Thực hiện chứng thực theo thẩm quyền mới và nỗi niềm người cán bộ tư pháp

11/03/2008
“Quá tải”, “thiếu người”, “được việc nọ, mất việc kia”, “lo lắng”…đang trở thành những cụm từ chính xác nhất chuyển tải tâm tư của người cán bộ tư pháp các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn Thủ đô vào thời điểm này, khi mà việc thực hiện chứng thực theo thẩm quyền mới đã vào guồng được gần 2 tháng.

Nỗi lo giấy tờ giả: Thường trực!

          Săm soi thật kỹ, ký và …run đó là tâm trạng chung của cả cán bộ tư pháp lẫn phó chủ tịch, chủ tịch các xã, phường,  bởi nỗi lo giấy tờ giả luôn thường trực đè nặng lên họ. Cả một bản sao dài dằng dặc có khi chỉ sai một dấu phẩy, nhất là đối với các hợp đồng kinh tế thì “rách chuyện” ngay. Cũng nhờ cái sự “săm soi thật kỹ ” này mà tại một phường của  Hà Nội, cán bộ tư pháp đã phát hiện ra một bản sao bằng tốt nghiệp đại học có ngày tháng năm sinh khác hẳn với …99 bản sao còn lại do người đi chứng thực cố tình làm để nhằm mục đích giả mạo. Đúng là hú vía!

          “Bề dày kinh nghiệm phát hiện bằng giả - đó là yêu cầu quá khó đối với chúng tôi” – bà Đào Thu Hoàn, Trưởng phòng tiếp nhận hồ sơ hành chính phường Phạm Đình Hồ than thở. Theo bà Hoàn, thời lượng tập huấn về Nghị định 79 cho cán bộ tư pháp xã, phường Hà Nội chỉ trong một buổi sáng là quá ngắn, “dù rằng trong buổi tập huấn ấy, chúng tôi đã được nghe người phụ trách tập huấn, cũng đồng thời là một Trưởng Phòng Công chứng lâu năm, nhiều kinh nghiệm hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết về những kinh nghiệm phát hiện bằng cấp, giấy tờ giả” – bà Hoàn cho biết. Quả là cái bề dày kinh nghiệm được tích luỹ rất lâu năm qua công tác của các công chứng viên như: sự hiểu biết về các thể loại giấy tờ và thẩm quyền của người được ký đối với từng thể loại, về các giai đoạn hành chính gắn liền tên, chữ ký của người lãnh đạo từng giai đoạn…thì các cán bộ tư pháp mới bập vào công việc chỉ được vỏn vẹn gần 2 tháng không dễ gì có ngay được.

          Và, cũng chính vì nỗi lo thường trực về bằng cấp giả này mà một vật tưởng như chỉ là một công cụ bỗng dưng được các cán bộ tư pháp nhìn dưới một góc độ khác hẳn. Đó là chiếc máy photocopy. Theo nhiều cán bộ tư pháp, tuy có cùng một chức năng cho ra những bản sao y hệt bản chính, nhưng các giấy tờ được sao từ chiếc máy đặt ở trụ sở xã, phường vẫn mang lại cho họ sự yên tâm hơn là từ máy ở chỗ khác. “Người dân photo ngay tại trụ sở, do chính người của chúng tôi thực hiện, sẽ đỡ đi phần nào cho chúng tôi việc ngồi săm soi thật kỹ từng bản sao”, một cán bộ tư pháp nói. Nhưng, bản thân người cán bộ này cũng biết rằng đó là điều không thể bởi không phải xã, phường cũng đủ tiền sắm máy photocopy, lại thêm cả một người đứng máy nữa cũng không là chuyện đơn giản. Vả lại, chẳng có quy định nào bắt người dân chỉ được sao giấy tờ, văn bằng bằng máy photocopy đặt tại trụ sở xã, phường.

Chứng thực văn bản song ngữ: Rắc rối!

          Lần đầu tiên được trao quyền chứng thực bản dịch nên hầu hết các quận huyện đều lúng túng. Điều này cũng dễ hiểu bởi trình độ của ngoại ngữ của đa phần cán bộ tư pháp còn rất hạn chế. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Tư pháp huyện Từ Liêm băn khoăn: “Chúng tôi rất lo lắng, lâu nay chúng tôi đâu có kinh nghiệm về việc chứng thực các văn bản có tiếng nước ngoài. Cán bộ của chúng tôi giỏi lắm thì biết được tiếng Anh, tiếng Pháp trong khi văn bản lại đa dạng ngôn ngữ…”. Thế mới có chuyện một người biên dịch đem đến một số bản dịch tiếng Lào và tiếng Pháp yêu cầu chứng thực, khi được yêu cầu xuất trình giấy tờ về trình độ ngoại ngữ, anh ta bèn xổ ra một tràng tiếng Lào rồi bảo các chị giỏi thì thẩm định đi (!)

Tìm được cộng tác viên biên dịch đối với các quận huyện không phải chuyện dễ, nên ở nhiều nơi, người dân có  nhu cầu chứng thực sẽ phải tự tìm người biên dịch và người này sẽ phải đến để ký tên ngay tại chỗ chứng thực. Và trường hợp “củ chuối” như người biên dịch trong câu chuyện nói trên cũng không là hiếm gặp.

Nói về vấn đề hướng dẫn chứng thực bản sao giấy tờ song ngữ cũng lắm chuyện nhiêu khê. Nhiêu khê ở chỗ hiện nay, về vấn đề này Bộ Tư pháp vẫn chưa ban hành một văn bản hướng dẫn chính thức nào. Thay vào đó, các Sở Tư pháp vẫn phải “tự biên tự diễn” để giải quyết. Và, vì tự làm nên cách hướng dẫn của các Sở cũng rất “đa dạng”. Cụ thể, Sở Tư pháp Hà Nội đã có Công văn số 733 hướng dẫn các phòng tư pháp quận huyện thực hiện việc chứng thực bản sao, giấy tờ song ngữ với nội dung: văn bản yêu cầu chứng thực bản sao nếu tiếng nước ngoài là ngôn ngữ giải thích, do cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam ban hành thì thẩm quyền chứng thực bản sao thuộc UBND cấp phường, xã, thị trấn; văn bản yêu cầu chứng thực bản sao nếu tiếng Việt là ngôn ngữ giải thích, do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức nước ngoài, hoặc tổ chức nước ngoài đặt tại Việt Nam ban hành thì thẩm quyền chứng thực bản sao thuộc phòng tư pháp quận huyện. Về vấn đề này, Sở Tư pháp Bình Định cũng có Công văn số 1156 với nội dung hướng dẫn tương tự, nhưng thêm vào đó một điều nữa là “chứng thực bản sao, giấy tờ chỉ có tiếng nước ngoài do cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam ban hành thì thẩm quyền chứng thực bản sao thuộc phòng tư pháp các huyện, thành phố”…

Vì vậy, tuy rằng thẩm quyền địa hạt đã được xoá, nhưng với việc “loạn” hướng dẫn như hiện nay thì người dân cũng chẳng biết đâu mà lần. 

Hồng Minh

Mỗi xã phường cần có 2 cán bộ tư pháp

 

Đó là đề đạt của nhiều xã phường tại cuộc họp giao ban công tác tư pháp Quý 2/2007 của Sở Tư pháp Hà Nội. Theo phản ánh của các quận, huyện, cán bộ tư pháp đang bị quá tải công việc. Nhiều xã, phường cán bộ tư pháp phải làm thêm từ 2-4h một ngày, thậm chí phải tận dụng cả giờ nghỉ trưa. Trong toàn thành phố, chỉ có 45/332 cơ sở được bố trí 2 cán bộ tư pháp, còn lại chỉ một người. Trước đây, với 11 đầu việc, nhiều nơi đã rơi vào tình trạng được việc này, mất việc kia, nay lại càng vất vả hơn. Và cũng chính vì “lực lượng” quá mỏng này mà tại nhiều xã phường, quy định trả kết quả ngay theo Điều 15 Nghị định 79 cũng không được tuân thủ chính xác.