Một số vấn đề pháp lý khi thực thi Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi, bổ sung

03/02/2009
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000 đã có hiệu lực từ ngày đầu tiên của năm 2009. Tuy nhiên, vấn đề thực thi luật bên cạnh việc chờ đợi sự ra đời của 3 Nghị định hướng dẫn, thì vẫn còn không ít những băn khoăn trong việc triển khai thực hiện.

BÀI I: NHẤT THIẾT PHẢI CÓ ĐỦ 3 NGHỊ ĐỊNH

Theo thông tin từ Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, vì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000 có khá nhiều nội dung, vấn đề được sửa đổi, bổ sung so với luật cũ nên để hướng dẫn thực hiện nhất thiết phải có 3 Nghị định. Đó là các Nghị định về công tác quản lý sau cai nghiện, Nghị định về tổ chức cai nghiện tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng và trình tự thủ tục cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng và Nghị định về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004.

 Theo ông Trần Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, vì nội dung chính là thành quả đúc kết từ quá trình 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2003/ QH11 của Quốc hội khoá XI về cho phép thành phố Hồ Chí Minh và 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thí điểm việc “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý”, nên có thể nói việc xây dựng Nghị định về công tác quản lý sau cai nghiện khá công phu, đòi hỏi sự tập trung cao. Bên cạnh việc hư­ớng dẫn cụ thể về công tác quản lý sau cai nghiện, Nghị định cũng đưa ra các tiêu chí nhằm xác định các đối tượng sau cai nghiện có nguy cơ tái nghiện cao theo yêu cầu của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của  Luật Phòng, chống ma tuý. Hiện nay Nghị định đang xin ý kiến chính thức các Bộ, ngành đồng thời và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân  qua việc đăng tải trên Cổng thông tin Chính phủ. Dự kiến tháng 2/2009 Bộ LĐTB&XH sẽ trình Chính phủ phê duyệt Nghị định này.

Hai Nghị định còn lại là Nghị định về tổ chức cai nghiện tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng và trình tự thủ tục cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng (Nghị định kế thừa Nghị định số 56/2002/NĐ-CP ngày 15/5/2002 về tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng) và  Nghị định về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 (Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi) cũng sẽ hoàn tất nội dung và trình Chính phủ phê duyệt muộn nhất trong quý III năm nay. Đồng thời với việc xây dựng dự thảo Nghị định Bộ LĐTB&XH cũng đang xúc tiến việc xây dựng, dự thảo các Thông tư để khi các Nghị định được Chính phủ phê duyệt, địa phương có thể triển khai thực hiện được ngay.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây không phải là tiến độ ban hành các Nghị định hướng dẫn, mà chính là tính cấp thiết của việc thực thi luật vì cai nghiện luôn là vấn đề nhức nhối của xã hội và bản thân luật mới cũng có nhiều nội dung vẫn giữ nguyên các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 nên trong thực tế nhiều điều khoản không cần hướng dẫn vẫn có thể được triển khai thực hiện. Trả lời vấn đề này, Phó Cục trưởng Trần Việt Trung cho biết, trong khi chờ Chính phủ ban hành 3 Nghị định mới nói trên, những quy định tại hai Nghị định 56/2002/NĐ-CP và Nghị định 135/2004/NĐ-CP tạm thời vẫn được thực hiện như cũ cho tới khi có Nghị định mới thay thế. Riêng việc áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện (kể cả quản lý tại nơi cư trú và tại cơ sở quản lý sau cai nghiện) phải chờ Chính phủ phê duyệt Nghị định về công tác quản lý sau cai nghiện và hiệu lực của Nghị định sau 15 ngày đăng Công báo.

Trong khi chờ hiệu lực của Nghị định, người cai nghiện chấp hành xong thời hạn cai bắt buộc sẽ được tái hoà nhập cộng đồng như lâu nay. Trường hợp có người sau cai tình nguyện ở lại các Trung tâm cai nghiện hoặc Cơ sở quản lý sau cai nghiện sẽ được khuyến khích và các cơ sở nói trên làm thủ tục tiếp nhận tự nguyện cho họ. Mặt khác, các Trung tâm cai nghiện bắt buộc cần chuẩn bị một số điều kiện và thủ tục cần thiết về cơ sở vật chất, về phân loại học viên sắp hết thời hạn cai bắt buộc và xác định khả năng có nguy cơ tái nghiện cao…để khi Nghị định về công tác quản lý sau cai nghiện có hiệu lực có thể thực hiện được ngay, không gặp khó khăn, lúng túng.

Hồng Minh

Ưu đãi cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ, đầu tư vào hoạt động cai nghiện

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000  bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích mở rộng xã hội hoá công tác cai nghiện, phục hồi cho người nghiện ma tuý cũng bổ sung quy định về chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hỗ trợ, đầu tư vào hoạt động cai nghiện ma tuý, quản lý sau cai nghiện ma tuý và phòng, chống tái nghiện ma tuý. Theo luật nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức cai nghiện ma tuý, quản lý sau cai nghiện, phòng chống tái nghiện ma tuý sẽ bao gồm từ 3 nguồn: ngân sách Nhà nước; đóng góp của người cai nghiện ma tuý và gia đình họ; các nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài.


BÀI II: THẾ NÀO LÀ NGƯỜI CÓ NGUY CƠ TÁI NGHIỆN CAO?

Vì chuyện cai nghiện luôn là vấn đề nóng của nhiều cá nhân, gia đình cũng như  xã hội nên khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000 được thông qua và có hiệu lực, đã có không ít câu hỏi đặt ra như thế nào là người có nguy cơ tái nghiện cao? Và, liệu có thể hiểu việc bị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện chính tương đương với việc bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hay không?

Người có nguy cơ tái nghiện cao: chỉ cần thuộc một trong 5 trường hợp luật định

          Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH Trần Việt Trung, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, có một nội dung rất quan trọng đó là việc xác định các đối tượng có nguy cơ tái nghiện cao cần được áp dụng hình thức quản lý sau cai nghiện tại các cơ sở quản lý sau cai nghiện thay vì tại cộng đồng, nơi cư trú.  Để làm rõ quy định của luật, dự thảo Nghị định về công tác quản lý sau cai nghiện đã đưa ra 5 trường hợp cụ thể.

Đó là những người đã cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội từ  02 lần trở lên; có thời gian nghiện ma tuý từ  03 năm trở lên hoặc sử dụng ma tuý với hình thức tiêm chích từ 01 năm trở lên; có tiền án phạm tội về ma tuý; trong thời gian cai nghiện có hành vi vi phạm nội quy, quy chế của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, bị thi hành kỷ luật từ 02 lần trở lên; không có nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp nhưng không có việc làm ổn định trước khi vào cơ sở cai nghiện ma tuý.

Đối tượng đã hoàn thành xong thời gian cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc và có nguy cơ tái nghiện cao, chỉ cần thuộc một trong 5 trường hợp luật định trên sẽ bị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện tại các cơ sở quản lý sau cai nghiện. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền quyết định đưa người có nguy cơ tái nghiện cao vào cơ sở quản lý sau cai nghiện.

Quản lý sau cai nghiện có phải là biện pháp xử lý hành chính?

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Việt Trung khẳng định việc áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện đối với những người đã chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc tại các Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục- Lao động xã hội không phải là biện pháp xử lý hành chính. Vì, theo Điều 33 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, người đã chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc tại các Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục- Lao động xã hội sẽ được tiếp tục quản lý, giúp đỡ tại nơi cư trú hoặc tại Trung tâm quản lý sau cai nghiện (nếu có nguy cơ tái nghiện cao) với mục đích tiếp tục tạo điều kiện cho họ cách ly môi trường ma tuý, tiếp tục học văn hoá, học nghề và rèn luyện, phấn đấu để hoà nhập cộng đồng thuận lợi và chống tái nghiện có hiệu quả. Thế nên đây không phải là biện pháp xử lý hành chính. Mặt khác, các biện pháp xử lý hành chính cũng chỉ được áp dụng theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính được UBTVQH ban hành ngày 2/7/2002 và được sửa đổi, bổ sung ngày 2/4/ 2008 vừa qua. 

Trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào quản lý sau cai nghiện, người đang chấp hành có tiến bộ hoặc có thành tích xuất sắc thì được khen thưởng với các hình thức  biểu dương khen thưởng, đề nghị giảm hoặc miễn thời hạn chấp hành quyết định và các hình thức khác theo quy định của các địa phương và pháp luật. Người có vi phạm trong việc thực hiện biện pháp đưa vào quản lý sau cai nghiện tuỳ mức độ sẽ bị kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Nếu trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào quản lý sau cai nghiện, người đang chấp hành tái nghiện sẽ phải chuyển sang áp dụng biện pháp cai nghiện ma tuý. Việc xử lý hành vi này sẽ được điều chỉnh trong Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 đang được dự thảo.

Hồng Minh

Người bị quản lý sau cai tại Trung tâm được hưởng tiền công lao động và gửi tiết kiệm

          Theo dự thảo Nghị định về công tác quản lý sau cai nghiện, trong thời gian tại  cơ sở quản lý sau cai nghiện (còn gọi là Trung tâm ), người sau cai phải chịu sự  quản lý, giáo dục, chấp hành chế độ học tập, sinh hoạt, lao động và rèn luyện theo quy định; được tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao, giải trí và các sinh hoạt tập thể khác do Trung tâm tổ chức; được tiếp tục học văn hoá các lớp và tuỳ theo khả năng và nhu cầu, được học nghề, nâng cao tay nghề trên cơ sở điều kiện và khả năng tổ chức của Trung tâm quản lý sau cai nghiện.

Đặc biệt, người được quản lý sau cai tại Trung tâm được hưởng tiền công lao động theo định mức lao động và kết quả công việc hoàn thành. Tiền công lao động được dùng để cải thiện đời sống và sinh hoạt, số tiền còn lại được gửi tiết kiệm. Khi người bị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện chấp hành xong quyết định và tái hoà nhập cộng đồng thì được nhận lại số tiền đã gửi tiết kiệm.