Trang thông tin điện tử có vai trò quan trọng trong việc triển khai Chính phủ điện tử vì đó là một công cụ hữu hiệu để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội giao dịch với các cơ quan nhà nước thông qua môi trường điện tử một cách thuận lợi và minh bạch.
Từ đầu năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát và đánh giá tính hiệu quả của các trang thông tin điện tử dựa trên tiêu chí về mức độ truy cập và số dịch vụ hành chính công trực tuyến của các Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả của đợt khảo sát đầu tiên này đã được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố vào tháng 7 năm 2008. Đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực CNTT trực tiếp tiến hành đánh giá trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Kết quả công bố đã được cộng đồng xã hội quan tâm và tham gia đóng góp ý kiến.
Dựa trên kinh nghiệm của đợt khảo sát lần thứ nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp tục xây dựng phương án khảo sát, đánh giá trang thông tin điện tử lần thứ hai với đối tượng khảo sát được mở rộng hơn bao gồm các Bộ, một số cơ quan ngang Bộ và địa phương. Các tiêu chí đánh giá được xây dựng dựa trên các nguyên tắc đảm bảo tính minh bạch và đơn giản để xã hội có thể kiểm chứng được, tiêu chí về cung cấp thông tin bao gồm 08 nội dung về mức độ cung cấp thông tin của các trang thông tin điện tử (theo quy định trong Khoản 2 Điều 28 của Luật CNTT) và 02 tiêu chí được sử dụng trong lần đánh giá thứ nhất là chỉ số truy cập đến các trang thông tin điện tử và số dịch vụ hành chính công. Các trang thông tin điện tử được xếp hạng theo từng tiêu chí, sau đó được gán điểm và tổng điểm của các trang thông tin sẽ được sử dụng đểxếp hạng chung.
Tiêu chí cung cấp thông tin bao gồm mức độ giới thiệu về tổ chức; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan và của từng đơn vị trực thuộc; giới thiệu về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và văn bản pháp luật có liên quan; giới thiệu về quy trình, thủ tục hành chính được thực hiện bởi các đơn vị trực thuộc, tên của người chịu trách nhiệm trong từng khâu thực hiện quy trình, thủtục hành chính, thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính; cung cấp các thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách, chiến lược, quy hoạch chuyên ngành; cung cấp danh mục địa chỉ thư điện tử chính thức của từng đơn vịtrực thuộc và cán bộ, công chức có thẩm quyền; cung cấp thông tin về dự án, hạng mục đầu tư, đấu thầu, mua sắm công, cung cấp danh mục các hoạt động trên môi trường mạng đang được cơ quan thực hiện; xây dựng mục lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân. Cách đánh giá các nội dung này được thực hiện qua các nội dung còn được gán điểm theo mức độ quan trọng.
Mức độ truy cập được tính theo số truy cập trên toàn thế giới do Alexa cung cấp, chia cho dân số nếu là trang thông tin điện tử của các địa phương. Dựa trên mức độ truy cập, các trang thông tin điện tử sẽ được phân thành các nhóm có mức độ truy cập bằng nhau. Nhóm trang thông tin điện tử có mức truy cập cao nhất sẽ được 40 điểm.
Khái niệm chi tiết về dịch vụ hành chính công được giữ nguyên như trong lần đánh giá thứ nhất. Điểm tính cho các mức cung cấp dịch vụhành chính công trực tuyến là 1 điểm cho mức một, 2 điểm cho mức hai, 4 điểm cho mức ba và 8 điểm cho mức bốn. Tổng số điểm sẽ được dùng để phân hạng các trang thông tin điện tử về mức độ triển khai dịch vụ hành chính công. Nhóm trang thông tin điện tửcó mức độ triển khai dịch vụ hành chính công cao nhất sẽ được 80 điểm.
Kết quả đánh giá trang thông tin điện tử lần này của các Bộ và cơ quan ngang Bộ sẽ được công bố theo ba phần riêng biệt: (a) Mức độ cung cấp thông tin, (b) Mức độ cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến, và (c) Mức độ truy cập theo Alexa. Ngoài ra, trang thông tin điện tử của các địa phương sẽ được xếp hạng tổng hợp dựa trên cả ba nhóm tiêu chí bao gồm mức độ cung cấp thông tin, mức độ cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến và mức độ truy cập. Chi tiết vê cách tính điểm các tiêu chí và điểm tổng hợp của các trang thông tin điện tử có thể tham khảo trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông tại http://www.mic.gov.vn.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được phản hồi của 59 địa phương và 19 Bộ và cơ quan ngang Bộ trong đó Yên Bái và Điện Biên báo cáo không có trang thông tin điện tử, Ninh Bình có báo cáo nhưng trang thông tin điện tử đang được nâng cấp. Các địa phương Sóc Trăng, Hòa Bình, Lai Châu và Đắc Nông chưa có báo cáo và trang thông tin điện tử không truy cập được. Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng thông báo kết quả khảo sát trang thông tin điện tử lần thứ hai của các Bộ, một số cơ quan ngang Bộ và địa phương theo các tiêu chí đánh giá trên với dữ liệu đã thu thập được như sau:
Bấm vào đây để xem bảng xếp hạng
(Theo Bộ Thông tin và Truyền thông)