Chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Sẽ được áp dụng như thế nào vào dự án luật bồi thường nhà nước?

29/03/2008
Theo Bộ Tư pháp – cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Bồi thường nhà nước (BTNN), quan hệ pháp luật về trách nhiệm BTNN xét về thực chất là một dạng đặc biệt của quan hệ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (BTTHNHĐ). Quan hệ trách nhiệm BTTHNHĐ đã được ghi nhận khá đầy đủ trong Bộ luật Dân sự năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này sẽ được áp dụng ra sao đối với dự án Luật BTNN là câu hỏi cần được ban soạn thảo trả lời khi mà thực tiễn xét xử các vụ án về trách nhiệm BTTHNHĐ rất khác nhau.

Thực tiễn xét xử : Mỗi nơi mỗi khác

Hiện nay pháp luật đã quy định khá chi tiết về cách xác định thiệt hại và mức bồi thường đối với các trường hợp BTTHNHĐ. Theo đó, trách nhiệm bồi thường phát sinh trong các trường hợp bị xâm phạm về sức khoẻ, về tính mạng, về danh dự, nhân phẩm, uy tín, về tài sản.  Điều 608 BLDS 2005 quy định, người bị thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được bồi thường các khoản thiệt hại sau: Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. Theo quy định tại Điều 609 BLDS 2005, người bị thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường các khoản thiệt hại: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị hại trong thời gian điều trị; Bồi thường tổn thất về tinh thần… Điều 610 BLDS 2005 quy định, người bị thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được bồi thường các khoản thiệt hại sau: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích gần gũi nhất của người bị thiệt hại; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại đang cấp dưỡng. Theo quy định tại Điều 611 BLDS 2005, người bị thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được bồi thường các khoản thiệt hại sau: Chi phí hợp lý để hạn chế khắc phục thiệt hại; Thu thập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần.

Nhưng trên thực tế, việc giải quyết lại không chỉ căn cứ vào mức độ thiệt hại mà còn nhiều yếu tố khác như xác định lỗi của một bên hay lỗi hỗn hợp, mức bồi thường về tổn thất tinh thần như thế nào cho hợp lý… Chẳng hạn, để có thể giải quyết được vụ án BTTH do tài sản bị xâm phạm, thông thường toà án phải trưng cầu giám định và kết quả giám định là một nguồn chứng cứ. Tuy nhiên, phần lớn các đương sự không đồng ý chịu chi phí giám định nên rất khó cho toà khi phải giải quyết. Trong những vụ án kiểu này, có toà án còn chấp nhận khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra như tiền thuê nhà ở nơi khác để ở trong trường hợp nhà bị hư hỏng nặng

Pháp luật quy định không chấp nhận chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ... đối với người bị xâm phạm về tính mạng. Tuy nhiên, một số địa phương không có phong tục bốc mộ nên quan tài thường dùng loại gỗ đắt tiền (có thể gấp 10 lần loại bình thường), song toà vẫn chấp nhận. Có địa phương, toà lại tham khảo chi phí mai táng ở các cơ sở dịch vụ lo mai táng. Hay khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần cho những người thân thích gần gũi nhất của họ được giải quyết không giống nhau. Đối với các trường hợp gần như tương tự nhau, có toà buộc bồi thường 60 tháng lương tối thiểu, nhưng cũng có toà án chỉ buộc bồi thường khoảng 30 tháng lương (theo quy định thì tối đa là 60 tháng lương tối thiểu của nhà nước).

Áp dụng đối với dự luật BTNN: Trách nhiệm của Nhà nước sẽ rộng hơn?

Hiện nay, toà án mới giải quyết về các vụ án BTTH do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự (TTHS) gây ra. Vì Nhà nước giao nhiệm vụ cho cơ quan tiến hành TTHS trong nhiệm vụ quyền hạn của mình phải phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Trong TTHS, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng nên Nhà nước phải chịu trách nhiệm về những trường hợp công dân đã bị oan. Bởi thế, để khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người bị oan trong hoạt động TTHS, nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động TTHS gây ra (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 388). Trên cơ sở các nguyên tắc chung của BTTHNHĐ và cách xác định thiệt hại, mức bồi thường, Nghị quyết 388 đã quy định nguyên tắc giải quyết BTTH cho người bị oan. Ngày 22/11/2006, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 04 hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết 388. Còn đối với trường hợp BTTH do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và thi hành án dân sự gây ra thì theo quy định của pháp luật đây là quyền của đương sự. Nhưng vì chưa có quy định cụ thể của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên chưa có căn cứ để giải quyết.

Theo ban soạn thảo, dự luật BTNN sẽ sử dụng các nguyên tắc và các quy định cơ bản của chế định trách nhiệm BTTHNHĐ. Đó là, cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức nhà nước hoặc người có thẩm quyền gây ra trong khi thi hành công vụ hoặc trong khi thực hiện nhiệm vụ trong quá trình tố tụng. Kinh phí bồi thường thiệt hại là một khoản trong ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý cấp phát và quyết toán kinh phí bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Sau khi đã bồi thường cho người bị thiệt hại, Thủ trưởng cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét quyết định mức hoàn trả, phương thức hoàn trả đối với cán bộ, công chức, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng… Tuy nhiên phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong dự luật BTNN sẽ cụ thể hơn, đầy đủ hơn. Nhà nước sẽ phải bồi thường đối với những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hành pháp và tư pháp khi nhà nước thực hiện các hành vi công vụ.

Hoàng Thư

BTTHNHĐ là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc người có lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền lợi hợp pháp của người khác phải bồi thường. Cơ sở của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là những quy định của pháp luật, không có sự thoả thuận trước của các bên và được phát sinh trên cơ sở hành vi bất hợp pháp.

Bốn nguyên tắc bồi thường thiệt hại: Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ; Bồi thường phải kịp thời; Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường với 2 điều kiện là thiệt hại do lỗi vô ý và thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại; Mức bồi thường thiệt hại phải phù hợp với thực tế.