Ngày nay việc khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến lĩnh vực hành chính, quan hệ hành chính rất nhiều và ngày một tăng. Nguyên nhân thì nhiều cả nguyên nhân chủ quan, lẫn khách quan như: sự hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, sự quan liêu, cửa quyền, tham nhũng của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền… do vậy ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, sự tín nhiệm của nhân dân đối với Đảng và nhà nước ta.
Bên cạnh đó, cơ chế xử lý những cá nhân, đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hành chính để xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện chưa thật sự nghiêm minh và hiệu quả dẫn đến các khiếu kiện hành chính thường phức tạp, kéo dài, có nhiều vụ việc hàng chục năm mà giải quyết chưa thoả đáng, hoặc các cơ quan hành chính có quan điểm khác nhau ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, gây mất ổn định xã hội.
Vì sao chúng ta chưa thể ngăn chặn được tình trạng này, đó là câu hỏi mà dư luận đông đảo quần chúng rất quan tâm, nhất là các doanh nghiệp không những trong và cả ngoài nước khi vào làm ăn, đầu tư tại nước ta. Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã có những biện pháp rất mạnh mẽ để hạn chế tình trạng này, tuy nhiên tình hình không mấy khả quan, hiệu quả đạt được còn rất thấp. Tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, cơ quan này đùn đẩy cơ quan khác, “dưới đùn lên trên, trên đẩy xuống dưới” còn khá phổ biến.
Theo chúng tôi, để ngăn chặn tình trạng này, biện pháp tích cực và hiệu quả nhất hiện nay là sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về giải quyết các tranh chấp hành chính, trong đó biện pháp đưa ra Toà hành chính để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hành chính phức tạp, kéo dài, các cơ quan có thẩm quyền có có ý kiến khác nhau.
Toà án hành chính thụ lý giải quyết có những ưu điểm sau đây:
- Thứ nhất, các bản án, quyết định của Toà án là nhân danh nước CHXHCN Việt Nam nên có tính bắt buộc, có chế tài kèm theo; nếu không chấp hành sẽ có cơ quan chuyên trách (Thi hành án) tiến hành cưỡng chế bằng sức mạnh của nhà nước. Đồng thời, chấm dứt được sự xung đột ý kiến giữa các cơ quan nhà nước, giữa những người có thẩm quyền với nhau, khi đó Toà án đóng vai trò trọng tài các bên phải tuân theo.
- Thứ hai, khi chúng ta mở rộng quan hệ thương mại, tài chính, tư pháp… với các nước thì các phán quyết của Toà án là được các nước tin cậy nhất, điều này là phù hợp với thói quen và thông lệ chung quốc tế.
- Thứ ba, trong quan hệ hành chính, cấp trên cấp dưới hiện nay ở nước ta vẫn còn có sự cả nể, bao che lẫn nhau, tình cảm nhiều khi lấn át lý trí… do đó, rất khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp hành chính, nếu đưa ra Toà hành chính giải quyết, phân định sẽ hạn chế được tình trạng này.
Từ những ưu điểm, thiết nghĩ Toà án nhân dân các cấp sớm hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý để thụ lý, đưa ra xét xử tất cả những tranh chấp hành chính giữa một bên là các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền và bên kia cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhằm bảo vệ triệt để quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
Phạm Văn Chung