Việc bảo vệ quyền cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là mối quan tâm, lo ngại đối với ban ngành quản lý trực tiếp mà thực sự đã trở thành sự quan tâm sâu sắc của nhiều gia đình và xã hội khi mà ngày càng có nhiều người Việt Nam đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài (riêng trong năm 2006 đã có 78,000 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc), vấn đề này càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh nạn thất nghiệp ở trong nước vẫn còn lớn và gửi lao động ra nước ngoài làm việc được coi là giải pháp thích hợp để giải quyết công ăn việc làm và phát triển đất nước.
Trong khuôn khổ hợp tác với Dự án hợp tác phát triển con người khu vực Đông Nam Á của Canađa (SEARCH), được sự cho phép và phối hợp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngày 3/3/2008 Hội luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "tư vấn về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động ở nước ngoài". Hội thảo có sự tham gia của nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội có liên quan, chuyên gia của một số tổ chức quốc tế liên Chính phủ và phi Chính phủ tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện của Bộ lao động thương binh và xã hội cho rằng Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền của người lao động Việt Nam ở nước ngoài, chính vì vậy chúng ta đã tham gia nhiều Công ước quốc tế về vấn đề này, đồng thời Việt Nam cũng không ngừng cải thiện hệ thống pháp luật và hiện nay đã có một hệ thống pháp luật khá hoàn thiện điều chỉnh vấn đề này, đặc biệt với sự ra đời của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Nghị định của Chính phủ số 126/2007/NĐ-CP ngày 10/8/2007 hướng dẫn thi hành Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đã góp phần giải quyết được nhiều tồn tại về pháp luật trong thời gian qua. Tuy nhiên, để nâng cao hiểu biết pháp luật cho người lao động thì các ban ngành cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền pháp luật cho những đối tượng này.
Đại diện của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đánh giá cán bộ làm công tác tư vấn đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong tranh chấp lao động, đình công; hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật đã được đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp nên cũng đã góp phần nâng cao trình độ pháp lý cho người lao động, đặc biệt công tác xây dựng pháp luật đã đi vào thực chất, nhất là việc lấy ý kiến của người lao động đóng góp vào dự thảo văn bản luật rộng rãi và dân chủ hơn. Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền cho người lao động ở nước ngoài cũng còn nhiều hạn chế do tình hình tranh chấp lao động ngày càng phức tạp nhưng đội ngũ làm công tác pháp luật còn ít về số lượng và hạn chế chất lượng, tính chuyên nghiệp chưa cao, mặt khác chưa năm rõ các thông tin cụ thể về việc làm, đời sống và quyền lợi của người lao động ở nước ngoài, trong khi đó các doanh nghiệp lại cố tuyên truyền những thuận lợi để hấp dẫn người lao động tham gia xuất khẩu lao động mà không đề cập những khó khăn trở ngại để họ phòng ngừa; đặc biệt ý thức pháp luật của người lao động và cả người sử dụng lao động, đơn vị xuất khẩu lao động chưa cao đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Bài tham luận của Báo pháp luật thành phố Hồ Chí Minh đã đề cập đến một vấn đề hệ trọng đáng báo động về bảo vệ người lao động Việt Nam ở Malaysia. Việt Nam chính thức khai phá thị trường lao động tại nước này từ tháng 4/2002, tính đến nay Việt Nam có khoảng 110 ngàn lao động ở Malaysia theo con đường hợp pháp, thống kê chính thức cho thấy từ năm 2004 đến nay đã có 315 người lao động Việt Nam bị chết ở Malaysia, trung bình 6 ngày có 1 người chết, trong đó chủ yếu là do bị đột tử.
Tiến sỹ Vương Thị Hanh - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) chia sẻ với Hội thảo một số kinh nghiệm hoạt động về di cư lao động, theo bà Hanh thì đa số những trường hợp di cư không an toàn là do thiếu các thông tin về công việc, điều kiện, môi trường làm việc và không nắm chắc các thủ tục đăng ký, tuyển chọn, chính vì thế dễ bị lừa, mất tiền, không xuất khẩu được, mất việc làm hoặc làm việc không đúng với hợp đồng, thậm chí có nhiều trường hợp bị lừa bán. Chính vì vậy, cần phải xây dựng các tài liệu truyền thông về di cư lao động an toàn để tuyên truyền giáo dục cho những người sắp đi, đặc biệt cần phải tăng cường phối hợp giữa chủ doanh nghiệp phụ trách xuất khẩu lao động, ngành, chức năng ở cơ sở với các tổ chức đoàn thể ở cộng đồng, việc tăng cường bộ máy quản lý, hỗ trợ, bảo vệ người lao động ở trong và ngoài nước cũng phải chú trọng hơn.
Nhóm chuyên gia ASEAN cũng có bài phát biểu về viễn cảnh người lao động di trú ở các nước ASEAN, trong đó trình bày về thực tiễn và những thách thức trong việc thực hiện những tiêu chuẩn và quy tắc lao động cơ bản của ILO về việc làm, di trú an toàn và quyền cụ thể của người lao động di trú. Theo thống kê ở thời điểm 2006, lực lượng lao động ở ASEAN khoảng 263 triệu người trên tổng số 540 triệu dân và với nhu cầu ngày càng có nhiều lao động ở các nước trong khu vực ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, buộc các nước ASEAN cần phải ký với nhau các thảo thuận về người lao động di trú, trong đó phải quan tâm đến thời giờ làm việc tối thiểu 8 tiếng/ngày và phải đảm bảo mức lương tối thiểu ngang bằng mức lương tối thiểu của nước sở tại. Nhóm chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng bảo vệ quyền lợi cho người lao động di trú ở các nước ASEAN càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh ASEAN đang tiến tới hợp nhất kinh tế trước năm 2015, đòi hỏi ASEAN phải có những chính sách, hoạt động cụ thể nhằm bảo đảm công việc tử tế.
Từ tình hình thực tiễn như trên, đã đến lúc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đưa ra cơ chế và biện pháp thiết thực hơn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Trần Thị Tuý