Xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng nghĩa với việc giảm thiểu trách nhiệm của nhà nước (Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan) trong việc cung cấp
“miễn phí” các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời huy động thêm các nguồn lực xã hội, lan toản công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với từng cá nhân, tổ chức có liên quan. Nhà nước đóng vai trò điều tiết bảo đảm sự có mặt của dịch vụ công đó thay vì trực tiếp cung cấp các hoạt động hỗ trợ pháp lý đó. Như vậy, vai trò của ngành Tư pháp lúc này dần trở thành người
"lái thuyền" thay vì người
"chèo thuyền" trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xã hội hoá là việc huy động nguồn lực từ cộng đồng và sự tham gia của doanh nghiệp vào việc giải quyết các vấn đề thuộc chính sách xã hội của Nhà nước, nhưng không làm giảm vai trò, trách nhiệm của ngành Tư pháp trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
1. “Dấu ấn” của ngành Tư pháp và những khó khăn, bất cập
Lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã ghi nhận:
“hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có bước phát triển mạnh” (tập II, trang 31). Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 lần đầu tiên ghi nhận chế định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại khoản 3 Điều 14 là một trong những hoạt động hỗ trợ xuyên suốt 06 hình thức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định trong Luật. Nghị định số 55/2019/NĐ-CP giao cho Bộ Tư pháp thống nhất quản lý nhà nước công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc (khoản 1 Điều 14). Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (trong đó tập trung doanh nghiệp nhỏ và vừa) tại Việt Nam trong hơn 10 năm qua, bên cạnh những thành công và kết quả đáng ghi nhận, giúp cho Bộ Tư pháp nói riêng và ngành Tư pháp nói chung tạo được
“dấu ấn” trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thì vẫn còn những khó khăn, bất cập cơ bản như sau:
Thứ nhất, sự quan tâm của của các bộ, ngành, địa phương trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế, nhiều nơi mới chỉ dừng lại chủ trương ban hành chưa đi vào thực hiện cụ thể. Đến đầu năm 2021, nhiều bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn chưa ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong từng giai đoạn hoặc hàng năm theo yêu cầu của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, do đó, chưa có cơ sở để triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực và địa phương. Công tác phối kết hợp giữa bộ, ngành và giữa bộ, ngành với địa phương, giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp còn hạn chế;
Thứ hai, nhân lực thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của bộ, ngành và địa phương còn kiêm nhiệm thực hiện, không bố trí nhân sự cụ thể, xác định nhiệm vụ rõ ràng; cơ sở vật chất và phương tiện thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành còn hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu; chế độ thù lao cho các cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý vẫn chưa đủ để mang tính khuyến khích cũng như tạo điều kiện cho nhân sự thực hiện công tác này;
Thứ ba, việc cân đối và bố trí kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp; định mức kinh phí đối với nhiều hoạt động còn thấp so với thực tiễn triển khai trên thực tế dẫn đến khó khăn trong việc triển khai; nhiều địa phương không bố trí kinh phí riêng cho việc triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong khi kinh phí dành Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành còn hạn chế, công tác truyền thông chưa được đầu tư thỏa đáng.
2. Đặc điểm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay
Trước khi bàn về vấn đề xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chúng ta cần nắm rõ đặc điểm cơ bản của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
Thứ nhất, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo) là một hoạt động phản ánh chức năng kinh tế của nhà nước.
Hỗ trợ nói chung và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng được nhiều nước trên thế giới quan tâm thực hiện không chỉ như một hoạt động bình thường, nhất thời mà là một công việc mang tính bản chất, thuộc chức năng của Nhà nước. Đó là vì: (i) Nhà nước có nhiệm vụ thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho mọi doanh nghiệp thuộc mọi quy mô kinh doanh; (ii) để thực hiện được nhiệm vụ này của mình thì Nhà nước nào cũng phải có chính sách ưu tiên nhất định cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nói cách khác, hỗ trợ nói chung và hỗ trợ pháp lý nói riêng là một trong các biện pháp mà Nhà nước cần phải thực hiện để đảm bảo sự bình đẳng trên thực tế giữa các doanh nghiệp có quy mô kinh doanh khác nhau.
Chức năng kinh tế của Nhà nước là một trong những vấn đề cơ bản của lý luận Nhà nước và pháp luật, gắn liền với những phạm trù bản chất, nhiệm vụ, hình thức và phương pháp hoạt động của Nhà nước... vì mục đích phát triển kinh tế. Theo cách hiểu truyền thống, chức năng kinh tế của Nhà nước là những phương diện (những phương hướng, mặt, dạng, loại) hoạt động chủ yếu của Nhà nước nhằm thực hiện những nhiệm vụ kinh tế đặt ra trước Nhà nước; chức năng kinh tế Nhà nước là sự thể hiện vai trò của Nhà nước đối với phát triển kinh tế, xã hội, là biểu hiện cụ thể năng lực của Nhà nước; chức năng của Nhà nước chính là những nhiệm vụ cơ bản của Nhà nước trong từng giai đoạn phát triển cụ thể... Trong điều kiện hiện nay, để góp phần phản ánh rõ nét chức năng kinh tế của nhà nước trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, theo quan điểm của tác giả cần tiếp cận phạm trù chức năng nhà nước gắn liền với bản chất và vai trò của Nhà nước đối với đời sống xã hội, đồng thời trong mối quan hệ chặt chẽ với chức năng kinh tế, chức năng chính trị của Nhà nước. Như vậy, từ phạm trù chức năng của Nhà nước thể hiện vai trò của Nhà nước đối với đời sống xã hội có thể hình thành nên khái niệm chức năng kinh tế của Nhà nước như là một bộ phận của khái niệm chức năng nhà nước, cũng như chức năng xã hội, chức năng chính trị của Nhà nước. Từ đó có thể hiểu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là một hoạt động phản ánh chức năng kinh tế của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (hay chức năng tổ chức và quản lý kinh tế) được hiểu là những hoạt động chủ yếu, quan trọng nhất mang tính thường xuyên, liên tục thể hiện bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu cơ bản của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế (thông qua hỗ trợ để phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo)
.
Thứ hai, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa) là một loại dịch vụ công mà nhà nước có trách nhiệm đảo bảo thực hiện.
Dịch vụ công là những hoạt động phục vụ các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người dân vì lợi ích chung của xã hội, do nhà nước chịu trách nhiệm trước xã hội (trực tiếp đảm nhận hay ủy quyền và tạo điều kiện cho khu vực tư thực hiện) nhằm bảo đảm ổn định và công bằng xã hội. Theo GS. TS Lê Chi Mai
[1] trong nghiên cứu về dịch vụ công có dẫn chứng quan điểm nghiên cứu dịch vụ công mà Chính phủ cung ứng có bao gồm:… các hoạt động lập quy thi hành pháp luật; cung cấp thông tin tư vấn…
Ở Việt Nam, tập trung nhiều hơn vào chức năng phục vụ xã hội của nhà nước, mà không bao gồm các chức năng công quyền, như lập pháp, hành pháp, tư pháp, ngoại giao,… qua đó nhấn mạnh vai trò chủ thể của nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ cho cộng đồng. Điều quan trọng là Việt Nam phải sớm tách hoạt động dịch vụ công (lâu nay gọi là hoạt động sự nghiệp) ra khỏi hoạt động hành chính công quyền như chủ trương của Chính phủ đã đề ra nhằm xóa bỏ cơ chế bao cấp, giảm tải cho bộ máy nhà nước, khai thác mọi nguồn lực tiềm tàng trong xã hội và nâng cao chất lượng của dịch vụ công phục vụ người dân. Điều này không có nghĩa là nhà nước độc quyền cung cấp các dịch vụ công mà trái lại nhà nước hoàn toàn có thể xã hội hóa một số dịch vụ, qua đó trao một phần việc cung ứng một phần của một số dịch vụ kể cả hoạt động lập quy thi hành pháp luật; cung cấp thông tin tư vấn… cho khu vực phi nhà nước thực hiện.
Có thể thấy rằng khái niệm, đặc điểm và phạm vi các dịch vụ công cho dù được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau, chúng đều có tính chất chung là nhằm phục vụ cho nhu cầu và lợi ích chung thiết yếu của xã hội; bảo đảm tính công bằng và tính hiệu quả trong cung cấp dịch vụ. Các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa) mang đầy đủ đặc điểm của dịch vụ công (xét về mặt chủ thể cung cấp, đối tượng thụ hưởng, quy trình, thủ tục cung cấp dịch vụ, cơ chế kiểm soát, đảm bảo chất lượng dịch vụ công…), ngoài ra, yếu tố hỗ trợ pháp lý miễn phí cho doanh nghiệp là đặc điểm quan trọng của dịch vụ hỗ trợ này.
Thứ ba, đối tượng thụ hưởng hoạt động hỗ trợ pháp lý là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc mọi thành phần kinh tế, không phân biệt hình thức sở hữu và mô hình tổ chức.
Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 (Điều 2 và Điều 14), Nghị định số 55/2019/NĐ-CP (Điều 2), việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp, sáng tạo. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây: (i) Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; (ii) Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ
[2].
Đồng thời với việc ghi nhận nguyên tắc Nhà nước chỉ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP cũng có quy định mang tính mở, đó là, tùy thuộc vào nguồn lực, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có thể quyết định áp dụng các quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ pháp lý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 19). Đây là đặc thù của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, lại không phải là ưu điểm mà là hạn chế vì về nguyên tắc (thông lệ quốc tế) các nước chỉ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mà không hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn.
Thứ tư, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện thông qua các hình thức và nội dung hỗ trợ do pháp luật quy định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.
Nội dung hỗ trợ pháp lý tập trung vào những vấn đề pháp luật mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Hình thức hỗ trợ pháp lý là những phương thức hoạt động của chủ thể hỗ trợ, qua đó, việc hỗ trợ được thực hiện, mang lại lợi ích cho đối tượng được hỗ trợ. Nội dung và hình thức hỗ trợ được pháp luật quy định rõ ràng, cụ thể.
Được hỗ trợ pháp lý là một nhu cầu của doanh nghiệp và việc đáp ứng nhu cầu này là nghĩa vụ của Nhà nước. Tuy nhiên, do nhu cầu hỗ trợ thì nhiều, khả năng đáp ứng của Nhà nước lại có hạn nên công tác hỗ trợ (nội dung và hình thức hỗ trợ) luôn được Nhà nước xác định theo từng thời kỳ và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, từng địa bàn.
Thứ năm, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.
Phối hợp là mối quan hệ giữa hai hay nhiều chủ thể khác nhau trong quá trình triển khai, thực hiện một công việc nào đó nhằm đạt mục đích chung. Nói cách khác, phối hợp là sự làm việc cùng với nhau của từ ít nhất hai chủ thể trở lên, hành động theo một kế hoạch chung nhằm đạt được mục tiêu chung. Phối hợp trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là việc các chủ thể có chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cùng nhau bàn bạc, xây dựng và thực hiện các hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm đạt được mục đích chung là nâng cao tri thức pháp luật và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, góp phần bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong kinh doanh, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là rất cần thiết vì hoạt động của doanh nghiệp là rất đa dạng, liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của nhiều Bộ, ngành, địa phương và chức năng đại diện của nhiều hiệp hội doanh nghiệp. Mỗi cơ quan quản lý nhà nước cũng như mỗi tổ chức đại diện cho doanh nghiệp đều có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn riêng biệt. Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước cũng như chức năng đại diện cho doanh nghiệp là hoàn toàn độc lập với nhau. Do vậy, để đạt được sự thống nhất trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và cùng hướng đến một mục tiêu chung, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức có liên quan cần phải phối hợp với nhau, tránh việc chồng chéo và trùng lắp trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
3. Sự cần thiết xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Xã hội hóa dịch vụ công được nhắc đến trong nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: “
Chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm”.[3] “Đẩy mạnh xã hội hoá, nhất là trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển lành mạnh thị trường dịch vụ sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”[4].
Qua Nghị quyết của Đảng có thể thấy, chủ trương xã hội hóa dịch vụ công của Đảng luôn được khẳng định nhất quán và từng bước phát triển mở rộng, từ ban đầu Đảng ta mới chỉ đưa ra định hướng chung về xã hội hóa dịch vụ công cho đến nay đã xác định rõ các lĩnh vực thiết yếu cơ bản đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công ở nước ta, hướng tới phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công lành mạnh, trong đó, phải đảm bảo lợi ích các đối tượng chính sách, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển dịch vụ công.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định
07 hình thức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Nhà nước thực hiện, trong đó, hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý (khoản 3 Điều 14) là hình thức hỗ trợ xuyên suốt
06 hình thức hỗ trợ còn lại của Luật. Để thực hiện quy định này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó (
khoản 3 Điều 13) quy định việc
triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa:
“3. Căn cứ vào nội dung, nguồn lực của chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại khoản 1 Điều này và nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa thành viên, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có thể đề xuất chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do mình chủ trì thực hiện theo đúng nội dung chương trình hỗ trợ, pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại khoản 1 Điều này: a) Căn cứ vào nội dung, nguồn lực của chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại khoản 1 Điều này, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí nhưng tối đa không quá 50% kinh phí thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do tổ chức đại diện cho doanh nghiệp đề xuất từ nguồn kinh phí thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại khoản 1 Điều này. Kinh phí còn lại do tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tự chi trả hoặc từ nguồn xã hội hóa, huy động từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp để thực hiện;…”. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng cho việc từng bước nghiên cứu, thực hiện hoạt động xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới.
Trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc xã hội hóa là rất cần thiết, vì các lý do cơ bản như sau:
Thứ nhất, huy động thêm nguồn lực kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hiện nay, kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được cấp trong nguồn kinh phí thường xuyên của các bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, ngoài nguồn kinh phí bố trí cho Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp do Bộ Tư pháp bố trí hàng năm, các bộ, cơ quan ngang bộ (như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương…) cũng có bố trí kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; các địa phương, hầu hết 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Chương trình hoặc Kế hoạch cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và bố trí kinh phí thường xuyên cho công tác này, tuy nhiên hầu hết nguồn kinh phí còn thấp (có địa phương với hàng ngàn doanh nghiệp nhưng chỉ được cấp kinh phí
50 triệu đồng/năm dành cho công tác này), chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, cần xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để huy động thêm nguồn lực nhất là nguồn lực của các doanh nghiệp, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Thứ hai, huy động sự tham gia của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ pháp lý trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Việc xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để huy động thêm sự tham gia của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp (như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam,…), tổ chức dịch vụ pháp lý trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Đoàn Luật sư, Văn phòng Luật, Công ty Luật…) để tham gia các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như xây dựng, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu pháp luật (về văn bản quy phạm pháp luật; vụ việc vướng mắc pháp lý; bản án, quyết định của tòa án; phán quyết của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp; văn bản trả lời của cơ quan nhà nước đối với vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa; văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật và thủ tục hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật); xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các hoạt động này rất cần sự tham gia của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ pháp lý trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ ba, xã hội hóa được sử dụng để tăng cường sự chú ý, quan tâm và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Việc xã hội hóa sẽ tăng cường sự chú ý, quan tâm của các cá nhân, tổ chức vào một số công tác mà trước đó chỉ một số cơ quan, tổ chức nhà nước thực hiện. Việc xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi có đủ các nguồn lực, cơ chế thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Hiện nay, sự tham gia của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thánh phố trực thuộc Trung ương đối với công tác này vẫn ở mức độ nhất định do nguồn lực nhân sự hạn chế về số lượng lẫn chất lượng; hầu hết nhân sự các cơ quan hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đều kiêm nhiệm (cả cấp bộ và cấp địa phương)… việc xã hội hóa các hoạt động, huy động thêm nhân lực, kinh phí từ các doanh nghiệp, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan sẽ nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới.
4. Đề xuất, kiến nghị trong việc xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Để thực hiện việc xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới nhằm nâng cao chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng, qua nghiên cứu, tôi có một số đề xuất, kiến nghị như sau:
Thứ nhất, xã hội hóa từng bước, có kế hoạch, lộ trình cụ thể công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục nghiên cứu và đổi mới tư duy trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Việc xã hội hóa trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới là rất cần thiết, tuy nhiên phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể để đảm bảo rõ các nội dung, hoạt động cần xã hội hóa để huy động nguồn lực trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Ví dụ, Trang tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đặt trên Cổng thông tin của Bộ Tư pháp là Trang thông tin chính thức hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, tuy nhiên, hoạt động trang tin này vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện việc cung cấp thông tin pháp luật chính thống, hiệu quả cho doanh nghiệp trong và ngoài nước với thế mạnh nổi bật của mình. Việc huy động thêm nguồn lực (nhân lực, kinh phí) từ cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước (các tổ chức dịch vụ pháp lý, doanh nghiệp)… là cơ sở quan trọng cho việc đổi mới, nâng cấp hiệu quả hoạt động này (theo lộ trình, kế hoạch…) nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp.
Tăng cường hoạt động này cũng phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, khi Trang tin được nâng cấp, đây có thể là kênh để doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính thức, có hệ thống về pháp lý cho doanh nghiệp cũng như tham gia các chương trình tạo đàm, bồi dưỡng trực tuyến cho doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ, phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19.
Thứ hai, xác định hoạt động xã hội hóa là hoạt động quan trọng trong Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Mục 131); Nghị quyết số 99/NĐ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (mục 69), giao cho Bộ Tư pháp phối hợp các cơ quan, tổ chức xây dựng và triển khai Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030 trình Thủ tướng Chính phủ năm 2022; nghiên cứu để xác định việc xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của việc triển khai Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030. Không cần xây dựng riêng 01 Đề án về hoạt động này xã hội hóa trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, việc nghiên cứu nhu cầu thực tiễn cũng như kinh nghiệm các nước nhằm đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2030 nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần nghiên cứu.
Thứ ba, xây dựng triển khai Quy chế phối kết hợp (Nhà nước với Nhà nước; Nhà nước với Tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp) trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để xã hội hóa thành công công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cần sự tham gia tích cực của các cơ quan nhà nước và tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp. Để triển khai hiệu quả cơ chế này, cần xây dựng mẫu Quy chế phối kết hợp (Nhà nước với Nhà nước; Nhà nước với Tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp) trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thực hiện các hoạt động xã hội hóa trong công tác này. Đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp có căn cứ và cơ sở thực hiện mạnh mẽ các hoạt động này trong thời gian tới; đồng thời đây cũng là căn cứ quan trọng để đánh giá và khen thưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan đóng góp tích cực, hiệu quả đến công tác này.
Thứ tư, nghiên cứu, đề xuất triển khai thiết thực, hiệu quả kinh phí tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thông qua mạng lưới viên tư vấn pháp luật.
Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Điều 13 Nghị định quy định: hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức thấp nhất 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp và cao nhất 200 triệu đồng/năm/doanh nghiệp (cao gấp 10 lần so với mức tư vấn pháp luật theo quy định của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP), tuy nhiên, để sử dụng thiết thực hiệu quả kinh phí này, đề nghị sớm nghiên cứu sửa đổi mức kinh phí tư vấn pháp luật được quy định trong Nghị định số 55/2019/NĐ-CP) cho phù hợp với Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, đồng thời sử dụng hiệu quả mạng lưới tư vấn pháp luật là các Luật sư do Bộ Tư pháp đã công nhận theo Danh sách mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp.
Thứ năm, q
uản lý, sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch các nguồn kinh phí hỗ trợ trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việc xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ huy động thêm các nguồn lực (ít nhất 50% kinh phí xã hội hóa đối với các hoạt động) từ các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp cho công tác này, đây là nguồn lực quan trọng nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý trong thời gian tới, tuy nhiên, cần q
uản lý, sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn kinh phí này để thu hút các nguồn lực kinh phí của các cơ quan, tổ chức cho công tác này. Để thực hiện hiệu quả q
uản lý, sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2030, cần nghiên cứu việc thành lập “Qũy Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Tư pháp)” để thực hiện nhiệm vụ trên./.
[1] “Cải tiến việc cung ứng dịch vụ công, một giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu cải cách hành chính”. Tác giả: GS. TS. Lê Chi Mai. Tạp chí Thanh tra, số 3, 2001.
[2]Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam:
Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Sđd, tr.57.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam:
Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Sđd, tr.83.
[5] Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp.