Ngày 23/5, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã thay mặt Chính phủ đọc tờ trình về dự thảo Luật THADS trước Quốc hội. Đây là một trong những dự thảo Luật quan trọng, do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, được trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp này và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm.
Theo tờ trình, THADS có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp nói chung và quá trình giải quyết vụ án nói riêng. Tuy nhiên, sau hơn ba năm thực hiện Pháp lệnh năm 2004 cho thấy, so với đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới thì Pháp lệnh năm 2004 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng án dân sự tồn đọng, tuy có giảm dần nhưng hiện nay vẫn còn lớn (năm 2005 có 327.658 vụ việc tồn đọng chiếm 58.38%; năm 2006 có 331.092 vụ việc tồn đọng chiếm 54.99%; năm 2007 có 311.443 vụ việc tồn đọng chiếm 48.04%), làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tính nghiêm minh của pháp luật; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước theo bản án, quyết định của Toà án chưa được bảo đảm, nhiều việc gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật THADS nhằm tiếp tục thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác THA, hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục THA, củng cố, kiện toàn cơ quan THA, tạo chuyển biến cơ bản trong lĩnh vực quan trọng, nhưng còn nhiều bất cập, hạn chế, yếu kém này là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Dự thảo Luật THADS so với Pháp lệnh THADS 2004 được sửa đổi, bổ sung 12 điểm mới, bao gồm các quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm và ngạch Chấp hành viên; về việc Chấp hành viên được sử dụng công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ; kéo dài thời hiệu yêu cầu THA; về thẩm quyền quyết định việc miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với khoản thu nộp Ngân sách nhà nước; về hỗ trợ tài chính để THA; về các biện pháp bảo đảm THA; về uỷ quyền thực hiện THA; thủ tục cưỡng chế THA; về định giá tài sản kê biên; về THA đối với một số trường hợp cụ thể; về xã hội hoá hoạt động THA; điều khoản chuyển tiếp.
Ngay trong phiên họp này, các ĐBQH đã tập trung thảo luận các vấn đề chính trong dự thảo Luật THADS như xã hội hoá hoạt động THADS; ngạch và tiêu chuẩn chấp hành viên; tổ chức và quản lý cơ quan THADS; các biện pháp cưỡng chế THA... Riêng về vấn đề xã hội hoá hoạt động THADS, cũng đồng tình với nội dung báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội về vấn đề này, đa số ý kiến của ĐBQH đều cho rằng, việc thể chế hoá tinh thần Nghị quyết số 48, 49 của Bộ Chính trị về xã hội hoá hoạt động THADS vào dự án Luật là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, nội dung xã hội hoá trong THADS là vấn đề hoàn toàn mới nên cần phải được nghiên cứu và có bước đi phù hợp. Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng xác định phải tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo. Cho đến nay, các cơ quan tư pháp cũng chưa tổ chức thí điểm, nên chưa có cơ sở thực tiễn để đánh giá làm căn cứ cho việc quy định trong dự thảo Luật. Do đó, ý kiến chung của Uỷ ban Tư pháp đề nghị chưa quy định về xã hội hoá hoạt động THADS, mà chỉ nên quy định vấn đề này trong Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật THADS, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện thí điểm.
Một số ý kiến khác cho rằng, xã hội hoá hoạt động THA, trong đó có THADS là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nên cần phải được quy định thành nguyên tắc trong dự thảo Luật để có căn cứ pháp luật khi thực hiện việc thí điểm./.
Hương Giang
· ĐB Trần Thị Hồng (Hà Nam): Làm tốt công tác THADS là góp phần bình ổn xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân và tạo điều kiện để phát triển kinh tế trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Xã hội hoá hoạt động THA là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, do THA là một hoạt động phức tạp, có nhiều điểm khác biệt so với các hoạt động xã hội khác nên cần có thời gian thí điểm, làm căn cứ thực tiễn để có các qui định cụ thể trong luật. · ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội): Qui định xã hội hoá hoạt động THADS là cần thiết vì đây là một nội dung quan trọng trong hoạt động THA, đảm bảo hiệu quả cho hoạt động THA và làm giảm gánh nặng cho Nhà nước. Tuy nhiên còn có một số vấn đề cần được qui định rõ hơn trong dự thảo Luật THADS về công tác này. · ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình): Xã hội hoá hoạt động THADS là một vấn đề mới và chưa phù hợp với thực tiễn của nước ta. Do đó, chưa nên qui định cụ thể trong luật mà chỉ qui định về tính nguyên tắc để Chính phủ có cơ sở chỉ đạo thực hiện điểm một số nội dung, sau đó tổng kết, đánh giá rồi đưa vào luật cũng chưa muộn. · ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): Tôi đồng ý về chủ trương xã hội hoá hoạt động THADS nhưng cần cân nhắc về các bước đi và lộ trình cụ thể, có các bước thử nghiệm phù hợp để tránh dẫn đến tình trạng hỗn loạn về THA. |