Chúng tôi đã gặp gỡ và trao đổi với ông David Ennis - Giám đốc Dự án phát triển tư pháp và sự tham gia từ cơ sở (JUDGE) về những hoạt động của JUDGE liên quan đến lĩnh vực tư vấn pháp luật (TVPL) tại Việt Nam. Ông Ennis cho biết
JUDGE là một dự án tăng cường năng lực tư pháp cho Việt Nam được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada (CIDA). Dự án hoạt động đến năm 2012, bao gồm 3 hợp phần chính, trong đó một hợp phần liên quan đến đào tạo công tác tư pháp, một liên quan đến cải cách thủ tục hành chính tại các tòa và cuối cùng là mảng hoạt động nhằm tăng cường sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở. Các đối tác chính của chúng tôi là Bộ Tư pháp, TAND các cấp và ngoài ra là một số tổ chức đoàn thể khác. Riêng đối với hoạt động TVPL, công việc của chúng tôi mới triển khai, bắt đầu bằng sự tài trợ tổ chức 2 cuộc hội thảo cho Bộ Tư pháp ở Vũng Tàu và Quảng Ninh. Chúng tôi hiện đang xem xét khả năng hợp tác cùng một vài Trung tâm TVPL ở Việt Nam trong một dự án mang tính chất thử nghiệm. Ưu tiên của chúng tôi hướng đến là những Trung tâm TVPL mà thường xuyên tư vấn trực tiếp cho các tầng lớp chịu thiệt thòi trong xã hội.
* Thưa ông, tại sao tổ chức CIDA lại dành sự quan tâm cho hoạt động TVPL ở Việt Nam?
Tuy không phát biểu từ góc độ tổ chức CIDA nhưng là người đại diện cho JUDGE, tôi có thể nói như thế này: Hoạt động TVPL là một phần trong công tác đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận với công lý và công bằng trong xã hội. Vì đối với mọi quốc gia trên thế giới, điều quan trọng là bảo đảm cho mọi người dân bình thường có khả năng tiếp cận hệ thống tư pháp, hệ thống trợ giúp pháp lý để họ có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Và điều này đặc biệt đúng cho một nước như Việt Nam khi Việt Nam đang gặp phải những vướng mắc trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.
* Có nghĩa là hoạt động TVPL ở Việt Nam có quá nhiều tồn tại?
Tôi nghĩ rằng từ những gì mà tôi đã đi thăm, đã làm việc và biết được thì tôi thấy rất khả quan về tình hình hoạt động TVPL ở Việt Nam. Bởi những người hoạt động trong lĩnh vực này rất tích cực, đóng góp công sức phần quan trọng cho hoạt động TVPL. Tuy nhiên, theo nhận xét của tôi, các Trung tâm tư vấn pháp lý nói riêng và hoạt động TVPL nói chung của Việt Nam chưa phát huy hết tiềm năng của mình. Cho tới bây giờ, hoạt động TVPL mới chỉ có ở một số tỉnh và ở các tỉnh đó cũng mới chỉ ở quy mô nhỏ. Hy vọng, sự sửa đổi của Nghị định mới thay thế cho Nghị định số 65 sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho việc phát triển hoạt động TVPL ở các địa phương.
* Vậy, thông qua tài trợ cho hoạt động TVPL, Dự án JUDGE đề ra mục tiêu gì?
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Dự án JUDGE là thúc đẩy sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, hay nói cách khác là tăng cường mối liên hệ giữa người dân ở cấp cơ sở với hệ thống tư pháp. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến khả năng của một số nhóm tầng lớp dân cư trong xã hội gặp khó khăn khi tiếp cận hệ thống tư pháp và các sự giúp đỡ pháp lý khác như phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người dân ở nông thôn, người dân tộc thiểu số. Với việc trợ giúp cho sự phát triển và ra đời của các trung tâm TVPL, chúng tôi hy vọng đây sẽ là công cụ mở ra một lối đi mới cho những nhóm người trên có khả năng tiếp cận với hệ thống tư pháp và đây cũng là một phần trong công tác hiện đại hóa và thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp (CCTP) của Chính phủ Việt Nam.
* Là một chuyên gia nước ngoài, ông thấy quá trình CCTP ở Việt Nam đạt hiệu quả chưa?
Đây là một câu hỏi rất thú vị. Cá nhân tôi nhận thấy rằng Chiến lược CCTP ở Việt Nam là chương trình cải cách đề ra khá nhiều mục tiêu. Có nghĩa là, Việt Nam đã đặt những mục tiêu rất lớn lao và cố gắng đạt được chúng trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Ngay cả một số quốc gia có hệ thống tư pháp rất phát triển như hiện nay cũng phải mất đến vài thập kỷ mới có thể tiến hành được những thay đổi đó và theo Chiến lược CCTP của Việt Nam đòi hỏi đến năm 2020 là phải cải cách cơ bản toàn bộ hệ thống tư pháp ở Việt Nam. Theo ý kiến của tôi, những kết quả, những thành tựu mà Việt Nam giành được là khá tích cực song vẫn còn rất, rất nhiều việc phải làm.
* Xin ông cho biết cụ thể hơn?
Để lựa chọn một vài vấn đề có thể tiến hành một cách tập trung thì tôi nghĩ rằng đầu tiên là vấn đề đào tạo cán bộ tư pháp và pháp luật. Các bạn cần tăng cường chất lượng đào tạo ở các trường đại học luật, Học viện Tư pháp. Ngoài ra, phải luôn cập nhật tài liệu, cũng như nâng cao kiến thức, tay nghề cho bản thân các cán bộ đang công tác. Thứ hai là, cần đơn giản hóa các thủ tục trong lĩnh vực tư pháp và tăng cường tính minh bạch của các thủ tục. Có nhiều người phàn nàn, hệ thống tư pháp của Việt Nam rất phức tạp, thậm chí một số người không thể hiểu rõ được cụ thể hệ thống đó hoạt động ra sao. Ví dụ, một người dân bình thường rất khó có được một tài liệu văn bản pháp luật nào đó, kể cả những người làm việc trong công tác luật như các luật sư cũng khó có thể bảo đảm chắc chắn rằng văn bản pháp luật mà họ đang sử dụng là văn bản được cập nhật mới nhất hay không vì hệ thống luật pháp Việt Nam thay đổi liên tục. Thứ ba là, cần công bố công khai những bản án, những kết luận của TA cho từng vụ việc vì nó giúp mọi người hiểu được TA đã đi đến những kết luận đó như thế nào và cách diễn giải của từng điều luật trong thực tế, đồng thời đảm bảo tăng cường tính minh bạch cho cả hệ thống nói chung.
Hoàng Thư