Từ pháp luật truyền thống đến “pháp luật số” - Sự thay đổi trong tư duy pháp lý
05/03/2025
Thực tế cho thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ khó có thể đi liền với sự điều chỉnh kịp thời của pháp luật, ngay cả ở những quốc gia đã có những bước tiến đáng kể về ứng dụng công nghệ như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn đang không ngừng hoàn thiện khung pháp luật để đáp ứng các yêu cầu mới của thời đại công nghệ số. Nếu như pháp luật theo cách hiểu truyền thống chủ yếu điều chỉnh các quan hệ hữu hình như tài sản, hợp đồng giấy, giao dịch giữa các cá nhân… thì ngày nay, chúng ta phải đối diện với một thế giới pháp lý mới - nơi mà dữ liệu trở thành tài sản, hợp đồng có thể được thực hiện thông qua công nghệ blockchain, và trí tuệ nhân tạo thậm chí có thể thay con người đưa ra quyết định quan trọng… Trước bối cảnh đó, thuật ngữ “pháp luật số” ngày càng được quan tâm và việc phân biệt “pháp luật số” với pháp luật truyền thống cũng như nhận diện sự cần thiết phải thay đổi tư duy pháp lý để thích ứng với những chuyển động của thời đại số trở nên rất cấp thiết. Bài viết này sẽ phân tích sự khác biệt giữa pháp luật truyền thống và pháp luật số, đồng thời nhận diện những thay đổi tất yếu trong tư duy pháp lý cần có để đảm bảo sự thích ứng với thực tế mới.