Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2008: Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng"

05/12/2008
Chiều nay, 5/12/2008, Hội nghị chính thức Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2008 đã họp phiên bế mạc và kết thúc bằng những cam kết mạnh mẽ trong viện trợ ODA cho Việt Nam với mức 5,014 tỷ USD cho năm 2009.

 CG 2008 đã diễn ra trong 2 ngày 4-5/12/2008. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.  Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc và Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương James W. Adams đồng chủ trì Hội nghị.

Với tiêu đề "Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng", CG 2008  bao gồm đại diện các định chế tài chính và tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF); Liên hợp quốc (UN)..., đại diện chính phủ các nước viện trợ.

Tham dự hội nghị, về phía Việt Nam có lãnh đạo cấp cao của Chính phủ và đại diện các bộ, ngành. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp tham gia Đoàn đại biểu Chính phủ dự Hội nghị này.

CG 2008 đánh dấu 15 năm tổ chức và nối lại quan hệ giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế (1993-2008). Đây là dịp để Việt Nam và các nhà tài trợ nhìn lại những thành tựu đã đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá cho công cuộc xây dựng, đổi mới trong thời gian tới.

Trong 2 ngày họp, các đại biểu Việt Nam và quốc tế tham dự Hội nghị đã tập trung thảo luận về 5 nhóm vấn đề: 1) Tình hình kinh tế vĩ mô và chính sách của chính phủ (Báo cáo về tình hình Kinh tế - xã hội năm 2008 và Đánh giá giữa kỳ của việc thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2006 – 2010 và mục tiêu Thiên niên kỷ; Đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô của Việt nam; Báo cáo của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt nam: thách thức chủ yếu đối với môi trường đầu tư; cập nhật tình hình đói nghèo ở Việt Nam; Cơ hội và thách thức trong cải cách tài chính cho lĩnh vực y tế); 2) hài hoà thủ tục và hiệu quả viện trợ (Đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Tuyên bố Paris và Cam kết Hà Nội; Kế hoạch thực hiện Chương trình Accra); 3) Quản trị công và cải cách thể chế (Phòng chống tham nhũng; Cải cách hành chính công); 4) Biến đổi khí hậu (Chương trình mục tiêu quốc gia về thích ứng với thay đổi khí hậu và việc thực hiện Chương trình này) và; 5) Cam kết ODA và các hỗ trợ của cộng đồng tài trợ.

Kết thúc Hội nghị, cam kết viện trợ ODA mà các nhà tài trợ dành cho Việt Nam năm 2009  là 5,014 tỷ USD  cho năm 2009 (không kể Nhật Bản).  Ngoài sự cố Nhật Bản tạm ngưng cấp vốn vay ưu đãi, lượng ODA cho năm 2009 không quá bi quan khi xét tới điều kiện kinh tế thế giới đang suy thoái như hiện nay. Phần lớn các đối tác đều tăng mức cam kết. Trong tổng vốn 5,014 tỷ USD, Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết lớn nhất với 1,66 tỷ USD. ADB cam kết 1,566 tỷ USD, tăng hơn 200 triệu USD. Riêng EU giảm cam kết gần 70 triệu USD xuống còn 893,4 triệu USD.

 Tại buổi họp báo bế mạc hội nghị chiều nay, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết Việt Nam lấy làm tiếc vì Nhật Bản tuyên bố ngừng các dự án ODA mới ở Việt Nam. Theo ông, nếu không có sự cố này, cam kết ODA dành cho Việt Nam có thể vượt 6 tỷ USD - một con số kỷ lục từ trước tới giờ.

"Việt Nam cảm ơn Đại sứ Nhật Bản đã có tuyên bố về vấn đề này. Hiện nay, Nhật Bản vẫn là đối tác lớn của Việt Nam. Việt Nam hy vọng Uỷ ban hỗn hợp của hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ để giải quyết những vấn đề đang cản trở ODA cho Việt Nam. Hy vọng Uỷ ban sẽ làm việc sớm có kết quả để tôi và ngài Đại sứ có thể sớm ký công hàm về ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam vào đầu năm 2009", Bộ trưởng Phúc nhấn mạnh. Bộ trưởng cũng cho biết thêm, Việt Nam cam kết hành động để công cuộc chống tham nhũng thành công, nếu không, sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế cũng như công bằng xã hội.

Trước thềm Hội nghị CG 2008, vào ngày 1.12 đã diễn ra Diễn đàn DN VN- một hoạt động thường niên gắn với CG do Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức.

Tin tức chi tiết về Hội nghị này sẽ được cập nhật thêm.

  Đặng  Hoàng Oanh,  Vụ Hợp tác quốc tế -  Bộ Tư pháp



EMC Đã kết nối EMC