Dự thảo Luật THADS: Toà án ra quyết định, cơ quan THADS thi hành

03/03/2008
Dự thảo Luật THADS: Toà án ra quyết định, cơ quan THADS thi hành
Như tin đã đưa, tại hội thảo khoa học góp ý xây dựng Luật THADS (do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Dự án STAR Việt Nam tổ chức ngày 27/2), các đại biểu đã có nhiều ý kiến nhằm trao đổi và làm rõ hơn các qui định trong dự thảo 5 Luật THADS. Dưới đây là một vài ý kiến mà PLVN đã ghi nhận được.

Ông John Bentley – Cố vấn trưởng Pháp luật STAR Việt Nam: Dự thảo có nhiều đột phá, thay đổi tốt so với pháp luật về THADS của Việt Nam trước đến nay.

Những qui định của dự thảo về quyền hạn của CHV theo tôi là rất tiến bộ, tuy nhiên những quyền đó vẫn chưa đủ để CHV có thể thực hiện tốt chức trách của mình, nhất là trong điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay. Hơn nữa, theo tôi biết, việc THADS hiện nay ở Việt Nam cần có sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát. Đương nhiên để hai bên có thể phối hợp thì cần thời gian và vô hình chung sẽ góp phần làm chậm tiến độ THA.Vì vậy, cần phải bổ sung thêm một số quyền nữa cho CHV như các quyền của cảnh sát hỗ trợ tư pháp.

Tôi đặc biệt nhấn mạnh qui định của dự thảo về nghĩa vụ xác minh điều kiện THA của người phải THA thuộc về người được THA và cơ quan THADS sẽ làm việc này khi người được THA không thể thực hiện được nghĩa vụ này. Đây là một khởi đầu tốt. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế -- xã hội của Việt Nam hiện nay thì không nhất thiết người được THA phải chứng minh đã làm mọi cách vẫn không thể xác minh được điều kiện THA của người phải THA như qui định trong dự thảo, mà chỉ cần người được THA yêu cầu cơ quan THADS xác minh thì cơ quan THADS có thể làm và thu một khoản phí (rất nhỏ). Bên cạnh đó, nên qui định cho toà án quyền khai thác thông tin về tài sản của người phải THA bằng hình thức hỏi, truy vấn trong quá trình tố tụng hoặc sau khi đã ban hành bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Như thế sẽ giúp cho cơ quan THADS nhất nhiều khi xác minh điều kiện THA của người phải THA. Dự thảo cũng nên có những qui định tổng quát để người được THA có thể thực hiện được quyền yêu cầu THA và các quyền yêu cầu khác trong quá trình THA.

Và, để rút gọn thủ tục hành chính thì nên qui định để toà án sau khi ra phán quyết giải quyết vụ việc có thể ban hành ngay quyết định THA với nội dung cụ thể về số lượng tiền, tài sản phải THA, lãi suất mà người phải THA phải chịu nếu chậm THA… cho cơ quan THA thi hành. Như vậy cơ quan THADS chỉ phải thực hiện phán quyết của Toà án mà không cần phải ra thêm một quyết định nào nữa.

Ông Nguyễn Thái Hoà – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Thăng Long (Hội Luật gia Việt Nam): Vướng mắc trong THADS đến từ nhiều phía

THADS là lĩnh vực có nhiều vướng mắc nhất trong hoạt động THA mà những vướng mắc đó lại đến từ nhiều phía chứ không chỉ từ phía cơ quan THADS. Do đó, cần làm rõ hơn các qui định về mối quan hệ, hay đúng hơn là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, các tổ chức và cơ quan THADS để tạo thuận lợi cho việc THA, nhất là mối quan hệ của Toà án với cơ quan THADS và trách nhiệm của Toà án trong quá trình THA – một giai đoạn của tố tụng. Theo qui định hiện hành, Toà án ra bản án, quyết định giải quyết các vụ việc dân sự, còn việc THA là của cơ quan THADS. Trong khi đó, những vướng mắc chính trong THADS lại chính là từ nội dung bản án, quyết định của Toà án. Nhiều bản án, quyết định của Toà án được tuyên không rõ ràng, gây khó khăn rất nhiều cho các Chấp hành viên (CHV) khi thực hiện THA. Vì vậy, trong dự thảo Luật THADS này nên qui định cho Toà án quyền ra quyết định THA vì đây là cơ quan có thể ra quyết định THA đúng nhất và tốt nhất.

Bên cạnh đó, không nên bổ sung cho CHV quyền khởi tố bị can, khám xét vì đây là những quyền ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, không phải cơ quan nào cũng thực hiện được. Còn về vấn đề xã hội hoá hoạt động THA thì phải qui định cụ thể cơ quan, tổ chức nào được tham gia để hạn chế khả năng gây ra những tiêu cực trong hoạt động THADS.

Ông Phạm Quốc Anh – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam: Không nên kéo dài thời hiệu THA. 

Theo dự thảo, thời hiệu THA là 3 năm (như qui định trong Pháp lệnh THADS 2004) nhưng đây thực chất là thời hiệu yêu cầu THA, nghĩa là nếu trong thời hạn 3 năm mà người có quyền yêu cầu THA không thực hiện quyền này hoặc sau thời hạn này mới yêu cầu mà không có lý do chính đáng để khôi phục lại thời hiệu thì người đó mất quyền yêu cầu THA. Còn nếu qui định thời hiệu THA theo hướng phù hợp với pháp luật dân sự (đối với động sản là 10 năm; bất động sản là 30 năm; giao dịch có bảo đảm là 20 năm; quyền nhân thân là 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật) thì là quá dài. Theo tôi, nên qui định thời hiệu THA tối đa là 10 năm, chứ không nên để lâu dễ khiến mọi chuyện thay đổi, ảnh hưởng đến hiệu quả THA và quyền lợi của những người liên quan.

Bà Lê Thu Hà – Trưởng khoa CHV và các chức danh tư pháp khác (Học viện Tư pháp): Cần giải quyết vấn đề đội ngũ CHV trước khi tính đến những chuyện khác.

 Theo tôi, những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động THADS một phần là từ đội ngũ CHV. Do vậy, cần quan tâm, điều chỉnh và xây dựng một đội ngũ CHV đảm bảo được yêu cầu của công tác THA, nhưng không cần những điều kiện quá cao mà dự thảo đã qui định. Họ chỉ cần được bồi dưỡng nghiệp vụ đầy đủ, nghiêm túc là có thể thực thi được nhiệm vụ đúng pháp luật. Hơn nữa, cũng không nên bổ nhiệm CHV theo nhiệm kỳ và cũng không nên có qui định dẫn đến quan niệm CHV cấp huyện không bằng CHV cấp tỉnh. Trước hết, cơ quan THADS dù ở cấp nào cũng phải làm các công việc như nhau, có thể mức độ, phạm vi có khác nhau nhưng nhiệm vụ của họ về bản chất là giống nhau. Sau đó, THA là một công việc đòi hỏi phải có tâm huyết, kinh nghiệm, chuyên môn mà điều đó rất cần thời gian. Nếu bổ nhiệm theo nhiệm kỳ sẽ làm ảnh hưởng đến những yếu tố này và khó có thể xây dựng được một đội ngũ CHV đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vấn đề là phải làm thế nào để công chức được làm việc tốt nhất chứ không nên coi bổ nhiệm như một phần thưởng để ban phát cho những đóng góp của họ./.

Hương Giang