Uỷ ban pháp luật của Quốc hội vừa tổ chức Phiên họp thứ 9 tại Thành phố Hồ Chí Minh để thẩm tra Đề án Tổng rà soát hệ thống pháp luật do Bộ Tư pháp trình. Tổng hợp các ý kiến cho thấy, cần thiết phải tiến hành tổng rà soát hệ thống văn bản pháp luật hiện nay.
Theo Đề án do Bộ Tư pháp xây dựng, đối tượng thực hiện tổng rà soát là các văn bản quy phạm pháp luật do các chủ thể có thẩm quyền ban hành từ ngày 02/7/1976; những văn bản đã được công bố có hiệu lực trên toàn quốc theo Nghị quyết số 76/CP ngày 25/3/1977 của Hội đồng Chính phủ về vấn đề hướng dẫn thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất cho cả nước.
Dự kiến, Đề án này sẽ được triển khai thực hiện từ năm 2009 đến 2012. Trong đó, giai đoạn từ 01/6/2009 đến 31/12/2010, thực hiện rà soát các văn bản của các cơ quan nhà nước ở Trung ương; giai đoạn từ 01/01/2011 đến 31/12/2012, thực hiện rà soát các văn bản của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp.
Chủ trì phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề nghị các uỷ viên Uỷ ban tập trung thảo luận một số nội dung cơ bản của Đề án như: sự cần thiết tiến hành tổng rà soát, đối tượng, phạm vi, lộ trình, quy trình thực hiện và việc thành lập ban chỉ đạo tổng rà soát...
Về cơ bản, các đại biểu đánh giá cao chất lượng Đề án do Bộ Tư pháp soạn thảo và cho rằng, triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án này sẽ góp phần “làm sạch” hệ thống văn bản pháp luật, loại bỏ được những văn bản mâu thuẫn, chồng chéo, văn bản ban hành không đúng thẩm quyền...
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng, tổng rà soát hệ thống văn bản pháp luật là việc làm cần thiết vì, hiện có nhiều chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mỗi chủ thể lại có thẩm quyền ban hành nhiều hình thức văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, dẫn đến hậu quả là hệ thống pháp luật của nước ta rất cồng kềnh, khó tiếp cận, có nhiều mâu thuẫn, trùng lặp, chồng chéo; nhiều văn bản, nhiều quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, việc thi hành chưa nghiêm; chưa đáp ứng được các yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đời sống kinh tế - xã hội và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Tuy nhiên, một số nội dung trong Đề án còn có ý kiến khác nhau như đối tượng, phạm vi của Đề án; Đề án này trình ai? có cần thiết thành lập Ban chỉ đạo không?... Về những nội dung này, có ý kiến cho rằng, đây là những vấn đề liên quan đến chủ trương, cần báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Khánh Ngọc