Bộ Tư pháp “tuýt còi” biểu hiện “ngăn sông, cấm chợ” của Hà Nội

06/02/2009
Chiều qua (5/2), trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, Quyết định số 51/2009/QĐ-UBND ngày 22/1/2009 của UBND thành phố Hà Nội Ban hành “Quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội” có nhiều nội dung không đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và hạn chế quyền của công dân.

Mặc dù cho rằng Hà Nội ban hành Quyết định 51 là để góp phần chăm lo sức khỏe và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng, nhưng Cục Kiểm tra VBQPPL khẳng định, một số quy định tại Quyết định này mang tính cấm đoán không có căn cứ, có biểu hiện “ngăn sông, cấm chợ” đối với các cá nhân tham gia hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm. Chẳng hạn, nhiều Khoản tại Điều 4 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 51 “Cấm vận chuyển gia súc, gia cầm vào khu vực nội thành , nội thị”; “Cấm vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên xe máy, xích lô, xe đạp hoặc các phương tiện thô sơ khác”. Riêng Khoản 1 Điều 4 quy định “gia súc, gia cầm chỉ được vận chuyển đến cơ sở giết mổ được phép thành lập của UBND Thành phố,…” còn hạn chế quyền của những đối tượng không thuộc diện kinh doanh trong trường hợp giao dịch trao đổi gia súc, gia cầm không vì mục đích giết, mổ hoặc giao dịch của các cá thể, không bắt buộc qua cơ sở giết mổ.

 Liên quan đến hoạt động chế biến, buôn bán các sản phẩm gia súc, gia cầm, khoản 1 và 4 Điều 5 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 51 cũng có một số quy định mang tính cấm đoán không có cơ sở và không rõ ràng về nội dung quy phạm pháp luật, gây hiểu nhầm, đồng thời, có thể dẫn đến việc áp dụng xử lý tuỳ tiện như “Cấm bán các sản phẩm gia súc, gia cầm có… độc tố, ký sinh trùng hoặc vi sinh vật gây bệnh cho người”; “Cấm buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm trên vỉa hè, lòng đường, ngõ xóm và khu vực công cộng”. Ngoài ra, nội dung quy định về “Hình thức, mức độ xử lý vi phạm” (Điều 9) của Quy định này còn diễn đạt như một “quy định mới”, không dẫn rõ nguồn văn bản của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương quy định về thẩm quyền, hình thức và mức phạt đối với các hành vi vi phạm nên có thể dẫn đến cách hiểu những quy định này là không bảo đảm thẩm quyền. Mặt khác, có những quy định cần được tiếp tục xem xét, kiểm tra để kết luận về tính hợp hiến, hợp pháp  như nội dung quy định tại Điều 3 có phải là việc quy định điều kiện kinh doanh hay không và phần “Nơi nhận”, chưa bảo đảm đúng quy định của Nghị định số 135/2003/NĐ-CP (thiếu cơ quan kiểm tra theo thẩm quyền và cơ quan giúp UBND tự kiểm tra).

Nhiều khả năng, ngay trong ngày hôm nay (6/2), ông Lê Hồng Sơn sẽ ký Công văn gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị thành phố “xử lý” Quyết định này.

Hồng Thúy