Là một tỉnh biên giới miền núi, hải đảo, có nhiều xã vùng sâu vùng xa nên ở Quảng Ninh tỷ lệ đối tượng được trợ giúp pháp lý (TGPL) rất cao. Với quyết tâm không để người dân thiệt thòi vì không được tiếp cận với pháp luật, 4 cán bộ làm công tác TGPL ở Trung tâm không quản ngại đường sá xa xôi, sóng to gió cả để tìm đến với những người cần được TGPL.
Mỗi dịp đi TGPL lưu động, đặc biệt tại Cô Tô và Vân Đồn – 2 huyện đảo của tỉnh, các thành viên trong đoàn TGPL của Trung tâm TGPL tỉnh Quảng Ninh luôn tâm niệm sẽ cố gắng để có thể phối hợp với chính quyền địa phương giải đáp, tháo gỡ được những thắc mắc của người dân về mặt pháp luật còn tồn tại, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Ngoài những đợt TGPL thường xuyên theo kế hoạch 2 huyện (5, 6 xã, thị trấn)/tháng, Trung tâm còn thực hiện TGPL theo những vụ việc đột xuất khi nhận được đơn yêu cầu TGPL của người dân tộc, người cao tuổi…
Năm 2007, Trung tâm đã thực hiện được kế hoạch TGPL lưu động tại 14 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh bao gồm 78 xã, phường, thị trấn. Qua các đợt TGPL đó, đoàn TGPL đã giúp người dân giải đáp những vướng mắc về pháp luật đất đai, dân sự, hôn nhân và gia đình, đăng ký và quản lý hộ tịch, chế độ chính sách, khiếu nại tố cáo… Lồng ghép vào mỗi chuyến TGPL lưu động, Trung tâm đã phát miễn phí 24.000 tờ gấp pháp luật có liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân, trên cơ sở khảo sát trước đó.
Nhiều đợt TGPL lưu động, đoàn TGPL của Trung tâm đã phải xuống tận các thôn để tiếp nhận đơn thư, đề nghị được TGPL, trực tiếp giải đáp, tư vấn pháp luật cho các đối tượng, thực hiện phổ biến pháp luật cho những đối tượng đến yêu cầu TGPL. Thậm chí các thành viên đoàn TGPL còn kiêm luôn công tác hoà giải tại chỗ với hình thức hướng dẫn cho người dân thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết trước khi yêu cầu chính quyền hay cơ quan chức năng giải quyết vụ việc của mình. Sau mỗi buổi TGPL, đoàn TGPL đều trực tiếp trao đổi, đề nghị với chính quyền địa phương giải quyết những vướng mắc pháp luật còn tồn tại, đảm bảo quyền lợi của người dân và trật tự trên địa bàn. Vì thế, trung bình thường có khoảng 50 người/xã đến tham dự mỗi đợt TGPL do Trung tâm tổ chức.
Không chỉ TGPL lưu động, Trung tâm còn thực hiện TGPL tại trụ sở (nằm trong Sở Tư pháp), qua điện thoại với 5-10 vụ/tháng nhưng hầu hết những người có yêu cầu lại không phải là đối tượng được TGPL; thực hiện hiệu quả dự án phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em với các hoạt động như tư vấn, kiến nghị, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng này (231 vụ việc), tổ chức 3 lớp tập huấn cho Nhóm hỗ trợ cộng đồng và 6 buổi nói chuyện pháp luật về phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em cho gần 500 thành viên cộng đồng tại 9 xã, thị trấn triển khai dự án (thuộc huyện Đầm Hà, Hải Hà, Hoành Bồ), TGPL 230 vụ việc cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của nạn buôn bán... Trung tâm cũng triển khai thành lập được 10 Câu lạc bộ TGPL ở các xã và đang có kế hoạch mở 2 Chi nhánh tại Thị xã Uông Bí và huyện Tiên Yên để mở rộng “vùng phủ sóng” của hoạt động TGPL.
Trong khi nhiều chính quyền xã, phường, thị trấn yêu cầu Trung tâm tăng cường các đợt TGPL lưu động về địa phương thì cũng có những lúc đoàn TGPL của Trung tâm phải về “tay trắng” vì không có người dân nào có mặt khi đoàn xuống đến địa phương. Cũng như nhiều nơi khác, có một số cán bộ chính quyền địa phương ở Quảng Ninh không mặn mà với đoàn TGPL do có quan niệm: “TGPL đến thì chính quyền “thêm” việc”. Nguyên nhân duy nhất mà chính quyền địa phương đưa ra là “không có ai cần TGPL” dù theo khảo sát của Trung tâm, rất nhiều người dân địa phương đó có nhu cầu được TGPL. Những lúc đó, dù rất tâm huyết với công tác TGPL nhưng các thành viên trong đoàn cũng thực sự thấy chán nản.
Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh Quảng Ninh – ông Nguyễn Hùng Tân – cho biết, TGPL là trách nhiệm của các cấp, các ngành nhưng thực tế còn nhiều cơ quan, tổ chức chưa nhận thức được đầy đủ về hoạt động TGPL nên việc phối hợp còn chậm, không chủ động, công tác tổ chức không tốt làm giảm hiệu quả của công tác TGPL lưu động ở cơ sở tại Quảng Ninh. Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên của Trung tâm còn quá mỏng, chưa đạt hiệu quả vì còn mang tính hình thức. Ban đầu, Trung tâm có gần 100 cộng tác viên là các luật sư, luật gia nhưng đến nay, số lượng cộng tác viên cũng giảm dần, thực chất chỉ còn khoảng 10 cộng tác viên, trong đó chỉ 3-5 người thực sự nhiệt tình với công tác TGPL miễn phí. Nguyên nhân thì rất nhiều nhưng chủ yếu là do TGPL không phải là hoạt động có lợi nhuận.
Song dù nhiều khó khăn, nhưng cùng với công tác tuyên truyền pháp luật, công tác TGPL ở Quảng Ninh đã góp phần không nhỏ vào việc hạn chế tỷ lệ trẻ em không được khai sinh, nạn tảo hôn, giải quyết được nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn ngay tại cơ sở, nâng cao ý thức chấp hành và xử sự theo pháp luật, xoá bỏ những thói quen, tập quán, phong tục lạc hậu, trái pháp luật của người dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa./.
Huy Long