Trao đổi nghiệp vụ: Lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi cho công tác BTNN

04/05/2024
Đặt vấn đề
Trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước được quy định cụ thể tại Chương VIII Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017. Để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, Nhà nước cần bảo đảm các điều kiện về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ hoạt động và kinh phí để thực hiện.
Thực tế hiện nay, tại 63 Sở Tư pháp hầu hết là công chức được giao kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ tham mưu công tác bồi thường nhà nước và chủ yếu được giao cho Phòng Hành chính, Bổ trợ tư pháp thực hiện, Một số Sở Tư pháp giao cho phòng Phổ biến và theo dõi thi hành pháp luật, Phòng Xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Văn phòng Sở[1].
Bên cạnh việc biên chế chưa được bố trí hợp lý thì vấn đề về bảo đảm kinh phí để các Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương theo quy định của pháp luật[2], do đó, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện công tác này trong phạm vi từng địa phương cũng như trên phạm vi toàn quốc.
Qua Báo cáo kết quả đánh giá 5 năm thi hành Luật TNBTCNN năm 2017 của Bộ Tư pháp[3], nguyên nhân của thực tế này có nhiều, nhưng tựu chung lại, tập trung chủ yếu vào các nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, một số UBND cấp tỉnh chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác bồi thương nhà nước đối với hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, phối hợp liên ngành, hoạt động giải quyết bồi thường. Một số Sở Tư pháp chưa thực sự phát huy được vai trò trong việc tham mưu giúp UBND cấp tỉnh trong triển khai toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương[4].
Thứ hai, các nội chi cho hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước chưa được quy định cụ thể tại Luật TNBTCNN năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nên các Sở Tư pháp lúng túng về căn cứ để lập dự toán và phối hợp với Sở Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Thứ ba, các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước chủ yếu là những nhiệm vụ ít phát sinh (chủ yếu là phổ biến, quán triệt, theo dõi và thực hiện thống kê báo cáo) mà chưa phát sinh nhiều vụ việc phải phối hợp liên ngành xác định cơ quan giải quyết bồi thường, hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, phối hợp kiểm tra liên ngành … Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn nhiều nhiệm vụ cần bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện các nhiêm vụ chuyên môn khác như: Thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp …. nên chưa bố trí kinh phí đầy đủ cho các nhiệm vụ này.
Với những hạn chế và nguyên nhân nêu trên, để thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường nhà nước tại địa phương cần có những giải pháp để khắc phục khó khăn, bảo đảm các điều kiện về kinh phí để các Sở Tư pháp chủ động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ là cần thiết. Trong bài viết này, tác giả chủ yếu đưa ra những trao đổi, đề xuất trong thực hiện lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về công tác bồi thường nhà nước tại các địa phương để làm tài liệu cho các Sở Tư pháp nghiên cứu, tham khảo nhằm tiếp tục thực hiện nâng cao hiệu quả công tác bồi thường nhà nước trong thời gian tới.
1.  Quy định của Luật TNBTCNN năm 2017 về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tư pháp và UBND cấp tỉnh trong công tác bồi thường nhà nước
Một trong những điểm mới của Luật TNBTCNN năm 2017 là đã quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước, đồng thời, xác định những nhiệm vụ, quyền hạn về công tác bồi thường nhà nước được giao cho Chính phủ, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện như sau:
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trên phạm vi cả nước.
2. Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Xây dựng chiến lược, chính sách về công tác bồi thường nhà nước;
b) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; ban hành biểu mẫu, sổ sách về công tác bồi thường nhà nước;
c) Hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước; giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
d) Xác định cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 40 của Luật này;
đ) Hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường;
e) Theo dõi, đôn đốc công tác bồi thường nhà nước; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong công tác bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật;
g) Hằng năm, thống kê việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước báo cáo Chính phủ theo quy định;
h) Yêu cầu cơ quan giải quyết bồi thường báo cáo về việc giải quyết yêu cầu bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ trong trường hợp cần thiết;
i) Quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong công tác bồi thường nhà nước;
k) Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về công tác bồi thường nhà nước;
l) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong việc giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật;
m) Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật; yêu cầu Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hủy quyết định giải quyết bồi thường trong trường hợp có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 48 của Luật này mà không ra quyết định hủy;
n) Giúp Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện quản lý công tác bồi thường nhà nước trong lĩnh vực tố tụng;
o) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án tại địa phương và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước;
b) Xác định cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 40 của Luật này;
c) Hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường trong phạm vi địa phương mình;
d) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong công tác bồi thường nhà nước;
đ) Hằng năm, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương thống kê việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định;
e) Yêu cầu cơ quan giải quyết bồi thường báo cáo về việc giải quyết yêu cầu bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ trong trường hợp cần thiết;
g) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong việc giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả trong phạm vi do mình quản lý;
h) Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật; yêu cầu Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hủy quyết định giải quyết bồi thường trong trường hợp có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 48 của Luật này mà không ra quyết định hủy;
i) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
4. Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương.[5].
Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác bồi thường nhà nước được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 73 và quy định trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương là Sở Tư pháp tại khoản 4 Điều 73.
2. Xác định các nội dung chi các nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường nhà nước
Mặc dù Luật TNBTCNN năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể nội dung chi cho công tác bồi thường nhà nước. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ này, từ khi Luật TNBTCNN năm 2009 có hiệu lực, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng các Thông tư, Thông tư liên tịch để hướng dẫn thi hành Luật, trong đó, Thông tư liên tịch số 71/2012/TTLT-BTP-BTC ngày 9/5/2012 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ, lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Hiện nay, Thông tư liên tịch này đã hết hiệu lực, xong một số quy định về nội dung chi, quản lý và quyết toán kinh phí vẫn được Cục Bồi thường nhà nước sử dụng để lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán ngân sách hằng năm trong thực hiện tham mưu cho Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, do các nội dung này không trái với quy định hoặc đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước.
Với những nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại địa phương, việc triển khai cần phải xác định được những nhiệm vụ cụ thể để đề xuất, bố trí kinh phí thực hiện cho phù hợp.
Theo quan điểm của tác giả, các nội dung nhiệm vụ để Sở Tư pháp lập dự toán chi cho công tác bồi thường nhà nước gồm:
(1) Chi phổ biến, tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
(2) Chi lấy ý kiến chuyên gia đối với những vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp hoặc mang tính chuyên môn sâu thuộc nhiều lĩnh vực do Giám đốc Sở Tư pháp quyết định hoặc tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định về việc lấy ý kiến.
(3) Chi định giá tài sản, giám định thiệt hại về tài sản và giám định thiệt hại về sức khỏe để phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
(4) Chi họp liên ngành với các cơ quan tại địa phương để xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết bồi thường yêu cầu.
(5) Chi tổ chức các đoàn công tác theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc theo thẩm quyền của Giám đốc Sở Tư pháp để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết bồi thường; theo dõi, đôn đốc việc chi trả tiền bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả.
(6) Chi tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường và quản lý nhà nước về công tác bồi thường cho công chức làm công tác bồi thường nhà nước tại địa phương.
(7) Chi hoạt động khảo sát, hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết phục vụ công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
(8) Chi cho các đoàn công tác theo quyết định của Giám đốc Sở Tư pháp để hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường tại nơi cư trú của người bị thiệt hại hoặc chi cho công chức được cử tham gia xác minh, thương lượng vụ việc theo đề nghị của cơ quan giải quyết bồi thường.
(9) Chi khác liên quan đến công tác quản lý nhà nước về bồi thường (Chi cho các hoạt động phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại địa phương theo Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành).
Trên cơ sở xác định các mục chi cho hoạt động mang tính thường xuyên và không thường xuyên, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Tài chính để lập dự toán chi hoạt động quản lý nhà nước vê công tác bồi thường nhà nước.
3. Lập dự toán kinh phí
3.1. Hằng năm, vào tháng 7 của năm thực hiện kế hoạch, căn cứ thực tế kinh phí thực hiện nhiệm vụ công tác bồi thường nhà nước của năm, Sở Tư pháp dự kiến các hoạt động cần triển khai của năm kế tiếp để lập dự toán kinh phí chi cho công tác bồi thường nhà nước (theo các nhiệm vụ cụ thể được xác định tại mục 2 của bài viết này), gửi Sở Tài chính để tổng hợp trong dự toán ngân sách địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Vào cuối năm kế hoạch, nhiệm vụ và dự toán kinh phí có thể thay đổi hoặc được bổ sung theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp hoặc của UBND cấp tỉnh, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Tài chính, điều chỉnh, bảo vệ dự toán ngân sách năm kế tiếp.
3.2. Việc lập dự toán kinh phí để chi thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, cần lưu ý các nội dung sau đây:
Thứ nhất, Xác định các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường:
- Nhiệm vụ tại các mục (1), (5), (6), (7) và (9) là hoạt động thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước hằng năm, nên cần nguồn kinh phí ổn định để thực hiện.
- Nhiệm vụ tại các mục: (2), (3), (4), và (8) là hoạt động chỉ phát sinh khi có yêu cầu hoặc khi có vụ việc phải giải quyết bồi thường nên khi lập dự toán có thể sử dụng hoặc không sử dụng.
Thứ hai, Kinh phí thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước được xác định là các khoản chi hoạt động nghiệp vụ đặc thù thường xuyên: Chỉ giao kinh phí thực hiện chế độ tự chủ đối với những hoạt động nghiệp vụ đặc thù thường xuyên mà tại thời điểm phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định đã có dự toán chi tiết tính theo khối lượng công việc và tiêu chuẩn, chế độ định mức quy định, được cơ quan chủ quản thẩm tra tổng hợp trong phương án phân bổ giao dự toán.[6]
Ví dụ: Khi lập dự toán chi cho hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước, Sở Tư pháp cần xác định cụ thể nhiệm vụ và kinh phí dự kiến thực hiện như sau:
- Đối với nhiệm vụ theo dõi: Dự kiến thực hiện bao nhiêu cuộc trong năm; thành phần, số lượng cơ quan, người tham gia; số kinh phí cần bố trí theo quy định của nhà nước.
- Với nhiệm vụ kiểm tra, có thể phân thành các nhiệm vụ:
+ Kiểm tra định kỳ công tác bồi thường nhà nước;
+ Kiểm tra đột xuất đối với vụ việc (nếu có);
+ Kiểm tra liên ngành trong tố tụng và thi hành án.
Qua việc dự kiến thực hiện bao nhiêu cuộc trong năm; thành phần, số lượng cơ quan, người tham gia để xác định số lượng kinh phí cần dự toán chi cho hoạt động này để phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Thứ ba, Chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp.
Ví dụ: Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm hằng năm, sơ kết, tổng kết hoặc chuyên đề theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ tư, Chỉ đạo của Tỉnh ủy, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác bồi thường nhà nước tại địa phương.
Ví dụ: Chỉ đạo của Tỉnh ủy, thực hiện Quyết định của UBND cấp tỉnh về ban hành Quy chế phối hợp công tác bồi thường nhà nước.
4. Tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước
Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng ngân sách chi cho hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước được áp dụng các mức chi quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, cụ thể như sau:
4.1. Chi phổ biến, tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở.
4.2. Chi lấy ý kiến chuyên gia đối với những vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp hoặc mang tính chuyên môn sâu thuộc nhiều lĩnh vực do Giám đốc Sở Tư pháp quyết định hoặc tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định về việc lấy ý kiến:
Thông tư số 09/2023/TT-BTC ngày 08/02/2023 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
4.3. Chi định giá tài sản, giám định thiệt hại về tài sản và giám định thiệt hại về sức khỏe để phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước:
Mức chi căn cứ vào hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về giám định thiệt hại về tài sản và giám định thiệt hại về sức khỏe đối với từng vụ việc.
4.4. Chi họp liên ngành với các cơ quan tại địa phương để xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết bồi thường yêu cầu:
Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị.
4.5. Chi tổ chức các đoàn công tác theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc theo thẩm quyền của Giám đốc Sở Tư pháp để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết bồi thường; theo dõi, đôn đốc việc chi trả tiền bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả:
Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị.
4.6. Chi tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường và quản lý nhà nước về công tác bồi thường cho công chức làm công tác bồi thường nhà nước tại địa phương:
Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
4.7. Chi hoạt động khảo sát, hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết phục vụ công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước:
- Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị.
- Thông tư 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia.
4.8. Chi cho các đoàn công tác theo quyết định của Giám đốc Sở Tư pháp để hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường tại nơi cư trú của người bị thiệt hại hoặc chi cho công chức được cử tham gia xác minh, thương lượng vụ việc giải quyết bồi thường theo đề nghị của cơ quan giải quyết bồi thường:
Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị.
4.9. Chi khác liên quan đến công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước (các hoạt động phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại địa phương theo Quy chế được UBND cấp tỉnh ban hành):
Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị.
Căn cứ vào các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước dự kiến thực hiện trong năm và các văn bản quy định, Sở Tư pháp lập dự toán cho các nhiệm vụ và tổng hợp vào dự toán chung của Sở Tư pháp gửi Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
5. Quyết toán ngân sách chi cho quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước
Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện công tác quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
6. Một số đề xuất, kiến nghị
Qua 5 năm thực hiện Luật TNBTCNN năm 2017 nói chung và thực hiện kinh phí chi cho công tác bồi thường nhà nước nói riêng, tác giả đề xuất 02 vấn đề như sau:
Một là, Để triển khai Luật TNBTCNN năm 2017 có hiệu quả và thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh vấn đề quan trọng là giải quyết dứt điểm số lượng vụ việc các cơ quan giải quyết bồi thường đã tiến hành thụ lý, giải quyết, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, lợi ích của Nhà nước thì việc bố trí kinh phí hợp lý cho triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường đóng một vai trò quan trọng trong việc triển khai các quy định của Luật, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác này, qua đó, làm cho các cấp ủy, chính quyền thấy rõ được trách nhiệm trong quan tâm, chỉ đạo để các hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường thực hiện đúng quy định, có tác dụng mạnh mẽ đến hệ thống cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đến đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện nghiêm các quy định chuyên ngành về chuyên môn, nghiệp vụ, qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, lòng tự trọng trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao, tránh các hành vi vi pháp phạm luật làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, từ đó, tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, cải cách hành chính, phục vụ hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế - Xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Hai là, Để bảo đảm sự thống nhất thực hiện trên phạm vi toàn quốc trong việc lập dự toán, quyết toán kinh phí chi cho công tác bồi thường nhà nước cũng như việc thẩm định hồ sơ đề nghị cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường của các cơ quan giải quyết bồi thường, qua phản ánh về những khó khăn, vướng mắc của các địa phương nêu trong báo cáo đánh giá 5 năm triển khai thi hành Luật TNBTCNN năm 2017, theo đó, Bộ Tài chính cần có Thông tư hướng dẫn cụ thể các nội dung như: (1) Kinh phí chi cho hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước (gồm: 9 nội dung chi nêu tại mục 4 của bài viết); (2) Dự toán, quyết toán kinh phí chi cho hoạt động giám định, định giá tài sản, giám định sức khỏe; (3) Dự toán, quyết toán kinh phí chi trả tiền bồi thường; (4) Việc xử lý kinh phí khi người thi hành công vụ thực hiện trách nhiệm hoàn trả và (5) Thủ tục sung công quỹ Nhà nước đối với khoản tiền chi trả bồi thường trong trường hợp sau 3 năm, kể từ khi nhận được thông báo nhưng người bị thiệt hại không nhận.
Tác giả rất mong sự tham gia góp ý của các đồng nghiệp có cùng quan tâm, để việc tổ chức thực hiện công tác đến công tác bồi thường nhà nước ngày càng có hiệu lực, hiệu quả trên thực tiễn./.
 
Trần Việt HưngPhó Cục trưởng
Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp
 

1 Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Hải dương.
2-3 Báo cáo số 129/BC-BTP ngày 14 tháng 3 năm 2024 của Bộ Tư pháp Đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật TNBTCNN năm 2017. 
 [4] Báo cáo số 129/BC-BTP ngày 14/3/2024 của Bộ Tư pháp về đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật TNBTCNN.
[5] Điều 73 Luật TNBTCNN năm 2017.
[6] Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 của liên  Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước.