Nghị quyết số 66-NQ/TW đặt ra yêu cầu phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, tổ chức Đảng tại Bộ Tư pháp (cơ quan tham mưu về thể chế trọng yếu của Chính phủ) đang từng bước thể hiện rõ vai trò định hướng, kiến tạo, đồng hành cùng chuyên môn.
Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thái - Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Tư pháp - khẳng định: Đảng không đứng ngoài quá trình lập pháp, nhưng cũng không can thiệp kỹ thuật; Đảng lãnh đạo bằng định hướng, giám sát, tạo cơ chế, thúc đẩy đổi mới và bảo vệ những cán bộ “dám nghĩ pháp luật, dám gánh trách nhiệm thể chế”.
Đảng không đứng ngoài, nhưng cũng không làm thay
PV: Thưa ông, Nghị quyết số 66-NQ/TW đặt ra yêu cầu phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật. Trong thực tiễn của Bộ Tư pháp, ông nhìn nhận thế nào về việc tổ chức Đảng phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng nhưng không lấn át vai trò chuyên môn, kỹ thuật của đội ngũ làm luật?
- Đây là một yêu cầu vừa đúng đắn, vừa thực tiễn - nhưng cũng đầy thách thức. Bởi xây dựng pháp luật là lĩnh vực đặc thù, nơi mà sự hài hòa giữa “ý Đảng” và “tính khả thi trong cuộc sống” phải được bảo đảm đến từng điều khoản, từng câu chữ.
Tại Bộ Tư pháp - cơ quan được giao trọng trách tham mưu thể chế cho Chính phủ - chúng tôi xác định rõ: tổ chức Đảng không “làm thay”, mà “đi cùng” chuyên môn, với vai trò là người dẫn đường chính trị, người kiến tạo hành lang tư tưởng, người giám sát quá trình triển khai nhiệm vụ lập pháp.
Vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của tổ chức Đảng cần bám sát theo 5 nguyên tắc: Đúng vai - không làm thay, nhưng định hướng rõ ràng; Đúng tầm - lãnh đạo chiến lược, không sa vào tiểu tiết; Đúng cách - thông qua định hướng, giám sát, tạo cơ chế; Biết lắng nghe chuyên môn, tôn trọng kỹ thuật; Làm gương trong hành động, không dừng ở khẩu hiệu.
Trên nền tảng đó, tổ chức Đảng giữ vai trò định hướng chiến lược, quán triệt, thể chế hóa đầy đủ và kịp thời các chủ trương, đường lối lớn của Đảng vào từng chính sách, văn bản pháp luật. Việc lãnh đạo xây dựng Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 là minh chứng điển hình - thể hiện vai trò kiến tạo tầm nhìn dài hạn.
Trong tổ chức thực thi, Đảng ủy Bộ không can thiệp vào quy trình kỹ thuật lập pháp, mà tập trung tạo dựng hành lang chính trị - tư tưởng vững chắc, môi trường làm việc ổn định để đội ngũ chuyên môn phát huy tối đa năng lực. Nhờ đó, việc phân công - phối hợp giữa tổ chức Đảng và bộ máy chuyên môn luôn chặt chẽ, không chồng lấn, không hình thức.
Đặc biệt, trong bối cảnh cải cách toàn diện bộ máy nhà nước - từ sắp xếp tổ chức các cơ quan Đảng, Nhà nước đến bỏ cấp huyện, giảm cấp xã - tổ chức Đảng tại Bộ Tư pháp đã chủ động chỉ đạo rà soát, tháo gỡ “điểm nghẽn” thể chế, bảo đảm pháp luật “mở đường” cho cải cách, chứ không làm lực cản.
Vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng không chỉ dừng ở chỉ đạo hành chính, mà còn thể hiện ở những kiến nghị chính trị sắc sảo với Trung ương, nhất là khi phát hiện các xung đột pháp lý, “lỗ hổng” thể chế trong phân cấp, kiểm soát quyền lực hay phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động bảo đảm nguồn lực, lựa chọn đúng người, bố trí đúng việc, giám sát đúng mức đối với các đề án pháp luật trọng điểm.
Chúng tôi không đứng ngoài, nhưng cũng không làm thay. Vai trò lãnh đạo được thể hiện rõ qua nguyên tắc: “Lãnh đạo bằng định hướng chính trị - không can thiệp kỹ thuật; thúc đẩy bằng giám sát - không áp đặt hành chính; đồng hành để hỗ trợ - không thay thế chuyên môn”.
Và quan trọng hơn, Đảng chỉ lãnh đạo đúng tầm khi không áp đặt tư duy “đóng khung”, mà biết khơi dậy đổi mới, khuyến khích tiếp cận thực tiễn và chọn lọc tinh hoa nhân loại - để mỗi chính sách, mỗi đạo luật ban hành đều “đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam, nhìn ra thế giới, đi cùng thời đại”.
Tóm lại, tổ chức Đảng tại Bộ Tư pháp đang phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp nhưng đúng vai, đúng cách, đúng giới hạn - góp phần xây dựng hệ thống pháp luật vững về định hướng chính trị, chuẩn về chuyên môn, hài hòa giữa nguyên tắc và khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
PV: Thưa ông, với vai trò là tổ chức Đảng của một cơ quan gắn trực tiếp với hoạt động xây dựng thể chế, pháp luật, ông đánh giá thế nào về trách nhiệm chính trị của mỗi đảng viên trong việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật? Làm gì để thực sự có những đảng viên "dám nghĩ pháp luật", "dám gánh trách nhiệm thể chế" chưa?
- Xây dựng pháp luật không chỉ là một hoạt động chuyên môn, mà là một hành vi chính trị có trách nhiệm. Mỗi đảng viên ngành Tư pháp - nhất là trong Bộ Tư pháp - cần ý thức rằng: mỗi câu chữ trong văn bản pháp luật là một phần của kiến trúc thể chế quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển đất nước và quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.
Trong bối cảnh cải cách thể chế sâu rộng hiện nay - khi chúng ta đang tinh gọn bộ máy, tháo gỡ “điểm nghẽn” để mở đường cho phát triển - vai trò của cán bộ, đảng viên ngành Tư pháp càng trở nên quan trọng. Chỉ một quy định pháp luật thiếu rõ ràng cũng có thể gây tắc nghẽn cả chuỗi chính sách, làm chậm sự vận hành của guồng máy quốc gia.
Vì vậy, đảng viên trong Bộ Tư pháp không chỉ làm luật, mà phải “mở đường thể chế” bằng tư duy chính trị sắc bén với tinh thần cải cách kiên định. Không thể chỉ rà soát câu chữ - mà phải dám “rà lại tư duy”, dám “bóc tách xung đột pháp lý”, dám đề xuất cái mới.
Thực tế đã chứng minh: chúng ta không những có mà còn có nhiều đảng viên “dám nghĩ pháp luật, dám gánh trách nhiệm thể chế”. Họ không ngại va chạm, không né tránh phản biện, sẵn sàng bảo vệ phương án đúng - cho dù phải đối mặt với áp lực từ cơ quan trình dự án, từ tiến độ hoặc từ tư duy cũ.
Những đóng góp “thầm lặng” nhưng rất quyết liệt của họ có thể thấy rõ qua các đợt rà soát văn bản theo yêu cầu Chính phủ, hoặc trong quá trình xây dựng, thẩm định hàng loạt các dự án luật lớn như Luật Đất đai, Luật Tổ chức bộ máy, Luật Thủ đô… Đây là những đảng viên không chỉ có chuyên môn vững, mà có bản lĩnh chính trị để chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân.
Tổ chức Đảng - trong bối cảnh đó - phải là bệ đỡ chính trị vững chắc. Không chỉ chăm lo, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mà còn phải tạo dựng một môi trường công tâm, nơi đổi mới được khuyến khích và cống hiến được ghi nhận. Nói cách khác, Đảng không chỉ tạo ra những người làm luật giỏi, mà phải tạo ra những đảng viên làm luật có trách nhiệm chính trị sâu sắc, có tinh thần cải cách và đủ năng lực đưa tinh thần Nghị quyết vào pháp luật và từ pháp luật đi vào cuộc sống.
Tập trung xây dựng đội ngũ “hai trong một”
PV: Một trong những yêu cầu mới của Nghị quyết số 66-NQ/TW là phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm chính sách pháp luật có tư duy chính trị sắc bén và tinh thần thượng tôn pháp luật. Theo ông, công tác Đảng trong Bộ Tư pháp cần làm gì để hình thành lớp đảng viên - cán bộ “hai trong một”: vững lý luận chính trị, tinh thông kỹ thuật lập pháp?
- Trước hết, tôi cho rằng để có cán bộ “hai trong một” như Nghị quyết số 66-NQ/TW đặt ra, công tác Đảng phải được nhìn nhận đúng với vai trò cốt lõi: Công tác cán bộ là công tác của Đảng. Không thể chỉ dừng ở việc giáo dục tư tưởng hay giao nhiệm vụ chuyên môn mà cần đi xa hơn - từ khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, sử dụng đến chính sách đãi ngộ - tất cả phải được đặt trong một chiến lược dài hạn và nhất quán.
Thứ hai, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp là nơi định hướng chiến lược và tạo cơ chế rõ ràng để phát hiện, bảo vệ, phát huy cán bộ có năng lực, có chí tiến thủ. Không chỉ lo “giữ người”, mà phải biết tạo điều kiện để cán bộ được rèn luyện thông qua quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, nhất là đào tạo qua môi trường thực tiễn ở địa phương - nơi pháp luật thực sự va chạm với cuộc sống và bộc lộ những bất cập của thể chế.
Thứ ba, các Đảng ủy, Chi bộ cơ sở trực thuộc cần chủ động xây dựng kế hoạch phát triển cán bộ của riêng mình, gắn chặt với lộ trình công tác, năng lực cá nhân và yêu cầu nhiệm vụ. Việc đào tạo, bồi dưỡng hay luân chuyển cán bộ cần được thực hiện một cách thực chất, chứ không chỉ mang tính hình thức hay đối phó. Cùng với đó, đây là nơi gần cán bộ nhất, hiểu rõ nhất và có trách nhiệm trực tiếp trong việc rèn luyện, động viên, đánh giá đảng viên. Cần xây dựng một môi trường làm việc nơi cán bộ được tin tưởng giao việc, có cơ hội đổi mới, có đất để thể hiện năng lực và được ghi nhận kịp thời.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một số lực cản đang tồn tại. Không ít cán bộ ngại thay đổi, ngại rời khỏi vùng an toàn. Một số đơn vị thì vì áp lực công việc hoặc tâm lý “giữ người” mà không muốn cho cán bộ đi học hay luân chuyển. Nếu không vượt qua được hai “cái ngại” này, mọi chủ trương dù đúng cũng khó đi vào thực tế.
Và đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh, cùng với sự chăm lo của tổ chức Đảng, thì yếu tố mang tính quyết định chính là khát vọng và ý chí tự vươn lên của mỗi cán bộ, đảng viên. Chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập, công nghệ số với sự phát triển nhanh chóng. Một cán bộ không chỉ chờ được đào tạo, mà còn phải biết tự học, tự đổi mới, tự chịu trách nhiệm với sự trưởng thành của mình. Phải có hoài bão, có chí tiến thủ, vượt qua lợi ích cá nhân thì mới thực sự trưởng thành và đóng góp lâu dài cho ngành, cho Đảng.
Cuối cùng, tôi cho rằng cán bộ giỏi không phải do tình cờ mà có. Đó là kết quả của một chiến lược công tác Đảng được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và dài hơi, song hành với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính người cán bộ. Chỉ khi cả hai yếu tố - tổ chức chăm lo và cá nhân khát khao trưởng thành - cùng hội tụ, chúng ta sẽ có được lớp cán bộ “hai trong một”: vững lý luận, giỏi lập pháp, bản lĩnh chính trị, sắc bén tư duy, đủ sức gánh vác nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Phương Mai (thực hiện)