Kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự tại Cộng hòa Séc và Cộng hòa Italia

26/04/2025
Kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự tại Cộng hòa Séc và Cộng hòa Italia
Thực hiện kế hoạch đối ngoại của Bộ Tư pháp, trong thời gian từ ngày 9 đến 16 tháng 4 năm 2025, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Mai Lương Khôi làm Trưởng đoàn đã tới thăm và làm việc tại các nước Cộng hòa Séc và Cộng hòa Italia. Đoàn công tác đã được Bộ Tư pháp, các cơ quan liên quan của hai nước chia sẻ một số thông tin, kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự.
1. Mô hình tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự tại Cộng hòa Séc
Đối với Cộng hòa Séc, từ năm 2001, thi hành án dân sự được thực hiện bởi hệ thống Văn phòng Thừa phát lại, bên cạnh việc tổ chức thi hành của hệ thống Tòa án. 
Có 146 Văn phòng Thừa phát lại hoạt động tại Cộng hòa Séc
Các tổ chức Thừa phát lại thực chất là các doanh nghiệp được tổ chức và hoạt động độc lập theo quy định của pháp luật dưới sự quản lý chung của Hiệp hội Thừa phát lại toàn quốc và giám sát của Bộ Tư pháp. Với các ưu điểm của mình, thi hành án dân sự tại Cộng hòa Séc do Thừa phát lại thực hiện rất hiệu quả, do đó đã trở thành cơ chế lựa chọn chủ yếu của đương sự; hiện cả nước có 146 Văn phòng Thừa phát lại hoạt động. Đối với Tòa án, việc thi hành án dân sự được thực hiện bởi các Tòa án dân sự địa phương, do Thẩm phán và các nhân viên Tòa án thực hiện. Hoạt động của Thừa phát lại không bị giới hạn bởi phạm vi địa bàn trên toàn quốc; trường hợp người phải thi hành án yêu cầu thay đổi tổ chức Thừa phát lại thì sẽ do Thừa phát lại quyết định (mỗi tổ chức Thừa phát lại chỉ có 01 Thừa phát lại hành nghề); trường hợp người được thi hành án yêu cầu thay đổi sẽ do Thừa phát lại đang tổ chức thi hành án thỏa thuận với Thừa phát lại khác, trong trường hợp này người được thi hành án không mất chi phí phát sinh liên quan đến giao dịch giữa các Thừa phát lại.
Về phạm vi tổ chức thi hành án, Thừa phát lại thi hành tất cả các vụ việc dân sự theo bản án của Tòa án, các hợp đồng đã được công chứng, Phán quyết của Trọng tài thương mại. Tuy nhiên, Thừa phát lại và Tòa án chỉ tổ chức thi hành án đổi với các khoản thi hành theo yêu cầu của đương sự; đối với các khoản nợ thi hành cho Nhà nước sẽ do cơ quan Hải quan thực hiện. 
Thủ tục thi hành án do Thừa phát lại tại Cộng hòa Séc thực hiện thể hiện mối quan hệ chặt chẽ với Tòa án; sau khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án hợp lệ, Thừa phát phải gửi yêu cầu đến Tòa án có Thẩm quyền thi hành án (chậm nhất trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn) để đề nghị cấp giấy ủy quyền thực hiện việc thi hành án. Trường hợp đầy đủ các điều kiện pháp lý theo quy định, Tòa án sẽ chấp thuận yêu cầu của bên có quyền yêu cầu bằng cách cấp giấy ủy quyền cho Thừa phát lại thi hành nghĩa vụ đã được xác lập trong văn bản thi hành án; giấy ủy quyền này không phải là quyết định của Tòa án và không được gửi cho các đương sự trong vụ việc. Phần lớn các thủ tục thông báo, xác minh thi hành án đều được thực hiện thông qua phương thức điện tử như email, mạng nội bộ của các cơ quan, tổ chức; thông tin về việc thi hành án sẽ được ghi nhận vào Cơ sở dữ liệu Trung tâm về thi hành án.
Nhằm khuyến khích tự nguyện thi hành án, pháp luật của Cộng hòa Séc quy định trong thời hạn không quá 30 ngày từ khi có thông báo nghĩa vụ của Thừa phát lại, nếu người phải thi hành án tự nguyện thi hành thì sẽ được giảm chi phí; trường hợp không tự nguyện thì việc thi hành án sẽ được chuyển sang các thủ tục tiếp theo. Việc xác minh tài sản thi hành án được thực hiện thuận lợi; các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài sản cho Thừa phát lại, đồng thời, cơ chế liên thông cơ sở dữ liệu và công khai thông tin của cá nhân, tổ chức cũng tạo điều kiện để Thừa phát lại xác minh được nhanh chóng, hiệu quả. Hệ thống pháp luật của Cộng hòa Séc cho phép Thừa phát lại có thể truy cập thông tin xác minh tài sản hoặc yêu cầu phong toả tài khoản ngân hàng của của đương sự trong quá trình thi hành án. Điểm đáng lưu ý là pháp luật quy định rất rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án và dành cho Thừa phát lại quyền được phạt tiền đối với cơ quan, tổ chức không cung cấp thông tin theo yêu cầu của Thừa phát lại. Việc phạt tiền được thực hiện thông qua khấu trừ tài khoản của cơ quan, tổ chức đó tại Ngân hàng và được kết nối liên thông với tài khoản của Thừa phát lại. 
Về quy trình xử lý tài sản, trên cơ sở thông tin đầy đủ về tài sản của người phải thi hành án, Thừa phát lại sẽ gửi quyết định khấu trừ tiền, lương, các khoản trợ cấp tới ngân hàng hoặc các tổ chức quản lý các khoản tiền trên, tuy nhiên phải đảm bảo giữ lại số tiền tối thiểu là 13.000 Kč và khoản tiền mà người phải thi hành án có nghĩa vụ cấp dưỡng người khác. Đối với bất động sản và động sản Thừa phát lại sẽ tịch thu và tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá. Pháp luật quy định việc thẩm định giá được thực hiện theo hai cơ chế, đối với động sản sẽ do Thừa phát lại xác định giá, bất động sản và các tài sản có giá trị lớn, đặc tính phức tạp sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan đến tài sản đó. 
Việc bán đấu giá được thực hiện thông qua phương thức trực tuyến cho thấy đạt hiệu quả cao và đảm bảo công khai, minh bạch, ngăn chặn tiêu cực trong hoạt động này. Điểm đáng lưu ý là để tối đa hóa giá trị tài sản đấu giá, pháp luật quy định trong thời gian 01 tuần kể từ khi bán đấu giá thành, nếu có người trả giá cao hơn giá đã bán thì việc bán đấu giá sẽ được thực hiện lại 01 lần. Thủ tục thanh toán tiền trong trường hợp có nhiều người được thi hành án có yêu cầu xác định theo nguyên tắc ưu tiên cho người có yêu cầu thi hành án trước.
Đối với việc thi hành án là hành vi phải thực hiện, nếu người phải thi hành án không tự nguyện, Thừa phát lại sẽ tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện, chi phí trong trường hợp này do người phải thi hành án chịu và được thông báo qua phương tiện điện tử.
Cơ chế chấm dứt việc thi hành án 
Đây là nội dung cần được nghiên cứu, tham khảo đối với Việt Nam, khi người phải thi hành án không có khả năng thi hành án trong một thời gian dài, cơ chế pháp lý sẽ cho phép người yêu cầu thi hành án có quyền yêu cầu tiếp tục thi hành án 02 lần nhưng thời thời hạn tối đa không quá 12 năm. Sau 12 năm, nếu người phải thi hành án vẫn không có khả năng thi hành án, người yêu cầu thi hành án có thể yêu cầu Tòa án kết thúc việc thi hành án thông qua một vụ kiện khác hoặc bằng quyết định chính thức của Tòa án. 
Về chi phí thi hành án do Thừa phát lại thực hiện được xác định theo nguyên tắc người phải thi hành có trách nhiệm chi trả toàn bộ, kể các khoản thuê lực lượng cưỡng chế, trong giữ, bảo quản tài sản… Người phải thi hành án có thể phản đối, yêu cầu Thừa phát lại xác định lại nếu thấy chi phí cao, không phù hợp; tổ chức Thừa phát lại nơi Thừa phát lại hành nghề sẽ xem xét, giải quyết yêu cầu, trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết, người phải thi hành án có thể khởi kiện ra Tòa án. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng lợi dụng quy định này nhằm trốn tránh nghĩa vụ, pháp luật quy định người phải thi hành án chỉ được thực hiện quyền này trên 01 lần. Quy định trên cũng được áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án phản đối về giá tài sản mà Thừa phát lại xác định hoặc thuê chuyên gia thẩm định.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ 
Ưu điểm nổi bật trong thi hành án dân sự tại Cộng hòa Séc là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động này và do các tổ chức Thừa phát lại tự thực hiện. Hầu hết các thủ tục tác nghiệp và quản lý của Thừa phát lại được thực hiện bằng phương thức điện tử; cơ chế liên thông cơ sở dữ liệu và công khai thông tin của cá nhân, tổ chức, nhất là thông tin về tài sản, tiền, các khoản thu nhập từ lương, trợ cấp là nền tảng để việc thực hiện bằng phương thức điện tử được thuận lợi, hiệu quả. Các thủ tục từ yêu cầu, tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án, đấu giá tài sản, khấu trừ tiền, thu nhập… kể cả việc phạt tiền đối với cơ quan, tổ chức không hợp tác trong tác nghiệp của Thừa phát lại đều được thực hiện bằng phương thức điện tử. Theo thông tin cung cấp của Hiệp hội Thừa phát lại trên 90% tác nghiệp của Thừa phát lại được thực hiện bằng phương thức điện tử; điều này đã tạo điều kiện để thi hành án dân sự tại Cộng hòa Séc được nhanh chóng, minh bạch, tối thiểu chi phí, nhân lực trong hoạt động này. 
2. Mô hình tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự tại Cộng hòa Italia
Hoạt động thi hành án dân sự tại Cộng hòa Italia cũng có nhiều điểm tương đồng, tích cực như thi hành án dân sự tại Cộng hòa Séc. Thi hành án dân sự được xã hội hóa, do Thừa phát lại (Ufficiale Giudiziario) thực hiện. 
Thừa phát lại trực tiếp thực hiện các hoạt động thi hành án dân sự theo lệnh của Tòa án
Thừa phát lại có chức năng thi hành các bản án, quyết định của Tòa án dưới hình thức các Văn phòng hoặc Công ty tư nhân; hoạt động của Thừa phát lại là độc lập và mang tính chuyên môn cao dưới sự quản lý của của Bộ Tư pháp và có mối liên hệ chặt chẽ mang tính tư pháp với Tòa án. Thẩm phán có quyền ra các quyết định tố tụng về thi hành án như quyết định cho phép cưỡng chế (cho phép kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng, niêm phong bất động sản…), quyền tạm dừng, sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định thi hành án nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có lý do hợp lệ, quyết định về đấu giá, cho phép và chỉ định phương thức đấu giá (trực tuyến, công khai…), quyết định giải quyết khiếu nại trong quá trình thi hành án… Quyết định của Thẩm phán là căn cứ pháp lý để Thừa phát lại thực hiện các biện pháp thi hành án; quá trình tổ chức thi hành án, Thừa phát lại phải báo cáo trực tiếp với Thẩm phán và thực hiện mọi chỉ đạo từ Thẩm phán. Có thể nói Thừa phát lại ở Cộng hòa Italia là “cánh tay nối dài” của Thẩm phán, trực tiếp thực hiện các hoạt động thi hành án dân sự theo lệnh của Tòa án.
Về quy trình tổ chức thi hành án, sau khi bản án, quyết định dân sự của Tòa án có hiệu lực, người được thi hành án sẽ nộp đơn yêu cầu thi hành án, Thẩm phán sẽ ban hành quyết định để Thừa phát lại tổ chức thi hành. Trên cơ sở đó, Thừa phát lại sẽ tống đạt quyết định thi hành án cho bên phải thi hành, kèm thông báo yêu cầu tự nguyện thi hành trong một thời hạn 10 ngày.
Để xác minh tài sản của người phải thi hành án, Thừa phát lại có quyền truy cập các hệ thống cơ sở dữ liệu công cộng (đăng ký nhà đất, đăng ký xe, tài khoản ngân hàng…) để xác minh tài sản, phục vụ kê biên, cưỡng chế, bán đấu giá tài sản. Khi đã có được thông tin đầy đủ về tài sản, nếu vẫn không tự nguyện, Thừa phát lại sẽ tiến hành kê biên tài sản của người phải thi hành án; việc kê biên có thể áp dụng cho tài sản động sản, bất động sản, tài khoản ngân hàng, lương... Sau khi kê biên, tài sản sẽ được đưa ra bán đấu giá công khai; việc bán đấu giá do Tòa án giám sát, công khai trên cổng thông tin quốc gia về bán đấu giá tài sản; giá khởi điểm được xác định bởi thẩm định viên hoặc Thẩm phán. Sau khi thu được tiền bán tài sản, Tòa án thực hiện việc khấu trừ các khoản phí, lệ phí phải nộp cho Nhà nước trước khi phân chia cho các chủ nợ.
Đối với các khoản thu cho Nhà nước sẽ do cơ quan Cơ quan thuế quốc gia (Agenzia delle Entrate) hoặc kho bạc (Tesoreria dello Stato) thực hiện dựa trên bản án đã có hiệu lực. Tòa án chuyển bản án, quyết định cho cơ quan thuế, kho bạc nhà nước, các cơ quan này sẽ sử dụng các biện pháp hành chính hoặc yêu cầu tổ chức thi hành án dân sự nếu thấy cần thiết. Trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện nộp, cơ quan tài chính có thể yêu cầu Tòa án hoặc Thừa phát lại thực hiện các biện pháp cưỡng chế (kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản…), nhưng khoản thu này vẫn thuộc quyền thu của Nhà nước.
 
Đoàn Bộ Tư pháp làm việc với Bộ trưởng Tư pháp Italia Carlo Nordio.
 
Điểm đáng lưu ý là trong quá trình tổ chức thi hành án có “Quản trị viên” điều hành tài sản do Tòa án bổ nhiệm trong một số trường hợp nhất định. Người này có nhiệm vụ bảo quản, giữ gìn, vận hành, thậm chí cho thuê hoặc quản lý khai thác tài sản cho đến khi tài sản được bán đấu giá hoặc xử lý theo quy định. Quản trị viên có thể là người phải thi hành án (trong trường hợp tài sản không phức tạp và tòa tin tưởng), nếu tài sản lớn, phức tạp, thường Tòa án sẽ chỉ định một bên thứ ba chuyên nghiệp (chẳng hạn luật sư, kế toán, công ty quản lý tài sản…) thực hiện cho đến khi xử lý xong theo bản án. Đây là một cơ chế quan trọng bảo vệ quyền lợi các bên liên quan.
Về cách thức thi hành các nghĩa vụ về hành vi buộc phải thực hiện một công việc, Thẩm phán có thể ra quyết định phạt tiền theo thời gian (ngày hoặc tuần, tháng…) mà người phải thi hành án không thực hiện đúng nghĩa vụ. Đối với nghĩa vụ liên quan đến cá nhân, phải do chính họ thực hiện, không thể cưỡng chế, chỉ có thể áp dụng chế tài phạt tiền. Đối với nghĩa vụ “có thể thay thế”, Thẩm phán có thể ủy quyền cho Thừa phát lại hoặc bên thứ ba thực hiện thay, chi phí phát sinh sẽ do người phải thi hành án chịu.
Dữ liệu thi hành án được kết nối liên thông với nhiều hệ thống
Việc số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sâu rộng trong tổ chức thi hành án dân sự như quản lý hồ sơ số, đấu giá online, tống đạt điện tử, trao đổi dữ liệu đa ngành, chữ ký số…(Toàn bộ các thông báo tống đạt, thông tin thủ tục, biên bản kê biên… có thể được tạo lập, lưu trữ và gửi, nhận trực tuyến; các luật sư, chủ nợ, bên liên quan đều có thể truy cập hồ sơ số hóa, nhận thông báo, theo dõi tiến trình thi hành án qua mạng), nhờ đó, quy trình thi hành án được nhanh chóng, minh bạch, tiết kiệm nguồn lực và nâng cao hiệu quả thi hành án. Dữ liệu về thi hành án, tài sản, tài khoản ngân hàng, thông tin doanh nghiệp… được kết nối và trao đổi tự động giữa Tòa án, Thừa phát lại, cơ quan thuế, đăng ký đất đai, ngân hàng…, tạo điều kiện để việc xác minh tài sản, truy tìm tài sản, tống đạt quyết định, phong tỏa tài khoản… được thực hiện nhanh hơn, minh bạch và giảm tối đa gian lận. Người dân, doanh nghiệp có thể đăng ký, nộp tiền đặt cọc và tham gia đấu giá online, kết quả công khai minh bạch trên hệ thống.
Những nội dung về tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự của Cộng hòa Séc và Cộng hòa Italia là thông tin tham khảo bổ ích trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự nước ta hiện nay./.
Đặng Văn Huy - Vụ trưởng Vụ NV1 TCTHADS