Lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta gắn liền với công lao vô cùng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo tiên phong của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh là “một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại”
[1]. Trong hệ thống quan điểm đó, có tư tưởng về việc xây dựng một Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân, xây dựng một hệ thống pháp luật bảo đảm cho việc phát triển các quyền tự do và dân chủ của công dân.
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng và hoàn thiện chế định luật sư ở nước ta hiện nay là một vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần làm sáng tỏ các quan điểm và đường lối của Đảng ta trong quá trình đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, dân chủ hóa hoạt động tố tụng, nâng cao vị thế, vai trò của đội ngũ luật sư trong sứ mệnh phụng sự công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể xã hội.
Có thể phân chia sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh liên quan đến chế định luật sư cách mạng thành 2 giai đoạn: 1) Giai đoạn trước khi giành chính quyền cách mạng năm 1945; 2) Giai đoạn từ 1945 đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Sự phân kỳ nghiên cứu nói trên sẽ giúp lý giải các quan niệm, nhận thức và giải pháp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng trong quá trình lãnh đạo cách mạng của dân tộc, cũng như nét đặc thù “rất Việt Nam” khi hình thành chế định luật sư cách mạng và chế định “luật sư thời chiến” vô cùng đặc sắc…
1. Cội nguồn và tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của luật sư trong giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945
1.1. Trên thế giới, sự hình thành và phát triển nghề luật sư từ thời điểm nào vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng có một đặc trưng nổi bật nhất của tầng lớp hiệp sỹ -
một loại hiệp sĩ đặc biệt - chính là ở tinh thần xả thân vì nghĩa hiệp và sự tinh thông về pháp luật, coi đây là vũ khí, sức mạnh tinh thần đấu tranh chống lại áp bức, bất công, đứng bên cạnh người yếu thế. Ở Việt Nam, lịch sử tuy không lưu giữ được, nhưng cũng ghi nhận pháp luật thành văn của Việt Nam đầu tiên phải kể đến công cuộc điển chế của các vị vua đời nhà Lý, trong đó Bộ Hình thư ra đời, để dân lấy làm tiện, “phép xử án được bằng thẳng rõ ràng”.
[2]
Nghiên cứu lịch sử của thời kỳ phong kiến cho thấy nhận thức và quan niệm của xã hội về “
thầy cúng, thầy kiện” bị hiểu là lớp người không được trọng dụng, bị cấm ứng thi hoặc tiến cử làm quan. Phép thi hương tháng Tư năm Nhâm Ngọ (1462) dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460-1497) quy định: “Học trò trong nước, không kể hạng quân hay dân, người nào xin thi, đều cho phép viên quan bảo quản và xã trưởng làm giấy cam đoan người ấy thực có đạo đức, hạnh kiểm, mới cho ứng thi. Còn những hạng người bất hiếu, bất mục, loạn luân và
xui nguyên giục bị đều không được dự thi”.
[3] Học giả Đào Duy Anh lập luận rằng: “Nhà lập pháp (thời quân chủ) dụng tâm làm cho dân bớt kiện tụng, như gia tội những người chống án không căn cứ, cấm nghề thầy kiện, thầy cúng. Sở dĩ có điều này là vì
dân nhà quê ta rất hiếu tụng, đó cũng là một ảnh hưởng của nông nghiệp”.
[4]
Tuy diện “thầy cúng, thầy kiện” không được phát triển và trọng dụng, nhưng tinh thần nhân văn của một số bậc minh quân cai trị dân vẫn thể hiện quan niệm “thương dân”, nhất là những người bị tù tội. Vua Lý Thánh Tông (1054-1072) khi ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện, có công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng: “Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót.
Từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm”.
[5] Lịch sử Việt Nam còn lưu giữ Bộ luật Hồng Đức (còn gọi là Lê triều hình luật) thời nhà Lê (1428-1788) với một ảnh hưởng sâu xa trong lịch sử phát triển của xã hội Việt Nam; cùng với nó là bộ Quốc triều khám tụng điều lệ như một cột mốc đánh dấu trong lịch sử lập pháp của Việt Nam có một bộ luật tố tụng riêng biệt, trong đó lần đầu tiên quy định “
tội nhân không chịu nhận tội thì cho phép họ tự bào chữa, rồi xét lại kỹ lưỡng”,
[6] hay bảo đảm có sự “
biện luận”, xét xử thấu tình đạt lý, tâm phục khẩu phục.
[7]
1.2. Sau một thập kỷ bôn ba qua các lục địa Âu, Á, Phi, Mỹ…, vừa lao động vừa kiếm sống, bằng nhãn quan tinh tường và trực tiếp hòa mình vào đời sống của giai cấp công nhân cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc thật sự đã có được điều kiện để tiếp cận với các hệ tư tưởng khác nhau, trong đó có tư tưởng cách mạng dân chủ tư sản, về các thể chế chính trị, về đời sống và cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức. Chỉ khi đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã thấm nhuần tư tưởng về
quyền tự do dân chủ của người dân không thể tách rời với quyền của các dân tộc thuộc địa, sự thống nhất giữa mục tiêu giành độc lập dân tộc và thực hiện các quyền tự do, dân chủ của Nhân dân. Không có độc lập dân tộc thì không thể có quyền tự do, dân chủ của Nhân dân và ngược lại, không bảo đảm quyền tự do, dân chủ của Nhân dân thì cuộc cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và tiến hành mất đi động lực chủ yếu của nó.
Thực ra, lịch sử phát triển nghề luật sư ở Việt Nam gắn liền với thời điểm thực dân Pháp xâm lược nước ta, thông qua việc Hoàng đế Napoléon III ban hành Sắc lệnh ngày 25/7/1864 về tổ chức nền tư pháp ở Nam Kỳ, cho phép thiết lập hoạt động của những người bào chữa đảm trách việc biện hộ bên cạnh các Tòa án thuộc địa. Tuy nhiên, Nguyễn Ái Quốc phân biệt rất rõ những kẻ thực dân Pháp với người dân Pháp, vì Người hiểu rõ “nhân dân Pháp đại biểu cho tự do và công lý và không bao giờ từ bỏ lý tưởng cao cả của mình là tình bác ái toàn thế giới”.
[8] Điều này cũng có nghĩa là Người nhận ra chân giá trị của những tư tưởng pháp lý tiến bộ của nhân loại, nhưng cũng chỉ ra mặt trái của thứ “công lý thực dân”.
Mang nỗi đau buồn sâu sắc vì một dân tộc bị áp bức và và bóc lột một cách nhục nhã đến với Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng xã hội Pháp, Nguyễn Ái quốc đã vạch trần sự tàn bạo đó thông qua hình ảnh: “Nhà tù nhiều hơn trường học, lúc nào cũng mở cửa và chật ních người. Bất cứ người bản xứ nào có tư tưởng XHCN cũng đều bị bắt và đôi khi bị giết mà không cần xét xử.
Cái gọi là công lý Đông Dương là thế đấy! Ở xứ đó, người An Nam bị phân biệt đối xử, họ không có những bảo đảm như người châu Âu hoặc có quốc tịch châu Âu”.
[9] Người đã thức thời nhận ra bản chất sâu xa của cái gọi là “ưu việt của văn minh phương Tây”, khi viết: “Công lý được tượng trưng bằng một người đàn bà dịu hiền, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm. Vì đường từ Pháp sang Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc phiện hoặc những chai rượu ty, nên người đàn bà tội nghiệp chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội, và nhất là người vô tội”.
[10]
Nguyễn Ái Quốc phân biệt với thứ “công lý” giả tạo, phi nhân của chủ nghĩa thực dân Pháp áp đặt trên đất nước ta, trực tiếp phê phán cả một số luật sư Pháp khi đóng vai trò của kẻ thực dân: “Một luật sư Pháp giao cho nhân viên của mình mua đất để làm tài sản riêng với giá 20 phrăng. Đất ấy nằm giữa habu công cộng. Biết rằng đất đai ở đó không có ranh giới rõ rệt, người phục vụ pháp luật của chúng ta gây ra những chuyện khó khăn và lôi cuốn những người nông dân vào quá trình kiện tụng rất tốn kém về phân định ranh giới. Đắt đến nỗi những người nông dân nghèo cuối cùng phải bán lại đất của mình vì việc kiện tụng đã làm tốn 11.000 phrăng. Ông luật sư với sự giúp đỡ của hai mươi phrăng và một chút giả dối, trở thành người chủ cả một làng, và những người nông dân còn cảm thấy hạnh phúc, vì không bị đuổi khỏi mảnh đất ấy và được để lại làm việc với tư cách là người nô lệ”.
[11]
Người cũng phê phán một lớp luật gia người Việt làm nô lệ cho ách pháp lý của thực dân (như ông ông N.K.V tiến sĩ luật, tiến sĩ khoa chính trị và kinh tế làm việc tại Tòa biện lý Sài Gòn) khi ca tụng, sùng bái những kẻ thực dân là “chiến sỹ vô song của tiến bộ và là sứ giả của văn minh”.
[12] Một trong những biểu hiện của sự bất bình đẳng trên thực tế là “có những thanh niên bản xứ đã học qua các trường đại học của chính quốc và đậu bằng tiến sĩ y khoa hoặc luật khoa, vẫn không thể làm được nghề nghiệp của mình trong nước mình nếu họ không vào quốc tịch Pháp”.
[13]
1.3. Sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Người đã tiên đoán: “Từ ngày Đồng Minh thắng trận, tất cả các dân tộc bị lệ thuộc đều chứa chan hy vọng rằng theo những lời cam kết chính thức và trịnh trọng mà các cường quốc Đồng Minh đã tuyên bố với toàn thế giới, trong cuộc đấu tranh của Văn minh chống Dã man, thì
tiền đồ một thời đại công lý và chính nghĩa nhất định sẽ đến với họ”.
[14] Với niềm tin đó, Nguyễn Ái Quốc đề cập đến một trong những yêu sách của nhân dân An Nam là: “2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng
được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam…; 7.
Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”
[15]. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” in lần đầu tiên tại Quảng Châu năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã đề cập trực tiếp Tuyên ngôn độc lập của Mỹ 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789
[16], sau này được đề cập trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sở dĩ Người luôn quan tâm đến sự phát triển của đội ngũ luật sư, bởi trong một hoàn cảnh và thời điểm đặc biệt, khi bị chính quyền Hồng Kông bắt giữ ngày 6/6/1931, Người đã được luật sư F.H. Loseby cùng các cộng sự bào chữa trắng án qua 9 phiên tòa từ 31/7 đến 12/9/1931. Mặc dù có nhiều ý kiến nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của luật sư F.H. Loseby trong các phiên tòa nói trên, nhưng trên một phương diện ngược lại, chính cốt cách và bản lĩnh cách mạng của Nguyễn Ái Quốc đã cảm hóa và nâng vị thế của luật sư F.H. Loseby lên một tầm vóc mới.
[17]
Từ những phân tích trên, có thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, nhân quyền, về cuộc đấu tranh cho quyền của các dân tộc nói chung, về quyền tự do và dân chủ của công dân, quan niệm về công lý nói riêng có cội nguồn xuất phát từ sự kế thừa tư tưởng pháp quyền nhân nghĩa Á Đông của cha ông ta để lại và những tư tưởng pháp lý tiến bộ của nhân loại.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chế định luật sư cách mạng sau Cách mạng Tháng Tám (1945) đến năm 1969
2.1. Đây là một trong những giai đoạn lịch sử đau thương của những hy sinh vô bờ bến của dân tộc Việt Nam cho độc lập và thống nhất đất nước, đồng thời cũng là trang sử vẻ vang của những chiến thắng lẫy lừng trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nếu như lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam trong giai đoạn này có những nét đặc thù thì sự phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng ta về chế định luật sư cũng có những nét rất riêng biệt, mà điểm nổi bật nhất chính là
chế định luật sư gắn liền với thời chiến.
Về bối cảnh, trước khi giành được chính quyền dân chủ nhân dân vào năm 1945, trong tổ chức nền tư pháp Nam Kỳ theo Sắc lệnh ngày 25/7/1864 của Hoàng đế Napoléon III, đã hình thành
những người bào chữa (défenseur) đặt bên cạnh các Tòa án thuộc địa.
[18] Những người bào chữa này đảm trách việc biện hộ và làm rõ cho việc thẩm xét những vụ kiện dân sự và thương mại, thi hành những bản án và phán quyết của Tòa, biện hộ cho những bị cáo và bị can trước Tòa đại hình và Tòa tiểu hình. Họ là những
công chức được Thống đốc bổ nhiệm và bãi nhiệm, phải là công dân Pháp và trải qua kỳ thi tuyển theo pháp luật của Pháp. Bào chữa viên hoạt động theo mô hình của Pháp, vừa có tư cách người biện hộ, vừa là người thụ ủy thay mặt cho thân chủ trước Tòa (gần giống như đại tụng viên bên Pháp). Sau đó, người bào chữa được đổi thành “luật sư - biện hộ viên” (Avocat - défenseur) vào năm 1884, vẫn phải là công dân Pháp, được hưởng thù lao bào chữa theo thỏa thuận.
Chế định luật sư thời Pháp thuộc có những thay đổi theo hướng phục vụ quyền lợi của thực dân Pháp, có lúc nới lỏng về tiêu chuẩn, nhưng sau đó lại xiết chặt. Với Sắc lệnh ngày 25/5/1930 (sau đó được sửa đổi bởi Sắc lệnh ngày 21/7/1931) do Toàn quyền Đông Dương ban hành, chế định luật sư được coi là có những cải tổ quan trọng, trong đó danh xưng “luật sư - biện hộ viên” đã được thay bằng “luật sư” và tổ chức thành 2 Luật sư đoàn riêng biệt ở Sài Gòn và Hà Nội, thực sự chấm dứt chế độ luật sư công chức, trở thành hội đoàn độc lập, có tư cách pháp nhân… Theo sự duy trì tổ chức hành nghề luật sư cũ vào năm 1930 thì chế độ luật sư “công chức” phải đóng tiền thế chân, do viên chức Chính phủ bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm, bị kiểm soát chặt chẽ về mặt kỷ luật bởi Nhà nước (giám đốc Sở Tư pháp) đã bị bãi bỏ, thay vào đó cho phép thù lao luật sư theo thỏa thuận; luật sư đoàn là hội đoàn độc lập, có tư cách pháp nhân, có tài sản riêng.
2.2. Trong hoàn cảnh chính quyền cách mạng non trẻ mới thành lập, phải chống chọi với thù trong giặc ngoài, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác, nhưng chỉ sau 01 tháng 8 ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945, trong đó tạm thời cho duy trì các tổ chức đoàn thể luật sư theo Sắc lệnh ngày 25/5/1930 nói trên, với những sửa đổi tiêu chuẩn theo hướng: Muốn được liệt danh vào bảng luật sư tại Tòa thượng thẩm Hà Nội hay Sài Gòn phải có đủ những điều kiện sau đây: “1. Có quốc tịch Việt Nam, bất luận nam nữ; 2. Có bằng cử nhân luật; 3. Đã làm luật sư tập sự trong ba năm (kể từ ngày tuyên thệ) ở một Văn phòng luật sư thực thụ trong nước Việt Nam. Những người đã làm luật sư tập sự ở Pháp có thể xin tính thời hạn tập sự ở Pháp nhưng chỉ được trừ nhiều nhất là 12 tháng; 4. Có hạnh kiểm tốt; và 5. Được bằng chứng rằng đã hết hạn tập sự và đủ tư cách làm luật sư thực thụ”.
Có thể nói rằng, Sắc lệnh số 46/SL được ban hành thể hiện nhãn quan và bản lĩnh cực kỳ sắc bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc quán triệt chủ nghĩa Mác - Lênin về tính kế thừa cách mạng, trong đó có sự vận dụng mang tính sách lược các quy định pháp luật cũ, miễn là nội dung không trái với nguyên tắc độc lập và chính thể dân chủ cộng hòa. Chính sự vận dụng tài tình nguyên lý này nên cũng trong ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngay một Sắc lệnh số 47/SL về việc cho phép áp dụng tạm thời các quy định pháp luật cũ theo nguyên tắc nêu trên.
Trong khi đó, giới luật gia, luật sư trong thời kỳ này cũng còn đang tranh luận về sự tiếp thu các tư tưởng pháp lý tiến bộ đó trên khía cạnh “lý luận pháp lý tự nhiên (Droit nature)
[19], nhất là cuộc tranh luận về “tư pháp độc lập”. Thậm chí, đã có hẳn một cuộc tranh luận trong nội bộ Bộ Tư pháp về vấn đề nên hay không nên xóa bỏ chế độ luật sư của Pháp để lại và thay thế bằng chế độ bào chữa viên nhân dân? Theo ghi chép của những người đương thời, cuộc đấu tranh về tư tưởng “giữ hay không giữ Đoàn Luật sư” gay cấn đến mức độ chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tầm nhìn chiến lược và nhãn quan sắc bén, tinh tường, đã đi đến quyết định vẫn giữ lại tổ chức luật sư
[20]. Điều này chứng minh tư tưởng Hồ Chí Minh đã phát triển biện chứng ở chỗ Người
luôn phân biệt một cách rành mạch giữa thứ “khai hóa pháp lý” mang tính nô dịch của chế định luật sư thời Pháp thuộc, với việc kế thừa các giá trị tư tưởng văn minh pháp lý của nhân loại.
2.3. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta ngay từ khi thành lập chính quyền cách mạng dân chủ nhân dân đã quan tâm điển chế hóa chế định luật sư thành chế định của Hiến pháp. Bởi lẽ, cùng với quan niệm coi “
dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”
[21], luật sư với vai trò là người bảo vệ, giúp đỡ về mặt pháp lý cho người dân, đang thực hiện sứ mệnh thiêng liêng nhằm thực hiện một trong những quyền cơ bản của công dân là quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa cho mình. Suy rộng ra, nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng ta về vai trò của luật sư trong phát triển dân chủ và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, chính là nói đến vấn đề quyền con người được bảo đảm bằng pháp luật. Không thể nói đến dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nếu không đề cập đến một trong những chủ thể quan trọng, đóng vai trò quan trọng trong thể chế xã hội và pháp lý - đó là đội ngũ luật sư.
Thật vậy, xuất phát từ quan niệm: “
Nghĩ cho cùng vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề ở đời, và làm người”,
[22] Chủ tịch Hồ Chí Minh là người “khởi xướng nền chính trị và pháp quyền vì con người, cho con người và của con người”.
[23] Để thực hiện cho được tư tưởng nhân quyền bao la đó, Người đã cùng Đảng ta chỉ đạo việc xây dựng Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Đông Nam Á - chứa đựng những tinh hoa cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối lãnh đạo cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân của Đảng ta. Điều 67 của Hiến pháp năm 1946 quy định: “
Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư”. Sau này, Điều 101 Hiến pháp 1959 cũng khẳng định nguyên tắc: “
Quyền bào chữa của người bị cáo được bảo đảm”.
Đây là một trong những quyền tự do cơ bản của công dân và từ đây, chế định luật sư đã trở thành chế định Hiến pháp - làm nền tảng cho toàn bộ hoạt động của luật sư trong chế độ XHCN. Xét về phương diện lịch sử, điểm nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh là từ sự tiếp nhận có chọn lọc chế định luật sư dưới thời Pháp thuộc, tạm thời duy trì các yếu tố tích cực của chế định này, tiến tới khẳng định nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo trong Hiến pháp. Chế định luật sư từ nay đã có được sự đảm bảo bởi đạo luật cơ bản của nước nhà và vai trò của luật sư trong cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cũng đã được khẳng định.
2.4. Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vai trò của luật sư trong thời kỳ mới giành chính quyền thể hiện thông qua việc chỉ đạo Bộ Tư pháp của Chính phủ liên hiệp lâm thời tiến hành tuyển lựa số thẩm phán đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong số này có cả các luật sư cũ “tương đối sạch sẽ, không phạm tội ác gì lớn đối với nhân dân” và do Hội đồng tuyển chọn có cả Trưởng đoàn luật sư Hà Nội lúc bấy giờ là ông Nguyễn Huy Mẫn tham gia.
[24] Không những vậy, luật sư Nguyễn Văn Hưởng còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy và bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp và là một trong những người đầu tiên được Bác Hồ cấp giấy chứng minh “để liên lạc với các cơ quan hành chính, quân sự được dễ dàng”.
[25] Nhiều luật gia, luật sư tên tuổi khác như các ông Vũ Đình Hoè (Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Trần Công Tường, Phan Anh, Vũ Văn Hiền cũng thường xuyên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tham khảo ý kiến về các công việc quốc gia đại sự, về “
mặt pháp lý của cuộc đấu tranh”, trong đó liên quan đến mặt trận đàm phán ngoại giao khi ký kết Hiệp định sơ bộ 06/3/1946
…[26] Có thể nói, xung quanh Chính phủ liên hiệp lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn có vai trò đóng góp to lớn của đội ngũ luật gia, luật sư tên tuổi thời bấy giờ và đến lượt mình, các giá trị tư tưởng về pháp lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên, góp phần giải quyết các mắc mứu, bất đồng nảy sinh trong quá trình hoạt động tư pháp, nhất là liên quan đến cuộc tranh luận về vấn đề “tư pháp độc lập”.
Ở đây, cũng cần nói thêm về tư tưởng Hồ Chí Minh khi nói đến vai trò của luật sư trong cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc, bất kể luật sư đó có phải là đảng viên cộng sản hay không. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Huyên, là Bộ trưởng giáo dục khi ở chiến khu Việt Bắc có làm đơn gửi Bác Hồ xin thôi chức Bộ trưởng giáo dục “để đi làm luật sư” với lý do ông không phải là đảng viên nên có thể khó khăn trong công tác chỉ đạo ngành. Theo hồi tưởng của ông Nguyễn Sĩ Tỳ - Viện trưởng Viện khoa học giáo dục thì “Bác Hồ đã gặp ông (Huyên) giải thích và khuyên ông cứ giữ chức Bộ trưởng giáo dục. Đồng thời Bác cũng gọi một số đảng viên lãnh đạo giáo dục đến gặp Bác và Bác nhắc nhở về một bài học vỡ lòng của C.Mác: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”; đảng viên chỉ là số ít, người ngoài Đảng thì hàng triệu, hàng chục triệu người, đoàn kết với nhau mới đưa đến thắng lợi của cách mạng”
[27]. Bác cũng khẳng định rõ: “Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật”.
[28]
2.5. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã đặt ra những thách thức “ngàn cân treo sợi tóc” với chính quyền cách mạng còn non trẻ. Cùng với đường lối của Đảng lao động Việt Nam qua Chính cương 1951 là “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, một trong những vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta quan tâm là làm thế nào bảo đảm được các quyền và tự do, dân chủ của Nhân dân trong điều kiện chiến tranh? Chế định luật sư trong thời chiến sẽ được thực hiện như thế nào?
Ngày 18/6/1949, trong điều kiện cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn hết sức quyết liệt, giữa bộn bề công việc của chính quyền cách mạng, trong khi tổ chức hành nghề luật sư như quy định trước đây chưa có điều kiện thực tế để hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 69/SL, quy định “từ nay đến khi nào có thể lệ khác, trước các Tòa án thường và Tòa án đặc biệt xử việc tiểu hình và đại hình, trừ tòa án binh tại mặt trận,
bị can có thể nhờ một công dân không phải là luật sư, bào chữa cho. Công dân do bị can đã tự chọn để bênh vực mình phải được ông Chánh án thừa nhận. Nếu bị can không có ai bênh vực, ông Chánh án có thể, tự mình hay theo lời yêu cầu của bị can, cử một người ra bào chữa cho bị can
”. Điểm đặc biệt của chế định này là: a)
Bị can có quyền nhờ người bào chữa trước Tòa án; b)
Người bào chữa cho bị can có thể không nhất thiết phải là luật sư; c)
Người bào chữa này không được nhận tiền thù lao của bị can hay của thân nhân bị can. Từ Sắc lệnh số 69/SL nói trên, Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị định số 01/NĐ-VY ngày 12/01/1950
[29] quy định chi tiết chế độ bào chữa viên nhân dân. Khi thiết lập chế độ bào chữa viên nhân dân, do quy định người đứng ra bênh vực không được nhận tiền thù lao của bị can hay của thân nhân bị can, nên được hướng dẫn chi tiết trong Nghị định số 885-HCTP ngày 4/6/1956 của Liên bộ Tài chính - Tư pháp (sau này Nghị định số 99-HCTP ngày 28/8/1957 của Liên bộ Tài chính - Nội vụ - Tư pháp sửa đổi).
Có thể nói, đây là thời điểm hình thành nên chế định
bào chữa viên nhân dân đầu tiên ở nước ta và nó còn kéo dài rất lâu sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng. Chế định bào chữa viên nhân dân là một chế định đặc thù của một giai đoạn lịch sử cách mạng của nước ta, không giống với bất kỳ một chế định tương tự nào của các nước trên thế giới. Bộ Tư pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa theo chỉ đạo của Bác Hồ đã tự “kiểm điểm” là “chúng ta chưa nhận thấy một cách sâu sắc tầm quan trọng của quyền tự do bào chữa trong chế độ dân chủ nhân dân của ta nói chung và trong nền tư pháp dân chủ nhân dân của ta nói riêng…, ý thức tôn trọng pháp luật của Nhà nước của chúng ta còn thiếu sót nhiều”. Từ đó, Bộ Tư pháp khẳng định dưới chế độ dân chủ nhân dân,
quyền bào chữa là một quyền tự do dân chủ trọng yếu trong các quyền tự do dân chủ của người công dân. Như Đại hội luật gia dân chủ quốc tế họp năm 1956 đã từng nhận định, quyền tự do bào chữa là “thành trì cần thiết cho các quyền tự do khác”, xâm phạm đến quyền tự do bào chữa thì không thể nào thực hiện được các quyền tự do dân chủ khác, mặc nhiên thủ tiêu các quyền tự do đó.
[30]
Tuy nhiên, sau khi giành chính quyền, đất nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp, mặc dù đã duy trì về mặt pháp lý tổ chức luật sư, nhưng thực tế hoạt động gặp rất nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến tình trạng bị can chưa được sử dụng đầy đủ quyền chọn người bào chữa của mình, chưa có một “danh sách những người bào chữa” mà mình có thể lựa chọn. Hơn nữa, việc tổ chức phiên tòa và xét xử trong điều kiện thời chiến là cực kỳ khó khăn, “có khi phải xử án ngay trong lòng địch bằng những hình thức phiên tòa lưu động, lanh lẹ, những thủ tục đơn giản thích hợp”.
[31]
Khi đánh giá về đóng góp của cán bộ tư pháp nói chung và giới luật sư nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những trở ngại đó và quyết tâm khắc phục: “Công việc tư pháp cũng như mọi công việc khác càng làm ta càng tiến bộ, nhưng càng tiến bộ ta càng thấy rõ những sự trở ngại và những cố gắng để giải quyết hoặc khắc phục những trở ngại và những khuyết điểm nó còn sót lại. Và ta phải càng cố gắng để giải quyết hoặc khắc phục những trở ngại và khuyết điểm ấy”
[32]. Một trong những biện pháp giải quyết và khắc phục tình trạng chưa tôn trọng và bảo đảm quyền tự do bào chữa của bị can
chính là việc thiết lập chế định bào chữa viên nhân dân, tạo điều kiện cho bị can có thể nhờ người bào chữa một cách rộng rãi, thiết thực, đơn giản về thủ tục và đặc biệt là không phải trả tiền thù lao cho người bào chữa.
Bối cảnh thực tế đó là nguyên nhân khách quan dẫn đến việc Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định “biện pháp tình thế” là cho phép những người không phải là luật sư, nhưng do bị can lựa chọn hoặc Chánh án chỉ định được quyền bào chữa trước Tòa án. Từ đây, có thể đi đến kết luận rằng, chế định bào chữa viên nhân dân hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã kịp thời phát huy tác dụng tích cực của nó trong việc tham gia và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trước Tòa án và đó là
nét đặc sắc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nghề nghiệp luật sư trên thế giới.
3. Phát huy các giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm nâng cao vị thế, vai trò của đội ngũ luật sư góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện chức năng xã hội cao quý của nghề luật sư
3.1. Quyền bào chữa và nhờ luật sư, người khác bào chữa là quyền con người, là một trong những quyền tự do cơ bản của công dân, từ nhận thức và chiều sâu trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho sự phát triển nghề luật sư cách mạng ở Việt Nam, chuyển hóa thành nguyên tắc cơ bản được quy định trong Hiến pháp. Đảng ta từ sau Đại hội lần thứ VI cho đến nay kiên trì lập trường tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị, cải cách bộ máy Nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, đồng thời đề ra chủ trương cải cách tư pháp thể hiện trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020. Không những thế, Đảng ta còn khẳng định và đề cao các nguyên tắc về tôn trọng và bảo vệ quyền con người, nguyên tắc bình đẳng, công bằng, công khai, minh bạch trong xây dựng và thực hiện pháp luật, đồng nghĩa với việc khẳng định vị trí, vai trò của đội ngũ luật sư trong việc bảo vệ công lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức. Cùng với yêu cầu cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng và hoạt động của các cơ quan tư pháp, cần khẳng định vị trí, vai trò của luật sư trong tiến trình này chính là đòi hỏi tự thân của nền công lý và dân chủ XHCN ở nước ta hiện nay.
3.2. Mục tiêu của nền tư pháp là đảm bảo sự công bằng, dân chủ, nghiêm minh -
một nền tư pháp phục vụ Nhân dân, mang đậm tính Nhân dân, nên cần tiếp thu nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý, đổi mới phương thức quản lý Nhà nước đối với các hoạt động luật sư, kết hợp quản lý Nhà nước với sự tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư. Trong định hướng đổi mới quản lý Nhà nước về hoạt động luật sư, Bộ Tư pháp đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ quan giúp cho Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước đối với hoạt động này, làm cho tổ chức và hoạt động luật sư có được vị trí đích thực trong hoạt động tư pháp, phục vụ cho mục tiêu chung của toàn bộ hệ thống tư pháp.
Nói tới đổi mới quản lý Nhà nước đối với hoạt động luật sư cũng có nghĩa là tạo những điều kiện thuận lợi về các mặt định hướng, quản lý và tổ chức, cơ chế quản lý, thủ tục tố tụng và giải quyết các khiếu nại, tố cáo; đồng thời nâng cao hiệu quả của công tác giám sát của hệ thống các cơ quan quyền lực, các tổ chức xã hội và nhân dân đối với hoạt động luật sư. Trên tinh thần đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về luật sư, tăng cường khả năng cho người dân tiếp cận với công lý, xác định rõ phạm vi nội dung quản lý Nhà nước bảo đảm không làm thay công việc của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động hành nghề luật sư. Đồng thời phải bảo đảm các thiết chế và thủ tục quản lý phải theo hướng giảm bớt sự rườm rà, nhiều tầng nấc quan liêu, làm bất lợi cho vai trò tự quản và hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư.
3.3. Đời sống tư pháp của đất nước và chủ trương cải cách tư pháp của Đảng đang đơm hoa kết trái với nhiều điểm sáng tích cực, nhưng cũng bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, phát sinh dư luận trái chiều từ thực tiễn xét xử một số vụ trọng án hình sự. Về mặt nhận thức, rõ ràng hoạt động tư pháp có ảnh hưởng rất lớn và có tác động trực tiếp đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong một chừng mực nhất định, còn ảnh hưởng đến “hòa khí” phát triển của đất nước. Do đó, việc tuân thủ và đảm bảo thực thi trên thực tế các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, trong đó có nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo, phán quyết của Tòa án phải xuất phát từ kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thời điểm hiện nay.
3.4. Nhấn mạnh đến yếu tố con người trên tinh thần “vấn đề tư pháp là vấn đề ở đời và làm người” như lời Bác Hồ căn dặn cần được nhận diện và quan tâm, coi đây là yếu tố quyết định trong thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Do đó, trên cơ sở tổng kết thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, cần quan tâm theo hướng xác định và nâng tầm tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề luật sư, cơ chế đào tạo, quản lý và cấp chứng chỉ hành nghề luật sư; xây dựng Liên đoàn Luật sư trở thành ngôi nhà chung của đội ngũ luật sư Việt Nam, tăng cường đáng kể quyền hạn và trách nhiệm của Đoàn Luật sư nhằm quản lý hoạt động nghề nghiệp của các luật sư. Việc khẳng định địa vị pháp lý của luật sư với tư cách là chủ thể tư pháp độc lập, nâng tầm cao mới của luật sư nhằm thực hiện chức năng cơ bản trong tố tụng hình sự có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chức năng xã hội cao quý của luật sư, góp phần bảo vệ công lý, tham gia quá trình phát triển kinh tế, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, xây dựng một nền tư pháp mang đậm tính nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chỉ lối dẫn đường./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam,
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr. 20.
[2] Đại Việt sử ký toàn thư (dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 263.
[3] Việt sử thông giám cương mục,
Quốc sử quán triều Nguyễn, Tập X, Tổ biên dịch Ban nghiên cứu văn sử địa biên dịch và chú giải, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1959, tr. 75/1023.
[4] Đào Duy Anh,
Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb. Bốn phương, Sài gòn, 1951, tr. 154.
[5] Đại Việt sử ký toàn thư, Tlđd, tr. 271, 273.
[6] Lê triều hình luật (Luật Hồng Đức), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998, tr. 359
[7] Lê Triều Hình luật, Tlđd, tr. 343 - 373.
[8] Hồ Chí Minh,
Bàn về Nhà nước và pháp luật, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.70.
[9] Hồ Chí Minh,
Bàn về Nhà nước và pháp luật, Tlđd, tr. 19.
[10] Hồ Chí Minh,
Bàn về Nhà nước và pháp luật, Tlđd, tr. 161.
[11] Hồ Chí Minh,
Bàn về Nhà nước và pháp luật, Tlđd, tr. 41. Cũng xem:
Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 278.
[12] Hồ Chí Minh,
Bàn về Nhà nước và pháp luật, Tlđd, tr. 208.
[13] Hồ Chí Minh,
Bàn về Nhà nước và pháp luật, Tlđd, tr. 22.
[14] Hồ Chí Minh,
Bàn về Nhà nước và pháp luật, Tlđd, tr. 69.
[15] Hồ Chí Minh,
Bàn về Nhà nước và pháp luật, Tlđd, tr. 69-70.
[16] Hồ Chí Minh,
Bàn về Nhà nước và pháp luật, Tlđd, tr. 236, 238.
[17] Nguyễn Việt Hồng,
Vụ án Hồng Kông 1931, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 1996.
[18] Phan Đăng Thanh,
Các bước hình thành và phát triển của nghề luật sư bào chữa ở Việt Nam (1864-1996), Đề tài tiểu luận kiểm tra công nhận luật sư thực thụ, tháng 5/1996, tr. 8.
[19] Vũ Đình Hoè,
Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, Nxb. Văn hóa thông tin và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2001, tr. 217.
[20] Vũ Đình Hoè,
Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, Tlđd, tr. 228-229.
[21] Hồ Chí Minh,
Toàn tập, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1987, Tập 7, tr. 548.
[22] Hồ Chí Minh,
Nhà nước và pháp luật, Nxb. Pháp lý, Hà Nội, 1985, tr. 87.
[23] Nguyễn Khắc Mai,
100 câu nói về dân chủ của Hồ Chí Minh, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 72.
[24] Vũ Đình Hoè,
Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, Tlđd, tr. 53.
[25] Nội san Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Xuân Nhâm Ngọ, 2002, tr. 7.
[26] Vũ Đình Hoè,
Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, Tlđd, tr. 90.
[27] Vũ Đình Hoè,
Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, Tlđd, tr.239.
[28] Hồ Chí Minh,
Bàn về Nhà nước và pháp luật, Tlđd, tr. 538.
[29] Số chuyên đề về Pháp lệnh luật sư năm 2001, Tlđd, tr.183.
[30] Công báo nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Số 34, 1956, tr.328.
[31] Vũ Đình Hòe,
Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh,Tlđd, tr. 214.
[32] Hồ Chí Minh,
Bàn về Nhà nước và pháp luật, Tlđd, tr. 475.
* Ủy viên Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC).