Trên tờ báo của ngành mới đây có nêu ra vướng mắc của một trường hợp cụ thể tại TP. HCM . Mặc dù quan hệ con nuôi đã được thực tế thừa nhận từ năm 1990 giữa ông bà P.V.Đ với cháu P.N.D, nhưng đến nay để hợp thức hoá quan hệ đó trên giấy tờ lại vướng quy định của pháp luật nên không thể thực hiện được. Chúng tôi đã trao đổi với một số chuyên gia pháp luật và ghi nhận được những ý kiến khác nhau về vấn đề này.
* Ông Nguyễn Quốc Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp: Chưa có cơ chế giải quyết
Con nuôi thực tế không phải bây giờ mới phát sinh mà trước lúc Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) được thông qua năm 2000, các nhà làm luật đã đặt ra vấn đề nên hay không công nhận con nuôi thực tế. Điều này xuất phát từ một thực tiễn là có rất nhiều trường hợp, vì những lý do khác nhau, đã không đăng ký nhận nuôi con. Sau một thời gian dài gắn bó, giữa người nuôi và người được nuôi đã phát sinh quan hệ tình cảm nhưng nếu pháp luật không thừa nhận thì sẽ rất thiệt thòi cho họ. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận tại hội trường, Quốc hội đã không chấp nhận vấn đề con nuôi thực tế. Như vậy, chỉ những trường hợp con nuôi có đăng ký theo quy định của pháp luật mới được thừa nhận là có phát sinh quan hệ, quyền lợi và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi. Ngay cả nghị định hướng dẫn thi hành Luật cũng không công nhận con nuôi thực tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đứng về mặt pháp lý, tại thời điểm này, vấn đề trên chưa có cơ chế giải quyết.
Từ góc độ một nhà nghiên cứu rất tâm huyết với vấn đề con nuôi thực tế, tôi cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét lại chính sách của mình trong việc công nhận con nuôi thực tế. Bởi đó là một nhu cầu chính đáng của người dân. Có đi khảo sát ở miền núi, các bạn mới biết hầu hết con nuôi đều không đăng ký, thậm chí ngay cả con đẻ của đồng bào cũng không được đăng ký khai sinh vì theo nhận thức, tập quán của mình, đồng bào dân tộc thiểu số luôn quan niệm cứ nuôi là con của người ta mà không hề biết rằng sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ. Chẳng hạn, nếu bố mẹ nuôi mất đi, không để lại di chúc thì tài sản bị bà con, họ hàng của bố mẹ nuôi tranh giành. Giả sử đưa nhau ra Toà, con nuôi cùng lắm được tính một phần công sức đóng góp vào khối tài sản ấy, chứ không có chuyện được thừa kế đúng quy định của pháp luật. Chính vì thế, chúng ta cần nghiên cứu sửa đổi vấn đề này của Luật để có thể công nhận con nuôi thực tế, bảo đảm quyền lợi của công dân.
Đối với trường hợp được báo đề cập, rõ ràng là việc nhận nuôi cháu P.N.D của ông bà P.V.Đ xuất phát từ lòng nhân đạo và tình thương. Giờ đây, tất cả đều có nguyện vọng nhận cha mẹ nuôi, con nuôi mà không giải quyết cho họ thì bất kỳ nhà quản lý cũng sẽ cảm thấy áy náy. Song, từ góc độ quản lý cần phải thấy rõ, nếu giải quyết công nhận quá thông thoáng, dễ dàng thì sẽ dẫn đến tình trạng bắt cóc trẻ để nuôi, để bán (nhà quản lý không được đòi hỏi tìm hiểu nguồn gốc của đứa trẻ). Có thể nói, đây chính là một trong những lý do mà Quốc hội chưa đồng ý công nhận con nuôi thực tế.
Trong chương trình làm luật của Quốc hội khoá XII, Bộ Tư pháp đã đề xuất xây dựng Luật Con nuôi, điều chỉnh chung cả vấn đề con nuôi trong nước và con nuôi quốc tế. Tuy là một mảng tư pháp hộ tịch – có thể quy định luôn trong Luật Hộ tịch, nhưng việc tách thành một đạo luật sẽ là hợp lý hơn bởi vấn đề con nuôi rất nhạy cảm. Đối tượng con nuôi là các cháu bé, chưa có khả năng tự vệ nên cần phải thiết lập được cơ chế bảo vệ lợi ích hợp pháp của các cháu bằng một văn bản riêng biệt có giá trị pháp lý cao. Nếu được mời tham gia tổ biên tập dự án Luật Con nuôi, tôi sẽ cố gắng hết sức đưa vấn đề trên ra bàn thảo.
LS Nguyễn Hữu Cường – Đoàn LS tỉnh Lạng Sơn: Vận dụng pháp luật linh hoạt sẽ giải quyết được
Xét về tình cảm thực tế, mối quan hệ đã được thiết lập và gắn bó suốt 18 năm nay, cả nhân dân và chính quyền địa phương đều công nhận, thậm chí nhiều người còn không nghĩ đó là quan hệ cha mẹ nuôi với con nuôi. Theo tác giả bài báo, ngay cả cháu P.N.D đến giờ cũng không nghĩ rằng mình không phải là con ruột. Vì vậy, quan hệ ấy cần phải được thừa nhận và bảo hộ. Về mặt lý, chúng ta có thể xem xét và vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật. Tôi cho rằng, việc áp dụng quy định của Luật HN&GĐ năm 2000 và Nghị định số 158/NĐ-CP là hơi cứng nhắc và khiên cường. Có lẽ vì sự thận trọng thái quá đó mà cơ quan tư pháp hộ tịch dù rất muốn cũng không giải quyết được.
Quan hệ nuôi con nuôi của ông bà P.V.Đ và cháu P.N.D đã được xác lập vào năm 199-, lúc đó cháu chưa tròn 1 tháng tuổi. Luật áp dụng cho quan hệ này phải là Luật HN&GĐ năm 1987 có hiệu lực từ ngày 3/1/2987. Điều 37 Luật HN&GĐ năm 1987 quy định, việc nhận nuôi con nuôi do UBND cấp xã công nhận và ghi vào sổ hộ tịch. Tại thời điểm năm 1990 chỉ có duy nhất quy định trên. Bởi, Điều lệ đăng ký hộ tịch ban hành kèm theo Nghị định số 04/CP ngày 16/1/1961 của Chính phủ không có quy định về thủ tục nhận nuôi con nuôi và mãi đến tận năm 1998 mới có Nghị định số 83/NĐ-CP thay thế Nghị định số 04/CP.
Trở lại Điều 37 Luật HN&GĐ năm 1987, tôi nhấn mạnh quy định “công nhận”, chứ không phải là đăng ký (Luật HN&GĐ năm 2000 mới có quy định “Đăng ký việc nuôi con nuôi” - Điều 72). Phép so sánh đã cho thấy, Luật HN&GĐ năm 1987 không quy định phải đăng ký mà chỉ cần được UBND cấp xã công nhận. Đối chiếu với trường hợp thực tế của cháu P.N.D, ông bà P.V.Đ đã đến báo cáo toàn bộ sự việc (kể cả việc đặt tên cho cháu) với UBND phường 12, quận 3 nơi ông bà có đăng ký hộ khẩu thường trú vào năm 1990. Có nghĩa là, ông bà P.V.Đ đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, chính quyền sở tại cũng đã thừa nhận. Vấn đề còn lại chính là ở chỗ UBND phường 12, quận 3 khi ấy chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ là ghi vào sổ hộ tịch. Chẳng lẽ chỉ vì sơ suất (tôi không muốn nói là thiếu trách nhiệm) của cơ quan nhà nước mà giờ đây quyền lợi của cả gia đình, đặc biệt là của cháu P.N.D đi vào chỗ bế tắc?
Theo tôi, giải pháp là hãy căn cứ vào Điều 37 Luật HN&GĐ năm 1987 (có hiệu lực tại thời điểm nuôi con nuôi), cơ quan có thẩm quyền công nhận quan hệ nuôi con nuôi này để gia đình cùng cháu P.N.D làm thủ tục ghi tên cha mẹ vào giấy khai sinh. Quan hệ nuôi con nuôi được xác lập hợp pháp, chính quyền địa phương xác nhận là đúng, chỉ còn thiếu sự công nhận chính thức, mà sự công nhận theo quy định lúc đó lại không phải là làm thủ tục đăng ký như Luật HN&GĐ năm 2000. Vậy, tại sao lại cứng nhắc áp dụng luật hiện hành thì ông bà P.V.Đ mới nhận cháu P.N.D làm con nuôi? Tôi cho rằng, chúng ta cần vận dụng linh hoạt song không trái luật các quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công dân và bảo vệ sự ổn định, bền vững của mối quan hệ tình cảm gia đình rất đáng trân trọng đó.
Cẩm Vân