Tranh tụng trong thực tiễn: Vướng mắc từ phía nào?

17/12/2007
Báo cáo tại kỳ họp Quốc hội khoá XII vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, nếu tính theo hoạt động của luật sư tham gia bào chữa ở các phiên toà hình sự thì nước ta có tới 80% các vụ án chưa có luật sư tham gia tố tụng. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã nhận định, ngay án văn của Toà án cũng chưa nêu rõ quan điểm, lập luận của luật sư trong khi bào chữa, chưa thực sự có tranh tụng trong nhiều vụ án hình sự hiện nay. Một trong những nguyên nhân quan trọng chính là việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 cũng như Luật Luật sư năm 2006 về việc tham gia tố tụng của luật sư.

Thực trạng trên đã gây khó khăn cho cả luật sư lẫn các cơ quan tiến hành tố tụng. Điều này khiến cho mục tiêu mà Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đề ra là tranh trụng tại phiên tòa phải đảm bảo dân chủ, bình đẳng và kết quả xét xử phải dựa trên kết quả tranh tụng chưa được hiện thực hóa nhanh chóng. Không những thế, theo đánh giá của ngành Tư pháp, việc thực hiện quyền của luật sư trong hoạt động tố tụng chưa được quan tâm đúng mức. Một số người tiến hành tố tụng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết vụ án. Thậm chí, vẫn còn trường hợp cơ quan điều tra ở địa phương gây khó khăn, cản trở công việc của luật sư. Chẳng hạn, yêu cầu luật sư xuất trình rất nhiều giấy tờ, gây phiền hà trong việc gặp người bị tam giữ, bị can, bị cáo, trong việc photo, sao tài liệu liên quan đến vụ án…

* Ông Vũ Phi Long – Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP. HCM

PV: Thưa ông, tinh thần của các Nghị quyết của Bộ Chính trị là rất rõ nhưng tranh tụng dân chủ, bình đẳng sao vẫn cứ xa vời?

- Chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề này từ 2 khía cạnh. Về mặt tích cực, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương rất rộng lớn về vấn đề tranh trụng tại phiên tòa. Điều đó thể hiện trong Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trên tinh thần của Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị với định hướng lớn là đảm bảo công bằng, bình đẳng và dân chủ tại phiên tòa, đảm bảo tác nghiệp của luật sư tại phiên tòa. Tiếp đến, BLTTHS cùng các văn bản dưới luật đều đang tìm tòi, hướng dẫn vấn đề này. Và, trong xu thế hội nhập, các dự án, các hiệp định tư pháp song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết là một điều kiện thuận lợi để nước ta tiếp cận môi trường tranh tụng công bằng, bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố cản trở, kìm hãm như năng lực, trình độ của cán bộ tư pháp ở chừng mực nhất định chưa đáp ứng được nhu cầu. Thứ 2, nhận thức chung về pháp luật của người dân, hay có thể nói là mặt bằng dân trí về pháp luật chưa được cao. Thứ 3, chính những văn bản, nghị quyết, chỉ thị, thông tư cũng phải xem lại một số quy định để sửa đổi, bổ sung mới có thể tiến tới việc tranh tụng đúng nghĩa.

PV: Đã có trường hợp chủ tọa phiên tòa vì sức ép nào đó không để việc tranh tụng thực sự được diễn ra. Quan điểm của ông ra sao và ở TAND TP. HCM có xảy ra tình trạng tương tự không?

- Theo tôi, đây chỉ là thiếu sót của vài cá nhân. Quả thật, cũng có một số trường hợp như vậy và tôi cho là bình thường vì trong một tập thể trong quá trình hoạt động không tránh khỏi sự va vấp của một vài người, một vài đơn vị. Những điều này không làm cản trở bước tiến về phía trước của chúng ta trong đảm bảo tranh tụng. TAND TP. HCM đã nghiên cứu rất kỹ về BLTTHS, trong đó bảo đảm các quyền của bị can, bị cáo, quyền của luật sư và những thủ tục tố tụng khác liên quan đến vấn đề tranh tụng được chúng tôi nghiên cứu, mổ xẻ và thảo luận để đưa ra mô hình tố tụng mang tinh thần đó. Tòa chúng tôi là đơn vị đầu tiên tổ chức phiên tòa mẫu của cả nước. Do vậy, tiếp thu được nhiều ý kiến về tranh tụng của các đơn vị bạn. Từ đấy, tự có những quy định làm rõ thêm những ưu điểm trong yếu tố tranh tụng của BLTTHS. Ví dụ, luôn yêu cầu luật sư, kiểm sát viên đối đáp tất cả vấn đề tại phiên tòa; giải thích cho bị cáo biết rõ tường tận quyền của bị cáo, tại cơ quan điều tra cũng như khi hồ sơ chuyển cho VKS truy tố và chuyển cho tòa xét xử, quyền của bị can, bị cáo luôn được nhắc đến. Những người nào không bảo đảm được, không ý thức được đầy đủ thì chúng tôi có nhiệm vụ giải thích cặn kẽ để cho họ hiểu được, họ làm được những quyền đó. Mặt khác là cách tổ chức phiên tòa, chúng tôi luôn dành quyền tự bào chữa của bị can, bị cáo lên trên hết.

* Bà Pernille Kjaerulff - Thẩm phán Toà án TP. Copenhagen (Đan Mạch) 

PV: Thưa Thẩm phán, bà nhận xét gì về những qui định pháp luật và thực tiễn của Việt Nam liên quan đến thủ tục tranh tụng?

- Mặc dù Việt Nam bắt đầu thực hiện thủ tục tranh tụng tại toà muộn hơn nhiều nước khác một bước nhưng rõ ràng là các bạn đang đi đúng hướng. Trước khi sang Việt Nam, tôi đã nghiên cứu một số văn bản pháp luật về tố tụng của Việt Nam, trong đó có BLTTHS và phải thừa nhận là các bạn có một bộ luật tố tụng rất tốt, nhấn mạnh đến những thủ tục tranh tụng tại toà. Tuy nhiên, những qui định đó lại chủ yếu tập trung vào việc sử dụng hồ sơ hoặc tài liệu có trước, trong khi vấn đề rắc rối, khó khăn là bị cáo và người bào chữa của họ khó có điều kiện tiếp cận các hồ sơ tố tụng. Tôi cho rằng, đây là vấn đề rất nghiêm trọng mà Việt Nam cần phải khắc phục. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy, một trong những hạn chế đối với thủ tục tranh tụng của Việt Nam chính là mặt thực hành khi nhiều bị cáo ở Việt Nam chưa có điều kiện để có luật sư bào chữa cho mình.

PV: Vậy theo bà, đâu là nguyên nhân của những hạn chế đó?

- Tôi cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều bị cáo chưa có điều kiện để có luật sư bào chữa có thể là do vẫn còn tồn tại các thủ tục hành chính quan liêu ở Việt Nam và một phần là do đội ngũ luật sư của các bạn chưa đủ khả năng, cũng như số lượng để đảm bảo quyền có luật sư của mỗi người dân. Về thủ tục tranh tụng, tôi thấy do chưa được triển khai lâu ở Việt Nam nên đội ngũ thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên giữ quyền công tố còn phải vật lộn với nhiều khó khăn để tiếp cận với thủ tục tranh tụng này. Ngoài ra, trở ngại đối với yêu cầu đạt được một phiên toà bình đẳng và công bằng của Việt Nam là ở chỗ thẩm phán Việt Nam mới được chỉ định hoặc bổ nhiệm và quyết định của họ lại bị giám sát chặt chẽ.

PV: Việt Nam cần làm gì để đạt được các yêu cầu của thủ tục tranh tụng trong thực tiễn, thưa bà?

- Để cải tiến cũng như hoàn thiện thủ tục tranh tụng của mình, Việt Nam có rất nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, các thẩm phán Việt Nam cần làm quen với việc yêu cầu đọc to các chứng cứ tại toà để các phương tiện thông tin và công chúng có thể nghe rõ; đảm bảo các quyền lợi của bị cáo như có luật sư bào chữa tốt; nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc xét xử công khai. Theo tôi, không nên đặt ra qui định bãi nhiệm thẩm phán và không nên giám sát họ quá chặt chẽ. Thẩm phán sẽ phải xuất hiện trước công chúng, nếu bị giám sát quá chặt chẽ họ khó có thể làm tất cả những gì cần làm. Đặc biệt tôi nghĩ rằng, chất lượng của thẩm phán Việt Nam phải được nâng cao hơn nữa. Tuy nhiên, tôi tin các bạn sẽ dần đáp ứng được yêu cầu của thủ tục tranh tụng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

* LS. Nguyễn Vĩnh Ban - Văn phòng Luật sư Chương Dương, Hà Nội

PV: Theo LS, yếu tố nào trong qui định pháp luật và thực tiễn đang kìm hãm hiệu quả tiến hành các thủ tục tranh tụng ở nước ta hiện nay?

- Quy định của pháp luật, theo tôi, cũng đã tương đối đầy đủ và không có gì phải bình luận nhiều. Song, thực tiễn có nhiều vấn đề cần đề cập như việc các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra còn gây ra không ít khó khăn trong quá trình tranh tụng của LS. Điều đó có thể thấy qua việc cấp Giấy chứng nhận bào chữa, Giấy chứng nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng. Trong quá trình hành nghề LS, tôi chưa bao giờ được cơ quan tiến hành tố tụng cấp đúng thời hạn theo quy định của BLTTHS hay dân sự. Sự chậm trễ này gây không ít khó khăn cho LS trong việc bảo vệ khách hàng của mình bởi phải có các Giấy chứng nhận trên, LS mới có thể liên hệ làm việc với các cơ quan liên quan để thu thập các bằng chứng bảo vệ cho khách hàng hoặc gặp mặt khách hàng trong trường hợp khách hàng bị tạm giam trong trại giam. Ngoài ra, các cơ quan tiến hành tố tụng hầu như “quên” các quyền của LS như ít khi thông báo cho LS về lịch hỏi cung bị can, bị cáo và lịch xét xử, hay không tự giác tuân thủ các qui định về gửi các Kết luận điều tra, Cáo trạng cho LS. Cơ quan điều tra còn thường áp dụng các quy định của ngành công an, kể cả khi văn bản của ngành trái với BLTTHS. Tôi dẫn ra những ví dụ trên để thấy rằng “thực thi đúng pháp luật còn quan trọng hơn là ban hành nhiều bộ luật mà không được thực thi đúng tinh thần của nó”.

PV: Vậy theo ông, cần làm gì để khắc phục những khó khăn cho hoạt động của các LS trong tranh tụng?

- Tôi cho rằng, bên cạnh việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các bên trong quá trình tranh tụng, bản thân đội ngũ LS cũng cần nâng cao kỹ năng hành nghề, như chuyên môn nghề nghiệp, văn hoá ứng xử tại TA. Đó là các điều kiện cần thiết để có thể tạo ra sự thân thiện, hiểu biết lẫn nhau giữa TA và LS, LS tôn trọng TA, ngược lại TA sẽ tôn trọng LS. Ngoài ra, phải có những chế tài cụ thể và đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi cản trở hoạt động của LS vì các quy định của pháp luật hiện hành còn rất chung chung. Cuối cùng, tôi nghĩ rằng, sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông rất cần thiết vì qua các thông tin truyền thông, cơ quan nhà nước, tổ chức và người dân có thể hiểu rõ hơn về hoạt động thực tiễn của LS cũng như những qui định pháp luật liên quan đến hoạt động của LS. Nhờ đó, sẽ góp phần hạn chế những khó khăn cho LS khi tác nghiệp.

PV: Xin cảm ơn các ông bà!

Box: Ở nước ta, tính trung bình cứ 20.500 dân mới có 1 luật sư, trong khi tỷ lệ này ở Singapore là 1000 dân/1 luật sư, ở Thái Lan là 1.700 dân/1 luật sư, ở Nhật Bản là 5.500 dân/1 luật sư. So với các nước phát triển, độ chênh của tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều. Ví dụ, ở Mỹ, cứ 270 dân có 1 luật sư, ở Pháp là 500 dân/1 luật sư. Như vậy, so với chỉ tiêu mà Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp đề ra đến năm 2020 cố gắng nước ta có khoảng 18.000 luật sư thì con số luật sư hiện có còn rất khiêm tốn.

Hoàng Thư – Hương Giang