Đây là 1 trong 4 Đề án thuộc Chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ giai đoạn 2003 – 2007 do Uỷ ban Dân tộc chủ trì. Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án, việc tiếp cận các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương đối với đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào vùng biên giới không còn quá khó khăn. Nhờ vậy, đời sống tinh thần của bà con, trong đó có nhận thức pháp luật, đã được nâng cao một bước. Để có được thành công ấy, mỗi địa phương lại có những cách làm khác nhau khiến cho pháp luật dễ đi vào lòng người.
Câu lạc bộ tuổi trẻ ở Cao Bằng
Thông qua chương trình “Thanh niên tình nguyện hướng về biên giới”, Câu lạc bộ tuổi trẻ 4 lực lượng vừa giúp dân thu hoạch vụ mùa, tu sửa trường lớp, làm đường giao thông liên thôn, giao lưu văn nghệ với tuổi trẻ ở các cơ sở vừa kết hợp phổ biến, tuyên truyền pháp luật, giáo dục về ý thức quốc phòng, an ninh. Bằng hình thức trên, tuổi trẻ 4 lực lượng đã tổ chức được 14 buổi, tuyên truyền cho 926 lượt đoàn viên thanh niên học tập pháp luật, nhất là một số luật như Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật bảo vệ môi trường; Luật thanh niên; Luật giáo dục; Luật phòng, chống HIV/AIDS… Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên khu vực biên giới, cảnh giác với các âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, tạo dần thói quen sống có kỷ cương, làm việc theo pháp luật, đồng thời thu hút được lực lượng đoàn viên thanh niên khu vực biên giới tham gia vào các hoạt động bổ ích, đáp ứng một phần nhu cầu đời sống tinh thần của tuổi trẻ khu vực biên giới.
Cao Bằng còn đẩy mạnh hoạt động kết nghĩa giữa tuổi trẻ các đơn vị bộ đội biên phòng với các tổ chức đoàn viên thanh niên ở địa bàn biên giới. Hoạt động này không chỉ góp phần củng cố, kiện toàn các tổ chức cơ sở Đoàn địa phương, mà chủ yếu là giúp đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong xây dựng cuộc sống mới đến với đông đảo đoàn viên thanh niên được thiết thực, hiệu quả hơn. Chẳng hạn như, Hiệp định tạm thời được ký kết giữa 2 Nhà nước ngày 07/11/1991; Nghị định số 34 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc; Hiệp định biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc và Luật biên giới quốc gia…
Thanh Hóa - phủ sóng phát thanh, truyền hình
Triển khai Đề án, tỉnh tập trung chương trình phủ sóng phát thanh truyền hình. Hiện, 100% số huyện miền núi có trạm phát lại truyền hình, trên 70% số hộ miền núi được phủ sóng truyền hình, 65% số hộ có máy thu hình. Đài PT-TH tỉnh đã cấp cho các xã miền núi 700 tivi, 10.000 đài bán dẫn. Đồng bào các xã khu vực được bán trợ giá 32.800 máy thu thanh đơn giản và từ năm 2003 đến năm 2006 được lắp đặt 24 cụm phát thanh không dây và có dây. Đài PT-TH tỉnh rất chú trọng tới việc tăng thời lượng chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc. Thanh Hoá còn thực hiện chính sách cấp không thu tiền một số loại báo và tạp chí cho đồng bào miền núi. Từ năm 2002 đến nay, các huyện, các xã, thôn bản, trường học vùng dân tộc miền núi được cấp 20 loại báo và tạp chí theo Quyết định số 1673 (nay là Quyết định số 975) của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, xây dựng tủ sách pháp luật trị giá từ 3 – 6 triệu đồng cho các xã miền núi…
Một trong chuyển biến rõ nét nhất của việc thực hiện Đề án ở Thanh Hoá là giảm tình trạng phá rừng làm nương rẫy, đồng bào tự giác xóa bỏ hàng ngàn ha cây thuốc phiện, giảm nạn tảo hôn, hạn chế các tranh chấp, bất hòa trong nội bộ nhân dân, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc miền núi được giữ vững…
Bình Phước – Tăng cường phát hành ấn phẩm pháp luật
Bên cạnh việc triển khai tuyên truyền trực tiếp chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào, các sở, ngành trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong thời gian qua đã tăng cường công tác biên soạn, phát hành các ấn phẩm tuyên truyền pháp luật đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng biên giới. Cụ thể, Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh đã ấn hành bản thông tin của ngành với số lượng 1.000 cuốn/ bản tin. Phối hợp với các sở, ngành liên quan, hàng năm, Sở Tư pháp còn biên soạn, in và phát hành miễn phí khoảng 4.000 cuốn sách pháp luật phổ thông, hỏi đáp pháp luật về lĩnh vực đất đai, khiếu nại, tố cáo, bảo vệ và phát triển rừng, hoạt động tôn giáo, quy chế dân chủ ở cơ sở… Công tác phát hành các văn bản luật được thông qua các buổi triển khai Luật cho cán bộ vùng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân. Riêng năm 2006, Ban Dân tộc cùng với Sở Tư pháp, Vụ Pháp chế - Ủy ban dân tộc tổ chức triển khai Luật Trợ giúp pháp lý, Luật bảo vệ và phát triển rừng cho 120 cán bộ làm công tác dân tộc và 80 già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng.
Từ sự quan tâm phối hợp thực hiện công tác biên soạn các ấn phẩm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các Sở, ngành và phát hành bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động đã góp phần vào việc đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống của đồng bào, góp phần giải quyết tốt những vấn đề cấp thiết trong vùng đồng bào dân tộc như giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân tộc… Đã có 1.443 hội viên nông dân các dân tộc thiểu số đạt danh hiệu nông dân sản xuất ,kinh doanh giỏi, hỗ trợ giúp đỡ và xóa nghèo được 314 hội viên; 100% đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện đăng ký gia đình văn hóa; 803/803 khu dân cư đăng ký khu dân cư văn hóa, trong đó có 167 khu dân cư đồng bào dân tộc thiểu số và 132 khu dân cư đồng bào có đạo.
Lâm Đồng - Hiệu quả nhất là tờ gấp, tờ rơi
Kết quả khảo sát về công tác tuyên truyền PBGDPL do Sở Tư pháp tiến hành cho thấy, hình thức phù hợp và dễ đem lại hiệu quả đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh là tờ gấp, tờ rơi pháp luật (50,10%), chiếm tỷ lệ cao nhất so với các hình thức khác như hội thi, cuộc thi (46,27%), hội nghị (43,07%), panô, áp phích (39,44%), sách pháp luật bỏ túi (32,62%), băng Cassette (29,64%), đĩa CD – ROM, VCD (20,89%). Cũng theo kết quả khảo sát, nguồn thông tin pháp luật mà cán bộ, nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp nhận thông qua tài liệu pháp luật, tờ gấp, tờ rơi pháp luật đạt chất lượng tốt là 21,64%, khá 31,03%, trung bình 36,06% (yếu chỉ chiếm 5,95% và khó đánh giá là 5,32%).
Tính trung bình hàng năm, các cơ quan, đơn vị biên soạn, in ấn, cấp phát hoặc chuyển tiếp khoảng 150.000 tờ gấp, tờ rơi các loại (ở cấp tỉnh) và khoảng 600.000 tờ (ở cấp huyện), nội dung về các văn bản pháp luật cơ bản, gần gũi với cán bộ, nhân dân như hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình… Các nội dung pháp luật còn được lồng ghép tuyên truyền trên Báo Lâm Đồng, trong các tài liệu, tờ thông tin, đặc san do Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện như Tờ “Thông tin Thanh niên” của Tỉnh đoàn, Tờ “Thông báo nội bộ” của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Tờ “Cao nguyên xanh” của Hội Nông dân… nhằm kịp thời chuyển tải những nội dung văn bản pháp luật mới, liên quan thiết thực đến cán bộ, nhân dân ở cơ sở. Sở Tư pháp Lâm Đồng còn biên soạn, in ấn 7 loại tờ gấp pháp luật bằng 2 thứ tiếng (Tiếng Việt, Tiếng K’ho) để cấp phát cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Cẩm Vân