Theo sự chỉ dẫn nhiệt tình của đồng chí phó Ban Tư pháp xã, chúng tôi tìm đến thăm bác Lê Văn Lương - tổ trưởng tổ hoà giải thôn Thái Lãng, xã Trực Nội, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định - người có hơn 11 năm tham gia công tác hoà giải. Ấn tượng đầu tiên của tôi về bác là một người tầm thước, bình dị như bao người dân quê thuần chất khác. Với giọng nói trầm ấm, bác đã giúp chúng tôi hiểu thêm về công việc hoà giải của mình.
Sau 18 năm trong quân ngũ, đã từng được Nhà nước trao tặng huân, huy chương kháng chiến, năm 1989 với đồng lương nghỉ chế độ mất sức, bác Lương vẫn tích cực tham gia vào công tác xã hội ở địa phương. Thôn Thái Lãng nơi bác sống có 4 đội sản xuất, 1450 khẩu, 410 hộ xã viên, phần đông dân cư sống bằng nghề nông thuần tuý, nhưng công tác hoà giải, bác nói có nhiều vấn đề cần phải bàn lắm.Tuy phải đảm đương nhiều chức danh như: Bí thư chi bộ, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng tồ hoà giải, bác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tổ hoà giải gồm 15 người, hầu hết là các cựu chiến binh, cán bộ hưu chí, một số là thành viên của Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ,…Người trẻ nhất mới 24 tuổi, người cao tuôi nhất đã 76 tuổi. Khi chúng tôi hỏi về kết quả hoà giải bác chỉ cười: “Thời gian lâu quá rồi, tôi không nhớ hết đã có bao nhiêu việc nữa, nhưng hơn 10 năm qua, 100% các vụ mâu thuẫn, xích mích trong nhân dân đều được Tổ hoà giải tiến hành hoà giải thành công, trong thôn không xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp, mọi người chung sống hoà thuận, rất ít khi có tình trạng cãi vã, lời qua tiếng lại”. Đây là kết quả mà bất kì một cán bộ hoà giải nào cũng mong muốn.
Chỉ riêng năm 2008, được sự quan tâm, giúp đỡ hết sức nhiệt tình của UBND xã Trực Nội, bác cùng tổ, hoà giải 5 vụ việc, trong đó có 2 vụ việc về tranh chấp đất đai, 3 vụ việc về mâu thuẫn trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Tiêu biểu như: Chuyện chú cháu nhà anh T tranh nhau quyền sử dụng chiếc ao chung, được biết trước đây chiếc ao này là của chung 2 nhà, nhưng khi con đường gần đó được mở ra, 2 gia đình mới phát sinh quyền lợi làm chủ phần ao giáp mặt đường để sau đó san lấp đi lấy chỗ buôn bán. Mâu thuẫn ngày càng tăng, hai bên nhiều lần to tiếng gây mất trật tự thôn và đã làm đơn kiện nhau tới xã, bác Lương cùng tổ hoà giải phải đi lại rất nhiều lần khuyên can, vận dụng pháp luật để giải thích, thuyết phục. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của các thành viên tổ hoà giải, sau 1 thời gian, 2 chú cháu anh T đã hiểu ra, tự nguyện rút đơn kiện và hiện nay lại sống hoà thuận, vui vẻ. Hay chuyện gia đình chị X và chị M ở cạnh nhau, vốn có thành kiến không tốt về nhau, đến khi gia đình chị X bị mất 1 chỉ vàng mâu thuẫn trở nên không thể tự giải quyết. Chị X một mực nghi cho người nhà chị M lấy cắp, mối quan hệ giữa hai gia đình lại càng trở nên xấu đi, 2 gia đình thường xuyên cãi cọ, chửi mắng nhau làm mất trật tự thôn xóm. Sau 4 năm, cùng với sự kiên trì hoà giải của bác và các thành viên Tổ hoà giải thôn Thái Lãng, 2 gia đình đã hiểu và không còn lời qua tiếng lại, đặc biệt mâu thuẫn đã chấm dứt hoàn toàn khi gia đình chị X sửa lại nhà, một người thợ cùng làng đã phát hiện được chỉ vàng đó và trả lại cho chị X.
Nói về kinh nghiệm hoà giải, bác Lương cho biết biện pháp chính vẫn là đưa những người có uy tín, có khả năng thuyết phục tốt để xoa dịu các mâu thuẫn, xích mích rồi sau đó tác động dần dần; đặc biệt đối với những mâu thuẫn lớn giữa các gia đình bác Lương và tổ hoà giải còn mời trưởng họ hoặc đại diện chủ gia đình, dòng tộc tham gia hoà giải và ký cam kết không để tái diễn mâu thuẫn. Khi được hỏi về mong muốn của mình, bác Lương nói: “Tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa, mở thêm nhiều các lớp tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hoà giải, cung cấp thêm các tài liệu pháp luật để chúng tôi nghiên cứu, phục vụ công tác cho tốt, vì muốn giúp được người ta thì chính mình phải hiểu và thực hiện tốt pháp luật trước đã, nếu không thì ai tin, ai nghe mình”.
Bằng những thành tích như thế, bác Lương nhiều năm liền đã được xã biểu dương, được UBND huyện Trực Ninh tặng giấy khen và mới đây đã được chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác hoà giải cơ sở (giai đoạn 1998-2008).
Trần Hồng Nhung- Sở Tư pháp Nam Định