Ngăn chặn bạo lực gia đình: Luật cần đi vào thực tiễn

12/05/2008
Bạo lực gia đình (BLGĐ) và ngăn chặn BLGĐ một vấn đề xã hội mang tính toàn cầu và cũng là mối quan tâm lớn ở nước ta. Bên cạnh việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về phòng chống BLGĐ, Việt Nam còn cần một hệ thống các qui định pháp luật phù hợp với thực tiễn để giải quyết hiệu quả vấn nạn này.

Xử lý nghiêm khắc hành vi BLGĐ

Theo số liệu thống kê của các cơ quan cảnh sát điều tra tại 51/64 tỉnh thành phố trực thuộc TƯ về tình hình tội phạm có liên quan đến BLGĐ đã thụ lý giải quyết trong giai đoạn 2001 – 2005 cho thấy, những năm gần đây, tình hình tội phạm BLGĐ diễn ra rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số lượng và ngày càng nghiêm trọng hơn về tính chất, mức độ, chủ yếu là các hành vi giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác, hiếp dâm trẻ em. Các nghiên cứu qui mô nhỏ của Viện Xã hội học cũng cho thấy, có khoảng từ 5-10% số phụ nữ có chồng đã từng bị bạo hành về thân thể (mặc dù con số thực tế có thể cao hơn).

Qua khảo sát tại một số địa phương, hiện có hai khuynh hướng xử lý những người có hành vi vi phạm liên quan đến BLGĐ. Một số ý kiến cho rằng, đối với những người này chỉ cần được giáo dục, hoà giải để từ đó giải quyết, hàn gắn và giữ vững hạnh phúc của các gia đình. Ngược lại, có ý kiến yêu cầu phải xử lý nghiêm khắc đối với những người có hành vi vi phạm liên quan đến BLGĐ để tăng cường tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung, ngăn chặn sự tái diễn với những hậu quả nghiêm trọng có thể ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ông Nguyễn Văn Thịnh (Vụ Pháp chế - Bộ Công an) cho biết, những vụ án liên quan đến BLGĐ khi được lực lượng Công an lập hồ sơ xử lý, thường là những vụ án có tính chất nghiêm trọng, tái diễn hành vi bạo lực sau khi hoà giải ở cơ sở không đạt, hoặc sau khi xử lý bằng các biện pháp hành chính không hiệu quả. Lực lượng công an lại thường gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát hiện và giải quyết các vụ án liên quan đến BLGĐ. Thực tế rất ít vụ việc được phát hiện kịp thời do các thành viên gia đình và nạn nhân thường tìm cách che dấu cho đến khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Hơn nữa, khi thụ lý điều tra, cơ quan điều tra thường gặp khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai của nạn nhân và các thành viên khác trong gia đình do những ràng buộc về tình cảm và nhận thức “xấu chàng hổ ai”, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”.

Bên cạnh đó, việc phòng chống BLGĐ theo qui định pháp luật hiện hành còn đang thực hiện chung với các hành vi khác mà chưa có sự phân tách trên cơ sở đặc thù của hành vi BLGĐ nên thực tế, các qui định pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác này. Không chỉ có vậy, theo qui định của Bộ luật Tố tụng Hình sự tại khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171, việc khởi tố một số vụ án liên quan đến BLGĐ phải theo yêu cầu của người bị hại và nhiều trường hợp không thể giải quyết vì nạn nhân không yêu cầu khởi tố hoặc đã yêu cầu những lại rút đơn, xin bãi nại…

Vì thế, ông Thịnh kiến nghị, để giải quyết tình trạng BLGĐ, cần bổ sung vào các qui định pháp luật hình sự và tố tụng hình sự các nội dung cho phép xử lý các hành vi BLGĐ một cách nghiêm khắc và triệt để hơn như bổ sung thêm các trường hợp phạm tội đối với “vợ, chồng, con cái” trong Bộ luật Hình sự hoặc sửa đổi, bổ sung thêm điểm d, đ khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự qui định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức sức khoẻ người khác để qui định trong thường hợp phạm tội đối với các thành viên trong gia đình…

Đưa luật Phòng chống BLGĐ vào cuộc sống

Chưa đầy 2 tháng nữa, Luật phòng chống BLGĐ của Việt Nam sẽ có hiệu lực. Đạo luật này được hy vọng là cơ sở pháp lý để có thể ngăn chặn và giải quyết hiệu quả nạn BLGĐ, bảo vệ được những nạn nhân, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, đầy tính nhân văn. Nhưng vấn đề là làm thế nào để đạo luật này đi vào cuộc sống, để hoạt động phòng chống BLGĐ được tổ chức đồng bộ và đi đúng định hướng, phục vụ việc thực hiện mục tiêu tăng cường phòng chống BLGĐ và giảm tỷ lệ BLGĐ bình quân hàng năm từ 10 –15% theo Chiến lược Xây dựng gia đình Việt nam giai đoạn 2005 - 2010.

Về vấn đề này, ông Lê Đỗ Ngọc – Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hoá Thể theo và Du lịch) cho biết, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống BLGĐ, Bộ đang tham mưu, xây dựng các văn bản cho việc thi hành Luật Phòng chống BLGĐ, trong đó có dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai, thi hành Luật Phòng chống BLGĐ (đang chờ Thủ tướng Chính phủ ký ban hành); dự thảo Nghị định của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này và dự thảo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống BLGĐ (cả 2 dự thảo Nghị định này dự kiến sẽ trình Chính phủ vào cuối tháng 5); phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật và nghị định…

Bên cạnh đó, vào quý IV, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng dự kiến trình Chính phủ Chương trình hành động quốc gia phòng chống BLGĐ giai đoạn 2009 – 2015, với 6 đề án. Từ năm nay, Bộ sẽ tổ chức triển khai trên 60 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ mô hình phòng chống BLGĐ trên cơ sở rút kinh nghiệm hai mô hình đã thí điểm ở Tây Ninh và Bình Phước (2004 -2007). Đặc biệt, ngay từ đầu năm Bộ đã xúc tiến thành lập Mạng lưới phòng, chống BLGĐ (họp 1 tháng/lần) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Vụ Gia đình) làm đầu mối, với sự tham gia của các tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực này. Đây là một hoạt động nhằm hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, tránh sự chồng chéo, lãng phí trong các hoạt động triển khai thi hành Luật phòng chống BLGĐ./.

Hương Giang

Hiện 89 quốc gia có qui định pháp luật riêng về chống BLGĐ, trong đó 60 nước có luật riêng về phòng chống BLGĐ, 7 nước có luật riêng về bạo lực chống phụ nữ, 14 nước có các điều riêng về BLGĐ trong pháp luật hình sự, 5 nước đưa vào pháp luật dân sự và 1 nước đưa vào pháp luật gia đình. 102 quốc gia chưa có qui định pháp luật cụ thể về phòng chống BLGĐ

Nhiều nước đang sửa đổi pháp luật hình sự để điều chỉnh lại theo chiều hướng nghiêm khắc hơn đối với hành vi bạo lực với phụ nữ; ít nhất 104 quốc gia hình sự hoá hành vi hiếp dâm trong hôn nhân, trong khi hành vi này chưa bị coi là hành vi phạm tội ở ít nhất 53 quốc gia khác. Hành vi quấy rối tình dục bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật của 90 quốc gia./.

(Nguồn: Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên hợp quốc (UNIFEM)