Mức phạt tiền trong mối quan hệ giữa pháp luật hành chính và pháp luật hình sự

19/03/2020
Luật xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) được Quốc hội khóa XIII (kỳ họp thứ ba) thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014 . Trong đó, Luật XLVPHC quy định phạt tiền là hình thức xử phạt chính và “Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật ngày” . Trong khi đó, khác với Luật XLVPHC, hình phạt tiền theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung (khi không áp dụng là hình phạt chính). Bài viết tập trung phân tích, làm rõ quy định của pháp luật hành chính và pháp luật hình sự về phạt tiền và mức phạt tiền, đồng thời chỉ ra mối liên hệ cũng như sự khác nhau trong quy định của pháp luật hình sự và pháp luật hành chính về mức phạt tiền, qua đó, khẳng định rằng không nhất thiết trong mọi trường hợp mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính phải dưới mức tối thiểu của khung hình phạt tiền là hình phạt chính đối với hành vi vi phạm hình sự tương ứng.
1. Quy định của pháp luật hành chính và pháp luật hình sự về phạt tiền và mức phạt tiền
1.1. Theo quy định của Luật XLVPHC, phạt tiền chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính[1]. Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật này[2].
Khoản 3 Điều 24 Luật XLVPHC quy định: “Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực thuế; đo lường; sở hữu trí tuệ; an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chứng khoán, hạn chế cạnh tranh theo quy định tại các luật tương ứng”. Theo đó có thể kể đến một số lĩnh vực như thuế, chứng khoán, cạnh tranh có mức phạt tiền tối đa được quy định tại các luật tương ứng như sau:
(1) Luật Quản lý thuế năm 2019[3] quy định hình thức xử phạt tiền là hình thức xử phạt chính trong xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế[4]. Đồng thời, quy định cụ thể các mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế[5]:   - Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế[6] thực hiện theo quy định của pháp luật về XLVPHC. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thuế đối với cá nhân là 100.000.000 đồng[7].
          - Phạt 10% tính trên số tiền thuế khai thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế khai tăng trong trường hợp được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 142[8] của Luật Quản lý thuế.
          - Phạt 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế khai tăng trong trường hợp được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế đối với hành vi quy định tại khoản 1 và các điểm b, c khoản 2 Điều 142[9] Luật Quản lý thuế.
          - Phạt từ 01 lần đến 03 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế[10].
                (2) Luật Cạnh tranh năm 2018[11] đã quy định cụ thể các mức phạt tiền tối đa khác nhau đối với các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh[12], cụ thể như sau:
- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm, nhưng thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất đối với các hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật hình sự.
- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 05% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm.
- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2.000.000.000 đồng.
- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi khác vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018 là 200.000.000 đồng.
Luật Cạnh tranh năm 2018 cũng quy định, mức phạt tiền tối đa quy định tại các nội dung nêu trên là mức áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức; đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức. Đồng thời, Luật Cạnh tranh năm 2018 giao Chính phủ quy định chi tiết mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định của Luật này.
(3) Luật Chứng khoán năm 2019[13] quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán[14] như sau:
- Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 12[15] của Luật này là 10 lần khoản thu trái pháp luật có được từ hành vi vi phạm. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 4 Điều này[16] thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 4 Điều này. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp tính khoản thu trái pháp luật có được từ việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
   - Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 03 tỷ đồng.
Luật Chứng khoán năm 2019 quy định mức phạt tiền tối đa nêu trên được áp dụng đối với tổ chức; cá nhân thực hiện cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.
1.2. Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), phạt tiền là một trong 07 hình phạt chính được áp dụng đối với người phạm tội (các hình phạt chính khác là cảnh cáo; cải tạo không giam giữ; trục xuất; tù có thời hạn; tù chung thân; tử hình)[17] và là một trong 3 hình phạt chính được áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội (các hình phạt chính khác là đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn)[18]. Phạt tiền cũng được áp dụng là hình phạt bổ sung, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Phạt tiền theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 được quy định như sau[19]:
          “1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây:
a) Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định.
b) Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
2. Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
3. Mức phạt tiền được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng.
4. Hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 77 của Bộ luật này”.
Theo quy định tại Điều 77 Bộ luật hình sự năm 2015, phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Mức phạt tiền được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.
2. Một số nhận xét và quan điểm về mức phạt tiền trong quy định của pháp luật hành chính và pháp luật hình sự
2.1. Một số nhận xét  về mức phạt tiền trong quy định của pháp luật hành chính và pháp luật hình sự
Qua tìm hiểu, nghiên cứu về mức phạt tiền trong quy định của pháp luật hành chính và pháp luật hình sự, chúng tôi có một số nhận xét sau đây:
Thứ nhất, mức phạt tiền tối đa của hành chính hiện cao hơn mức phạt tiền tối thiểu của một số tội phạm hình sự hay nói cách khác, mức phạt tiền tối thiểu của một số tội phạm hình sự thấp hơn mức phạt tiền tối đa của hành chính, có thể kể đến một số lĩnh vực sau đây:
- Đối với lĩnh vực thuế: Điều 138 Luật quản lý thuế năm 2019 quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi trốn thuế là phạt từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế. Trong khi đó, Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định mức phạt tiền tối thiểu đối với hành vi trốn thuế là 100 triệu đồng.          Như vậy, với quy định này của Bộ luật hình sự thì mức phạt tiền cao nhất của xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn thuế nhiều khả năng sẽ cao hơn mức phạt tiền tối thiểu quy định tại Bộ luật hình sự.
          - Đối với lĩnh vực chứng khoán: Điều 132 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm quy định của Luật chứng khoán (đồng thời cũng quy định là tội phạm hình sự tại Bộ luật hình sự năm 2015 như hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 210) hoặc thao túng thị trường chứng khoán (Điều 211)) là 10 lần khoản thu trái pháp luật có được từ hành vi vi phạm. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 210 và Điều 211 Bộ luật hình sự thì mức phạt tiền tối thiểu là 500 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán và hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
- Đối với lĩnh vực quảng cáo: Khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo[20] quy định mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa đối với hành vi quảng cáo gian dối là 70 triệu đồng. Trong khi đó, Điều 197 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định mức phạt tiền tổi thiểu đối với hành vi quảng cáo gian dối là 10 triệu đồng.
- Đối với lĩnh vực bảo vệ rừng: Điều 13 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi khai thác trái phép rừng sản xuất là 200 triệu đồng. Trong khi đó, Điều 232 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản quy định mức phạt tiền tối thiểu đối với hành vi khai thác trái phép rừng sản xuất là 50 triệu đồng.
Thứ hai, trong một số trường hợp khác thì pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính phải thấp hơn mức phạt tiền tối thiểu là hình phạt chính đối với hành vi vi phạm hình sự như quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018, theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm, nhưng thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất đối với các hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật hình sự[21].
2.2. Quan điểm về mức phạt tiền trong quy định của pháp luật hành chính và pháp luật hình sự
Từ những quy định nêu trên của pháp luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật hình sự liên quan đến phạt tiền là hình thức xử phạt vi phạm hành chính và là hình phạt của Bộ luật hình sự dẫn tới có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, mức tối thiểu của hình phạt tiền quy định tại Bộ luật hình sự phải cao hơn mức phạt tiền tối đa của pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi tương ứng, bởi hành vi được xem là tội phạm hình sự có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn so với hành vi tương ứng vi phạm pháp luật hành chính. Chính vì thế, chế tài hình sự bao giờ cũng phải nghiêm khắc hơn chế tài hành chính.
Quan điểm thứ hai cho rằng, dù tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được xem là tội phạm hình sự cao hơn so với hành vi tương ứng vi phạm pháp luật hành chính, nhưng không nhất thiết trong mọi trường hợp mức phạt tiền tối thiểu quy định tại Bộ luật hình sự phải cao hơn mức phạt tiền tối đa của xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tương ứng.
Chúng tôi cho rằng, cả hai quan điểm trên đều có nhân tố hợp lý nhất định, tuy nhiên, nếu xem xét vấn đề này một cách toàn diện cả về mặt lý luận và thực tiễn, thì quan điểm thứ hai có phần phù hợp hơn, bởi một số lý do sau đây:
Thứ nhất, nếu xét về tính nghiêm khắc của hình phạt tiền quy định tại Bộ luật hình sự thì có thể thấy, tính nghiêm khắc của việc xử phạt hình sự không chỉ thể hiện thuần túy ở chế tài xử phạt mà còn ở các khía cạnh khác liên quan đến quy trình tố tụng hình sự và đặc biệt là hậu quả pháp lý mà người bị kết án phải gánh chịu - đó là án tích, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật hình sự không bị coi là có án tích/được coi là không có án tích[22]. Người bị áp dụng hình phạt tiền (chế tài hình sự) phải trải qua một quy trình tố tụng hình sự hết sức chặt chẽ (từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử) và có thể bị áp dụng một số biện pháp ngăn chặn phục vụ quá trình tố tụng (giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh). Bên cạnh đó, người bị kết án phạt tiền phải gánh chịu hậu quả pháp lý nữa đó là án tích. Người có án tích sẽ phải chịu nhiều hạn chế về quyền lợi, đặc biệt là bị lập lý lịch tư pháp[23], lưu giữ thông tin trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và còn bị coi là một trong những dấu hiệu cấu thành cơ bản của một số tội danh trong Bộ luật hình sự.
Thứ hai, nếu xét về tính phổ biến khi áp dụng mức phạt tiền trên thực tế, thì mức phạt tiền tối đa của pháp luật xử lý vi phạm hành chính không phải áp dụng đối với mọi trường hợp vi phạm hành chính mà thường chỉ áp dụng trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng có nhiều tình tiết tăng nặng. Do đó, việc đồng loạt lấy mức phạt tiền tối đa của xử phạt vi phạm hành chính đối với từng loại vi phạm để làm căn  cứ quy định mức tối thiểu của hình phạt tiền áp dụng cho mọi trường hợp phạm tội đơn giản liên quan đến từng loại vi phạm đó (khung cơ bản) của Bộ luật hình sự là không phù hợp với thực tế.
Thứ ba, nếu xét về tính khả thi của việc áp dụng hình phạt tiền trong Bộ luật hình sự, thì có thể thấy rằng, nếu lấy mức phạt tiền tối đa của xử phạt vi phạm hành chính làm mức khởi điểm phạt tiền quy định tại Bộ luật hình sự thì sẽ dẫn đến tình trạng quy định mức phạt tiền đối với các tội phạm quá cao. Điều này nhiều khả năng dẫn tới việc bản án, quyết định của Tòa án khó được thi hành, gây ra tình trạng tồn đọng án.
Do vậy, không nhất thiết mọi trường hợp mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính được quy định trong các văn bản quy định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực phải bằng hoặc thấp hơn mức khởi điểm phạt tiền trong luật hình sự./.
Ths. Nguyễn Thị Minh Phương, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật và Ths. Lê Thị Vân Anh, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính.
 

[1] Xem: Điều 21 Luật XLVPHC.
[2] Xem: Khoản 1 Điều 23 Luật XLVPHC.
[3] Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, trừ quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2022; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này trước ngày 01/7/2022 (Khoản 1, 2 Điều 151 Luật Quản lý thuế năm 2019).
[4] Xem: Khoản 1 Điều 138 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[5] Xem: Khoản 2 Điều 138 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[6] Xem: Điều 141 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[7] Xem: Điểm đ khoản 1 Điều 24 Luật XLVPHC.
[8] Điểm a khoản 2 Điều 142 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định: “Người nộp thuế tự phát hiện và khai bổ sung sau thời điểm cơ quan hải quan thông báo việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan đối với hàng hoá đang  làm thủ tục hải quan hoặc sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra đối với hàng hoá đã được thông quan”.
[9] - Khoản 1 Điều 142 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định:
“1. Hành vi khai sai dẫn đến thiếu só tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn bao gồm:
a) Khai sai căn cứ tính thuế hoặc số tiền thuế được khấu trừ hoặc xác định sai trường hợp được miễn, giảm, hoàn thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng các nghiệp vụ kinh tế đã được phản ánh đầy đủ trên hệ thống sổ kế toán, trên các hoá đơn, chứng từ hợp pháp;
b) Người nộp thuế đã lập hồ sơ xác định giá thị trường hoặc đã lập tờ khai giao dịch liên kết nhưng cơ quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền khi thanh tra, kiểm tra kết luận số liệu thanh tra, kiểm tra khác với số liệu đã khai của người nộp thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn;
c) Sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hoá đơn để hạch toán giá trị hàng hoá, dich vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng người mua hàng hoá, dịch vụ sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp pháp chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hoá đơn không hợp pháp thuộc về bên bán hàng”.
- Điểm b,c khoản 2 Điều 142 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định:
“b) Cơ quan hải quan phát hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan; phát hiện khi thanh tra đối với hàng hoá đã thông quan, kiểm tra sau thông quan và cá nhân, tổ chức vi phạm đã tự nguyện khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp.
c) Trường hợp không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này và cá nhân, tổ chức vi phạm đã tự nguyện khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp”.
[10] Xem: Điều 143 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[11] Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019 ( Điều 117).
[12] Xem: Điều 111 Luật Cạnh tranh năm 2018.
[13] Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 (Điều 134).
[14] Xem: Điều 132 Luật Chứng khoán năm 2019.
[15] Khoản 2, Khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định:
“2. Sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ.
3. Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.”
[16] Khoản 4 Điều 132 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định:Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 03 tỷ đồng.
[17] Xem: Điều 32 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[18] Xem: Điều 33 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[19] Xem: Điều 35 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[20] Được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017.
[21] Xem: Khoản 1 Điều 111 Luật Cạnh tranh năm 2018.
[22] Theo quy định tại Khoản 1 Điều 69 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“1. Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;
c) Người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương này”.
[23] Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật lý lịch tư pháp năm 2009,  lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.