Trong những năm gần đây, hoạt động bán đấu giá tài sản đã có xu hướng phát triển mạnh mẽ, dần đi vào nề nếp và cũng từng bước khẳng định sự công khai, khách quan, minh bạch trong sự nhìn nhận, thăm dò và sự chấp thuận của xã hội. Trong phóng sự này sẽ từng bước đánh giá lại quá trình hình thành, xây dựng của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản của tỉnh, một lĩnh vực hoạt động mới mẻ này trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và hướng phát triển trong thời gian tới.
Phần thứ nhất: Những văn bản quy phạm làm cơ sở pháp lý để hình thành Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản của tỉnh.
Thuật ngữ “bán đấu giá” xuất hiện rất sớm trên thế giới và bán đấu giá là một trong những phương thức hoạt động kinh doanh của các nước phát triển trong nền kinh tế thị trường, là cuộc chơi sòng phẳng của kẻ bán người mua. Sự “thắng” “thua” trong đấu giá chính là sự công khai, khách quan, minh bạch, rõ ràng, sòng phẳng của tất cả các đối tượng tham dự phiên bán đấu giá phải tâm phục khẩu phục. Song, ở nước ta thì khái niệm này còn rất mới mẻ, đôi khi người ta hiểu không đúng hoặc cố tình hiểu sai mục đích, ý nghĩa của bán đấu giá, coi đó như là một sự “ban ơn” của người này đối với người khác, làm cho các cuộc bán đấu giá trở thành mảnh đất màu mỡ cho các loại “cò” hoạt động, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người mua và người bán; đồng thời gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Và hoạt động bán đấu giá nó chỉ thực sự đi vào đời sống xã hội sau thời kỳ đổi mới, nhất là khi đất nước hội nhập và phát triển theo nền kinh tế thị trường, cùng hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật ra đời đã tạo một sân chơi mới, rất hấp dẫn cho tất cả các đối tượng, các thành phần kinh tế trong nước có điều kiện tham gia.
Thực hiện Nghị định 86/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ ban hành quy chế bán đấu giá tài sản; năm 1999, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định thành lập Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (sau đây gọi tắt là Trung tâm) trực thuộc Sở Tư pháp; Trung tâm là đơn vị sự nghiệp hạch toán lấy thu bù chi, được nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và một phần kinh phí để hoạt động. Tuy nhiên, cũng tại thời điểm UBND tỉnh lại cho thành lập một hội đồng định giá và bán tài sản của tỉnh và giao nhiệm vụ thường trực cho cơ quan tài chính. Do chưa có quy định cụ thể, rõ ràng, nên có sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, vì vậy việc chuyển giao tài sản để bán đấu giá giữa các cơ quan liên quan với Trung tâm không được thực hiện, nhiều tài sản được chuyển giao và tổ chức bán đấu giá không đúng thẩm quyền quy định của pháp luật.
Xuất phát nhu cầu thực tế khách quan của nền kinh tế thị trường và yêu cầu của xã hội đang từng bước hội nhập với thông lệ quốc tế, đồng thời để phù hợp với định hướng phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam, từng bước đưa các hoạt động của Trung tâm, các hội đồng định giá, bán thanh lý tài sản nhà nước đi đúng quy định của pháp luật và phù hợp điều kiện phát triển của xã hội, dần dần đưa các quy định của pháp luật vào đời sống thường ngày của nhân dân, ngày 18/01/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2005/NĐ-CP quy định về bán đấu giá tài sản, đây là văn bản có tính chất pháp lý cao, nhằm thay thế Nghị định 86/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ ban hành quy chế bán đấu giá tài sản đã không còn phù hợp so với hiện tại. Nghị định gồm 5 chương, 54 điều gồm những quy định chung; quy định cụ thể nguyên tắc, thủ tục bán đấu giá; người bán đấu giá; quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản; khen thưởng, xử lý vi phạm, khiếu nại, tố cáo và giải quyết tranh chấp… Nghị định 05/2005/NĐ-CP ra đời đã giúp các địa phương tháo gỡ hàng loạt những vấn đề bức xúc, khó khăn vướng mắc trong hoạt động bán đấu giá tài sản, là cơ sở để hình thành Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và có điều kiện đi vào hoạt động theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định của Nghị định này ở các tỉnh, thành phố cũng chưa được tốt, vì vậy vẫn còn tồn tại một số hội đồng định giá và bán thanh lý tài sản nhà nước; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa đồng bộ; cơ chế hoạt động và kiểm tra việc thực hiện công tác đấu giá ở cấp tỉnh chưa được ban hành. Vì vậy, để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất quy định tại Nghị định 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/2005/CT-TTg; Chỉ thị yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm: chỉ thành lập một Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại địa phương theo quy định của Nghị định 05/2005/NĐ-CP. Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản cấp tỉnh có chức năng bán đấu giá tất cả các loại tài sản quy định tại Điều 5 của Nghị định 05/2005/NĐ-CP. Trung tâm được tăng cường cán bộ, bảo đảm cơ sở vật chất cho Trung tâm hoạt động.
Căn cứ chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2005/TT-BTP ngày 04/5/2005 hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP; Thông tư đã hướng dẫn những vấn đề rất chi tiết, rất cụ thể như: về người có tài sản bán đấu giá; về lựa chọn người bán đấu giá; về hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản; về việc rút lại đăng ký mua tài sản bán đấu giá; về thủ tục chi tiết áp dụng đối với các hình thức đấu giá; về văn bản bán đấu giá tài sản; về việc huỷ kết quả bán đấu giá tài sản; về doanh nghiệp bán đấu giá và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản; về nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp; về quy định chuyển tiếp….
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội, đồng thời khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng nhiệm vụ và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm, Sở Tư pháp đã xây dựng Đề án trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2007. Theo đó Trung tâm được phân bổ 6 biên chế, được ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Sở Tư pháp có cơ sở tiếp tục làm việc với các Sở Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Kế hoạch & Đầu tư nhằm triển khai các nhiệm vụ tiếp theo như: xây dựng quy chế, tổ chức và hoạt động để trình UBND tỉnh ban hành; tiếp tục xây dựng ban hành các văn bản để Trung tâm hoạt động đúng quy định của pháp luật, kế hoạch biên chế, bổ sung trang thiết bị, phương tiện làm việc, thoả thuận địa điểm và kế hoạch xây dựng trụ sở làm việc của Trung tâm trong năm 2008 và những năm tiếp theo.
Phần thứ hai: Những bước đi ban đầu – Thất bại là mẹ của thành công.
Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản của tỉnh ra đời từ năm 1999, nhưng do nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan như sự chồng chéo, trùng lắp chức năng nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ chỉ có 2 đồng chí, cơ sở vật chất (chỗ làm việc không có phải đi thuê – nhưng không được ngân sách hỗ trợ kinh phí), trang thiết bị, phương tiện làm việc thiếu, hàng năm chưa được tỉnh hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước để duy trì hoạt động của Trung tâm; cơ chế hoạt động chưa rõ ràng, sự phối hợp thực hiện giữa các ngành liên quan với Trung tâm còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Là một đơn vị mới ra đời, lại gặp khó khăn, thiếu thốn đủ bề…, nên từ năm 1999 đến năm 2005 hoạt động bán đấu giá của Trung tâm trên địa bàn còn nhiều hạn chế vừa ít cả về số lượng các hợp đồng (có 150 hợp đồng được ký uỷ quyền, bình quân 25 hợp đồng/năm), vừa ít cả về nguồn thu khoảng 25 triệu đồng/năm, có lúc không đủ kinh phí để duy trì hoạt động bình thường của Trung tâm.
Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 05/2005/NĐ-CP và các văn bản của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn; đồng thời UBND tỉnh có Quyết định số 69/QĐ-UBND ngày 27/11/2006 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 18/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bán đấu giá tài sản, thì hoạt động của Trung tâm đã có những chuyển biến rõ nét, bởi các qui định cụ thể của pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho Trung tâm mà còn giúp các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Trao đổi với chị Tạ Thị Hoa Lý, Phó giám đốc Trung tâm, thì chúng tôi được biết nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định cụ thể là những nội dung cơ bản để Trung tâm có điều kiện triển khai thực hiện đạt kết quả. Đồng thời chị cho biết: theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP, thì các loại tài sản sau đây được chuyển giao cho Trung tâm để tổ chức bán đấu giá, bao gồm:
a/ Tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án: Đối với tài sản kê biên để thi hành án là bất động sản hoặc động sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên thì cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, huyện, thành phố phải làm thủ tục ký hợp đồng uỷ quyền với Trung tâm để thực hiện việc bán đấu giá theo quy định tại Điều 47 của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004.
b/ Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên do các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan chức năng nhà nước khác có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh ra quyết định tịch thu phải chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá của tỉnh để tổ chức bán đấu giá theo đúng quy định tại Điều 61 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Điều 31, 32, 33 và Điều 34 của Nghị định 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và nghị định số 05/2005/NĐ-CP.
Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người ra quyết định phải gửi văn bản và quyết định tịch thu đến cơ quan tài chính cùng cấp. Riêng đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người có thẩm quyền tịch thu, xử lý có quyền bán ngay.
Trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người ra quyết định tịch thu tài sản chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và các ngành liên quan để chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thực hiện việc bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá.
Việc chuyển giao tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ nhà nước để bán đấu giá phải được lập thành biên bản. Biên bản bàn giao tang vật, phương tiện phải ghi rõ: ngày, tháng, năm bàn giao; người giao; người nhận; chữ ký của người giao, người nhận; số lượng, tình trạng (chất lượng) tang vật, phương tiện bị tịch thu; trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện bị tịch thu. Hồ sơ bàn giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho Trung tâm bao gồm: quyết định tịch thu tang vật, phương tiện; các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp (nếu có); biên bản định giá tang vật, phương tiện đó.
c/ Tài sản nhà nước phải bán đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước. Các cơ quan, đơn vị nhà nước chỉ được thành lập hội đồng định giá tài sản để tổ chức bán đấu giá tài sản của nhà nước có giá trị dưới 10 triệu đồng – theo Điều 37 của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP. Đối với tài sản nhà nước khi thực hiện bán thanh lý có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý tài sản thực hiện ký hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản chuyển giao cho Trung tâm để tổ chức bán đấu giá.
d/ Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Tài sản được cầm cố, thế chấp, bảo lãnh tại các tổ chức tín dụng khi xử lý để thu hồi nợ vay thì cơ quan, tổ chức tín dụng cho vay căn cứ theo thoả thuận trong hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh hoặc theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản cầm cố, thế chấp thực hiện ký hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản chuyển giao cho Trung tâm để tổ chức bán đấu giá.
đ/ Hàng hoá lưu giữ do người vận chuyển đường biển, đường hàng không, đường bộ lưu giữ trên địa bàn tỉnh. Hàng hoá bị lưu giữ, hàng hoá không xác định được chủ sở hữu thì cơ quan ra quyết định lưu giữ, thu giữ tài sản sau khi hoàn thành các thủ tục thông báo, truy tìm theo quy định mà số hàng hoá đó không được giải quyết thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lưu giữ, thu giữ thực hiện ký hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá để chuyển giao cho Trung tâm tổ chức bán đấu giá.
e/ Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức có yêu cầu bán đấu giá tài sản.Tổ chức, cá nhân có quyền ký hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản với Trung tâm để chuyển giao tài sản, bất động sản thuộc sở hữu của mình; tài sản được tổ chức, cá nhân khác uỷ quyền bán đấu giá hoặc tài sản của người khác mà theo quy định của pháp luật được phép bán.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh bao gồm: các sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh; cơ quan Công an tỉnh, các huyện, thành phố; cơ quan quản lý thị trường; kiểm lâm; hải quan, cơ quan thi hành dân sự tỉnh, các huyện, thành phố; các tổ chức hội đoàn thể; các cơ quan nhà nước khác trên địa bàn tỉnh khi có các loại tài sản được nêu tại các điểm a, b, c, d, đ có trách nhiệm thực hiện ký hợp đồng uỷ quyền chuyển giao tài sản đó cho trung tâm để tổ chức bán đấu giá.
Tuy nhiên trong thực tế thời gian qua các cơ quan, đơn vị đều tự thành lập hội đồng thanh lý để bán tài sản nhà nước mà không thông qua Trung tâm. Tìm hiểu vấn đề này chúng tôi được biết sở dĩ có việc không đồng nhất là do từ cách hiểu của một bộ phận không nhỏ các cơ quan đơn vị, sợ làm ảnh hưởng đến quyền lợi vật chất của cơ quan đơn vị mình. Mặt khác do chưa quán triệt đầy đủ các văn bản quy định của nhà nước về bán đấu giá tài sản do tịch thu, do thi hành án, do không có nhu cầu sử dụng…, đồng thời vai trò và nhận thức của các cơ quan tham mưu chưa đầy đủ, đến nơi đến chốn làm cho người có thẩm quyền quyết định đắn đo, lùng túng trong việc quyết định ký kết hợp đồng uỷ quyền và chuyển giao tài sản cho Trung tâm để tổ chức đấu giá. Và một vấn đề khác chắc có lẽ khó nói hơn đó là làm giảm những khoản “bồi dưỡng” do các bên tham gia “tự nguyện” thực hiện khi nhận được tài sản thanh lý với giá “nội bộ”, nhờ có sự tiếp tay tích cực của một số cán bộ thoái hoá biến chất, lợi dụng việc thanh lý tài sản nhà nước để làm ăn phi pháp trái pháp luật.
Tuy đã được nhà nước trao quyền thông qua các quy định cụ thể, thế nhưng để bắt tay vào công việc thật không đơn giản chút nào. Tất cả đều còn rất mới mẻ với Trung tâm, từ việc làm sao để có tổ chức bộ máy hoạt động có hiệu quả, đến việc lo tìm nguồn, tìm các đối tác để liên kết tổ chức phối hợp đến việc tổ chức các buổi bán đấu giá sao cho đúng quy định của pháp luật là cả một khoảng không rộng lớn mà trong một chừng mực nhất định chưa thể san lấp được. Đơn cử như một số hợp đồng uỷ thác bán đấu giá tài sản là các tàu thuyền của dự án đánh bắt xa bờ kéo dài cả hàng năm trời mà không thể tìm ra các đối tác (khách hàng) để tổ chức phiên bán đấu giá. Mà hợp đồng uỷ thác không thực hiện được thì làm sao có thu nhập, làm sao để trả lương cho cán bộ công chức của Trung tâm, bởi Trung tâm là đơn vị sự nghiệp nên phải tự lo trang trải toàn bộ.
Hoạt động dịch vụ bán đấu giá chỉ thực sự sôi động khi nhà nước ban hành hàng loạt các chủ trương, chính sách quan trọng nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong việc hình thành các tổ chức với các chức năng nhiệm vụ và hành lang pháp lý thông thoáng cụ thể. Làm việc với anh Võ Tấn Lựu, Giám đốc Trung tâm, chúng tôi được biết các văn bản của nhà nước mà đặc biệt là Nghị định số 05/2005/NĐ-CP qui định cụ thể về các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị liên trong việc thực hiện dịch vụ bán đấu giá tài sản. Đồng thời tại Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12/5/2005 của Bộ Tài chính cũng đã hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản nhà nước để đấu giá. Chính các văn bản nêu trên thực sự là những hành lang pháp lý thông thoáng đã làm sôi động thị trường trong lĩnh vực dịch vụ bán đấu giá tài sản, làm cho đội ngũ cán bộ làm công tác này phấn chấn hẳn lên. Các hoạt động của Trung tâm đã thu hút, lôi kéo được nhiều khách hàng (cả các bên mua và bên bán) làm cho hoạt động này trở nên nhộn nhịp hơn, hấp dẫn hơn, có sức hút mạnh hơn đối với các đối tượng có liên quan. Và điều đáng quan tâm hơn là đã tạo niềm tin cho mọi khách hàng, đồng thời tạo được nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Phần thứ ba: Mở rộng phạm vi khai thác, khám phá những tiềm năng còn tiềm ẩn.
Chúng tôi giành thời gian làm việc với Ban lãnh đạo Trung tâm để nghe phản ánh tình hình hoạt động từ sau khi Đề án của Trung tâm được phê duyệt, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, ghi nhận một số kiến nghị để báo cáo lên các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, đồng thời nghe những tâm sự trao đổi một số công việc nhằm thực hiện kế hoạch của năm 2008 và cùng với cán bộ, công chức của Trung tâm tham dự một số cuộc đấu giá bán tài sản tại Trung tâm. Sau đó cùng anh chị em đi một số cơ quan, đơn vị, một số huyện có tài sản không có nhu cầu sử dụng cần bán thanh lý. Qua những buổi làm việc, những cuộc đấu giá bán tài sản thực tế…, chúng tôi mới thấu hiểu và muốn cùng chia sẻ những gian khó, vất vả của các anh các chị, đồng thời cảm thông cho điều kiện, hoàn cảnh của một Trung tâm ra đời trong lúc cơ chế thị trường đang trong giai đoạn cạnh tranh để tồn tại và phát triển thì những khó khăn, thách thức như được nhân lên gấp bội lần.
Anh Võ Tấn Lựu – Giám đốc Trung tâm cho biết, hễ cứ nghe thông tin ở nơi nào có tài sản, hàng hoá cần bán là Trung tâm cử ngay cán bộ đến tiếp cận, nắm tình hình, làm việc, bàn bạc cụ thể với các đối tác và tiến hành các thủ tục theo luật định để ký hợp đồng uỷ thác cho Trung tâm. Tuy nhiên, mọi công việc cũng không thể nói là suôn sẻ, mà thay vào đó là những vấn đề tế nhị “rất khó nói”, bởi sự tác động mặt trái của cơ chế thị trường đôi khi dễ làm hư hỏng, ảnh hưởng đến phẩm chất của con người. Mặt khác, đâu phải là chuyện dễ dàng khi mà họ có tài sản trong tay, muốn bán thanh lý là họ phải giao cho người khác tổ chức bán thay ngay cho mình được đâu, mà nhiều khi các cơ quan, đơn vị này còn phải họp bàn, xin ý kiến người này, người khác. Nhiều khi bắt gặp những trường hợp như thế này mình phải “cắn răng” chịu đựng để cho được công việc chung, chứ cứ nghe họ bàn với nhau thì làm như mình (Trung tâm) đi xin xỏ hay lấy không của họ không bằng – cái nghề làm dâu trăm họ nó vất vả, khổ cực là thế, mà có mấy ai hiểu cho.
Xin đơn cử một câu chuyện điển hình: Trong chuyến đi thực tế với Trung tâm vừa qua, vào vai là cán bộ của Trung tâm, chúng tôi về một xã miền núi huyện X…, bởi theo thông tin vừa biết được, ở đây có một số tài sản trị giá trên 100 triệu đồng (chủ yếu là gỗ bắt thu của lâm tặc) được phòng tài chính huyện đồng ý cho bán thanh lý. Khi gặp lãnh đạo xã (gồm chủ tịch, phó chủ tịch và một số phòng ban khác của xã) để đặt vấn đề mua số tài sản này thì được các vị lãnh đạo đón tiếp rất niềm nở, thân tình như đã từng quen biết. Mọi thủ tục liên quan đến việc thanh lý đống tài sản diễn ra rất nhanh chóng, gọn gàng, hai bên thoả thuận ất giáp mọi vấn đề về giá cả, kể cả hình thức thanh toán…. Nhưng khi biết chúng tôi ở Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản của tỉnh đến để bàn việc chuyển giao số tài sản này về Trung tâm để tổ chức bán đấu giá thì thái độ của các vị lãnh đạo này thay đổi và hoàn toàn trái ngược với những gì chúng tôi bắt gặp lúc ban đầu. Sau khi giải thích cặn kẽ các quy định của nhà nước về trình tự thủ tục bán thanh lý tài sản nhà nước, nhưng các vị lãnh đạo này cũng nhất quyết không chịu vì cho rằng phòng tài chính huyện đã đồng ý cho xã bán thanh lý rồi nên xã cứ thế mà làm. Chúng tôi vẫn giữ thái độ vừa mềm dẻo nhưng dứt khoát dù đã phải tốn rất nhiều thời gian bàn bạc, trao đổi và đưa các văn bản của Chính phủ, Bộ Tài chính, của tỉnh hướng dẫn cụ thể, thế nhưng cũng chỉ nhận được sự đáp lại miễn cưỡng thờ ơ của lãnh đạo xã. Rồi các vị phán một câu xanh rờn muốn chuyển về Trung tâm thì phải có quyết định của huyện thì xã mới chấp hành. Đến khi tiếp xúc với lãnh đạo phòng tài chính huyện thì mới vỡ nhẽ rằng phòng tài chính chưa có các văn bản quy định này. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hầu hết các cán bộ lãnh đạo cấp phòng ban đi họp nhận tài liệu về ít triển khai trong địa bàn mình, nên chuyện các cấp không hoặc chưa thực hiện triệt để các quy định của trung ương của tỉnh cũng là điều đương nhiên. Làm việc với phòng tài chính, sau khi viện dẫn các văn bản của Chính phủ và thống nhất các quan điểm chỉ đạo của trung ương của tỉnh, chúng tôi nhận được sự hậu thuẫn rất kịp thời và cần thiết của phòng tài chính huyện và lãnh đạo phòng đã rút lại văn bản chỉ đạo cho xã để thực hiện việc uỷ thác hợp đồng cho Trung tâm. Sau khi hoàn tất các thủ tục ký hợp đồng uỷ quyền và chuyển tài sản về tỉnh, Trung tâm đã tổ chức bán đấu giá thành công hợp đồng uỷ thác này, thu về cho ngân sách một nguồn kinh phí đáng kể. Đồng thời qua đó tạo mối quan hệ, sự hiểu biết giữa Trung tâm với các cơ quan đơn vị, tạo niềm tin giữa người mua, người bán, tránh được những rắc rối, phiền hà không đáng có.
Hoạt động của Trung tâm muốn tồn tại và phát triển trước hết phải có các khách hàng, mà dịch vụ bán đấu giá chủ yếu là các loại tài sản mà cơ quan nhà nước, doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng hoặc tài sản bán đấu giá là bất động sản của tổ chức, cá nhân dùng làm thế chấp ở các ngân hàng, nay phải bán phát mãi để trả nợ, trong khi đó hầu hết các bên nợ đều đang gặp khó khăn, việc phát mãi tài sản là bước đường cùng họ phải làm. Vì vậy Trung tâm luôn cố gắng tổ chức các buổi bán đấu giá làm sao để thu về những giá trị nhất định nhằm tháo gỡ khó khăn cho các chủ tài sản. Do vậy, Trung tâm luôn xác định công việc của mình là phải tự lo tìm, khai thác nguồn hàng và khách hàng (cả khách là người chủ có tài sản muốn bán để uỷ thác hợp đồng, lẫn khách đến đăng ký tham gia đấu giá), nên Ban lãnh đạo trung tâm thường xuyên cử cán bộ đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh để vừa tuyên truyền nhiệm vụ của Trung tâm vừa khai thác, tìm kiếm nguồn hàng, khách hàng. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập Trung tâm đã tự xây dựng cho mình phương châm hoạt động là “cầu nối để người bán và người mua xích lại gần nhau hơn”, nên hễ cứ nghe chỗ nào có nguồn hàng là có mặt cán bộ của Trung tâm bất kể đó là mùa mưa, mùa nắng, ngày nghỉ, bất kể đó là tài sản của nhà nước, tập thể hay của công dân, nếu có nhu cầu, Trung tâm luôn sẵn sàng cùng bàn bạc, trao đổi, thống nhất để thực hiện theo uỷ thác của các bên. Chỉ tính từ năm năm 2006 đến nay, Trung tâm đã tiếp cận làm việc với rất nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh và cả một số doanh nghiệp của trung ương đứng chân trên địa bàn để khai thác tìm nguồn hàng và tranh thủ sự đồng thuận của khách hàng, nên hoạt động của Trung tâm cũng dần dần ổn định và phát triển. Những cuộc tiếp xúc, làm việc đã thực sự mang lại những kinh nghiệm quí báu cho một đơn vị non trẻ, sinh sau đẻ muộn, nhất là khi gặp những khách hàng rất “kỹ tính” thì ngoài hiểu biết tinh thông pháp luật, đòi hỏi cán bộ của Trung tâm cũng thật sự mềm dẻo, kiên trì vừa thương lượng vừa thuyết phục tính hợp lý, tính khách quan để nhận được sự giúp đỡ của khách hàng có tài sản muốn uỷ quyền cho Trung tâm. Sự nỗ lực, phấn đấu với tinh thần vừa học hỏi cách thức, phương pháp của các đơn vị bạn, vừa lắng nghe, tiếp thu các kinh nghiệm hay cũng như những đóng góp của khách hàng, cộng với những năng động sáng tạo của tập thể lãnh đạo, công chức trong việc tìm kiếm khai thác nguồn hàng đã đưa các hoạt động của Trung tâm dần đi vào nền nếp và ngày càng có sự tiến triển rõ rệt. Gần đây các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp cũng tìm đến Trung tâm để quan hệ giao dịch ký hợp đồng uỷ thác bán tài sản thanh lý nhiều hơn, uy tín của Trung tâm ngày một nâng lên.
Tuy nhiên, những kết quả trên đây cũng chỉ là những thành công bước đầu, tiềm năng và tiềm lực hiện nay trong tỉnh còn rất lớn, đòi hỏi tập thể lãnh đạo, cán bộ của Trung tâm phải năng động hơn, phấn đấu nhiều hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Đặc biệt phải quan tâm công tác khai thác, tìm nguồn, khách hàng (cả đầu vào và đầu ra), nhất là các nguồn hàng còn ẩn dật, trôi dạt khắp mọi nơi chưa tập trung về Trung tâm như các cơ quan, đơn vị, kể cả các đơn vị trực thuộc các bộ ngành trung ương đứng trên địa bàn, các doanh nghiệp….
Phần cuối: Sự năng động tạo bước phát triển của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá của tỉnh trong tương lai
Trở lại câu chuyện với ban lãnh đạo Trung tâm, chúng tôi muốn chính những người trong cuộc có cái nhìn nhận, đánh giá thực chất về sự phát triển, thành đạt của mình trong những năm qua. Song, sự khiêm nhường của các anh, các chị rất ngại nói về mình thì như đã nói lên hết tất cả. Theo anh Võ Tấn Lựu, Giám đốc và chị Tạ Thị Hoa Lý, Phó giám đốc thì vai trò của tập thể lãnh đạo sở chủ quản trong việc chỉ đạo, điều hành đối với Trung tâm rất chặt chẽ, bám sát vào các văn bản của trung ương để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những văn bản chỉ đạo có tác dụng mạnh đến sự phát triển của Trung tâm – chúng tôi ghi nhận, nhưng đó chưa phải là tất cả. Mà có lẽ các anh chị ngại nói về mình, chứ theo chúng tôi, vấn đề có tính mấu chốt quyết định đến sự thành bại của một đơn vị chính là vai trò, ý thức trách nhiệm của ban lãnh đạo. Sự đoàn kết nhất trí trong cả tập thể và từng cá nhân có ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chung của cả đơn vị. Bên cạnh đó là sự năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức, dù đó chỉ là một tập thể nhỏ với 6 biên chế, mà địa bàn phạm vi hoạt động khắp toàn tỉnh, nhưng phương tiện đi lại chủ yếu bằng xe của cá nhân… nhưng các anh, chị đều không quản ngại vất vả, khắc phục khó khăn để vươn lên. Căn cứ các quy định của Nhà nước, Trung tâm đã xây dựng các quy định cụ thể để áp dụng trong đơn vị như quy chế hoạt động của Trung tâm, quy chế chi tiêu nội bộ… đã góp phần vừa quản lý chặt chẽ các hoạt động của Trung tâm, vừa tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Đồng thời, hàng quí, hàng năm Trung tâm cũng thông báo công khai, minh bạch các khoản thu chi của đơn vị cho cán bộ Trung tâm theo dõi, giám sát.
Năm 2006, Trung tâm đã ký được 42 hợp đồng uỷ quyền, thu phí đạt 147 triệu đồng; năm 2007, ký được 83 hợp đồng uỷ quyền với tổng giá trị trên 47,6 tỷ đồng; đã tổ chức đấu giá thành công 56 hợp đồng với tổng giá trị trên 21,3 tỷ đồng, tăng 3,727 tỷ đồng so với giá khởi điểm, thu phí đạt 267,47 triệu đồng. Điển hình là cuộc đấu giá nhà sách trung tâm số 449 – Quang Trung – thành phố Quảng Ngãi, giá khởi điểm 7,5 tỷ, đấu giá thành 9,0 tỷ đồng, tăng 1,5 tỷ đồng; hay như cuộc đấu giá nhà làm việc của Sở Xây dựng tỉnh, giá khởi điểm 3,5 tỷ đồng, đấu giá thành 5,38 tỷ đồng, tăng 1,91 tỷ đồng so giá khởi điểm. Tuy chỉ là một trong những hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá thành công trong buổi ban đầu, nhưng thực sự nó đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của một đơn vị mới thành lập. Đồng thời cũng khẳng định chủ trương đúng đắn của Chính phủ, cũng như những quyết định hợp tình hợp lý của UBND tỉnh khi quyết định giải thể các trung tâm bán tài sản khác của tỉnh để chuyển giao, tập trung nhiệm vụ về một đầu mối. Chia sẻ niềm vui với cán bộ Trung tâm là như vậy, nhưng chúng tôi biết các anh, các chị vẫn còn đấy bởi những nỗi lo toan cho công việc, cho nhiệm vụ, cho trách nhiệm mà được các cấp lãnh đạo giao. Làm sao đứng vững được trong thời buổi cơ chế thị trường mà sự cạnh tranh cũng đang rất quyết liệt, đòi hỏi mỗi cán bộ phải tự đấu tranh với chính bản thân mình, nếu không sẽ rất dễ rơi vào sự cám dỗ của vật chất, đồng tiền của những kẻ bất minh. Làm gì, làm như thế nào cho sự phát triển của Trung tâm trong những năm tới là những đòi hỏi hết sức khách quan mà mỗi cán bộ của trung tâm phải tự trả lời bằng chính những công việc thực tế.
Về những định hướng trước mắt và lâu dài, anh Võ Tấn Lựu cho biết: các chủ trương, chính sách của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm hoạt động đúng theo quy định của pháp luật. Nhưng khi các bộ ngành hướng dẫn có một số điểm không rõ ràng, có khi còn mâu thuẫn với các quy định của Chính phủ, làm cho các trung tâm rất khó hoạt động. Mặt khác, hiện nay các đơn vị của trung ương đứng chân trên địa bàn, các doanh nghiệp cũng chưa thật sự thông suốt với chủ trương chuyển giao tài sản bán thanh lý cho trung tâm. Bởi vì họ ngại, hoặc chưa thực sự tin tưởng vào việc tổ chức hoạt động dịch vụ này. Bên cạnh đó, một số cơ quan đơn vị khi có tài sản bán đấu giá, họ đã cố tình chia nhỏ ra làm nhiều “gói” dưới 10 triệu đồng để tự giải quyết nội bộ, không tuân thủ các quy định của Chính phủ, nhưng trung tâm lại không có thẩm quyền để xử lý các vi phạm này.
Năm 2008, Trung tâm đã được tỉnh ghi kế hoạch chuẩn bị đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và đến nay đã phối hợp các cơ quan chức năng của thành phố để thoả thuận địa điểm xây dựng với diện tích đất trên 2.000m2. Sau đó sẽ tiến hành các bước khảo sát, lập thiết kế dự toán trình cấp thẩm quyền phê duyệt để đầu năm 2009 tiến hành khởi công xây dựng. Đồng thời với Đề án của Trung tâm vừa được UBND tỉnh phê duyệt sẽ là điều kiện thuận lợi để Trung tâm tổ chức thực hiện trong thời gian tới, đồng thời khẳng định phát triển dịch vụ bán đấu giá tài sản nhà nước là bước đi đúng đắn trong tiến trình phát triển của nền kình tế theo cơ chế thị trường. Nhất là việc được bổ sung biên chế, cơ chế hoạt động, cộng với sự chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt của UBND tỉnh và sở quản lý chuyên ngành trong công tác này, Trung tâm sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai các kế hoạch cụ thể, nhất là công tác tiếp cận các địa bàn trong toàn tỉnh tìm, khai thác nguồn hàng và khách hàng để tạo mối quan hệ phối hợp thường xuyên. Mặt khác cũng để xây dựng đội ngũ cộng tác viên với Trung tâm trong hoạt động dịch vụ bán đấu giá tài sản.
Trước mắt, Trung tâm kiến nghị cấp có thẩm quyền ngoài sự chỉ đạo chặt chẽ các cấp các ngành, các địa phương thực hiện đúng các quy định của Chính phủ về việc chuyển giao tài sản bán đấu giá có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên về cho Trung tâm, thì cũng có biện pháp hoặc hình thức xử lý thoả đáng đối với người đứng đấu những cơ quan, đơn vị, địa phương cố tình lấn tránh trách nhiệm hoặc cố tình làm trái các quy định của nhà nước. Mặt khác, Trung tâm cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm quy định và chuyển giao việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất (hiện nay ở cấp tỉnh và các huyện vẫn còn thành lập hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất) cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản của tỉnh thực hiện theo đúng chức năng nhà nước quy định./
PMH