổ chức hành nghề luật sư và 18 chi nhánh, trong đó có 25 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, số lượng các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam là 626 tổ chức, 155 chi nhánh và 16 văn phòng giao dịch; Có 37 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Đoàn Thanh tra Bộ Tư pháp đã thanh tra 66 tổ chức và chi nhánh tại Hà Nội; 74 tổ chức, chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh. Theo ông Hoàng Quốc Hùng thì có đến 95% các tổ chức, chi nhánh bị thanh tra đều có sai phạm. Tuy nhiên sai phạm chủ yếu là về hình thức, ví dụ Hợp đồng thuê trụ sở của một số tổ chức hành nghề luật sư đã hết hạn nhưng chưa gia hạn hợp đồng; Sử dụng trụ sở không đúng địa chỉ được ghi trong Giấy đăng ký hoạt động; các vi phạm về biển hiệu; hoặc không thực hiện việc thông báo cho Sở Tư pháp khi mở các chi nhánh ở ngoài địa phương; các vi phạm về thủ tục đăng báo…

Bên cạnh đó, cũng có nhiều tổ chức hành nghề luật sư vi phạm nghiêm trọng Nghị định 76/CP về nội dung như hoạt động ngoài lĩnh vực hành nghề ghi trong giấy đăng ký hoạt động; Hành vi để người khác (không phải là thành viên, không ký hợp đồng lao động và không có văn bản uỷ quyền) tiến hành ký kết các hợp đồng dịch vụ pháp lý nhân danh tổ chức hành nghề luật sư của mình- Hành vi vi phạm Luật Khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, nhiều vụ việc

 hợp đồng dịch vụ pháp lý không được làm bằng văn bản - vi phạm Điều 26 Luật Luật sư (Điều 26 quy định: Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý (trừ trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức) và hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được làm thành văn bản và có đủ 6 nội dung chính). Đây là vi phạm rất phổ biến của các tổ chức hành nghề luật sư, điển hình có những văn phòng luật sư thực hiện hàng ngàn vụ việc mà không hề ký hợp đồng dịch vụ với khách hàng bằng văn bản. Tuy nhiên, Nghị định số 76/2006/NĐ-CP lại không có quy định về nội dung này. Ngược lại nhiều văn phòng luật sư có hợp đồng nhưng lại không ghi mức thù lao đã thoả thuận với khách hàng.

Tuy nhiên, do đây là năm đầu tiên thanh tra chuyên ngành thực hiện các cuộc thanh tra trong lĩnh vực luật sư và tư vấn pháp luật nên các vi phạm chủ yếu chỉ bị cảnh cáo nhắc nhở (chỉ duy nhất một văn phòng luật sư bị xử phạt), hoặc giao cho Đoàn Luật sư xử lý.

Cần tăng cường thanh kiểm tra

Trả lời câu hỏi vì sao số lượng các hành vi vi phạm pháp luật về luật sư được phát hiện qua thanh tra là khá nhiều nhưng chỉ một số ít các hành vi bị xử lý một cách nghiêm khắc, ông Hoàng Quốc Hùng cho rằng: đó là do những tồn tại, vướng mắc và bất cập của pháp luật, nhiều hành vi mặc dù vi phạm Luật Luật sư nhưng lại không có chế tài xử lý vì không được quy định trong Nghị định 76/2006/NĐ-CP hoặc có quy định nhưng lại bất hợp lý, không rõ ràng. Cụ thể: Thứ nhất, quy định bổ sung các hành vi vi phạm Luật Luật sư nhưng Nghị định số 76/2006/NĐ-CP còn chưa có chế tài xử phạt: Hành vi không làm hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản; Sử dụng trụ sở không đúng địa chỉ được ghi trong Giấy đăng ký hoạt động; Không thông báo cho Đoàn luật sư nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động và/hoặc Đoàn luật sư nơi có trụ sở của chi nhánh về việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của chi nhánh; Không thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp và Đoàn luật sư nơi đăng ký hoạt động về địa chỉ văn phòng giao dịch; Cung cấp dịch vụ pháp lý tại văn phòng giao dịch; không đăng báo theo quy định khi thay đổi nội dung đăng ký hoạt động; Không thực hiện báo cáo theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thứ hai, sửa đổi điểm e, khoản 1, Điều 22 của Nghị định 76/2006/NĐ-CP vì bất hợp lý và trái với quy định tại khoản 1, Điều 36 của Luật Luật sư(về thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư)

          Ngoài ra, cần hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời đối với các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình quản lý và đăng ký hoạt động động của tổ chức hành nghề luật sư.  Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra công tác tư pháp, đặc biệt là kiểm tra, thanh tra hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư cho địa phương. Bởi muốn đạt hiệu quả trong công tác quản lý thì không chỉ cần một hành lang pháp lý đầy đủ mà công tác thanh kiểm tra cũng phải thực hiện một cách thường xuyên mới tạo nên một quy trình khép kín.

Thu Hằng

Ông Hoàng Quốc Hùng – Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp: Qua kiểm tra có đến 95% các tổ chức, chi nhánh hành nghề luật sư vi phạm Nghị định 76/CP. Tuy nhiên Thanh tra không thể xử phạt vì các hành vi vi phạm đã “nguội”, nằm ngoài thời hiệu để xử lý theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Một điểm đáng lưu ý là trong khi các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam vi phạm phổ biến thì các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài lại tuân thủ rất nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam. Điều đó chứng tỏ ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận luật sư của ta còn kém.