Nghiệp vụ thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo

16/01/2008
Thanh tra là một giai đoạn quan trọng trong chu trình quản lý nhà nước, là phương thức bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường kỷ luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo là một mắt xích, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo.
 

Qua thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm quản lý của các ngành, các cấp, đồng thời nắm bắt được tình hình khiếu nại, tố cáo và kết quả giải quyết ở các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền. Qua đó, thấy được các thiếu sót cũng như những vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng này của hoạt động thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo nên Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành (tại khoản 3, Điều 80) và Nghị định số 136/2006/NĐ-CP (tại khoản 4, Điều 54) đã quy định “thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về khiếu nại, tố cáo” là một trong những nội dung quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Để giúp Thanh tra các Sở tiến hành thanh tra về trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ngành, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin trình bày một số vấn đề cơ bản về hình thức, nội dung và trình tự các bước tiến hành một cuộc thanh tra về trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ nhất, về hình thức thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Căn cứ vào tình hình thực tế và mục đích yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, việc thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo được tiến hành theo một trong 03 hình thức dưới đây:

- Thanh tra toàn diện: được tiến hành để nhằm phục vụ cho việc đánh giá toàn diện công tác xét giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một ngành, một địa phương, cơ quan, đơn vị (từ việc tổ chức tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đến chế độ kiểm tra, thanh tra của thủ trưởng..);

- Thanh tra chuyên đề: được tiến hành nhằm chấn chỉnh kịp thời một khâu công tác nào đó ví dụ: thanh tra công tác tiếp dân hay công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo...;

- Thanh tra đột xuất: để giải quyết những trường hợp phát sinh đột xuất về một vấn đề nào đó ở một địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị (ví dụ: một vụ việc khiếu nại đông người gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị ở địa phương).

Thứ hai, về nội dung việc thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo bao gồm các vấn đề:

- Thanh tra trách nhiệm về công tác tổ chức tiếp công dân: Tiếp công dân là một trong những phần việc quan trọng của quản lý, nó là khâu bắt đầu của giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nội dung thanh tra trách nhiệm về công tác tổ chức tiếp công dân cần tập trung vào: việc bố trí nơi tiếp công dân, điều kiện, trang thiết bị vật chất phục vụ công tác tiếp công dân; nội quy nơi tiếp công dân; thông tin hướng dẫn tại nơi tiếp công dân; lịch định kỳ tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan và việc thực hiện lịch tiếp đó trên thực tế...;

- Thanh tra trách nhiệm về việc tổ chức tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân: Nội dung này bao gồm tất cả các công việc như tiếp nhận, tổ chức nghiên cứu, phân loại theo thẩm quyền, tổ chức quản lý, theo dõi đơn thư…;

- Thanh tra trách nhiệm về việc tổ chức xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm: Nội dung này bao gồm việc thực hiện quy trình các bước giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật; việc bảo đảm thời gian giải quyết; việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ như tổ chức đối thoại, dự thảo kết luận, hội nghị tư vấn, công bố dự thảo kết luận...; việc sắp xếp, lưu trữ hồ sơ, tài liệu và kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thi hành các quyết định đã có hiệu lực...;

- Thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo: Vấn đề này bao gồm thanh tra các công việc như: ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; việc kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các tổ chức thuộc quyền; việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo; việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tổng hợp tình hình, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, bất thường về giải quyết khiếu nại, tố cáo theo yêu cầu của cấp trên…;

- Ngoài ra, cũng cần xem xét, đánh giá việc tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ ba, về các bước tiến hành thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Bước 1. Chuẩn bị thanh tra:

a. Nắm tình hình nơi dự định thanh tra để có căn cứ xây dựng kế hoạch:

Đây là giai đoạn có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định rõ đối tượng, phạm vi  và những nội dung cần thanh tra để từ đó xây dựng kế hoạch thanh tra. Cơ quan thanh tra cần nắm bắt được các thông tin về số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh ở một thời điểm nhất định của địa phương, ngành, đơn vị, qua đó sẽ biết rõ số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết và kết quả giải quyết; đánh giá ưu khuyết điểm, nguyên nhân tồn tại trong công tác xét giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương, ngành, đơn vị trực thuộc.; số lượng đơn thư vượt cấp trong từng thời kỳ và quá trình phân loại, hướng dẫn của cấp mình đối với địa phương, ngành, đơn vị chuẩn bị kiểm tra….

b. Ra quyết định và xây dựng kế hoạch thanh tra:

Việc nắm tình hình để ra quyết định thanh tra là cần thiết. Quyết định thanh tra phải đúng về mặt thể thức văn bản, ghi rõ nội dung thanh tra, người thực hiện, đối tượng, thời gian thanh tra …theo các quy định của pháp luật về thanh tra. Trên cơ sở quyết định thanh tra, cơ quan thanh tra phải xây dựng kế hoạch thanh tra, kế hoạch này phải nêu được mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, phương pháp tiến hành và thời gian thực hiện cùng những điều kiện bảo đảm. Kế hoạch thanh tra phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bước 2. Tiến hành thanh tra:

Đây là quá trình thu thập các nguồn thông tin từ đối tượng thanh tra và quá trình xử lý các thông tin thu thập được, đối chiếu với các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo để đánh giá một cách khách quan, trung thực những ưu, khuyết điểm, nguyên nhân tồn tại để có những kiến nghị xác đáng. Đây là giai đoạn quyết định về kết quả thanh tra.

Việc thanh tra được tiến hành theo các bước như sau:

1) Nghe đối tượng thanh tra báo cáo cụ thể về các nội dung đã vạch ra trong kế hoạch thanh tra;

2) Thanh tra các mặt công tác, xem xét sổ sách, hồ sơ và thực tế quá trình thực hiện của đối tượng được thanh tra. Ví dụ: thanh tra việc tổ chức tiếp dân: phải đi sâu vào việc bố trí nơi tiếp dân như địa điểm, điều kiện cơ sở vật chất, lịch tiếp dân của Thủ trưởng cơ quan, việc tiếp dân thường xuyên; nội quy, quy chế tiếp dân; số lượng công dân đến trình bày, phản ánh, kiến nghị; kết quả tiếp dân và xử lý các việc phức tạp; sổ sách ghi chép việc tiếp dân, việc bố trí cán bộ chuyên trách tiếp dân...

Khi thanh tra các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết, phải nghiên cứu, xem xét sâu các hồ sơ giải quyết, xem xét kỹ các chứng cứ, tài liệu, đối chiếu với các văn bản pháp luật để kết luận đúng, sai; việc ra các quyết định giải quyết, việc bảo đảm trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Phải nghiên cứu, xem xét các đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi vượt cấp đã được cấp trên chuyển về, có công văn nhắc nhở, đôn đốc của cấp có thẩm quyền, kết quả giải quyết và tình hình tồn đọng, nguyên nhân, đặc biệt phải phát hiện những đơn thư khiếu nại, tố cáo bị “phớt lờ”, bị “bỏ quên”, bị “ngâm lâu” gây bức xúc cho người dân...

3) Ngoài đối tượng chính, trong quá trình thanh tra có thể chọn và tiến hành thanh tra ở một số cơ quan, đơn vị thuộc quyền (chẳng hạn, đối tượng thanh tra là UBND huyện thì ngoài việc thanh tra các mặt công tác của huyện, có thể chọn và thanh tra một số xã , phường) để có cơ sở kết luận, đánh giá toàn diện trong phạm vi của địa phương, ngành được thanh tra.

* Cần lưu ý, khi thanh tra các đơn vị đều phải lập biên bản xác nhận về số liệu, thực trạng tình hình chung và các mặt cụ thể.

Phải chú ý làm rõ các nguyên nhân, các ưu, khuyết điểm rút ra những kinh nghiệm tốt về các mặt công tác cụ thể.

Khi xem xét các đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi vượt cấp hoặc bị để quá thời hạn mà không được giải quyết phải căn cứ vào khoản 4, Điều 6 của Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo: “Đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp dưới nhưng quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết thì Thủ trưởng cơ quan nhà nước cấp trên yêu cầu cấp dưới giải quyết, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết của cấp dưới và áp dụng biện pháp theo thẩm quyền để xử lý đối với người thiếu trách nhiệm hoặc cố tình trì hoãn việc giải quyết khiếu nại đó. Trong trường hợp cần áp dụng biện pháp vượt quá thẩm quyền của mình thì kiến nghị cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền để xử lý”.  Theo đó, Đoàn Thanh tra phải xem xét trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan được thanh tra khi nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp dưới nhưng quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết đã được thực hiện theo đúng quy định khoản 4, Điều 6 của Nghị định 136/2006/NĐ-CP hay chưa được thực hiện ?

Vấn đề cần chú ý  là cấp trên không được giải quyết khiếu nại thay cho cấp dưới và phải có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, xử lý khi cấp dưới thiếu trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại.

4) Phân tích, tổng hợp tình hình, viết dự thảo báo cáo kết quả thanh tra. Căn cứ vào các tài liệu, thông tin đã thu thập được trong quá trình thanh tra cụ thể, Trưởng Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên phải viết dự thảo báo cáo kết quả thanh tra. Trong báo cáo kết quả thanh tra, cần chú ý một số điểm sau:

+ Phải nêu lên được tình hình, đặc điểm của từng đơn vị được thanh tra có liên quan đến tình hình thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo của công dân ở đơn vị. Nêu bật được những thuận lợi, khó khăn tác động đến việc thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo;

+ Phân tích, đánh giá kết quả đạt được trên từng mặt công tác quản lý chỉ đạo, công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phân tích những ưu, khuyết điểm, nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm có liên quan đến tập thể, cá nhân trong việc thực hiện luật khiếu nại, tố cáo.

+ Đề xuất, kiến nghị để chấn chỉnh công tác chỉ đạo, điều hành trên các mặt công tác.

Đối với những vụ việc tồn đọng, kéo dài, phức tạp phải kiểm tra cụ thể để giải quyết dứt điểm.

Đây là bước quan trọng, phản ánh kết quả của cuộc thanh tra trong việc đánh giá khách quan, trung thực thực trạng tình hình thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở địa phương, ngành, đơn vị được thanh tra.

Bước 3. Kết thúc thanh tra

Sau khi có báo cáo kết quả thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên phải gửi bản báo cáo này cho người đã ra quyết định thanh tra hoặc trong trường hợp người ra quyết định thanh tra là thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thì còn phải gửi cho Thủ trưởng cơ quan thanh tra cùng cấp.

Căn cứ vào báo cáo kết quả thanh tra, người đã ra quyết định thanh tra sẽ ban hành văn bản "kết luận thanh tra". Kết luận thanh tra được gửi đến Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước và đối tượng thanh tra. Trên cơ sở kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước sẽ ra quyết định xử lý kết luận thanh tra.

Cơ quan thanh tra có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và nếu cần thiết, cho tiến hành thanh tra về trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra  ở đơn vị được thanh tra.

Trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là những căn cứ, chứng cứ để đưa ra kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đồng thời đó cũng là sự thể hiện kết quả của quá trình thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo. Do đó, việc lập và quản lý hồ sơ thanh tra phải thực hiện theo Quyết định số 2278/2007/QĐ-TTCP ngày 24/10/2007 của Tổng Thanh tra về việc ban hành Quy chế lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo.

Quy trình thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được thực hiện theo quy định chung của quy trình một cuộc thanh tra (đã được trình bày tại bài viết “Nghiệp vụ Thanh tra Tư pháp và quy trình một cuộc thanh tra”). Do đó, tại bài viết này, chúng tôi chỉ nêu ra một số vấn đề cần chú ý khi tiến hành thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo để các Thanh tra viên cùng tham khảo.

Chúng tôi rất mong tiếp nhận những ý kiến phản hồi, trao đổi của đồng chí, đồng nghiệp để cùng nhau xây dựng nghiệp vụ cho Ngành ngày càng hoàn thiện hơn. Mọi chia sẻ thông tin, kiến thức hoặc hỏi đáp, thắc mắc về nghiệp vụ thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo xin liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ của tác giả: Hoàng Quốc Hùng - Thanh tra Bộ Tư pháp, Tel: 8231127 & 0913001513 & Email: Hunghq@moj.gov.vn./.