Quy tắc giải thích luật trong thực tiễn xét xử ở Vương quốc Anh1. Đặt vấn đề
Trong hoạt động áp dụng luật, việc tìm kiếm quy phạm pháp luật phù hợp điều chỉnh vụ việc được các bên đưa ra trước Tòa án xét xử là một công việc các thẩm phán thụ lý vụ việc ở mọi quốc gia đều phải thực hiện. Để xác định được các khía cạnh pháp lý của hành vi được xem xét trong vụ việc, đánh giá xem hành vi đó là hợp pháp hay bất hợp pháp và nếu bất hợp pháp thì hệ quả hoặc hậu quả pháp lý mà chủ thể có hành vi bị xem xét, đánh giá bởi tòa án là gì, các tòa án thường phải làm sáng tỏ nội dung quy phạm áp dụng cho vụ việc. Khi thực hiện các thao tác này, nhiều trường hợp, thẩm phán thụ lý vụ việc nhận thấy, các quy phạm áp dụng cho vụ việc có thể có những cách hiểu khác nhau và với mỗi cách hiểu như vậy, nếu quy phạm được áp dụng, hệ quả hoặc hậu quả pháp lý có thể khác nhau. Điều này làm cho việc áp dụng pháp luật của tòa án không đáp ứng được yêu cầu về bảo đảm tính công bằng và nhất quán trong áp dụng pháp luật - giá trị được thừa nhận phổ biến ở các quốc gia thừa nhận nguyên tắc pháp quyền (rule of law).
Theo các học giả ở Vương quốc Anh[1], công chúng thường nghĩ rằng công việc áp dụng luật trong hoạt động xét xử của tòa án chỉ đơn giản là tra cứu luật liên quan và ra quyết định dựa trên đó. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy. Mặc dù các Luật được các chuyên gia soạn thảo rất cẩn thận, nhưng vẫn có không ít trường hợp mà các tòa án nhận thấy rằng các hàm ý của một Luật đối với vụ án mình đang phải thụ lý, giải quyết không đủ rõ ràng.
Vương quốc Anh, với tư cách là quốc gia theo hệ thống luật án lệ, có kinh nghiệm lịch sử nhiều trăm năm xử lý vấn đề giải thích luật trong thực tiễn xét xử để giải quyết các vụ việc cụ thể mà bài viết này sẽ đề cập.
2. Những trường hợp cần có việc giải thích luật khi áp dụng
Thực tiễn áp dụng luật ở Vương quốc Anh trong hoạt động xét xử cho thấy trong nhiều trường hợp, việc xác định ý nghĩa đích thực của các quy định trong một văn bản luật trở nên không rõ ràng. Chẳng hạn[2]
- Khi soạn thảo một văn bản luật hoặc một điều luật trong văn bản luật, có trường hợp, có từ hoặc cụm từ bị bỏ sót với lý do người soạn thảo nghĩ rằng từ hoặc cụm từ đó đã được ngầm hiểu. Ví dụ, một người soạn thảo viết một Luật cấm đàn ông có râu vào công viên có thể viết rằng "đàn ông có râu hoặc ria mép bị cấm vào công viên". Điều này có nghĩa là một người đàn ông có cả râu và ria mép có được phép vào không? Nếu từ "và/hoặc" được sử dụng, thì sẽ rõ ràng, nhưng người soạn thảo có thể nghĩ rằng điều này đã được ngầm hiểu.
- Một thuật ngữ có tính khái quát cao được sử dụng, để lại cho người dùng tự quyết định cái gì được bao gồm. Chẳng hạn, khi một Luật cấm “xe” vào công viên, điều này rõ ràng bao gồm ô tô và xe tải, nhưng các tòa án sẽ phải quyết định liệu Luật ấy có cấm “xe điện”, “ván trượt”, “xe đạp” hoặc “giày patin” hay không.
- Một từ hoặc cụm từ mơ hồ được sử dụng một cách có chủ đích, có thể là vì việc sử dụng quy định có phần mơ hồ như vậy sẽ dễ đạt được đồng thuận cao hơn đối với các vấn đề chính trị gây tranh cãi.
- Cách diễn đạt không đầy đủ do lỗi in ấn, soạn thảo hoặc lỗi khác.
- Các sự kiện của vụ án được đưa ra trước tòa án để giải quyết chưa được dự liệu khi Nghị viện ban hành Luật. Trong ví dụ ở trên về cấm “xe” vào công viên, “ván trượt” có thể chưa được phát minh khi Luật cấm đó được ban hành, vì thế, sẽ không thể buộc Nghị viện phải dự liệu được là “ván trượt” có nên là một phần nội dung trong thuật ngữ "xe" của Luật cấm đó hay không.
Khi xảy ra trường hợp như vậy, về mặt lý thuyết, công việc của các tòa án là phải khám phá ý định thật của Nghị viện và thực thi điều đó. Tòa án có vai trò hiến định là thực thi những gì tòa án nghĩ Nghị viện thực sự dự định khi ban hành một Luật cụ thể. Thực tế cho thấy, Tòa án gặp nhiều tình huống khó xử nếu tuân theo đúng lý thuyết hiến pháp vừa nêu. “Ý định của Nghị viện” là một khái niệm không dễ xác định. Ví dụ về từ “xe” kể trên cho thấy điều này: làm sao Nghị viện có thể có ý định về cách xử lý xe điện trong một Luật cụ thể khi mà xe điện chưa được phát minh tại thời điểm Luật được ban hành? Thêm vào đó, có nhiều câu hỏi rất khó trả lời khi xác định ý định của Nghị viện. Liệu ý định của Nghị viện chính là ý định của mỗi thành viên Nghị viện vào thời điểm Luật được thông qua? Rõ ràng là không, vì hầu như Luật nào khi được thông qua cũng thường có thành viên bỏ phiếu chống hoặc đơn giản chỉ là không tham dự bỏ phiếu. Ý định của tất cả những người ủng hộ một Luật cụ thể cũng không dễ xác định, vì một số người trong đó bỏ phiếu có thể chỉ vì kỷ luật đảng phái và họ bỏ phiếu ngay cả khi không có đủ kiến thức cần thiết để hiểu thấu đáo nội dung của Luật. Thực tế, những người chú ý nhiều nhất đến cách diễn đạt của một Luật chính là các Bộ trưởng (cùng với các công chức tư vấn cho Bộ trưởng trong việc xây dựng Luật) đã nỗ lực bảo trợ, trình và thúc đẩy Nghị viện thông qua Luật đó.
Khi tòa án giải thích quy định trong một Luật để xử lý vụ việc, sự giải thích đó sẽ trở thành một phần của án lệ. Tòa án cấp cao có thể quyết định rằng sự giải thích luật của tòa cấp dưới là sai để rồi đảo ngược quyết định khi có kháng cáo, hoặc bác bỏ trong một vụ án sau. Tuy nhiên, trừ khi và cho đến khi điều này xảy ra, các tòa án cấp dưới phải giải thích luật theo cách tương tự để bảo đảm sự nhất quán trong áp dụng pháp luật.
3. Các quy tắc chi phối việc giải thích luật khi tòa án xét xử
Ở Vương quốc Anh, Nghị viện đã cung cấp cho các tòa án một số nguồn hỗ trợ về giải thích luật. Luật Giải thích pháp luật năm 1978 cung cấp một số định nghĩa chuẩn về các quy định phổ biến, chẳng hạn như quy tắc rằng số ít bao gồm số nhiều và "he" (ông) bao gồm "she" (bà), trong khi các phần giải thích ở cuối hầu hết các Luật hiện nay đều có định nghĩa về một số từ được sử dụng trong đó. Một nguồn trợ giúp bổ sung đã được cung cấp từ đầu năm 1999, theo đó, tất cả các dự luật được Nghị viện thông qua đều có các bản giải thích được công khai. Những bản giải thích này chi tiết hóa bối cảnh của Luật đồng thời diễn giải tác động mà các quy định cụ thể mong muốn đạt được.
Ngoài sự trợ giúp này, các tòa án được giao quyền quyết định phương pháp sử dụng để giải thích các Luật, và cho tới nay, có bốn phương pháp (hay 4 quy tắc) cơ bản tòa án đã phát triển, kết hợp với một số phương tiện hỗ trợ giải thích luật. Trong vụ Cusack v London Borough of Harrow (2013), Tòa án Tối cao đã khẳng định rằng mặc dù những phương pháp này có vai trò quan trọng trong việc giải thích các Luật, nhưng chúng chỉ nên được coi là "hướng dẫn thay vì là quy tắc cứng nhắc". Bốn quy tắc đó là: (1) quy tắc nghĩa đen (literal rule), (2) quy tắc vàng (golden rule), (3) quy tắc mối phiền lụy (mischief rule), và (4) quy tắc giải thích theo mục đích (purposive approach)[3]
3.1. Quy tắc nghĩa đen (literal rule)
Quy tắc này gán cho tất cả các từ trong một Luật đều mang ý nghĩa thông thường và tự nhiên của chúng. Theo nguyên tắc này, cách tốt nhất để giải thích ý chí của Nghị viện chính là tìm nghĩa đen của các từ được sử dụng trong Luật. Theo quy tắc này, việc giải thích từ, ngữ, quy định trong Luật phải tuân theo nghĩa đen của từ, ngữ hoặc quy định đó, ngay cả khi kết quả là điều vô lý. Ví dụ, Thượng nghị sĩ Esher đã khẳng định trong vụ R v City of London Court Judge (1892): “Nếu các từ của một Luật rõ ràng, bạn phải tuân theo chúng, ngay cả khi chúng dẫn đến một sự ngớ ngẩn rõ ràng. Tòa án không có nhiệm vụ xem xét liệu Nghị viện có phạm phải sự ngớ ngẩn hay không.”
Có nhiều án lệ trong đó, Tòa án ở Vương quốc Anh đã giải thích từ, ngữ, quy định của văn bản luật theo nghĩa đen của các từ, ngữ và quy định đó. Ví dụ:
Vụ Whiteley v Chappell (1868): Trong vụ này, Tòa án áp dụng quy định trong một Luật ở vương quốc Anh trong đó quy định ngăn chặn hành vi gian lận bầu cử. Theo đó, Luật này quy định coi là tội phạm đối với việc giả mạo "bất kỳ người nào có quyền bầu cử". Trong vụ việc này, bị cáo không giả mạo “một người đang còn sống” mà đã giả mạo “một người đã chết”. Khi bị truy tố trước tòa, căn cứ vào nghĩa đen trong lời văn của Luật, bị cáo đã được tuyên là không phạm tội vì lý do bị cáo giả mạo một người đã chết chứ không phải người còn sống. Theo tòa án trong vụ việc này, một người đã chết thì rõ ràng là không có quyền bầu cử, do vậy, không thể bị giả mạo.
- Vụ London and North Eastern Railway Co v Berriman (1946): Trong vụ việc này, một công nhân làm việc cho công ty đường sắt bị một chiếc tàu đâm trúng dẫn tới tử vong. Sau đó, vợ của anh ta đã khởi kiện đòi công ty đường sắt bồi thường thiệt hại theo một đạo luật có liên quan ở thời điểm đó. Theo lời văn của đạo luật có liên quan này, việc bồi thường theo quy định của luật ấy chỉ áp dụng đối với nhân viên bị chết trong khi tham gia vào công việc "làm lại hoặc sửa chữa đường ray”. Người công nhân là nạn nhân trong vụ việc này khi gặp tai nạn đã làm công việc bảo dưỡng và bôi dầu định kỳ cho tàu chứ không phải là đang “làm lại hoặc sửa chữa đường ray”. Chính vì vậy, tòa đã phán quyết rằng, người vợ của công nhân xấu số này không được khởi kiện theo đạo luật đã viện dẫn vì luật này chỉ áp dụng cho công nhân “làm lại và sửa chữa đường ray”, công việc “bảo dưỡng và bôi dầu định kỳ cho tàu” trong trường hợp này không thuộc phạm vi "làm lại và sửa chữa" đường ray.
- Vụ Fisher v Bell (1961): Sau một số sự cố bạo lực trong đó vũ khí được sử dụng là loại “dao gập”, Nghị viện Anh đã ban hành luật có quy định cấm việc sử dụng những con dao này. Cụ thể, Luật Hạn chế vũ khí phạm tội năm 1959 quy định coi là tội phạm việc "bán hoặc chào bán" bất kỳ dao gập nào. Trong vụ việc này, bị cáo đã trưng bày dao gập trong cửa sổ của cửa hàng của mình do đó bị truy tố về hành vi “chào bán” dao gập. Tuy nhiên, trong vụ việc này, Tòa án cho rằng việc “trưng bày dao gập trong cửa hàng” không được coi là “chào bán” dao gập. Theo tòa án, thuật ngữ "chào bán" phải được hiểu theo nghĩa thông thường trong luật hợp đồng. Trưng bày dao gập trong cửa hàng không phải là một lời “chào bán” mà chỉ là lời mời người khác đưa ra lời đề nghị mua dao. Chính vì thế, bị cáo không thể bị kết tội về hành vi “chào bán” theo Luật đã nêu (mặc cho nhiều người cho rằng, khi ban hành Luật Hạn chế vũ khí phạm tội năm 1959, Luật này được thiết kế để ngăn chặn việc trưng bày dao gập trong cửa hàng để bán).
Có thể thấy, quy tắc nghĩa đen có ưu điểm lớn là quy tắc này tôn trọng quyền tối cao của Nghị viện. Quy tắc này chỉ giao cho các tòa án một vai trò hạn chế là làm sáng tỏ lời văn của luật chứ không phải là “ban hành luật” (lập pháp). Công việc lập pháp phải những người được cử tri bầu cho công việc ấy thực hiện. Tuy nhiên, trường hợp việc sử dụng quy tắc nghĩa đen lại đưa tới một kết luận rõ ràng là vô lý hoặc không công bằng, thì khi ấy, thật khó để nói rằng kết luận vô lý hoặc bất công ấy thực sự phản ánh ý chí của Nghị viện khi thông qua Luật. Vụ London and North Eastern Railway Co v Berriman nêu trên là một ví dụ cho thấy, khi áp dụng luật theo nghĩa đen của từ, ngữ thể hiện trong luật, có thể sẽ đưa tới sự bất công hoặc kết quả vô lý mà thực tế có thể Nghị viện chưa bao giờ có ý định như vậy (công việc “bảo dưỡng và bôi dầu định kỳ cho tàu” trên đường ray không có sự khác biệt đáng kể gì về mức độ nguy hiểm mà các công nhân phải đối mặt khi “làm lại và sửa chữa đường ray”.
Ủy ban Luật của vương quốc Anh vào năm 1969 đã chỉ ra rằng việc giải thích chỉ dựa trên nghĩa đen là dựa trên "giả định rằng có sự hoàn hảo trong soạn thảo luật - điều mà không thể đạt được trong thực tế". Ngay cả những người soạn thảo luật tài năng và kinh nghiệm nhất cũng không thể dự đoán được hết mọi tình huống mà pháp luật có thể phải được sử dụng để áp dụng. Các cơ quan áp dụng không nên kỳ vọng quá mức vào khả năng chuyển tải ý nghĩa của các từ ngữ được sử dụng trong Luật bởi lẽ từ, ngữ luôn là phương tiện giao tiếp không hoàn hảo. Một từ có thể có nhiều nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau, và từ ngữ cũng thay đổi ý nghĩa theo thời gian. Bởi vậy, cách giải thích luật chỉ dựa trên nghĩa đen của từ, ngữ được sử dụng trong luật là cách tiếp cận "máy móc, thậm chí có khi là vô trách nhiệm". Trong vụ R (on the application of Haw) v Secretary of State for the Home Department (2006), Tòa án phúc thẩm đã từ chối áp dụng cách giải thích theo nghĩa đen đối với một Luật mới khi tòa cho rằng cách giải thích này không phản ánh đúng ý định thực sự của Nghị viện.
3.2. Quy tắc vàng (golden rule)
Đây là quy tắc được tòa án áp dụng từ năm 1857. Theo quy tắc vàng, nếu việc giải thích luật theo quy tắc nghĩa đen dẫn đến một kết quả vô lý, điều mà Nghị viện không có ý định như vậy, thì (và chỉ khi đó) thẩm phán có thể thay thế một nghĩa hợp lý dựa trên toàn bộ lời văn của đạo luật. Quy tắc vàng được định nghĩa bởi Lord Wensleydale trong vụ Grey v Pearson (1857), theo đó: "Ý nghĩa ngữ pháp và nghĩa thông thường của các từ cần phải được tuân thủ, trừ khi điều đó dẫn đến một sự vô lý, hoặc mâu thuẫn hoặc không thống nhất với phần còn lại của văn bản. Trong trường hợp đó, nghĩa ngữ pháp và nghĩa thông thường của các từ có thể được điều chỉnh để tránh sự vô lý và không thống nhất đó, nhưng không được đi xa hơn." Ví dụ:
- Vụ R v Allen (1872): Điều 57 của Luật hành vi phạm tội xâm phạm con người năm 1861 quy định rằng "Người nào đã kết hôn với một người mà tiếp tục kết hôn với người khác trong khi chồng hoặc vợ cũ còn sống và chưa chấm dứt hôn nhân... thì phạm tội đa thê." Tuy nhiên, đã có ý kiến cho rằng không thể có một người đã kết hôn với một người mà lại "kết hôn" với người khác. Trên thực tế, họ có thể tham gia một buổi lễ kết hôn với người khác, nhưng sẽ không được coi là thực sự kết hôn lần nữa. Việc sử dụng quy tắc nghĩa đen để giải thích quy định kể trên sẽ làm cho đạo luật trở nên vô nghĩa. Do đó, trong vụ việc này, tòa án đã kết luận rằng chữ "kết hôn" trong Luật này cần được hiểu là "tham gia một buổi lễ kết hôn" (với người khác).
- Vụ Maddox v Storer (1963): Theo Luật Giao thông Đường bộ năm 1960, việc lái một phương tiện "được điều chỉnh để chở hơn bảy hành khách" với tốc độ hơn 30 dặm mỗi giờ là một tội phạm. Phương tiện trong vụ án là một xe buýt nhỏ được thiết kế để chở 11 hành khách, chứ không phải là xe đã được điều chỉnh để làm việc đó, và tòa án đã quyết định rằng "được điều chỉnh để" có thể được hiểu là "phù hợp để."
- Vụ Adler v George (1964): Trong vụ việc này, bị cáo bị truy tố về tội danh theo Điều 3 của Luật Bí mật Chính phủ năm 1920 vì đã cản trở một thành viên của lực lượng vũ trang "ở gần bất kỳ khu vực cấm nào." Anh ta lập luận rằng nghĩa tự nhiên của "ở gần" có nghĩa là “gần với”, trong khi hành động cản trở thực tế xảy ra ngay trong khu vực cấm của một căn cứ không quân. Tòa án đã kết luận rằng mặc dù trong nhiều trường hợp, "ở gần" có thể chỉ được hiểu là “gần với”, nhưng trong bối cảnh này, việc giải thích “ở gần” phải bao gồm cả “khu vực cấm” mới là hợp lý.
Như vậy, việc giải thích luật theo quy tắc vàng có thể ngăn chặn sự vô lý và bất công do cách giải thích luật theo quy tắc nghĩa đen có thể đưa tới, và giúp tòa án thực hiện đúng những gì Nghị viện thực sự muốn. Tuy nhiên, quy tắc vàng không cung cấp một định nghĩa rõ ràng về "kết quả vô lý". Vì trong thực tế, việc đánh giá này dựa trên việc liệu một cách giải thích cụ thể có mâu thuẫn với chính sách chung của Nghị viện hay không. Chính vì vậy, “quy tắc vàng” được coi là một hình thức ít rõ ràng hơn của “quy tắc mối phiền lụy”.3.3. Quy tắc mối phiền lụy (mischief rule)Quy tắc mối phiền lụy (mischief rule) được hình thành ở vương quốc Anh từ thế kỷ 16 trong án lệ Heydon’s Case. Theo quy tắc này, khi giải thích một văn bản luật, thẩm phán nên xem xét ba yếu tố: (1) Pháp luật trước khi văn bản luật được thông qua là gì; (2) Vấn đề hoặc "mối phiền lụy" mà văn bản luật cố gắng sửa chữa là gì; (3) Giải pháp mà Nghị viện đang cố gắng cung cấp là gì.
Thẩm phán sau đó giải thích luật theo cách giúp giải quyết vấn đề (mối phiền lụy) mà Nghị viện đang cố gắng giải quyết. Như vậy, theo quy tắc mối phiền lụy, thẩm phán có thể giải thích một Luật sao cho việc giải thích đó có hiệu quả cho việc giải quyết vấn đề (mối phiền lụy) mà Nghị viện muốn xử lý. Ví dụ:
- Vụ Smith v Hughes (1960): Luật Tội phạm Đường phố năm 1959 quy định rằng hành vi dụ dỗ khách hàng tiềm năng của một gái mại dâm ở trên đường phố hoặc nơi công cộng là một tội phạm. Trong vụ án này, gái mại dâm không thực sự ở trên đường phố, mà ngồi trong tầng một của một ngôi nhà và gõ cửa sổ để thu hút sự chú ý của những người đàn ông đi ngang qua. Thẩm phán đã phán quyết rằng mục đích của Luật Tội phạm đường phố là cho phép mọi người đi bộ trên phố mà không bị dụ dỗ, và vì hành vi dụ dỗ này nhắm vào những người ở trên phố dù cho gái mại dâm không ở trên đường phố thì hành vi của gái mại dâm như mô tả ở trên vẫn được coi là thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tội phạm đường phố.
- Vụ Elliott v Grey (1960): Luật Giao thông Đường bộ năm 1930 quy định rằng việc sử dụng một chiếc xe không có bảo hiểm trên đường là một hành vi phạm tội. Chiếc xe trong vụ án này không có bảo hiểm đã ở trên đường, nhưng được nâng lên và tháo ắc quy. Tuy nhiên, tòa án phán quyết rằng, vì chiếc xe này vẫn là một mối nguy hiểm (mối phiền lụy) thuộc loại mà Luật Giao thông đường bộ năm 1930 quy định phải mua bảo hiểm và Luật này được ban hành để ngăn ngừa những mối nguy hiểm như vậy. Vì thế, việc để chiếc xe đó ở trên đường vẫn được coi là thuộc ý nghĩa của cụm từ "sử dụng trên đường" mà Luật Giao thông đường bộ năm 1930 quy định.
- Vụ Royal College of Nursing v DHSS (1981): Luật Phá thai năm 1967 quy định rằng việc đình chỉ thai kỳ chỉ hợp pháp nếu được thực hiện bởi một "bác sĩ đã đăng ký." Đến năm 1972, các ca phá thai phẫu thuật chủ yếu đã được thay thế bằng phá thai do thuốc, trong đó giai đoạn thứ hai của quá trình (gắn bệnh nhân vào đường truyền dịch) được thực hiện bởi các y tá, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Viện Nguyên lão đã phán quyết rằng mối phiền lụy mà Luật này muốn xử lý là tình trạng bất ổn của pháp luật trước đó - điều đã đẩy nhiều phụ nữ đến những bác sĩ phá thai trái phép một cách nguy hiểm. Mục tiêu của Luật là mở rộng cơ sở để có thể thực hiện phá thai hợp pháp và đảm bảo rằng chúng được thực hiện với kỹ năng đúng đắn trong điều kiện hợp vệ sinh. Chính vì thế, “thủ tục phá thai do thuốc có phần được thực hiện bởi y tá dưới sự hướng dẫn của bác sỹ” thúc đẩy mục tiêu đó và không vi phạm Luật. Đây là một quyết định gây tranh cãi. Các thượng nghị sĩ Wilberforce và Edmund Davies đã cho rằng, với phán quyết vừa nêu, Viện Nguyên lão không phải đang giải thích luật mà là viết lại luật.
Như vậy, quy tắc mối phiền lụy có ưu điểm là giúp cơ quan áp dụng luật tránh được sự vô lý và bất công, đồng thời thúc đẩy tính linh hoạt trong áp dụng luật. Quy tắc mối phiền lụy được Ủy ban Luật của Vương quốc Anh mô tả vào năm 1969 là một "phương pháp hài lòng hơn" so với quy tắc nghĩa đen và quy tắc vàng. Mặc dù vậy, việc sử dụng quy tắc mối phiền lụy, cần lưu ý thực tế là: Vụ Heydon’s Case là sản phẩm của thời kỳ khi các Luật chưa là nguồn luật quan trọng so với thông luật. Việc soạn thảo luật lúc đó không bảo đảm độ chính xác như ngày nay. Vào thời điểm đó, các Luật thường có phần mở đầu dài dòng, giải thích khá rõ về "mối phiền lụy" mà Luật hướng tới giải quyết. Các thẩm phán thời đó có đủ khả năng để xác định pháp luật trước đó là gì và mối phiền lụy mà Luật cần sửa chữa là gì, vì họ thường là những người soạn thảo Luật thay mặt cho vua, và Nghị viện chỉ thông qua chúng mà không can thiệp đáng kể. Một quy tắc như vậy có thể ít thích hợp hơn trong điều kiện hiện nay khi tình hình công tác lập pháp đã có nhiều thay đổi.
3.4 Quy tắc giải thích theo mục đích (Purposive approach)
Về mặt lịch sử, phương pháp ưa chuộng để giải thích các Luật là tìm kiếm nghĩa đen của Luật đó. Tuy nhiên, trong ba thập kỷ qua, các tòa án đã chấp nhận rằng, trong một số trường hợp nhất định, phương pháp nghĩa đen có thể không đạt hiệu quả. Thay vào đó, các thẩm phán ở vương quốc Anh ngày càng bị ảnh hưởng bởi phương pháp giải thích luật của các quốc gia châu Âu lục địa theo đó việc giải thích Luật phải tập trung vào việc thúc đẩy thực thi mục đích của Luật. Trong suốt sự nghiệp tư pháp của mình, Lord Denning (1899-1999) (một thẩm phán nổi tiếng của Vương quốc Anh) đã đi đầu trong việc xây dựng quy tắc giải thích theo mục đích, nhằm đưa ra các phán quyết thực thi tinh thần của luật, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc ít quan tâm hơn đến từng từ ngữ thực tế của văn bản luật. Theo Lord Denning, quy tắc mối phiền lụy có thể được giải thích rộng rãi hơn, sao cho không chỉ cho phép tòa án xem xét lịch sử của vụ án, mà còn giúp họ thực thi ý định của Nghị viện, cho dù việc thể hiện này có thể không hoàn hảo trong các từ ngữ đã được sử dụng trong văn bản luật. Trên thực tế, quy tắc giải thích theo mục đích này mang tính tự do hơn trong việc giải thích luật so với những gì thường gắn liền với quy tắc mối phiền lụy. Lord Denning đã phát biểu quan điểm của mình trong vụ Magor and St Mellons Rural District Council v Newport Corporation (1952): "Chúng ta không ngồi ở đây để bóc tách ngôn ngữ của Nghị viện và làm cho nó trở nên vô lý... chúng ta ngồi ở đây là để tìm ra ý định của Nghị viện và thực hiện ý định ấy, và chúng ta làm điều này tốt hơn bằng cách lấp đầy các khoảng trống và làm cho văn bản luật trở nên có ý nghĩa, thay vì mở ra một phân tích mang tính phá hủy." Sau đó, trong phiên phúc thẩm, Viện Nguyên lão đã mô tả phương pháp mà Lord Denning đề xuất là "một sự chiếm đoạt quyền tư pháp trần trụi dưới vỏ bọc của việc giải thích... Nếu một khoảng trống được phát hiện, giải pháp nằm ở một Luật sửa đổi."
Tuy nhiên, theo thời gian, Viện Nguyên lão đã chấp nhận rằng quy tắc giải thích theo mục đích đối với việc giải thích các Luật có thể, trong một số trường hợp, là thích hợp. Xu hướng sử dụng quy tắc giải thích theo mục đích đặc biệt phù hợp với các Luật quốc nội của vương quốc Anh được thiết kế để thực thi các quy định của Liên minh châu Âu, vì Tòa án Công lý của Liên minh Châu Âu thường áp dụng quy tắc giải thích theo mục đích. Do đó, trong vụ Pickstone v Freemans (1988), Viện Nguyên lão đã quyết định rằng họ cần phải bổ sung từ ngữ vào các Luật quốc nội thiếu sót để thực thi các Luật của Cộng đồng châu Âu, nhằm giải quyết vấn đề phụ nữ bị trả lương thấp hơn đàn ông cho cùng một công việc.
Quy tắc giải thích theo mục đích đã được công nhận trong vụ Pepper v Hart (1993) khi Viện Nguyên lão tuyên bố: "Bây giờ đã qua những ngày khi mà tòa án áp dụng một quan điểm giải thích nghiêm ngặt yêu cầu tòa án phải tuân thủ nghĩa đen của ngôn từ trong văn bản luật. Ngày nay, các tòa án áp dụng quy tắc giải thích theo mục đích, nhằm thực thi đúng mục đích thực sự của văn bản luật và sẵn sàng xem xét nhiều tài liệu ngoại lai liên quan đến bối cảnh mà văn bản luật được thông qua."
Trong vụ R (theo yêu cầu của Quintavalle) v Bộ trưởng Bộ Y tế (2003), Viện Nguyên lão phải giải thích Luật Thụ thai và phôi người năm 1990. Điều 1 của Luật này định nghĩa phôi là "một phôi người sống khi thụ tinh đã hoàn tất" và việc sử dụng chúng được quản lý bởi Cơ quan Thụ thai và Phôi người (HFEA). Sau khi đạo luật được thông qua, các nhà khoa học đã phát triển một kỹ thuật nhân bản trong đó phôi không được tạo ra bằng cách thụ tinh trứng, mà bằng cách thay thế nhân của trứng bằng một tế bào từ người khác. Chính phủ do Đảng Lao động cầm quyền đã đưa ra tuyên bố cho rằng nghiên cứu y học liên quan đến phôi nhân bản nằm trong phạm vi của đạo luật và có thể được quản lý bởi HFEA. Nhóm vận động Pro-Life Alliance phản đối nghiên cứu như vậy và yêu cầu tòa án tuyên bố rằng HFEA đã hành động ngoài quyền hạn của mình theo pháp luật. Viện Nguyên lão đã đưa ra một cách giải thích theo mục đích về đạo luật để thực thi ý định của Nghị viện. Tòa án nhận thấy rằng dưới ảnh hưởng của văn hóa pháp lý châu Âu, "chiếc quả lắc đồng hồ (pendulum) đã nghiêng về quy tắc giải thích theo mục đích": Nhiệm vụ cơ bản của tòa án là xác định và thực thi nghĩa thực sự của những gì Nghị viện đã nói trong đạo luật cần được giải thích. Nhưng điều đó không có nghĩa là sự chú ý chỉ nên bị giới hạn và áp dụng cách giải thích nghĩa đen đối với những điều khoản gây khó khăn…Nhiệm vụ của tòa án, trong phạm vi giải thích được phép, là thực hiện mục đích của Nghị viện. Vì vậy, những điều khoản gây tranh cãi cần được đọc trong bối cảnh của toàn bộ đạo luật, và toàn bộ đạo luật nên được đọc trong bối cảnh lịch sử của tình huống dẫn đến việc ban hành nó. Tòa án kết luận rằng Nghị viện không thể có ý định loại trừ phôi nhân bản khỏi việc được quản lý bởi HFEA.
Ngoài 4 quy tắc giải thích trên[4], các tòa án còn sử dụng cơ chế “đính chính” trong giải thích luật. Theo đó, thẩm phán có thể thêm các từ vào một Luật để thực thi ý định của Nghị viện khi có một lỗi rõ ràng trong việc soạn thảo một Luật. Đây là kết luận của Viện Nguyên lão trong vụ Inco Europe Ltd v First Choice Distribution (2000), và quá trình sửa chữa sai sót này được gọi là đính chính. Để có thể thêm từ vào một Luật, tòa án phải không có bất kỳ nghi ngờ nào về điều khoản cần phải thêm vào. Quyền đính chính chỉ áp dụng trong những trường hợp sai sót trong soạn thảo rõ ràng. Tòa án không được làm điều gì có thể trông giống như việc lập pháp; vai trò của tòa án chỉ là giải thích. Vì một Luật được diễn đạt bằng ngôn ngữ đã được Nghị viện phê chuẩn và ban hành, tòa án phải hết sức thận trọng trước khi thêm, bỏ hoặc thay thế từ ngữ. Do đó, trước khi giải thích một Luật theo cách này, tòa án phải chắc chắn: (1) Mục đích của đạo luật là gì; (2) Người soạn thảo và Nghị viện đã vô tình không thực thi được mục đích đó; (3) Nghị viện sẽ viết điều khoản đó như thế nào nếu lỗi được phát hiện, mặc dù không nhất thiết phải là từ ngữ chính xác mà Nghị viện sẽ sử dụng nếu lỗi trong Dự luật được nhận thấy. Ngay cả khi các điều kiện này được đáp ứng, một tòa án vẫn có thể không thể áp dụng việc thay đổi từ ngữ trong đạo luật nếu việc thay đổi ngôn ngữ được coi là quá rộng. Án lệ Inco Europe Ltd đã được xem xét trong vụ OB v Giám đốc Cơ quan Điều tra tội phạm nghiêm trọng (2012), theo đó, bị cáo đã bị giam giữ vì tội khinh miệt tòa án và tìm cách kháng cáo quyết định này từ Phân tòa Hình sự của Tòa án Kháng cáo lên Tòa án Tối cao. Luật Cải cách Tư pháp năm 1960 có quy định quyền kháng cáo trong những trường hợp như vậy, nhưng quyền này không được đề cập khi Luật này được sửa đổi bởi Luật Quân đội năm 2006. Bị cáo lập luận rằng việc bỏ sót này chỉ là một lỗi lập pháp và người này vẫn nên có quyền kháng cáo. Tòa án Kháng cáo chấp nhận rằng vụ án thỏa mãn các yêu cầu được đặt ra trong án lệ Inco Europe Ltd. Cụ thể, khi ban hành Luật Quân đội năm 2006, Nghị viện không có ý định loại bỏ quyền kháng cáo trong các vụ khinh miệt tòa án. Do đó, tòa án sẽ “đính chính” một lỗi trong việc soạn thảo luật khi điều đó là hợp lý theo lẽ thường.
4. Việc sử dụng các công cụ hỗ trợ để giải thích luật trong hoạt động xét xử[5]
4.1 Công cụ hỗ trợ nội bộ
Quy tắc nghĩa đen và quy tắc vàng hướng thẩm phán đến các công cụ hỗ trợ nội bộ, mặc dù các công cụ hỗ trợ nội bộ này có thể được xem xét bởi tòa án bất kể việc tòa án sử dụng quy tắc giải thích nào. Các công cụ hỗ trợ nội bộ gồm:
- Bản thân văn bản Luật (statutes): Để xác định ý nghĩa của một điều khoản trong văn bản luật, thẩm phán có thể so sánh điều khoản đó với các điều khoản khác trong cùng văn bản luật. Các manh mối cũng có thể được cung cấp từ tiêu đề dài của văn bản luật hoặc các tiêu đề phụ bên trong.
- Bản chú giải (explanatory notes): Các Luật được thông qua từ đầu năm 1999 đến nay đều có các bản chú giải, được công bố cùng lúc với văn bản luật.
Quy tắc ngôn ngữ (rules of language): Được phát triển bởi các luật sư qua các thời kỳ. Ví dụ:Ejusdem generis: Những từ ngữ chung, đứng sau các từ ngữ cụ thể, sẽ chỉ được hiểu là bao gồm những thứ cùng loại. Ví dụ, nếu một Luật sử dụng cụm từ "chó, mèo và các động vật khác", thì cụm từ "và các động vật khác" có thể bao gồm các động vật nuôi khác, nhưng không phải động vật hoang dã.Expressio unius est exclusio alterius: Việc đề cập cụ thể đến một thứ gì đó ngụ ý việc loại trừ một thứ khác. Nếu một Luật đề cập đến "mèo Ba Tư", thì thuật ngữ này sẽ không bao gồm các giống mèo khác.Noscitur a sociis: Một từ ngữ có ý nghĩa từ các từ ngữ xung quanh nó. Nếu một Luật đề cập đến "giỏ mèo, chuột đồ chơi và thức ăn", sẽ hợp lý khi giả định rằng "thức ăn" có nghĩa là thức ăn cho mèo và thức ăn cho chó không được bao gồm trong điều khoản này.- Giả định (Presumptions): Các tòa án giả định rằng một số điểm là ngụ ý trong tất cả các Luật. Những giả định này bao gồm các điểm sau: (1) Các Luật không thay thông luật; (2) Nghị viện không có ý định loại bỏ bất kỳ vấn đề nào khỏi quyền tài phán của tòa án; (3) Luật Hình sự nên được giải thích theo hướng có lợi cho công dân khi có sự mơ hồ; (4) Luật không có hiệu lực hồi tố: các điều khoản của luật có hiệu lực từ ngày có hiệu lực và không có hiệu lực trước đó…
4.2 Các công cụ trợ giúp bên ngoài
Quy tắc mối phiền lụy và quy tắc giải thích theo mục đích hướng thẩm phán tới việc sử dụng thêm các công cụ trợ giúp bên ngoài, bao gồm các yếu tố sau:
- Bối cảnh lịch sử (historical setting) ban hành luật: Thẩm phán có thể xem xét bối cảnh lịch sử của quy định đang được giải thích, cũng như các Luật khác xử lý các vấn đề tương tự.
Từ điển và sách giáo khoa (dictionaries and textbooks): Các tài liệu này có thể được tham khảo để tìm nghĩa của một từ, hoặc để thu thập thông tin về quan điểm của các học giả pháp lý về một vấn đề pháp lý.
Báo cáo (reports): Trước khi có luật, có thể có các báo cáo của Ủy ban Hoàng gia, Ủy ban Luật hoặc các ủy ban cố vấn chính thức khác. Viện Nguyên lão đã tuyên bố trong vụ án Black Clawson International Ltd v Papierwerke Waldhof-Aschaffenburg AG (1975) rằng các báo cáo chính thức có thể được xem xét như là bằng chứng về tình trạng pháp lý tồn tại trước đó và mối phiền lụy mà đạo luật nhằm giải quyết.
- Điều ước quốc tế (treaties): Các hiệp định và công ước quốc tế có thể được xem xét khi theo giả định rằng Nghị viện không lập pháp theo cách mà Vương quốc Anh vi phạm nghĩa vụ quốc tế của mình.
Thực tiễn trước đây (previous practice): Thực tiễn chung và thói quen thương mại trong lĩnh vực mà luật áp dụng có thể làm sáng tỏ ý nghĩa của một thuật ngữ pháp lý.
- Sổ biên bản thảo luận ở Nghị viện (Hansard): Đây là báo cáo chính thức hàng ngày về các cuộc tranh luận tại nghị viện, do đó là bản ghi lại những gì đã được nói trong quá trình trình dự án luật. Trong hơn 100 năm, nhánh tư pháp cho rằng các tài liệu như vậy không thể được tham khảo cho mục đích giải thích luật. Tuy nhiên, trong suốt sự nghiệp của mình, Lord Denning đã nỗ lực mạnh mẽ để xóa bỏ quy tắc này và, trong vụ Davis v Johnson (1978), ông đã biện minh cho cách giải thích của mình về Luật Bạo lực Gia đình và Thủ tục Hôn nhân 1976 bằng cách tham chiếu các cuộc tranh luận trong nghị viện khi Luật này được giới thiệu. Sau đó, Viện Nguyên lão đã chỉ trích Lord Denning và giữ nguyên quy tắc không cho phép tham khảo Hansard. Tuy nhiên, vào năm 1993, phán quyết trong vụ án Pepper v Hart đã lật lại quy tắc không tham khảo Hansard, và hiện nay việc tham khảo Hansard rõ ràng là được phép. Trong vụ án R v Secretary of State for the Environment, Transport and the Regions, ex parte Spath Holme Ltd (2001)Viện Nguyên lão đã đưa ra một cách giải thích hạn chế về việc áp dụng án lệ Pepper v Hart. Người yêu cầu là một công ty sở hữu một số bất động sản. Công ty này yêu cầu xem xét lại tính hợp pháp của Lệnh Các Luật Thuê nhà (Thuê nhà công bằng tối đa) 1999, được Bộ trưởng Bộ Môi trường, Giao thông và Các khu vực ban hành theo Điều 31 của Luật Chủ nhà và Người thuê nhà 1985. Công ty yêu cầu cho rằng Lệnh năm 1999 là bất hợp pháp vì Bộ trưởng đã ban hành lệnh này nhằm giảm thiểu tác động của việc tăng giá thuê đối với một số đối tượng thuê, trong khi một lần đọc Hansard cho thấy ý định của Nghị viện là những lệnh như vậy chỉ được ban hành để giảm tác động của lạm phát. Về việc sử dụng Hansard để giải thích ý định của Nghị viện, Viện Nguyên lão chỉ ra rằng vụ Pepper v Hart liên quan đến ý nghĩa của một cụm từ được sử dụng trong một Luật (‘chi phí của một lợi ích’). Bộ trưởng đã đưa ra tuyên bố về ý nghĩa của cụm từ đó. Ngược lại, vụ án hiện tại liên quan đến một vấn đề chính sách, và đặc biệt là ý nghĩa của một quyền lực pháp lý thay vì một cụm từ pháp lý. Chỉ khi một Bộ trưởng, một cách khó có thể xảy ra, đưa ra một cam kết rõ ràng với Nghị viện rằng một quyền lực sẽ không được sử dụng trong một tình huống cụ thể, thì một tuyên bố của nghị viện về phạm vi quyền lực đó mới có thể được chấp nhận. Trong vụ Wilson v Secretary of State for Trade and Industry (2003)Viện Nguyên lão lại đưa ra một cách giải thích hạn chế đối với vụ án Pepper v Hart. Tòa án cho rằng chỉ những tuyên bố trong Hansard do Bộ trưởng hoặc những người đề xuất lập pháp thực hiện mới có thể được tòa án xem xét; các tuyên bố khác được ghi lại trong Hansard phải bị bỏ qua. Theo hiến pháp Anh, Nghị viện và tòa án có các vai trò riêng biệt. Nghị viện thông qua luật; tòa án giải thích và áp dụng luật. Do nguyên tắc phân quyền, không cơ quan nào nên xâm phạm vào phạm vi quyền lực của cơ quan kia. Do đó, Điều 9 của Tuyên ngôn Quyền 1689 quy định rằng "tự do phát biểu và các cuộc tranh luận hoặc thủ tục trong Nghị viện không nên bị chỉ trích hoặc xét xử tại bất kỳ tòa án hoặc nơi nào ngoài Nghị viện". Trong vụ WilsonViện Nguyên lão nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tòa án không can thiệp vào vai trò hiến pháp của Nghị viện. Tòa án kết luận rằng Hansard chỉ có thể được sử dụng để giải thích ý nghĩa của từ ngữ trong luật; không thể sử dụng để khám phá lý do của việc thông qua luật đó. Tòa án Phúc thẩm trong vụ Wilson đã sử dụng Hansard để xem xét các cuộc tranh luận trong Nghị viện về một Luật cụ thể. Họ không cố gắng để tìm ra ý nghĩa của các từ ngữ, vì ý nghĩa của chúng không có sự nghi ngờ, mà là để khám phá lý do khiến Nghị viện nghĩ rằng việc thông qua đạo luật là cần thiết. Viện Nguyên lão cho rằng Tòa án Phúc thẩm đã sai khi làm như vậy. Việc tham khảo Hansard chỉ để kiểm tra ý nghĩa của các từ ngữ đã được thông qua hỗ trợ nguyên tắc chủ quyền của Nghị viện. Việc tham khảo Hansard để khám phá lý do lập luận của Nghị viện, khi không có sự mơ hồ về ý nghĩa của từ ngữ, sẽ đi ngược lại với chủ quyền của Nghị viện. Như vậy, khi giải thích một Luật, chỉ có những tuyên bố trong Hansard do Bộ trưởng hoặc những người đề xuất lập pháp thực hiện mới có thể được tòa án xem xét. Mặc dù hiện nay đã rõ ràng rằng Hansard có thể được tham khảo để tìm bằng chứng về ý định của Nghị viện, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về việc Hansard có hữu ích hay không, và liệu Hansard có thể cung cấp bằng chứng tốt về những gì Nghị viện đã dự định hay không.
5. Cải cách việc giải thích luật trong hoạt động xét xử
Các vấn đề với việc giải thích luật đã được thảo luận trong nhiều thập kỷ qua và đã có một số báo cáo nghiên cứu quan trọng ở Vương quốc Anh nhưng đây là lĩnh vực ít có sự thay đổi. Ủy ban Luật đã xem xét việc giải thích các Luật vào năm 1967 và "không ngần ngại cho rằng đây là một lĩnh vực không phù hợp để pháp điển hóa." Thay vào đó, ủy ban đề xuất một số cải tiến trong hệ thống hiện tại: (1) Nên sử dụng rộng rãi hơn các công cụ hỗ trợ nội bộ và bên ngoài; (2) Trong trường hợp có sự mơ hồ, cách giải thích nào tốt nhất thúc đẩy "mục đích lập pháp chung" nên được áp dụng. Điều này có thể được coi là ủng hộ phương pháp của Lord Denning.
Ủy ban Renton về Chuẩn bị Soạn thảo Luật đã đưa ra báo cáo vào năm 1975, đưa ra nhiều đề xuất nhằm cải thiện thủ tục soạn thảo và ban hành luật, bao gồm: (1) Các Luật có thể bắt đầu bằng một tuyên bố mục đích theo cách mà các Luật cũ thường có phần mở đầu; (2) Nên hướng tới việc bao gồm ít chi tiết hơn trong các Luật, áp dụng phong cách đơn giản hơn như ở các quốc gia như Pháp; (3) Có thể sử dụng nhiều ví dụ trong các Luật để chỉ cho các tòa án cách một Luật được dự định áp dụng trong những tình huống cụ thể; (4) Nên tránh các câu dài không có dấu chấm câu; (5) Các Luật nên được sắp xếp sao cho thuận tiện cho người sử dụng cuối cùng; (6) Nên có sự hợp nhất nhiều đạo luật hơn.
Vào năm 1978, Sir David Renton, trong một bài phát biểu có tựa đề “Thất bại trong việc triển khai Báo cáo Renton”, đã lưu ý rằng số lượng người soạn thảo luật đã tăng nhẹ và quá trình hợp nhất đã có thêm động lực, nhưng Nghị viện vẫn tiếp tục thông qua một lượng lớn các Luật, mà không có sự giảm bớt chi tiết và hầu như không sử dụng tuyên bố mục đích. Mười lăm năm sau, vào năm 1992, một Ủy ban do Hội Hansard ở vương quốc Anh đã báo cáo rằng ít có sự thay đổi. Sau khi tham vấn rộng rãi, Ủy ban kết luận rằng tình hình này gây sự không hài lòng rộng rãi và đề xuất rằng phong cách soạn thảo áp dụng nên phù hợp với những người sử dụng chính của pháp luật, với sự chú trọng vào sự rõ ràng, đơn giản và chắc chắn. Nên có một phương thức nào đó để thông báo cho công dân, luật sư và tòa án về mục đích chung của một Luật cụ thể, và chi tiết không cần thiết nên được tránh.
6. Kết luận
Qua nghiên cứu kinh nghiệm về giải thích luật ở Vương quốc Anh có thể thấy rằng, dù là quốc gia tích lũy được nhiều kinh nghiệm lập pháp nhưng vẫn không tránh được việc ban hành các văn bản luật chứa đựng ngôn từ, quy định có nhiều cách hiểu khác nhau hoặc không rõ nghĩa trong quá trình áp dụng. Nói cách khác, để việc điều chỉnh pháp luật được diễn ra thông thuận, cơ quan áp dụng luật trong không ít trường hợp vẫn phải tiến hành công việc giải thích luật. Để việc giải thích luật này không phạm vào quyền đặt ra luật của cơ quan lập pháp, cơ quan áp dụng luật phải chịu ràng buộc bởi các quy tắc giải thích luật. Ở vương quốc Anh, các quy tắc giải thích luật này được hình thành và đúc kết qua quá trình lịch sử lâu dài và đã trở thành một phần trong văn hóa pháp luật của quốc gia này. Dù có tới 4 quy tắc giải thích luật ở vương quốc Anh nhưng có thể thấy rằng, việc giải thích luật dựa theo nghĩa đen (nghĩa phổ thông) là cách giải thích mang tính phổ biến nhưng đây là cách giải thích có khiếm khuyết và cần có sự bổ trợ bởi quy tắc giải thích dựa theo mục đích của việc ban hành luật trong những trường hợp mà cách giải thích luật theo nghĩa đen đưa tới các kết quả áp dụng luật một cách rõ ràng là bất công hoặc vô lý. Khi tiến hành giải thích văn bản luật, cơ quan áp dụng luật được quyền sử dụng các công cụ hỗ trợ, trong đó phải kể tới các tài liệu thiết yếu trong quá trình xây dựng luật, các tài liệu học thuật có liên quan (nhất là từ điển và giáo trình v.v.).TS. Nguyễn Văn Cương
Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp[1] Tham khảo Emily Allbon and Sanmeet Kaur Dua, Elliott and Quinn’s English Legal System, 22nd ed. (Pearson, 2024).
[2] Tham khảo Emily Allbon and Sanmeet Kaur Dua, Elliott and Quinn’s English Legal System, 22nd ed. (Pearson, 2024).
[3] Xem, chẳng hạn: Gary Slapper and David Kelly, The English Legal System, 15th ed. (London and New York: Routledge, 2014) 91-101; Emily Allbon and Sanmeet Kaur Dua, Elliott and Quinn’s English Legal System, 22nd ed. (Pearson, 2024).[4] Thực chất, trong 4 quy tắc kể trên, chỉ 3 quy tắc đầu được chính Tòa án ở vương quốc Anh phát triển và thừa nhận trong tiến trình lịch sử tư pháp của Vương quốc Anh. Quy tắc cuối cùng “giải thích theo mục đích” (Purposive approach) được các học giả ở Anh coi là phương pháp giải thích luật vốn được sử dụng phổ biến ở các quốc gia châu Âu lục địa và sau đó được du nhập vào thực tiễn xét xử ở vương quốc Anh từ những thập niên 1970 [xem: Rebecca Huxley-Binns and Jacqueline Martin, Unlocking the English Legal System, 4th ed. (London and New York: Routledge, 2014) at 73-94].[5] Tham khảo từ Emily Allbon and Sanmeet Kaur Dua, Elliott and Quinn’s English Legal System, 22nd ed. (Pearson, 2024) (mục 3.4, Chương 3).
Quy tắc giải thích luật trong thực tiễn xét xử ở Vương quốc Anh
13/02/2025
1. Đặt vấn đề
Trong hoạt động áp dụng luật, việc tìm kiếm quy phạm pháp luật phù hợp điều chỉnh vụ việc được các bên đưa ra trước Tòa án xét xử là một công việc các thẩm phán thụ lý vụ việc ở mọi quốc gia đều phải thực hiện. Để xác định được các khía cạnh pháp lý của hành vi được xem xét trong vụ việc, đánh giá xem hành vi đó là hợp pháp hay bất hợp pháp và nếu bất hợp pháp thì hệ quả hoặc hậu quả pháp lý mà chủ thể có hành vi bị xem xét, đánh giá bởi tòa án là gì, các tòa án thường phải làm sáng tỏ nội dung quy phạm áp dụng cho vụ việc. Khi thực hiện các thao tác này, nhiều trường hợp, thẩm phán thụ lý vụ việc nhận thấy, các quy phạm áp dụng cho vụ việc có thể có những cách hiểu khác nhau và với mỗi cách hiểu như vậy, nếu quy phạm được áp dụng, hệ quả hoặc hậu quả pháp lý có thể khác nhau. Điều này làm cho việc áp dụng pháp luật của tòa án không đáp ứng được yêu cầu về bảo đảm tính công bằng và nhất quán trong áp dụng pháp luật - giá trị được thừa nhận phổ biến ở các quốc gia thừa nhận nguyên tắc pháp quyền (rule of law).
Theo các học giả ở Vương quốc Anh
[1], công chúng thường nghĩ rằng công việc áp dụng luật trong hoạt động xét xử của tòa án chỉ đơn giản là tra cứu luật liên quan và ra quyết định dựa trên đó. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy. Mặc dù các Luật được các chuyên gia soạn thảo rất cẩn thận, nhưng vẫn có không ít trường hợp mà các tòa án nhận thấy rằng các hàm ý của một Luật đối với vụ án mình đang phải thụ lý, giải quyết không đủ rõ ràng.
Vương quốc Anh, với tư cách là quốc gia theo hệ thống luật án lệ, có kinh nghiệm lịch sử nhiều trăm năm xử lý vấn đề giải thích luật trong thực tiễn xét xử để giải quyết các vụ việc cụ thể mà bài viết này sẽ đề cập.
2. Những trường hợp cần có việc giải thích luật khi áp dụng
Thực tiễn áp dụng luật ở Vương quốc Anh trong hoạt động xét xử cho thấy trong nhiều trường hợp, việc xác định ý nghĩa đích thực của các quy định trong một văn bản luật trở nên không rõ ràng. Chẳng hạn
[2]:
- Khi soạn thảo một văn bản luật hoặc một điều luật trong văn bản luật, có trường hợp, có từ hoặc cụm từ bị bỏ sót với lý do người soạn thảo nghĩ rằng từ hoặc cụm từ đó đã được ngầm hiểu. Ví dụ, một người soạn thảo viết một Luật cấm đàn ông có râu vào công viên có thể viết rằng "đàn ông có râu hoặc ria mép bị cấm vào công viên". Điều này có nghĩa là một người đàn ông có cả râu và ria mép có được phép vào không? Nếu từ "và/hoặc" được sử dụng, thì sẽ rõ ràng, nhưng người soạn thảo có thể nghĩ rằng điều này đã được ngầm hiểu.
- Một thuật ngữ có tính khái quát cao được sử dụng, để lại cho người dùng tự quyết định cái gì được bao gồm. Chẳng hạn, khi một Luật cấm “xe” vào công viên, điều này rõ ràng bao gồm ô tô và xe tải, nhưng các tòa án sẽ phải quyết định liệu Luật ấy có cấm “xe điện”, “ván trượt”, “xe đạp” hoặc “giày patin” hay không.
- Một từ hoặc cụm từ mơ hồ được sử dụng một cách có chủ đích, có thể là vì việc sử dụng quy định có phần mơ hồ như vậy sẽ dễ đạt được đồng thuận cao hơn đối với các vấn đề chính trị gây tranh cãi.
- Cách diễn đạt không đầy đủ do lỗi in ấn, soạn thảo hoặc lỗi khác.
- Các sự kiện của vụ án được đưa ra trước tòa án để giải quyết chưa được dự liệu khi Nghị viện ban hành Luật. Trong ví dụ ở trên về cấm “xe” vào công viên, “ván trượt” có thể chưa được phát minh khi Luật cấm đó được ban hành, vì thế, sẽ không thể buộc Nghị viện phải dự liệu được là “ván trượt” có nên là một phần nội dung trong thuật ngữ "xe" của Luật cấm đó hay không.
Khi xảy ra trường hợp như vậy, về mặt lý thuyết, công việc của các tòa án là phải khám phá ý định thật của Nghị viện và thực thi điều đó. Tòa án có vai trò hiến định là thực thi những gì tòa án nghĩ Nghị viện thực sự dự định khi ban hành một Luật cụ thể. Thực tế cho thấy, Tòa án gặp nhiều tình huống khó xử nếu tuân theo đúng lý thuyết hiến pháp vừa nêu. “Ý định của Nghị viện” là một khái niệm không dễ xác định. Ví dụ về từ “xe” kể trên cho thấy điều này: làm sao Nghị viện có thể có ý định về cách xử lý xe điện trong một Luật cụ thể khi mà xe điện chưa được phát minh tại thời điểm Luật được ban hành? Thêm vào đó, có nhiều câu hỏi rất khó trả lời khi xác định ý định của Nghị viện. Liệu ý định của Nghị viện chính là ý định của mỗi thành viên Nghị viện vào thời điểm Luật được thông qua? Rõ ràng là không, vì hầu như Luật nào khi được thông qua cũng thường có thành viên bỏ phiếu chống hoặc đơn giản chỉ là không tham dự bỏ phiếu. Ý định của tất cả những người ủng hộ một Luật cụ thể cũng không dễ xác định, vì một số người trong đó bỏ phiếu có thể chỉ vì kỷ luật đảng phái và họ bỏ phiếu ngay cả khi không có đủ kiến thức cần thiết để hiểu thấu đáo nội dung của Luật. Thực tế, những người chú ý nhiều nhất đến cách diễn đạt của một Luật chính là các Bộ trưởng (cùng với các công chức tư vấn cho Bộ trưởng trong việc xây dựng Luật) đã nỗ lực bảo trợ, trình và thúc đẩy Nghị viện thông qua Luật đó.
Khi tòa án giải thích quy định trong một Luật để xử lý vụ việc, sự giải thích đó sẽ trở thành một phần của án lệ. Tòa án cấp cao có thể quyết định rằng sự giải thích luật của tòa cấp dưới là sai để rồi đảo ngược quyết định khi có kháng cáo, hoặc bác bỏ trong một vụ án sau. Tuy nhiên, trừ khi và cho đến khi điều này xảy ra, các tòa án cấp dưới phải giải thích luật theo cách tương tự để bảo đảm sự nhất quán trong áp dụng pháp luật.
3. Các quy tắc chi phối việc giải thích luật khi tòa án xét xử
Ở Vương quốc Anh, Nghị viện đã cung cấp cho các tòa án một số nguồn hỗ trợ về giải thích luật. Luật Giải thích pháp luật năm 1978 cung cấp một số định nghĩa chuẩn về các quy định phổ biến, chẳng hạn như quy tắc rằng số ít bao gồm số nhiều và "he" (ông) bao gồm "she" (bà), trong khi các phần giải thích ở cuối hầu hết các Luật hiện nay đều có định nghĩa về một số từ được sử dụng trong đó. Một nguồn trợ giúp bổ sung đã được cung cấp từ đầu năm 1999, theo đó, tất cả các dự luật được Nghị viện thông qua đều có các bản giải thích được công khai. Những bản giải thích này chi tiết hóa bối cảnh của Luật đồng thời diễn giải tác động mà các quy định cụ thể mong muốn đạt được.
Ngoài sự trợ giúp này, các tòa án được giao quyền quyết định phương pháp sử dụng để giải thích các Luật, và cho tới nay, có bốn phương pháp (hay 4 quy tắc) cơ bản tòa án đã phát triển, kết hợp với một số phương tiện hỗ trợ giải thích luật. Trong vụ Cusack v London Borough of Harrow (2013), Tòa án Tối cao đã khẳng định rằng mặc dù những phương pháp này có vai trò quan trọng trong việc giải thích các Luật, nhưng chúng chỉ nên được coi là "hướng dẫn thay vì là quy tắc cứng nhắc". Bốn quy tắc đó là:
(1) quy tắc nghĩa đen (literal rule), (2) quy tắc vàng (golden rule), (3) quy tắc mối phiền lụy (mischief rule), và (4) quy tắc giải thích theo mục đích (purposive approach)[3].
3.1. Quy tắc nghĩa đen (literal rule)
Quy tắc này gán cho tất cả các từ trong một Luật đều mang ý nghĩa thông thường và tự nhiên của chúng. Theo nguyên tắc này, cách tốt nhất để giải thích ý chí của Nghị viện chính là tìm nghĩa đen của các từ được sử dụng trong Luật. Theo quy tắc này, việc giải thích từ, ngữ, quy định trong Luật phải tuân theo nghĩa đen của từ, ngữ hoặc quy định đó, ngay cả khi kết quả là điều vô lý. Ví dụ, Thượng nghị sĩ Esher đã khẳng định trong vụ R v City of London Court Judge (1892): “Nếu các từ của một Luật rõ ràng, bạn phải tuân theo chúng, ngay cả khi chúng dẫn đến một sự ngớ ngẩn rõ ràng. Tòa án không có nhiệm vụ xem xét liệu Nghị viện có phạm phải sự ngớ ngẩn hay không.”
Có nhiều án lệ trong đó, Tòa án ở Vương quốc Anh đã giải thích từ, ngữ, quy định của văn bản luật theo nghĩa đen của các từ, ngữ và quy định đó. Ví dụ:
-
Vụ Whiteley v Chappell (1868): Trong vụ này, Tòa án áp dụng quy định trong một Luật ở vương quốc Anh trong đó quy định ngăn chặn hành vi gian lận bầu cử. Theo đó, Luật này quy định coi là tội phạm đối với việc giả mạo "bất kỳ người nào có quyền bầu cử". Trong vụ việc này, bị cáo không giả mạo “một người đang còn sống” mà đã giả mạo “một người đã chết”. Khi bị truy tố trước tòa, căn cứ vào nghĩa đen trong lời văn của Luật, bị cáo đã được tuyên là không phạm tội vì lý do bị cáo giả mạo một người đã chết chứ không phải người còn sống. Theo tòa án trong vụ việc này, một người đã chết thì rõ ràng là không có quyền bầu cử, do vậy, không thể bị giả mạo.
- Vụ London and North Eastern Railway Co v Berriman (1946): Trong vụ việc này, một công nhân làm việc cho công ty đường sắt bị một chiếc tàu đâm trúng dẫn tới tử vong. Sau đó, vợ của anh ta đã khởi kiện đòi công ty đường sắt bồi thường thiệt hại theo một đạo luật có liên quan ở thời điểm đó. Theo lời văn của đạo luật có liên quan này, việc bồi thường theo quy định của luật ấy chỉ áp dụng đối với nhân viên bị chết trong khi tham gia vào công việc "làm lại hoặc sửa chữa đường ray”. Người công nhân là nạn nhân trong vụ việc này khi gặp tai nạn đã làm công việc bảo dưỡng và bôi dầu định kỳ cho tàu chứ không phải là đang “làm lại hoặc sửa chữa đường ray”. Chính vì vậy, tòa đã phán quyết rằng, người vợ của công nhân xấu số này không được khởi kiện theo đạo luật đã viện dẫn vì luật này chỉ áp dụng cho công nhân “làm lại và sửa chữa đường ray”, công việc “bảo dưỡng và bôi dầu định kỳ cho tàu” trong trường hợp này không thuộc phạm vi "làm lại và sửa chữa" đường ray.
- Vụ Fisher v Bell (1961): Sau một số sự cố bạo lực trong đó vũ khí được sử dụng là loại “dao gập”, Nghị viện Anh đã ban hành luật có quy định cấm việc sử dụng những con dao này. Cụ thể, Luật Hạn chế vũ khí phạm tội năm 1959 quy định coi là tội phạm việc "bán hoặc chào bán" bất kỳ dao gập nào. Trong vụ việc này, bị cáo đã trưng bày dao gập trong cửa sổ của cửa hàng của mình do đó bị truy tố về hành vi “chào bán” dao gập. Tuy nhiên, trong vụ việc này, Tòa án cho rằng việc “trưng bày dao gập trong cửa hàng” không được coi là “chào bán” dao gập. Theo tòa án, thuật ngữ "chào bán" phải được hiểu theo nghĩa thông thường trong luật hợp đồng. Trưng bày dao gập trong cửa hàng không phải là một lời “chào bán” mà chỉ là lời mời người khác đưa ra lời đề nghị mua dao. Chính vì thế, bị cáo không thể bị kết tội về hành vi “chào bán” theo Luật đã nêu (mặc cho nhiều người cho rằng, khi ban hành Luật Hạn chế vũ khí phạm tội năm 1959, Luật này được thiết kế để ngăn chặn việc trưng bày dao gập trong cửa hàng để bán).
Có thể thấy, quy tắc nghĩa đen có ưu điểm lớn là quy tắc này tôn trọng quyền tối cao của Nghị viện. Quy tắc này chỉ giao cho các tòa án một vai trò hạn chế là làm sáng tỏ lời văn của luật chứ không phải là “ban hành luật” (lập pháp). Công việc lập pháp phải những người được cử tri bầu cho công việc ấy thực hiện. Tuy nhiên, trường hợp việc sử dụng quy tắc nghĩa đen lại đưa tới một kết luận rõ ràng là vô lý hoặc không công bằng, thì khi ấy, thật khó để nói rằng kết luận vô lý hoặc bất công ấy thực sự phản ánh ý chí của Nghị viện khi thông qua Luật. Vụ
London and North Eastern Railway Co v Berriman nêu trên là một ví dụ cho thấy, khi áp dụng luật theo nghĩa đen của từ, ngữ thể hiện trong luật, có thể sẽ đưa tới sự bất công hoặc kết quả vô lý mà thực tế có thể Nghị viện chưa bao giờ có ý định như vậy (công việc “bảo dưỡng và bôi dầu định kỳ cho tàu” trên đường ray không có sự khác biệt đáng kể gì về mức độ nguy hiểm mà các công nhân phải đối mặt khi “làm lại và sửa chữa đường ray”.
Ủy ban Luật của vương quốc Anh vào năm 1969 đã chỉ ra rằng việc giải thích chỉ dựa trên nghĩa đen là dựa trên "giả định rằng có sự hoàn hảo trong soạn thảo luật - điều mà không thể đạt được trong thực tế". Ngay cả những người soạn thảo luật tài năng và kinh nghiệm nhất cũng không thể dự đoán được hết mọi tình huống mà pháp luật có thể phải được sử dụng để áp dụng. Các cơ quan áp dụng không nên kỳ vọng quá mức vào khả năng chuyển tải ý nghĩa của các từ ngữ được sử dụng trong Luật bởi lẽ từ, ngữ luôn là phương tiện giao tiếp không hoàn hảo. Một từ có thể có nhiều nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau, và từ ngữ cũng thay đổi ý nghĩa theo thời gian. Bởi vậy, cách giải thích luật chỉ dựa trên nghĩa đen của từ, ngữ được sử dụng trong luật là cách tiếp cận "máy móc, thậm chí có khi là vô trách nhiệm". Trong vụ
R (on the application of Haw) v Secretary of State for the Home Department (2006), Tòa án phúc thẩm đã từ chối áp dụng cách giải thích theo nghĩa đen đối với một Luật mới khi tòa cho rằng cách giải thích này không phản ánh đúng ý định thực sự của Nghị viện.
3.2. Quy tắc vàng (golden rule)
Đây là quy tắc được tòa án áp dụng từ năm 1857. Theo quy tắc vàng, nếu việc giải thích luật theo quy tắc nghĩa đen dẫn đến một kết quả vô lý, điều mà Nghị viện không có ý định như vậy, thì (và chỉ khi đó) thẩm phán có thể thay thế một nghĩa hợp lý dựa trên toàn bộ lời văn của đạo luật. Quy tắc vàng được định nghĩa bởi Lord Wensleydale trong vụ
Grey v Pearson (1857), theo đó: "Ý nghĩa ngữ pháp và nghĩa thông thường của các từ cần phải được tuân thủ, trừ khi điều đó dẫn đến một sự vô lý, hoặc mâu thuẫn hoặc không thống nhất với phần còn lại của văn bản. Trong trường hợp đó, nghĩa ngữ pháp và nghĩa thông thường của các từ có thể được điều chỉnh để tránh sự vô lý và không thống nhất đó, nhưng không được đi xa hơn." Ví dụ:
- Vụ R v Allen (1872): Điều 57 của Luật hành vi phạm tội xâm phạm con người năm 1861 quy định rằng "Người nào đã kết hôn với một người mà tiếp tục kết hôn với người khác trong khi chồng hoặc vợ cũ còn sống và chưa chấm dứt hôn nhân... thì phạm tội đa thê." Tuy nhiên, đã có ý kiến cho rằng không thể có một người đã kết hôn với một người mà lại "kết hôn" với người khác. Trên thực tế, họ có thể tham gia một buổi lễ kết hôn với người khác, nhưng sẽ không được coi là thực sự kết hôn lần nữa. Việc sử dụng quy tắc nghĩa đen để giải thích quy định kể trên sẽ làm cho đạo luật trở nên vô nghĩa. Do đó, trong vụ việc này, tòa án đã kết luận rằng chữ "kết hôn" trong Luật này cần được hiểu là "tham gia một buổi lễ kết hôn" (với người khác).
- Vụ Maddox v Storer (1963): Theo Luật Giao thông Đường bộ năm 1960, việc lái một phương tiện "được điều chỉnh để chở hơn bảy hành khách" với tốc độ hơn 30 dặm mỗi giờ là một tội phạm. Phương tiện trong vụ án là một xe buýt nhỏ được thiết kế để chở 11 hành khách, chứ không phải là xe đã được điều chỉnh để làm việc đó, và tòa án đã quyết định rằng "được điều chỉnh để" có thể được hiểu là "phù hợp để."
- Vụ Adler v George (1964): Trong vụ việc này, bị cáo bị truy tố về tội danh theo Điều 3 của Luật Bí mật Chính phủ năm 1920 vì đã cản trở một thành viên của lực lượng vũ trang "ở gần bất kỳ khu vực cấm nào." Anh ta lập luận rằng nghĩa tự nhiên của "ở gần" có nghĩa là “gần với”, trong khi hành động cản trở thực tế xảy ra ngay trong khu vực cấm của một căn cứ không quân. Tòa án đã kết luận rằng mặc dù trong nhiều trường hợp, "ở gần" có thể chỉ được hiểu là “gần với”, nhưng trong bối cảnh này, việc giải thích “ở gần” phải bao gồm cả “khu vực cấm” mới là hợp lý.
Như vậy, việc giải thích luật theo quy tắc vàng có thể ngăn chặn sự vô lý và bất công do cách giải thích luật theo quy tắc nghĩa đen có thể đưa tới, và giúp tòa án thực hiện đúng những gì Nghị viện thực sự muốn. Tuy nhiên, quy tắc vàng không cung cấp một định nghĩa rõ ràng về "kết quả vô lý". Vì trong thực tế, việc đánh giá này dựa trên việc liệu một cách giải thích cụ thể có mâu thuẫn với chính sách chung của Nghị viện hay không. Chính vì vậy, “quy tắc vàng” được coi là một hình thức ít rõ ràng hơn của “quy tắc mối phiền lụy”.
3.3. Quy tắc mối phiền lụy (mischief rule)
Quy tắc mối phiền lụy (mischief rule) được hình thành ở vương quốc Anh từ thế kỷ 16 trong án lệ
Heydon’s Case. Theo quy tắc này, khi giải thích một văn bản luật, thẩm phán nên xem xét ba yếu tố: (1) Pháp luật trước khi văn bản luật được thông qua là gì; (2) Vấn đề hoặc "mối phiền lụy" mà văn bản luật cố gắng sửa chữa là gì; (3) Giải pháp mà Nghị viện đang cố gắng cung cấp là gì.
Thẩm phán sau đó giải thích luật theo cách giúp giải quyết vấn đề (mối phiền lụy) mà Nghị viện đang cố gắng giải quyết. Như vậy, theo quy tắc mối phiền lụy, thẩm phán có thể giải thích một Luật sao cho việc giải thích đó có hiệu quả cho việc giải quyết vấn đề (mối phiền lụy) mà Nghị viện muốn xử lý. Ví dụ:
- Vụ Smith v Hughes (1960): Luật Tội phạm Đường phố năm 1959 quy định rằng hành vi dụ dỗ khách hàng tiềm năng của một gái mại dâm ở trên đường phố hoặc nơi công cộng là một tội phạm. Trong vụ án này, gái mại dâm không thực sự ở trên đường phố, mà ngồi trong tầng một của một ngôi nhà và gõ cửa sổ để thu hút sự chú ý của những người đàn ông đi ngang qua. Thẩm phán đã phán quyết rằng mục đích của Luật Tội phạm đường phố là cho phép mọi người đi bộ trên phố mà không bị dụ dỗ, và vì hành vi dụ dỗ này nhắm vào những người ở trên phố dù cho gái mại dâm không ở trên đường phố thì hành vi của gái mại dâm như mô tả ở trên vẫn được coi là thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tội phạm đường phố.
- Vụ Elliott v Grey (1960): Luật Giao thông Đường bộ năm 1930 quy định rằng việc sử dụng một chiếc xe không có bảo hiểm trên đường là một hành vi phạm tội. Chiếc xe trong vụ án này không có bảo hiểm đã ở trên đường, nhưng được nâng lên và tháo ắc quy. Tuy nhiên, tòa án phán quyết rằng, vì chiếc xe này vẫn là một mối nguy hiểm (mối phiền lụy) thuộc loại mà Luật Giao thông đường bộ năm 1930 quy định phải mua bảo hiểm và Luật này được ban hành để ngăn ngừa những mối nguy hiểm như vậy. Vì thế, việc để chiếc xe đó ở trên đường vẫn được coi là thuộc ý nghĩa của cụm từ "sử dụng trên đường" mà Luật Giao thông đường bộ năm 1930 quy định.
- Vụ Royal College of Nursing v DHSS (1981): Luật Phá thai năm 1967 quy định rằng việc đình chỉ thai kỳ chỉ hợp pháp nếu được thực hiện bởi một "bác sĩ đã đăng ký." Đến năm 1972, các ca phá thai phẫu thuật chủ yếu đã được thay thế bằng phá thai do thuốc, trong đó giai đoạn thứ hai của quá trình (gắn bệnh nhân vào đường truyền dịch) được thực hiện bởi các y tá, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Viện Nguyên lão đã phán quyết rằng mối phiền lụy mà Luật này muốn xử lý là tình trạng bất ổn của pháp luật trước đó - điều đã đẩy nhiều phụ nữ đến những bác sĩ phá thai trái phép một cách nguy hiểm. Mục tiêu của Luật là mở rộng cơ sở để có thể thực hiện phá thai hợp pháp và đảm bảo rằng chúng được thực hiện với kỹ năng đúng đắn trong điều kiện hợp vệ sinh. Chính vì thế, “thủ tục phá thai do thuốc có phần được thực hiện bởi y tá dưới sự hướng dẫn của bác sỹ” thúc đẩy mục tiêu đó và không vi phạm Luật. Đây là một quyết định gây tranh cãi. Các thượng nghị sĩ Wilberforce và Edmund Davies đã cho rằng, với phán quyết vừa nêu, Viện Nguyên lão không phải đang giải thích luật mà là viết lại luật.
Như vậy, quy tắc mối phiền lụy có ưu điểm là giúp cơ quan áp dụng luật tránh được sự vô lý và bất công, đồng thời thúc đẩy tính linh hoạt trong áp dụng luật. Quy tắc mối phiền lụy được Ủy ban Luật của Vương quốc Anh mô tả vào năm 1969 là một "phương pháp hài lòng hơn" so với quy tắc nghĩa đen và quy tắc vàng.
Mặc dù vậy, việc sử dụng quy tắc mối phiền lụy, cần lưu ý thực tế là: Vụ
Heydon’s Case là sản phẩm của thời kỳ khi các Luật chưa là nguồn luật quan trọng so với thông luật. Việc soạn thảo luật lúc đó không bảo đảm độ chính xác như ngày nay. Vào thời điểm đó, các Luật thường có phần mở đầu dài dòng, giải thích khá rõ về "mối phiền lụy" mà Luật hướng tới giải quyết. Các thẩm phán thời đó có đủ khả năng để xác định pháp luật trước đó là gì và mối phiền lụy mà Luật cần sửa chữa là gì, vì họ thường là những người soạn thảo Luật thay mặt cho vua, và Nghị viện chỉ thông qua chúng mà không can thiệp đáng kể. Một quy tắc như vậy có thể ít thích hợp hơn trong điều kiện hiện nay khi tình hình công tác lập pháp đã có nhiều thay đổi.
3.4 Quy tắc giải thích theo mục đích (Purposive approach)
Về mặt lịch sử, phương pháp ưa chuộng để giải thích các Luật là tìm kiếm nghĩa đen của Luật đó. Tuy nhiên, trong ba thập kỷ qua, các tòa án đã chấp nhận rằng, trong một số trường hợp nhất định, phương pháp nghĩa đen có thể không đạt hiệu quả. Thay vào đó, các thẩm phán ở vương quốc Anh ngày càng bị ảnh hưởng bởi phương pháp giải thích luật của các quốc gia châu Âu lục địa theo đó việc giải thích Luật phải tập trung vào việc thúc đẩy thực thi mục đích của Luật. Trong suốt sự nghiệp tư pháp của mình, Lord Denning (1899-1999) (một thẩm phán nổi tiếng của Vương quốc Anh) đã đi đầu trong việc xây dựng quy tắc
giải thích theo mục đích, nhằm đưa ra các phán quyết thực thi tinh thần của luật, ngay cả khi
điều đó đồng nghĩa với việc ít quan tâm hơn đến từng từ ngữ thực tế của văn bản luật. Theo Lord Denning,
quy tắc mối phiền lụy có thể được giải thích rộng rãi hơn, sao cho không chỉ cho phép tòa án xem xét lịch sử của vụ án, mà còn giúp họ thực thi ý định của Nghị viện, cho dù việc thể hiện này có thể không hoàn hảo trong các từ ngữ đã được sử dụng trong văn bản luật. Trên thực tế, quy tắc giải thích theo mục đích này mang tính tự do hơn trong việc giải thích luật so với những gì thường gắn liền với quy tắc mối phiền lụy. Lord Denning đã phát biểu quan điểm của mình trong vụ
Magor and St Mellons Rural District Council v Newport Corporation (1952): "Chúng ta không ngồi ở đây để bóc tách ngôn ngữ của Nghị viện và làm cho nó trở nên vô lý... chúng ta ngồi ở đây là để tìm ra ý định của Nghị viện và thực hiện ý định ấy, và chúng ta làm điều này tốt hơn bằng cách lấp đầy các khoảng trống và làm cho văn bản luật trở nên có ý nghĩa, thay vì mở ra một phân tích mang tính phá hủy." Sau đó, trong phiên phúc thẩm, Viện Nguyên lão đã mô tả phương pháp mà Lord Denning đề xuất là "một sự chiếm đoạt quyền tư pháp trần trụi dưới vỏ bọc của việc giải thích... Nếu một khoảng trống được phát hiện, giải pháp nằm ở một Luật sửa đổi."
Tuy nhiên, theo thời gian, Viện Nguyên lão đã chấp nhận rằng quy tắc giải thích theo mục đích đối với việc giải thích các Luật có thể, trong một số trường hợp, là thích hợp. Xu hướng sử dụng quy tắc giải thích theo mục đích đặc biệt phù hợp với các Luật quốc nội của vương quốc Anh được thiết kế để thực thi các quy định của Liên minh châu Âu, vì Tòa án Công lý của Liên minh Châu Âu thường áp dụng quy tắc giải thích theo mục đích. Do đó, trong vụ
Pickstone v Freemans (1988), Viện Nguyên lão đã quyết định rằng họ cần phải bổ sung từ ngữ vào các Luật quốc nội thiếu sót để thực thi các Luật của Cộng đồng châu Âu, nhằm giải quyết vấn đề phụ nữ bị trả lương thấp hơn đàn ông cho cùng một công việc.
Quy tắc giải thích theo mục đích đã được công nhận trong vụ
Pepper v Hart (1993) khi Viện Nguyên lão tuyên bố: "Bây giờ đã qua những ngày khi mà tòa án áp dụng một quan điểm giải thích nghiêm ngặt yêu cầu tòa án phải tuân thủ nghĩa đen của ngôn từ trong văn bản luật. Ngày nay, các tòa án áp dụng quy tắc giải thích theo mục đích, nhằm thực thi đúng mục đích thực sự của văn bản luật và sẵn sàng xem xét nhiều tài liệu ngoại lai liên quan đến bối cảnh mà văn bản luật được thông qua."
Trong vụ
R (theo yêu cầu của Quintavalle) v Bộ trưởng Bộ Y tế (2003), Viện Nguyên lão phải giải thích Luật Thụ thai và phôi người năm 1990. Điều 1 của Luật này định nghĩa phôi là "một phôi người sống khi thụ tinh đã hoàn tất" và việc sử dụng chúng được quản lý bởi Cơ quan Thụ thai và Phôi người (HFEA). Sau khi đạo luật được thông qua, các nhà khoa học đã phát triển một kỹ thuật nhân bản trong đó phôi không được tạo ra bằng cách thụ tinh trứng, mà bằng cách thay thế nhân của trứng bằng một tế bào từ người khác. Chính phủ do Đảng Lao động cầm quyền đã đưa ra tuyên bố cho rằng nghiên cứu y học liên quan đến phôi nhân bản nằm trong phạm vi của đạo luật và có thể được quản lý bởi HFEA. Nhóm vận động Pro-Life Alliance phản đối nghiên cứu như vậy và yêu cầu tòa án tuyên bố rằng HFEA đã hành động ngoài quyền hạn của mình theo pháp luật. Viện Nguyên lão đã đưa ra một cách giải thích theo mục đích về đạo luật để thực thi ý định của Nghị viện. Tòa án nhận thấy rằng dưới ảnh hưởng của văn hóa pháp lý châu Âu, "chiếc quả lắc đồng hồ (pendulum) đã nghiêng về quy tắc giải thích theo mục đích":
Nhiệm vụ cơ bản của tòa án là xác định và thực thi nghĩa thực sự của những gì Nghị viện đã nói trong đạo luật cần được giải thích. Nhưng điều đó không có nghĩa là sự chú ý chỉ nên bị giới hạn và áp dụng cách giải thích nghĩa đen đối với những điều khoản gây khó khăn… Nhiệm vụ của tòa án, trong phạm vi giải thích được phép, là thực hiện mục đích của Nghị viện. Vì vậy, những điều khoản gây tranh cãi cần được đọc trong bối cảnh của toàn bộ đạo luật, và toàn bộ đạo luật nên được đọc trong bối cảnh lịch sử của tình huống dẫn đến việc ban hành nó. Tòa án kết luận rằng Nghị viện không thể có ý định loại trừ phôi nhân bản khỏi việc được quản lý bởi HFEA.
Ngoài 4 quy tắc giải thích trên
[4], các tòa án còn sử dụng cơ chế “đính chính” trong giải thích luật. Theo đó, thẩm phán có thể thêm các từ vào một Luật để thực thi ý định của Nghị viện khi có một lỗi rõ ràng trong việc soạn thảo một Luật. Đây là kết luận của Viện Nguyên lão trong vụ
Inco Europe Ltd v First Choice Distribution (2000), và quá trình sửa chữa sai sót này được gọi là đính chính. Để có thể thêm từ vào một Luật, tòa án phải không có bất kỳ nghi ngờ nào về điều khoản cần phải thêm vào. Quyền đính chính chỉ áp dụng trong những trường hợp sai sót trong soạn thảo rõ ràng. Tòa án không được làm điều gì có thể trông giống như việc lập pháp; vai trò của tòa án chỉ là giải thích. Vì một Luật được diễn đạt bằng ngôn ngữ đã được Nghị viện phê chuẩn và ban hành, tòa án phải hết sức thận trọng trước khi thêm, bỏ hoặc thay thế từ ngữ. Do đó, trước khi giải thích một Luật theo cách này, tòa án phải chắc chắn: (1) Mục đích của đạo luật là gì; (2) Người soạn thảo và Nghị viện đã vô tình không thực thi được mục đích đó; (3) Nghị viện sẽ viết điều khoản đó như thế nào nếu lỗi được phát hiện, mặc dù không nhất thiết phải là từ ngữ chính xác mà Nghị viện sẽ sử dụng nếu lỗi trong Dự luật được nhận thấy. Ngay cả khi các điều kiện này được đáp ứng, một tòa án vẫn có thể không thể áp dụng việc thay đổi từ ngữ trong đạo luật nếu việc thay đổi ngôn ngữ được coi là quá rộng. Án lệ
Inco Europe Ltd đã được xem xét trong vụ
OB v Giám đốc Cơ quan Điều tra tội phạm nghiêm trọng (2012), theo đó, bị cáo đã bị giam giữ vì tội khinh miệt tòa án và tìm cách kháng cáo quyết định này từ Phân tòa Hình sự của Tòa án Kháng cáo lên Tòa án Tối cao. Luật Cải cách Tư pháp năm 1960 có quy định quyền kháng cáo trong những trường hợp như vậy, nhưng quyền này không được đề cập khi Luật này được sửa đổi bởi Luật Quân đội năm 2006. Bị cáo lập luận rằng việc bỏ sót này chỉ là một lỗi lập pháp và người này vẫn nên có quyền kháng cáo. Tòa án Kháng cáo chấp nhận rằng vụ án thỏa mãn các yêu cầu được đặt ra trong án lệ
Inco Europe Ltd. Cụ thể, khi ban hành Luật Quân đội năm 2006, Nghị viện không có ý định loại bỏ quyền kháng cáo trong các vụ khinh miệt tòa án. Do đó, tòa án sẽ “đính chính” một lỗi trong việc soạn thảo luật khi điều đó là hợp lý theo lẽ thường.
4. Việc sử dụng các công cụ hỗ trợ để giải thích luật trong hoạt động xét xử[5]
4.1 Công cụ hỗ trợ nội bộ
Quy tắc nghĩa đen và
quy tắc vàng hướng thẩm phán đến các công cụ hỗ trợ nội bộ, mặc dù các công cụ hỗ trợ nội bộ này có thể được xem xét bởi tòa án bất kể việc tòa án sử dụng quy tắc giải thích nào. Các công cụ hỗ trợ nội bộ gồm:
- Bản thân văn bản Luật (statutes): Để xác định ý nghĩa của một điều khoản trong văn bản luật, thẩm phán có thể so sánh điều khoản đó với các điều khoản khác trong cùng văn bản luật. Các manh mối cũng có thể được cung cấp từ tiêu đề dài của văn bản luật hoặc các tiêu đề phụ bên trong.
- Bản chú giải (explanatory notes): Các Luật được thông qua từ đầu năm 1999 đến nay đều có các bản chú giải, được công bố cùng lúc với văn bản luật.
-
Quy tắc ngôn ngữ (rules of language): Được phát triển bởi các luật sư qua các thời kỳ. Ví dụ:
- Ejusdem generis: Những từ ngữ chung, đứng sau các từ ngữ cụ thể, sẽ chỉ được hiểu là bao gồm những thứ cùng loại. Ví dụ, nếu một Luật sử dụng cụm từ "chó, mèo và các động vật khác", thì cụm từ "và các động vật khác" có thể bao gồm các động vật nuôi khác, nhưng không phải động vật hoang dã.
- Expressio unius est exclusio alterius: Việc đề cập cụ thể đến một thứ gì đó ngụ ý việc loại trừ một thứ khác. Nếu một Luật đề cập đến "mèo Ba Tư", thì thuật ngữ này sẽ không bao gồm các giống mèo khác.
- Noscitur a sociis: Một từ ngữ có ý nghĩa từ các từ ngữ xung quanh nó. Nếu một Luật đề cập đến "giỏ mèo, chuột đồ chơi và thức ăn", sẽ hợp lý khi giả định rằng "thức ăn" có nghĩa là thức ăn cho mèo và thức ăn cho chó không được bao gồm trong điều khoản này.
- Giả định (Presumptions): Các tòa án giả định rằng một số điểm là ngụ ý trong tất cả các Luật. Những giả định này bao gồm các điểm sau: (1) Các Luật không thay thông luật; (2) Nghị viện không có ý định loại bỏ bất kỳ vấn đề nào khỏi quyền tài phán của tòa án; (3) Luật Hình sự nên được giải thích theo hướng có lợi cho công dân khi có sự mơ hồ; (4) Luật không có hiệu lực hồi tố: các điều khoản của luật có hiệu lực từ ngày có hiệu lực và không có hiệu lực trước đó…
4.2 Các công cụ trợ giúp bên ngoài
Quy tắc mối phiền lụy và quy tắc giải thích theo mục đích hướng thẩm phán tới việc sử dụng thêm các công cụ trợ giúp bên ngoài, bao gồm các yếu tố sau:
- Bối cảnh lịch sử (historical setting) ban hành luật: Thẩm phán có thể xem xét bối cảnh lịch sử của quy định đang được giải thích, cũng như các Luật khác xử lý các vấn đề tương tự.
- Từ điển và sách giáo khoa (dictionaries and textbooks): Các tài liệu này có thể được tham khảo để tìm nghĩa của một từ, hoặc để thu thập thông tin về quan điểm của các học giả pháp lý về một vấn đề pháp lý.
- Báo cáo (reports): Trước khi có luật, có thể có các báo cáo của Ủy ban Hoàng gia, Ủy ban Luật hoặc các ủy ban cố vấn chính thức khác. Viện Nguyên lão đã tuyên bố trong vụ án Black Clawson International Ltd v Papierwerke Waldhof-Aschaffenburg AG (1975) rằng các báo cáo chính thức có thể được xem xét như là bằng chứng về tình trạng pháp lý tồn tại trước đó và mối phiền lụy mà đạo luật nhằm giải quyết.
- Điều ước quốc tế (treaties): Các hiệp định và công ước quốc tế có thể được xem xét khi theo giả định rằng Nghị viện không lập pháp theo cách mà Vương quốc Anh vi phạm nghĩa vụ quốc tế của mình.
- Thực tiễn trước đây (previous practice): Thực tiễn chung và thói quen thương mại trong lĩnh vực mà luật áp dụng có thể làm sáng tỏ ý nghĩa của một thuật ngữ pháp lý.
- Sổ biên bản thảo luận ở Nghị viện (Hansard): Đây là báo cáo chính thức hàng ngày về các cuộc tranh luận tại nghị viện, do đó là bản ghi lại những gì đã được nói trong quá trình trình dự án luật. Trong hơn 100 năm, nhánh tư pháp cho rằng các tài liệu như vậy không thể được tham khảo cho mục đích giải thích luật. Tuy nhiên, trong suốt sự nghiệp của mình, Lord Denning đã nỗ lực mạnh mẽ để xóa bỏ quy tắc này và, trong vụ Davis v Johnson (1978), ông đã biện minh cho cách giải thích của mình về Luật Bạo lực Gia đình và Thủ tục Hôn nhân 1976 bằng cách tham chiếu các cuộc tranh luận trong nghị viện khi Luật này được giới thiệu. Sau đó, Viện Nguyên lão đã chỉ trích Lord Denning và giữ nguyên quy tắc không cho phép tham khảo Hansard. Tuy nhiên, vào năm 1993, phán quyết trong vụ án Pepper v Hart đã lật lại quy tắc không tham khảo Hansard, và hiện nay việc tham khảo Hansard rõ ràng là được phép. Trong vụ án R v Secretary of State for the Environment, Transport and the Regions, ex parte Spath Holme Ltd (2001), Viện Nguyên lão đã đưa ra một cách giải thích hạn chế về việc áp dụng án lệ Pepper v Hart. Người yêu cầu là một công ty sở hữu một số bất động sản. Công ty này yêu cầu xem xét lại tính hợp pháp của Lệnh Các Luật Thuê nhà (Thuê nhà công bằng tối đa) 1999, được Bộ trưởng Bộ Môi trường, Giao thông và Các khu vực ban hành theo Điều 31 của Luật Chủ nhà và Người thuê nhà 1985. Công ty yêu cầu cho rằng Lệnh năm 1999 là bất hợp pháp vì Bộ trưởng đã ban hành lệnh này nhằm giảm thiểu tác động của việc tăng giá thuê đối với một số đối tượng thuê, trong khi một lần đọc Hansard cho thấy ý định của Nghị viện là những lệnh như vậy chỉ được ban hành để giảm tác động của lạm phát. Về việc sử dụng Hansard để giải thích ý định của Nghị viện, Viện Nguyên lão chỉ ra rằng vụ Pepper v Hart liên quan đến ý nghĩa của một cụm từ được sử dụng trong một Luật (‘chi phí của một lợi ích’). Bộ trưởng đã đưa ra tuyên bố về ý nghĩa của cụm từ đó. Ngược lại, vụ án hiện tại liên quan đến một vấn đề chính sách, và đặc biệt là ý nghĩa của một quyền lực pháp lý thay vì một cụm từ pháp lý. Chỉ khi một Bộ trưởng, một cách khó có thể xảy ra, đưa ra một cam kết rõ ràng với Nghị viện rằng một quyền lực sẽ không được sử dụng trong một tình huống cụ thể, thì một tuyên bố của nghị viện về phạm vi quyền lực đó mới có thể được chấp nhận. Trong vụ Wilson v Secretary of State for Trade and Industry (2003), Viện Nguyên lão lại đưa ra một cách giải thích hạn chế đối với vụ án Pepper v Hart. Tòa án cho rằng chỉ những tuyên bố trong Hansard do Bộ trưởng hoặc những người đề xuất lập pháp thực hiện mới có thể được tòa án xem xét; các tuyên bố khác được ghi lại trong Hansard phải bị bỏ qua. Theo hiến pháp Anh, Nghị viện và tòa án có các vai trò riêng biệt. Nghị viện thông qua luật; tòa án giải thích và áp dụng luật. Do nguyên tắc phân quyền, không cơ quan nào nên xâm phạm vào phạm vi quyền lực của cơ quan kia. Do đó, Điều 9 của Tuyên ngôn Quyền 1689 quy định rằng "tự do phát biểu và các cuộc tranh luận hoặc thủ tục trong Nghị viện không nên bị chỉ trích hoặc xét xử tại bất kỳ tòa án hoặc nơi nào ngoài Nghị viện". Trong vụ Wilson, Viện Nguyên lão nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tòa án không can thiệp vào vai trò hiến pháp của Nghị viện. Tòa án kết luận rằng Hansard chỉ có thể được sử dụng để giải thích ý nghĩa của từ ngữ trong luật; không thể sử dụng để khám phá lý do của việc thông qua luật đó. Tòa án Phúc thẩm trong vụ Wilson đã sử dụng Hansard để xem xét các cuộc tranh luận trong Nghị viện về một Luật cụ thể. Họ không cố gắng để tìm ra ý nghĩa của các từ ngữ, vì ý nghĩa của chúng không có sự nghi ngờ, mà là để khám phá lý do khiến Nghị viện nghĩ rằng việc thông qua đạo luật là cần thiết. Viện Nguyên lão cho rằng Tòa án Phúc thẩm đã sai khi làm như vậy. Việc tham khảo Hansard chỉ để kiểm tra ý nghĩa của các từ ngữ đã được thông qua hỗ trợ nguyên tắc chủ quyền của Nghị viện. Việc tham khảo Hansard để khám phá lý do lập luận của Nghị viện, khi không có sự mơ hồ về ý nghĩa của từ ngữ, sẽ đi ngược lại với chủ quyền của Nghị viện. Như vậy, khi giải thích một Luật, chỉ có những tuyên bố trong Hansard do Bộ trưởng hoặc những người đề xuất lập pháp thực hiện mới có thể được tòa án xem xét. Mặc dù hiện nay đã rõ ràng rằng Hansard có thể được tham khảo để tìm bằng chứng về ý định của Nghị viện, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về việc Hansard có hữu ích hay không, và liệu Hansard có thể cung cấp bằng chứng tốt về những gì Nghị viện đã dự định hay không.
5. Cải cách việc giải thích luật trong hoạt động xét xử
Các vấn đề với việc giải thích luật đã được thảo luận trong nhiều thập kỷ qua và đã có một số báo cáo nghiên cứu quan trọng ở Vương quốc Anh nhưng đây là lĩnh vực ít có sự thay đổi. Ủy ban Luật đã xem xét việc giải thích các Luật vào năm 1967 và "không ngần ngại cho rằng đây là một lĩnh vực không phù hợp để pháp điển hóa." Thay vào đó, ủy ban đề xuất một số cải tiến trong hệ thống hiện tại: (1) Nên sử dụng rộng rãi hơn các công cụ hỗ trợ nội bộ và bên ngoài; (2) Trong trường hợp có sự mơ hồ, cách giải thích nào tốt nhất thúc đẩy "mục đích lập pháp chung" nên được áp dụng. Điều này có thể được coi là ủng hộ phương pháp của Lord Denning.
Ủy ban Renton về Chuẩn bị Soạn thảo Luật đã đưa ra báo cáo vào năm 1975, đưa ra nhiều đề xuất nhằm cải thiện thủ tục soạn thảo và ban hành luật, bao gồm: (1) Các Luật có thể bắt đầu bằng một tuyên bố mục đích theo cách mà các Luật cũ thường có phần mở đầu; (2) Nên hướng tới việc bao gồm ít chi tiết hơn trong các Luật, áp dụng phong cách đơn giản hơn như ở các quốc gia như Pháp; (3) Có thể sử dụng nhiều ví dụ trong các Luật để chỉ cho các tòa án cách một Luật được dự định áp dụng trong những tình huống cụ thể; (4) Nên tránh các câu dài không có dấu chấm câu; (5) Các Luật nên được sắp xếp sao cho thuận tiện cho người sử dụng cuối cùng; (6) Nên có sự hợp nhất nhiều đạo luật hơn.
Vào năm 1978, Sir David Renton, trong một bài phát biểu có tựa đề “Thất bại trong việc triển khai Báo cáo Renton”, đã lưu ý rằng số lượng người soạn thảo luật đã tăng nhẹ và quá trình hợp nhất đã có thêm động lực, nhưng Nghị viện vẫn tiếp tục thông qua một lượng lớn các Luật, mà không có sự giảm bớt chi tiết và hầu như không sử dụng tuyên bố mục đích. Mười lăm năm sau, vào năm 1992, một Ủy ban do Hội Hansard ở vương quốc Anh đã báo cáo rằng ít có sự thay đổi. Sau khi tham vấn rộng rãi, Ủy ban kết luận rằng tình hình này gây sự không hài lòng rộng rãi và đề xuất rằng phong cách soạn thảo áp dụng nên phù hợp với những người sử dụng chính của pháp luật, với sự chú trọng vào sự rõ ràng, đơn giản và chắc chắn. Nên có một phương thức nào đó để thông báo cho công dân, luật sư và tòa án về mục đích chung của một Luật cụ thể, và chi tiết không cần thiết nên được tránh.
6. Kết luận
Qua nghiên cứu kinh nghiệm về giải thích luật ở Vương quốc Anh có thể thấy rằng, dù là quốc gia tích lũy được nhiều kinh nghiệm lập pháp nhưng vẫn không tránh được việc ban hành các văn bản luật chứa đựng ngôn từ, quy định có nhiều cách hiểu khác nhau hoặc không rõ nghĩa trong quá trình áp dụng. Nói cách khác, để việc điều chỉnh pháp luật được diễn ra thông thuận, cơ quan áp dụng luật trong không ít trường hợp vẫn phải tiến hành công việc giải thích luật. Để việc giải thích luật này không phạm vào quyền đặt ra luật của cơ quan lập pháp, cơ quan áp dụng luật phải chịu ràng buộc bởi các quy tắc giải thích luật. Ở vương quốc Anh, các quy tắc giải thích luật này được hình thành và đúc kết qua quá trình lịch sử lâu dài và đã trở thành một phần trong văn hóa pháp luật của quốc gia này. Dù có tới 4 quy tắc giải thích luật ở vương quốc Anh nhưng có thể thấy rằng, việc giải thích luật dựa theo nghĩa đen (nghĩa phổ thông) là cách giải thích mang tính phổ biến nhưng đây là cách giải thích có khiếm khuyết và cần có sự bổ trợ bởi quy tắc giải thích dựa theo mục đích của việc ban hành luật trong những trường hợp mà cách giải thích luật theo nghĩa đen đưa tới các kết quả áp dụng luật một cách rõ ràng là bất công hoặc vô lý. Khi tiến hành giải thích văn bản luật, cơ quan áp dụng luật được quyền sử dụng các công cụ hỗ trợ, trong đó phải kể tới các tài liệu thiết yếu trong quá trình xây dựng luật, các tài liệu học thuật có liên quan (nhất là từ điển và giáo trình v.v.).
TS. Nguyễn Văn Cương
Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[1] Tham khảo Emily Allbon and Sanmeet Kaur Dua,
Elliott and Quinn’s English Legal System, 22
nd ed. (Pearson, 2024).
[2] Tham khảo Emily Allbon and Sanmeet Kaur Dua,
Elliott and Quinn’s English Legal System, 22
nd ed. (Pearson, 2024).
[3] Xem, chẳng hạn: Gary Slapper and David Kelly,
The English Legal System, 15
th ed. (London and New York: Routledge, 2014) 91-101; Emily Allbon and Sanmeet Kaur Dua,
Elliott and Quinn’s English Legal System, 22
nd ed. (Pearson, 2024).
[4] Thực chất, trong 4 quy tắc kể trên, chỉ 3 quy tắc đầu được chính Tòa án ở vương quốc Anh phát triển và thừa nhận trong tiến trình lịch sử tư pháp của Vương quốc Anh. Quy tắc cuối cùng “giải thích theo mục đích” (Purposive approach) được các học giả ở Anh coi là phương pháp giải thích luật vốn được sử dụng phổ biến ở các quốc gia châu Âu lục địa và sau đó được du nhập vào thực tiễn xét xử ở vương quốc Anh từ những thập niên 1970 [xem: Rebecca Huxley-Binns and Jacqueline Martin,
Unlocking the English Legal System, 4
th ed. (London and New York: Routledge, 2014) at 73-94].
[5] Tham khảo từ Emily Allbon and Sanmeet Kaur Dua,
Elliott and Quinn’s English Legal System, 22
nd ed. (Pearson, 2024) (mục 3.4, Chương 3).