Sáng ngày 19/4/2008, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Uỷ ban thường vụ Quốc hội Khóa XII đã họp để cho ý kiến về Dự án Luật thi hành án dân sự. Dự cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội còn có các thành viên Uỷ ban Tư pháp, đại diện các cơ quan hữu quan và Bộ Tư pháp-cơ quan chủ trì soạn thảo Luật thi hành án dân sự.
Tại phiên họp trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã trình bày Tờ trình số 31/TTr-CP ngày 04/4/2008 của Chính phủ trình Quốc hội về Dự án Luật thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ký thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sau hơn ba tháng được Ban soạn thảo gấp rút chuẩn bị. Tờ trình nêu rõ bốn vấn đề lớn cần xin ý kiến của Quốc hội, đó là các nội dung của dự thảo về tiêu chuẩn và ngạch Chấp hành viên; về công cụ hỗ trợ trong thi hành án; về việc bổ sung các biện pháp bảo đảm thi hành án và về thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba đã trình bày Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp đối với dự án Luật thi hành án dân sự-kết quả của phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp vào ngày 8-9/4/2008 tại thành phố Hồ Chí Minh để tiến hành thẩm tra đối với dự án Luật thi hành án dân sự theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, tinh thần làm việc khẩn trương, tích cực của cơ quan soạn thảo trong việc bảo đảm tiến độ xây dựng dự án luật theo yêu cầu của Quốc hội: Trong khoảng thời gian rất ngắn, kể từ sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008, cơ quan chủ trì soạn thảo đã khẩn trương, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, trên cơ sở tiếp thu kết quả soạn thảo Bộ luật Thi hành án trước đây và tổng kết 3 năm thi hành Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 và 5 năm thực hiện chuyển giao án có giá trị từ 500.000 đồng trở xuống cho UBND cấp xã đôn đốc thi hành, tiến hành các hội thảo, hội nghị xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, sưu tầm tài liệu tham khảo trong và ngoài nước v.v..., để nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật thi hành án dân sự.
Tại phiên họp cho ý kiến đối với Dự án Luật thi hành án dân sự, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tán thành với việc Dự thảo sửa đổi quy định hiện hành về việc bổ nhiệm chức danh Chấp hành viên gắn với cơ quan thi hành án nơi Chấp hành viên công tác (Chấp hành viên huyện, Chấp hành viên tỉnh) theo hướng bổ nhiệm chức danh Chấp hành viên sơ cấp, trung cấp và cao cấp, dựa trên tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thi hành án trong việc luân chuyển, điều động cán bộ, đáp ứng được yêu cầu công tác, giải quyết được những vướng mắc hiện nay trong công tác tổ chức - cán bộ. Tuy nhiên, không tán thành với quy định của dự thảo trong việc chỉ yêu cầu tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với Chấp hành viên sơ cấp là trung cấp luật nhằm giải quyết khó khăn trong việc thu hút, tuyển dụng cán bộ nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi...
Khác với quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự hiện hành, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án thông qua đó đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, dự thảo Luật thi hành án dân sự đã bổ sung một số biện pháp để bảo đảm thi hành án như biện pháp thu giữ tài sản, phong tỏa tài khoản, cấm chuyển dịch tài sản...Việc bổ sung quy định này vào dự thảo đã được sự tán thành cao của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhưng đề nghị quy định rõ phạm vi áp dụng để không làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án, quy định cụ thể về trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc áp dụng không đúng các biện pháp trên...
Về việc dự thảo quy định, pháp điển hóa quy định hiện hành cho phép Chấp hành viên sử dụng công cụ hỗ trợ cũng đã được nhiều ý kiến đồng tình vì phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của Chấp hành viên, chỉ cấp để sử dụng với mục đích tự vệ khi thi hành công vụ mà gặp phải sự chống đối của đương sự.
Ngoài ra, các vấn đề quan trọng khác của dự án Luật thi hành án dân sự cũng đã được Ủy ban thường vụ cho ý kiến, như thẩm quyền ra quyết định thi hành án; về xã hội hoá thi hành án; về uỷ quyền thi hành án; về thẩm quyền xét miễn, giảm thi hành án; về mô hình tổ chức, cơ chế quản lý thi hành án; về định giá tài sản kê biên và người chịu chi phí định giá lại; về thi hành án giám đốc thẩm, tái thẩm; về giải quyết kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân; về điều khoản chuyển tiếp...
Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành việc dự án Luật thi hành án dân sự sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XII theo đúng Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2008./.
Lê Thị Kim Dung