Nằm khiêm tốn dưới bóng mát của hàng cây trên đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội), Văn phòng Trợ giúp pháp lý (TGPL) cho phụ nữ thuộc Cục TGPL (Bộ Tư pháp) đã thực sự là điểm tựa pháp lý không chỉ cho phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội, mà còn cho tất cả những ai cần đến một sự trợ giúp khi có vướng mắc về pháp luật.
Ai cần là trợ giúp
Mặc dù đối tượng TGPL của Văn phòng là phụ nữ nghèo, thuộc diện chính sách, là nạn nhân của bạo lực gia đình buôn bán phụ nữ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người già cô đơn, người dân tộc thiểu số thường trú ở những vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và trẻ em gái, trẻ em không nơi nương tựa, nhưng bà Lê Thị Hiên – Trưởng Văn phòng – khẳng định, bất kỳ ai tìm đến Văn phòng yêu cầu được TGPL thì “họ cũng được giúp như những người thuộc diện được TGPL miễn phí”. Riêng đối tượng là trẻ em thì Văn phòng vẫn cử luật sư cho những em dù có bố mẹ nhưng gặp phải những vấn đề về pháp lý mà có yêu cầu được TGPL tại Văn phòng. Vì vậy, không chỉ những người dân trên địa bàn Hà Nội, mà cả những người dân từ Hà Tây, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Thanh Hoá…cũng tìm đến Văn phòng khi có vướng mắc về pháp luật. Năm 2007, Văn phòng đã thực hiện TGPL hiệu quả cho nhiều người, trong đó trường hợp của chị Phạm Thị Bình (Thanh Trì, Hà Nội) là một điển hình.
Dù chị Bình không phải đối tượng được TGPL miễn phí nhưng Văn phòng vẫn cử bà Hoàng Thị Lan (nguyên Thẩm phán TAND TP.Hà Nội) trực tiếp giúp đỡ chị. Sau khi nghiên cứu vụ án, bà Lan đã đề ra phương án giải quyết cho vụ kiện bằng biện pháp hoà giải với mong muốn hàn gắn tình cảm gia đình và giải quyết dứt điểm tranh chấp giữa anh em chị Bình, tránh làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các bên liên quan. Sau nhiều lần gặp gỡ, phân tích cái được cái mất với các bên, ngày 8/1/2008, tại trụ sở TAND huyện Thanh Trì, anh em chị Bình đã thống nhất phương án giải quyết và lập biên bản thoả thuận, chấm dứt vụ kiện yêu cầu chia tài sản chung mà nguyên đơn, bị đơn đều là anh em ruột. Suốt 4 năm, trải qua 4 phiên xử cả sơ thẩm và phúc thẩm nhưng quyền lợi của chị Bình vẫn phải chờ đến phán quyết của phiên toà thứ 5. Khi tưởng không còn chút hy vọng gì, tháng 11/2007, chị Bình tìm đến Văn phòng TGPL cho phụ nữ và chị cũng không ngờ quyết định này lại đem đến kết quả tốt đẹp cho vụ kiện khiến chị vất vả bấy lâu nay.
Khó khăn cũng phải vượt qua
Không chỉ TGPL trực tiếp như trường hợp chị Bình, Văn phòng còn tư vấn qua điện thoại, tuỳ theo yêu cầu và hoàn cảnh của đối tượng cần TGPL. Với 7 người làm công tác chuyên môn (trong đó 3 người là cán bộ ngành tư pháp về hưu và 4 nhân viên trẻ), Văn phòng đã phải khắc phục nhiều khó khăn, thậm chí cả từ phía những đối tượng được TGPL.
Theo bà Lê Thị Hiên, khó khăn nhất là phải vận động, tranh thủ được sự phối hợp của địa phương và chị em phụ nữ tại địa bàn. Thực tế, nhiều cán bộ chính quyền cấp xã, kể cả Chủ tịch Hội Phụ nữ, không mấy mặn mà với việc tổ chức TGPL cho phụ nữ vì sợ bị… kiện. Thêm vào đó, các đối tượng được TGPL miễn phí còn nhiều người có trình độ nhận thức pháp luật thấp, không hiểu hết ý nghĩa của hoạt động TGPL nên từ chối yêu cầu được TGPL. Vì thế, hàng tháng, Văn phòng phải mở 2 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật (kết hợp cả TGPL) cho chị em phụ nữ trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là ở những huyện (Đông Anh, Sóc Sơn…) có tỷ lệ xã nghèo lớn. Tại các lớp học, Báo cáo viên sẽ trình bày các chuyên đề pháp luật gắn với nhu cầu cần được trợ giúp của chị em, cùng trao đổi, giải đáp những tình huống, vướng mắc pháp luật cụ thể với chị em. Qua đó, giúp chị em giải toả những khúc mắc do không biết, không hiểu luật, được trang bị những kiến thức pháp luật cần thiết để tự bảo vệ mình và gia đình.
Tại mỗi địa phương, Văn phòng sẽ chọn phương thức TGPL thích hợp. Ngoài ra, Văn phòng còn thực hiện hoà giải các tranh chấp trong cộng đồng dân cư, hướng dẫn đối tượng viết đơn kiến nghị đến cấp có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình; cử luật sư bào chữa, đại diện tại Toà miễn phí cho chị em là đối tượng được TGPL miễn phí…Nhờ đó, hàng trăm lượt đối tượng, đặc biệt là phụ nữ nghèo, đã được Văn phòng TGPL, giúp giải toả những vướng mắc không chỉ về pháp luật mà còn về tình cảm gia đình.
Văn phòng đã trở thành mô hình mẫu cho hoạt động TGPL cho phụ nữ trên cả nước. Năm 2006, 4 Chi nhánh của Văn phòng đã được nâng lên Văn phòng TGPL cho phụ nữ tại Khánh Hoà, Hà Tây, Bắc Giang và Thái Bình. Dù những bức tường của Văn phòng không hề có bóng dáng một bằng khen nào về thành tích chuyên môn, nhưng đối với những người như chị Bình, chị Hoàn, chị Đế…, những việc mà Văn phòng TGPL cho phụ nữ tại Hà Nội đã làm được trong hơn 5 năm qua thực sự đáng được ghi nhận./.
Hương Giang