Trong điều kiện phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp trong nền kinh tế nước ta đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) hiện đang đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước phát triển, góp phần nâng cao uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, muốn các doanh nghiệp hoạt động đúng hướng, có hiệu quả cao lại rất cần đến công tác quản lý nhà nước trong đó có việc hỗ trợ và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh việc thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ theo lộ trình cải cách hành chính, mối quan hệ giữa các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đối với luật pháp đang trở nên ngày càng cần thiết, nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới WTO.
Để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DNV&N phát triển, thời gian qua, nhà nước ta đã có nhiều chính sách như: Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho DNN&V giai đoạn 2004 - 2008 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 143/2004/QÐ-TTg ngày 10/8/2004; Chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại (XTTM) bao gồm một số chương trình lớn như: chương trình XTTM trọng điểm, chương trình phát triển thương hiệu quốc gia và chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng XTTM trong và ngoài nước. Mục tiêu xuyên suốt của các chương trình lớn này là tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm và hình ảnh của đất nước Việt Nam, từ đó thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tìm thêm đối tác làm ăn, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Cùng với các chương trình trên, cơ chế tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng thường xuyên được bổ sung, sửa đổi theo nguyên tắc của cơ chế thị trường, tiếp cận thông lệ quốc tế. Ðến nay, các cơ chế, chính sách về tín dụng đối với nền kinh tế (trong đó có DNN&V) đã ban hành tương đối đồng bộ. Ngân hàng Nhà nước không còn sự can thiệp hành chính đối với việc cho vay của các tổ chức tín dụng; tổ chức tín dụng được tự chủ xem xét, quyết định và tự chịu trách nhiệm về việc cấp tín dụng cho các DNN&V phù hợp quy định của pháp luật. Các quy chế mới của hệ thống Ngân hàng Nhà nước đã thật sự tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Song song với các cơ chế, chính sách nêu trên, việc hỗ trợ và tiếp cận nguồn thông tin pháp lý đặc biệt được nhà nước ta coi trọng. Điều này thể hiện qua việc ngày 28/5/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Theo đó, bên hỗ trợ là các cơ quan Nhà nước, còn bên nhận sự hỗ trợ là tất cả các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động. Đây là lần đầu tiên hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được hợp pháp hóa trong một văn bản pháp luật ở mức Nghị định với những quan điểm tiến bộ của Nhà nước ta coi doanh nghiệp như "đối tượng phục vụ". Nghĩa là Nhà nước thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như là một chức năng, nhiệm vụ của mình, thông qua các hoạt động: Xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp (Điều 7); Xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật (Điều 8); Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp (Điều 9); Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp (Điều 10); Tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật (Điều 11); Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (Điều 12)...
Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ra đời đã đáp ứng được niềm mong mỏi của doanh nghiệp từ bấy lâu nay, nhiều băn khoăn, thắc mắc của giới kinh doanh đã được giải đáp. Với nguyên tắc, hỗ trợ pháp lý được thực hiện đối với mọi doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động. Hoạt động hỗ trợ pháp lý được thực hiện bằng các hình thức phù hợp. Các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được xây dựng căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, của từng vùng, ngành, lĩnh vực và nhu cầu của từng đối tượng được hỗ trợ và hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện trên nguyên tắc có sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp. Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, như trách nhiệm của các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là phải chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp; tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định. Có ít nhất hai trong số nhiều hình thức khác nhau mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp và xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, các Bộ tổ chức xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên Trang thông tin điện tử chính thức của Bộ, trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng, quy trình, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương ban hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên Trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp được tiếp cận, sử dụng miễn phí thông tin đăng tải trên trang thông tin điện tử được luật pháp quy định. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp luật mà chưa được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Bộ, UBND cấp tỉnh thì doanh nghiệp có quyền đề nghị Bộ, UBND cấp tỉnh cập nhật văn bản đó. Các Bộ biên soạn tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. UBND cấp tỉnh biên soạn tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương ban hành có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và tổ chức phổ biến tài liệu giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật do doanh nghiệp tại địa phương. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng và phổ biến kiến thức cho doanh nghiệp cũng được đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Hiện nay, vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp là việc giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp đối với các cơ quan hữu quan còn nhiều hạn chế. Do vậy, Nghị định quy định doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Trong trường hợp việc giải đáp pháp luật của cơ quan chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan có liên quan giải đáp. Việc giải đáp pháp luật được thực hiện thông qua các hình thức như giải đáp bằng văn bản; giải đáp thông qua mạng điện tử; giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại và các hình thức khác theo quy định của pháp luật cũng luôn được đặt ra và thực hiện thỏa đáng.
Mục tiêu của chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp. Đây chính là nhu cầu hết sức quan trọng đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cao hơn nữa là đòi hỏi của chính nền kinh tế khi cộng đồng doanh nghiệp đã và đang đóng vai trò là xương sống của nền kinh tế Việt Nam.
Việc trợ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển DNN&V thông qua các chính sách phù hợp thông lệ và các cam kết WTO trong bối cảnh hiện nay đã và đang là một vấn đề lớn và hết sức cần thiết, cấp bách. Vì vậy, ngoài sự phát huy nội lực, chủ động và tự tin đi lên của từng doanh nghiệp, cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành, các tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp khác của cả đất nước, trong đó việc thực thi Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp có được thế đứng vững chắc, hạn chế rủi ro trong sân chơi chung thương mại toàn cầu./.
N.C