Phòng chống lây nhiễm HIV: Đã đến lúc để can thiệp

29/07/2008
Trong hai ngày (28-29/7), tại Hà Nội, Uỷ ban quốc gia về phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tổ chức hội nghị chuyên đề “can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện”. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, đại diện các Bộ, ban, ngành TƯ, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống AIDS và ma tuý các địa phương, cùng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã đến tham dự hội nghị.

83,3% người nhiễm HIV trong nhóm tuổi từ 20-39

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Triệu - Bộ trưởng Bộ Y tế , Phó Chủ nhiệm Uỷ ban quốc gia về phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm - vào ngày 28/7. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm 2008, đại dịch HIV/AIDS ở nước ta có xu hướng tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2007, trong đó tỷ lệ nhiễm HIV của nam giới cao gấp 6 lần nữ giới. Số trường hợp nhiễm HIV trong nhóm tuổi từ 20-39 chiếm tới 83,3% cho thấy nguy cơ đáng báo động về chất lượng lực lượng lực lượng lao động ở nước ta trước mối đe doạ của đại dịch HIV/AIDS.

Đa phần các trường hợp nhiễm HIV ở nước ta là nghiện chích ma tuý hoặc có liên quan đến ma tuý, mà nguyên nhân chủ yếu là do dùng chung bơm kim tiêm trong tiêm chích ma tuý và quan hệ tình dục không an toàn. Tỷ lệ người nghiện chích ma tuý quan hệ tình dục với gái mại dâm trong vòng 12 tháng qua trên cả nước là những con số không thể làm ngơ (như ở An Giang là 43,3%; Đà Nẵng 35,2%; Cần Thơ 28,9%; TP.HCM 27,9%...). Đại dịch HIV/AIDS đã trở nên quá nguy hiểm khi ở nước ta tính đến 31/3/2008, 100% tỉnh, TP trực thuộc TƯ; 97% số huyện và 67% số xã có người nhiễm HIV.

Tình hình dịch HIV ở nước ta đang trong giai đoạn tập trung với những con số báo động. Bộ Y tế dự báo trong những năm tiếp theo, lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma tuý vẫn có nguy cơ phát triển với tốc độ “phi mã”. Do đó, các tổ chức quốc tế khuyến cáo, đây là thời điểm thích hợp để triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại nhằm ngăn chặn sự gia tăng đột biến số người nhiễm HIV trong nhóm có nguy cơ cao (người nghiện chích ma tuý, gái mại dâm…).

Đã đến lúc can thiệp

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho rằng, tỷ lệ người nghiện ma tuý và nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng nên việc phòng chống tệ nạn ma tuý và việc lây nhiễm HIV trong nhóm những người nghiện ma tuý và từ nhóm này ra cộng đồng là hết sức cần thiết. Kinh nghiệm của thế giới và Việt Nam cho thấy, chỉ hoạt động cai nghiện mới ngăn chặn đượng lây nhiễm HIV. Chương trình bơm kim tiêm, bao cao su và điều trị nghiện các chất gây nghiện bằng thuốc ở các nước đã giúp khống chế lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện ma tuý xuống dưới 2%. Thực tế nghiên cứu ở TP.HCM cho thấy, nếu đầu tư 900 USD cho chương trình dự phòng sẽ phòng tránh cho 01 người không bị nhiễm HIV.

Nhận thức được tầm quan trọng của chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV do tiêm chích ma tuý, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung chỉ đạo để giải quyết quyết liệt để chủ động phòng chống đại dịch HIV/AIDS có hiệu quả. Chương trình can thiệp giảm tác hại được coi là 1 trong 4 chương trình ưu tiên của Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Chương trình này cũng đã được đưa vào Luật Phòng chống HIV/AIDS và được coi là “quả đấm thép” trong việc khống chế lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao và từ nhóm này ra cộng đồng. Trong năm 2007, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ LĐTB&XH tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công tác tiến hành chương trình can thiệp giảm tác hại (với các chương trình cụ thể như cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch; cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su; các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, khám bệnh…) ở các địa phương. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn đến 22 tỉnh, TP trực thuộc TƯ chưa triển khai Chương trình can thiệp giảm tác hại, khiến độ “che phủ” của Chương trình còn rất thấp…

Có rất nhiều nguyên nhân để Chương trình Can thiệp giảm tác hại chưa phát huy được hiệu quả trong công tác phòng chống lây nhiễm HIV ở các địa phương. Thực tế cho thấy, sự đối xử, kỳ thị đối với người nghiện chích ma tuý, người bán dâm còn rất nặng nề khiến những đối tượng này luôn lẩn tránh, không tham gia các hoạt động của Chương trình. Điều đó dẫn đến nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, Chương trình đang đứng trước một vấn đề nan giải là nhân lực và tài chính. Hiện nay, Chương trình chủ yếu được triển khai nhờ các nguồn viện trợ nước ngoài và hầu hết sẽ kết thúc vào năm 2011, trong khi các địa phương lại chưa có đầu tư thích đáng cho hoạt động can thiệp, giảm tác hại. Đội ngũ cán bộ, cộng tác viên cho Chương trình (mới được thành lập) chưa được hưởng một chính sách bồi dưỡng phù hợp dù họ thường xuyên phải tiếp xúc với nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nên không thu hút được nhiều người tham gia…

Trong quá trình phát triển, Việt Nam luốn chú trọng công tác phòng chống HIV/AIDS nhằm nâng cao chất lượng dân số và đời sống xã hội. Với những kinh nghiệm trong việc triển khai Chương trình can thiệp giảm tác hại thời gian qua, hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục có những chiến lược, kế hoạch “mạnh tay” hơn để thực hiện tốt công tác dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS./.

 Hương Giang