Tổng quan về Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế

04/04/2008
1. Lịch sử, thành lập và địa vị tổ chức quốc tế của Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế (HccH) 

Phiên họp đầu tiên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế được Chính phủ Hà Lan tổ chức năm 1893 theo sáng kiến của T.M.C. Asser (Giải thưởng Nobel về Hoà bình 1911). Trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đã có 6 phiên họp được tổ chức (vào các năm 1893, 1894, 1900, 1904, 1925 và 1928). Phiên họp thứ 7 tổ chức năm 1951 đã đánh dấu một kỷ nguyên mới với sự chuẩn bị một bản Quy chế theo đó Hội nghị này trở thành một tổ chức liên chính phủ thường trực. Quy chế có hiệu lực từ ngày 15/7/1955. Kể từ năm 1956, các phiên họp toàn thể đã được tổ chức định kỳ 4 năm một lần, phiên họp lần thứ 20 được tổ chức năm 2005.

 Với 68 quốc gia thành viên đại diện cho tất cả các châu lục, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế là một tổ chức liên chính phủ toàn cầu. Với tư cách là một diễn đàn của nhiều truyền thống pháp lý, Hội nghị xây dựng nhiều công cụ pháp lý đa phương nhằm đáp ứng nhu cầu của toàn thế giới.

Ngày càng có nhiều quốc gia không phải là thành viên Hội nghị đang trở thành các bên ký kết của các Công ước La Hay. Kết quả là công việc của Hội nghị có liên quan đến hơn 120 nước trên thế giới.

2.  HccH làm cầu nối giữa các hệ thống pháp luật 

Các mối quan hệ, giao lưu về dân sự, gia đình, lao động, thương mại giữa các quốc gia đang là hiện tượng phổ biến trong thế giới ngày nay. Những mối quan hệ này có thể bị ảnh hưởng bởi sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật của các nước. Nhằm giải quyết những khác biệt đó, các quốc gia đã thông qua các quy tắc đặc biệt với tên gọi là các quy tắc "tư pháp quốc tế". Sứ mệnh luật định của Hội nghị là hành động vì sự "nhất thể hoá tiến bộ" của các quy tắc đó. Điều này bao gồm việc tìm ra phương pháp tiếp cận được quốc tế thống nhất đối với những vấn đề như thẩm quyền xét xử của toà án, luật áp dụng, công nhận và cho thi hành các bản án trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ pháp luật thương mại và pháp luật về ngân hàng cho đến thủ tục tố tụng dân sự quốc tế, từ bảo vệ trẻ em cho đến những vấn đề hôn nhân và địa vị cá nhân. 

Trong nhiều năm qua, khi thực hiện sứ mệnh của mình, Hội nghị đã ngày càng trở thành một trung tâm về hợp tác tư pháp và hành pháp trong lĩnh vực pháp luật tư, đặc biệt trong các lĩnh vực bảo vệ gia đình và trẻ em, thủ tục tố tụng dân sự và pháp luật thương mại.  

3. HccH tăng cường tính rõ ràng và an toàn của pháp luật   

Mục đích tối thượng của Tổ chức này là hành động vì một thế giới trong đó bất chấp sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật, cá nhân cũng như các công ty  đều có thể được hưởng mức độ an toàn pháp lý cao.   

4. HccH  do các quốc gia thành viên điều hành và cấp kinh phí…  

Theo quy định, Tổ chức này họp toàn thể định kỳ mỗi năm bốn lần (Phiên họp ngoại giao bình thường) để đàm phán và thông qua các Công ước và quyết định về công việc sắp tới. Các Công ước được chuẩn bị bởi các Uỷ ban đặc biệt hoặc các nhóm công tác họp vài lần mỗi năm, thường tại Cung điện hoà bình ở La Hay và ngày càng diễn ra tại các nước thành viên khác nhau. Các Uỷ ban đặc biệt cũng được tổ chức để kiểm điểm tình hình thực hiện các Công ước và thông qua các khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu lực của các Công ước và bảo đảm sự giải thích và áp dụng thống nhất các Công ước đó.

Tổ chức này chủ yếu được các quốc gia thành viên cung cấp kinh phí hoạt động. Ngân sách của nó được Hội đồng đại diện ngoại giao của các quốc gia thành viên phê duyệt hàng năm. Tổ chức này còn tìm kiếm và nhận được  kinh phí từ các nguồn khác. Nếu Việt Nam gia nhập Hội nghị La Hay về TPQT, mức niên liễm sẽ là trên dưới 5,000 Euros. Mức đóng góp thường niên này sẽ thường xuyên được rút bớt, do ngày càng có thêm các quốc gia trở thành thành viên và cùng chia sẻ nghĩa vụ đóng góp tài chính.

5. HccH đóng trụ sở tại La Hay - trung tâm tư pháp quốc tế   

Hoạt động của Hội nghị được điều phối bởi một Ban Thư ký đa quốc gia – Cơ quan thường trực - nằm ở La Hay. Ngôn ngữ làm việc của Hội nghị là tiếng Anh và tiếng Pháp.

Ban Thư ký chuẩn bị các phiên họp toàn thể và các cuộc họp của các Uỷ ban đặc biệt và tiến hành nghiên cứu cơ bản những vấn đề mà Hội nghị sẽ thảo luận và quyết định. Ban Thư ký còn tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện có hiệu quả các Công ước.

Ngoài các cơ quan đại diện ngoại giao ở Hà Lan, Ban Thư ký còn duy trì mối liên hệ trực tiếp với với các nước thành viên thông qua các cơ quan quốc gia được chỉ định của các nước đó. Ban Thư ký cũng xây dựng các mối liên hệ thường xuyên với các chuyên gia và đại biểu của các quốc gia thành viên, với các Cơ quan trung ương quốc gia được chỉ định theo các Công ước có liên quan, cũng như với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ quốc tế và với các cộng đồng nghề nghiệp và giới học giả. Ban Thư ký ngày càng đáp ứng nhiều yêu cầu về cung cấp thông tin từ những người sử dụng các Công ước.

6. Các Công ước La Hay  

Trong giai đoạn từ 1893 đến 1904, Hội nghị đã thông qua 7 Công ước quốc tế mà tất cả đều đã bị thay thể bởi các công cụ pháp lý hiện đại hơn.

Trong giai đoạn 1951 - 2005, Hội nghị đã thông qua 36 Công ước quốc tế mà hiệu lực thực tế của nhiều trong số các Công ước đó được các Uỷ ban đặc biệt định kỳ kiểm điểm. Thậm chí không được phê chuẩn nhưng các Công ước này vẫn có ảnh hưởng đến các hệ thống pháp luật của các quốc gia thành viên lẫn các quốc gia chưa phải là thành viên. Các Công ước đó là nguồn khích lệ đối với các nỗ lực nhất thể hoá luật tư pháp quốc tế ở tầm khu vực, ví dụ trong khuôn khổ của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ hay Liên minh châu Âu.

Các Công ước được phê chuẩn nhiều nhất là về:

·         Bãi bỏ yêu cầu hợp pháp hoá giấy tờ 

·         Tống đạt giấy tờ 

·         Thu thập chứng cử ở nước ngoài 

·         Tiếp cận công lý  

·         Con nuôi quốc tế  

·         Con nuôi giữa các quốc gia  

·        Xung đột pháp luật liên quan đến hình thức định đoạt tài sản bằng di chúc 

·        Nghĩa vụ cấp dưỡng  

·        Công nhận ly hôn 

Các Công ước ra đời gần đây nhất gồm Công ước về Quyền tài phán, luật áp dụng, công nhận, thi hành và hợp tác liên quan đến trách nhiệm của cha mẹ và các biện pháp bảo vệ trẻ em (1996), Công ước về bảo vệ quốc tế người đã thành niên (2000), Công ước về luật áp dụng đối với các quyền nhất định đối với chứng khoán do bên môi giới nắm giữ và Công ước về thoả thuận lựa chọn toà án (2005), Công ước về cấp dưỡng con và cấp dưỡng gia đình.

Hiện nay HccH đang tiến hành các cuộc đàm phán một công cụ pháp lý mới về thu hồi quốc tế tiền cấp dưỡng cho trẻ em và các hình thức cấp dưỡng khác cho thành viên gia đình.

Những vấn đề của tư pháp quốc tế được nêu lên bởi giới truyền thông, kể cả thương mại điện tử đang được đặt trên bàn nghị sự gồm: xung đột quyền tài phán, luật áp dụng, hợp tác tư pháp và hành pháp quốc tế liên quan đến trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho môi trường; quyền tài phán và việc công nhận, thi hành các quyết định về thừa kế khi người để lại thừa kế chết và các vấn đề của tư pháp quốc tế liên quan đến hôn nhân thực tế; luật áp dụng đối với hành vi cạnh tranh bất chính, cũng như đánh giá và phân tích những vấn đề pháp lý liên quan đến chứng khoán được nắm giữ gián tiếp và  lợi ích trên chứng khoán đó, trong đó đặc biệt có tính đến công việc mà các tổ chức quốc tế khác đã thực hiện.  

7.  Phương thức hoạt động

Phương thức chính được sử dụng để đạt được mục đích của Hội nghị gồm tiến hành đàm phán và soạn thảo các điều ước quốc tế đa phương hoặc Công ước trong các lĩnh vực khác nhau của tư pháp quốc tế (hợp tác tư pháp và hành pháp quốc tế; xung đột pháp luật trong hợp đồng, trách nhiệm ngoài hợp đồng, nghĩa vụ cấp dưỡng, địa vị và việc bảo vệ trẻ em, quan hệ vợ chồng, di chúc và di sản thừa kế; công nhận các công ty; quyền tài phán và việc thi hành bản án nước ngoài). Sau khi Ban Thư ký tiến hành xong việc nghiên cứu sơ bộ, các Uỷ ban đặc biệt gồm những chuyên gia chính phủ sẽ chuẩn bị bản sơ thảo Công ước. Sau đó, Dự thảo được thảo luận và thông qua tại một Phiên họp toàn thể của Hội nghị La Hay và đây là một hội nghị ngoại giao.

Ban Thư ký của Hội nghị La Hay duy trì mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ của các quốc gia thành viên thông qua các cơ quan quốc gia được do từng chính phủ chỉ định. Nhằm mục đích theo dõi hiệu lực của các điều ước quốc tế liên quan đến hợp tác tư pháp và hành pháp quốc tế, Cơ quan thường trực thường xuyên liên hệ trực tiếp với các Cơ quan trung ương do các quốc gia thành viên chỉ định theo quy định của các điều ước quốc tế đó. Nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế và bảo đảm sự phối hợp trong công việc do các cơ quan khác nhau thực hiện, Hội nghị La Hay duy trì liên lạc thường xuyên với một số tổ chức quốc tế, kể cả Liên hợp quốc - đặc biệt là UNCITRAL, UNICEF, Uỷ ban về Quyền trẻ em (CRC) và Cao uỷ Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) - Hội đồng châu Âu, Liên minh châu Âu, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Ban Thư ký của Khối Thịnh vượng chung, Tổ chức Tư vấn pháp lý Á-Phi (AALCO), Viện Nhất thể hoá tư pháp quốc tế (Unidroit) và các tổ chức khác. Một số tổ chức phi chính phủ như Tổ chức dịch vụ xã hội quốc tế, Hiệp hội quốc tế về luật gia đình, Phòng Thương mại quốc tế, Hiệp hội đoàn luật sư quốc tế, Liên hiệp luật sư bào chữa quốc tế (Union internationale des Avocats), Liên hiệp công chứng viên La tinh và Liên hiệp chấp hành viên và quan chức tư pháp quốc tế, có mối liên hệ chặt chẽ với Cơ quan thường trực và thường xuyên cử quan sát viên tham dự các cuộc họp của Hội nghị La Hay. Nhằm xây dựng các Công ước mới và theo dõi hiệu lực thực tế của các Công ước hiện hành, Cơ quan thường trực thường tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế khác có kiến thức chuyên môn về vấn đề liên quan.  

Cơ cấu tổ chức

1. Các Phiên họp toàn thể  

Theo nguyên tắc, các Phiên họp toàn thể được tổ chức 4 năm một lần dưới hình thức các cuộc họp ngoại giao. Trong trường hợp cần thiết, như đã xảy ra vào năm 1966 và 1985, có thể triệu tập phiên họp bất thường. Các Phiên họp toàn thể thảo luận và thông qua dự thảo các Công ước (và đôi khi các khuyến nghị) do các Uỷ ban đặc biệt chuẩn bị và ra quyết định về những nội dung cần đưa vào chương trình làm việc của Hội nghị. Sau khi được thông qua, tất cả các nội dung được đưa vào một Văn kiện cuối cùng và được các đoàn ký. Theo quy tắc và thủ tục làm việc của các Phiên họp toàn thể thì mỗi quốc gia thành viên có một phiếu. Quyết định được đưa ra theo đa số phiếu của các đoàn có mặt của các quốc gia thành viên. Các quốc gia không phải là thành viên nhưng được mời dự họp ngang hàng với các quốc gia thành viên thì cũng được quyền bỏ phiếu. Theo truyền thống được giữ từ Phiên họp đầu tiên, Chủ toạ được bầu từ Phiên họp đó đã luôn luôn là Chủ tịch Uỷ ban thường trực chính phủ Hà Lan nói dưới đây, Trưởng Đoàn Hà Lan. 

2. Các cơ quan điều hành  

Theo Quy chế, hoạt động của Hội nghị được bảo đảm bởi Uỷ ban Tư pháp quốc tế thường trực của Chính phủ Hà Lan. Về mặt chính thức thì đây là Uỷ ban ấn định ngày và chương trình nghị sự cho các Phiên họp toàn thể. Tuy nhiên, trên thực tế, sau những thay đổi lớn về hiến pháp, các quốc gia thành viên đã có nhiều ảnh hưởng trực tiếp hơn đối với quá trình ra quyết định trong lĩnh vực này, cũng như về những vấn đề khác liên quan đến chính sách chung của Hội nghị. Như vậy, các Uỷ ban đặc biệt của các chuyên gia chính phủ họp trong thời gian giữa các kỳ họp đưa ra khuyến nghị cho các Phiên họp toàn thể, nơi quyết định về chương trình nghị sự. 

Các hoạt động của Hội nghị do một Ban Thư ký tổ chức – Cơ quan thường trực – có trụ sở tại La Hay và quan chức của Cơ quan này phải là những người có quốc tịch khác nhau. Giúp việc cho Tổng Thư ký là bốn luật sư: một là Phó Tổng Thư ký và 3 còn lại là Thư ký thứ nhất. Nhiệm vụ chính của Cơ quan thường trực là chuẩn bị và tổ chức các Phiên họp toàn thể và các Uỷ ban đặc biệt. Các thành viên của Cơ quan thường trực tiến hành nghiên cứu cơ bản về các vấn đề được đưa ra Hội nghị xem xét, quyết định. Các thành viên đó còn duy trì và tăng cường liên hệ với các cơ quan quốc gia, các chuyên gia và đại biểu của các quốc gia thành viên và các Cơ quan trung ương do các quốc gia thành viên chỉ định theo các Công ước La Hay về hợp tác tư pháp và hành chính, cũng như với các tổ chức quốc tế và ngày càng tăng cường đáp ứng các yêu cầu về cung cấp thông tin từ những người sử dụng các Công ước (luật sư, công chứng viên, công chức, các công ty và nhà báo).

3. Các hoạt động bổ sung 

Ngoài các hoạt động chính là chuẩn bị và theo dõi về các Công ước La Hay, Hội nghị đã mở rộng hoạt động của mình đến các lĩnh vực mới. Thông tin chi tiết về các hoạt động này có thể tìm thấy trong bản Kế hoạch chiến lược mới nhất. (xem Phụ lục  …. Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2002 – 2006) 

4. n phẩm

Các Công ước do Hội nghị La Hay chuẩn bị từ năm 1951 có trong Bộ sưu tập Công ước do Cơ quan thường trực xuất bản định kỳ (bản mới nhất: Bộ sưu tập Công ước  - 1951-2003). Các tài liệu đầu tiên, các dự thảo Công ước đầu tiên và các biên bản thảo luận, cũng như các Báo cáo giải thích về nội dung đã được thông qua có trong tài liệu về Thủ tục được biên tập sau mỗi Phiên họp. Sổ tay thực hành về Công ước về Tống đạt giấy tờ và Công ước về Thu thập chứng cứ đã được xuất bản vào năm 1983 và 1985 và được bổ sung hoặc chỉnh lý thường xuyên.

Ngoài ra, một danh sách được cập nhật các ấn phẩm về Hội nghị La Hay và các Công ước của Hội nghị có sẵn trên trang web này, cũng như tuyển tập các cuốn sách và bài viết về mối quan hệ giữa các Công ước La hay và các điều ước khu vực và quốc tế khác. 

5. Tầm nhìn

·     Hành động vì một thế giới trong đó các cá nhân, gia đình cũng như các công ty và cơ quan, tổ chức khác mà cuộc sống và hoạt động của mình liên quan đến nhiều hệ thống pháp luật khác nhau được hưởng mức độ an toàn pháp lý cao. 

·     Thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp một cách có trật tự và hiệu quả,  quản trị tốt và pháp quyền, trong khi vẫn tôn trọng sự đa dạng của các truyền thống pháp lý.

6. Sứ mệnh

·     Là một diễn đàn để các quốc gia thành viên xây dựng và thực hiện những quy tắc chung của tư pháp quốc tế nhằm điều phối mối quan hệ giữa các hệ thống pháp luật khác nhau trong bối cảnh quốc tế.

·     Thúc đẩy hợp tác tư pháp và hành pháp trong lĩnh vực bảo vệ gia đình và trẻ em, thủ tục tố tụng dân sự và pháp luật thương thương mại. 

·     Cung cấp dịch vụ pháp lý đạt tiêu chuẩn cao và trợ giúp kỹ thuật vì lợi ích của các quốc gia thành viên và các quốc gia thành viên các Công ước La Hay, quan chức chính phủ, ngành tư pháp và những người hành nghề luật tự do của những nước đó.  

·     Cung cấp thông tin chất lượng cao và dễ tiếp cận cho các quốc gia thành viên và các quốc gia thành viên của các Công ước La Hay, quan chức chính phủ, ngành tư pháp, những người hành nghề luật luật và công chúng nói chung.

7. Sức mạnh và các giá trị

Mạng lưới toàn cầu

·        Sức mạnh của Hội nghị La Hay bắt nguồn từ các mối liên hệ của nó với các quốc gia thành viên và các quốc gia thành viên của các Công ước La Hay  – đại diện cho tất cả các châu lục – các chuyên gia, đại biểu, các cơ quan trung ương và các cơ quan quốc gia khác, giới nghề nghiệp và học giả, các cá nhân của các quốc gia đó và từ việc hợp tác với các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ khác.

Sự đa dạng của các hệ thống pháp luật

·        Sự đa dạng của các truyền thống pháp luật của Hội nghị La Hay làm cho nó trở thành một diễn đàn độc nhất vô nhị để đưa ra các giải pháp được chấp nhận một cách phổ quát.

Kinh nghiệm

·        Hội nghị La Hay nổi tiếng vì chất lượng và tính khoa học cao trong công việc của mình trong việc đưa ra các giải pháp sáng tạo và vì sự đóng góp to lớn của nó cho tư pháp quốc tế trong hơn 100 qua.

Uy tín

Hội nghị La Hay là một trung tâm trong đó các chuyên gia thế giới và các đại biểu cam kết làm việc cùng nhau trên tinh thần tin tưởng, hỗ trợ và tôn trọng lẫn nhau.

Trụ sở

Sức mạnh của Hội nghị đạt còn xuất phát từ việc trụ sở của nó được đặt tại La Hay - trung tâm tư pháp quốc tế và sự hỗ trợ quan trọng và bền vững của Chính phủ Hà Lan. 

8. Điều kiện trở thành thành viên của Hội nghị La Hay là gì?  

Các quốc gia đã tham dự một hoặc nhiều Phiên họp trước đây của Hội nghị La Hay có thể trở thành thành viên của Hội nghị bằng việc chấp nhận Quy chế của Hội nghị. Các quốc gia khác, mà xét tầm quan trọng về mặt tư pháp của sự tham gia của các quốc gia đó đối với Hội nghị, có thể trở thành thành viên. Việc tiếp nhận các các quốc gia thành viên mới phải do các Chính phủ các nước thành viên quyết định theo đề nghị của một trong số các quốc gia đó theo đa số phiếu trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày đề nghị đó được gửi cho các Chính phủ của các quốc gia thành viên. Việc tiếp nhận có hiệu lực khi quốc gia liên quan chấp nhận Quy chế của Hội nghị.

Tuy nhiên, cũng có thể trở thành thành viên của Công ước La Hay mà không cần phải là thành viên của Hội nghị La Hay. Về nguyên tắc, một quốc gia chưa phải là thành viên Hội nghị trong quá trình diễn ra Phiên họp nơi Công ước nói trên được thông qua, có thể gia nhập Công ước đó. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể được sau khi Công ước có hiệu lực. Các quốc gia đã là thành viên của Công ước nói trên trong một số trường hợp phải chấp nhận việc gia nhập đó. Cơ chế chấp nhận này khác nhau tuỳ vào từng Công ước: một số Công ước quy định cơ chế chấp nhận ngầm (nếu không có phản đối trong một thời gian nhất định; ví dụ theo Điều 58(3) Công ước năm 1996 về Quyền tài phán, luật áp dụng, công nhận, thi hành và hợp tác liên quan đến trách nhiệm của cha mẹ và các biện pháp bảo vệ trẻ em), trong khi đó các Công ước khác lại đòi hỏi sự chấp nhận một cách rõ ràng của các quốc gia thành viên Công ước (ví dụ theo Điều 38(4) Công ước năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em trên thế giới). Cần lưu ý rằng Công ước ngày 22/12/1986 về Luật áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (kể cả các quốc gia thành viên Hội nghị) có thể gia nhập Công ước này.

Theo thuật ngữ của Hội nghị La Hay, nói chung, chỉ có các quốc gia thành viên mới có quyền gia nhập. Tuy nhiên, có một số ngoại lệ nhất định. Những ngoại lệ này gồm Công ước ngày 22/12/1986 về Luật áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế,  được mở để ký và phê chuẩn cho tất các quốc gia không có sự phân biệt, và Công ước ngày 29/05/1993 về Bảo vệ trẻ em và hợp tác về con nuôi quốc tế, được mở để ký và phê chuẩn cho tất cả các quốc gia đã tham dự Phiên họp lần thứ 20.

Không phải nộp bất kỳ khoản lệ phí nào khi trở thành viên của các Công ước La Hay.  

9.  Giáo dục và trao đổi  

Nhằm mục đích hài hoà hoá việc thực hiện các Công ước, Ban Thư ký tổ chức, giúp đỡ trong việc tổ chức và tham gia các hội nghị và toạ đàm được tổ chức ở tầm quốc tế và quốc gia để giáo dục những người tham gia thực hiện các Công ước, kể cả thẩm phán, cán bộ của cơ quan trung ương và những người hành nghề luật luật. Một bản tin tư pháp về bảo vệ của quốc tế đối với trẻ em đã được xuất bản. Cơ quan thường trực thường xuyên đến thăm các nhóm người quan tâm như nghị sĩ và sinh viên. Một số lượng ngày càng tăng các thực tập sinh, cũng như viên chức với sự đồng ý của Chính phủ dành thời gian làm việc trong Ban Thư ký. Các thành viên của Cơ quan thường Ban Thư ký thường xuyên đăng các bài viết trên các tạp chí có tiếng và đóng góp công sức vào việc biên soạn các cuốn sách và ấn phẩm khác.  

10. Một nguồn thông tin thường xuyên được cập nhật   

Cơ quan thường trực thường xuyên xuất bản và lưu giữ một Bộ sưu tập Công ước cùng với các sổ tay về các Công ước. Cơ quan này cũng biên tập  lại diễn biến của từng Phiên họp mà nay bao gồm một bộ sưu tập ấn tượng có tên là “Actes et Documents – Các văn bản luật và tài liệu”. Một số trong những tài liệu này cũng sẵn có trong CD Rom hoặc microfiches.

Trang web của Hội Nghị - website, www.hcch.net – trình bày những thông tin  chung liên quan đến Hội nghị La Hay, cũng như thông tin chi tiết và cập nhật về các Công ước La Hay: lời văn của các Công ước, các báo cáo đầy đủ về tình hình thực hiện các Công ước, thông tin về các cơ quan có thẩm quyền được chỉ định theo yêu cầu của Công ước về hợp tác tư pháp và hành pháp, các báo cáo giải thích v.v…

INCADAT, Cơ sở dữ liệu về bắt cóc trẻ em trên thế giới, www.incadat.com, là một sáng kiến đặc biệt cho phép tiếp cận dễ dàng nhiều quyết định tư pháp quan trọng của các toà án trên toàn thế giới liên quan đến Công ước La Hay năm 1980 về bắt cóc trẻ em trên thế giới.

 Đặng Hoàng Oanh - Vụ Hợp tác quốc tế