Áp dụng biện pháp XLHC đối với người dưới 18 tuổi trong mối quan hệ với quy định của BLHS năm 2015

06/03/2020
Luật xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 . Theo quy định của Luật XLVPHC, tùy theo dấu hiệu của hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi (Người chưa thành niên) mà họ sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng. Bài viết tập trung phân tích các quy định của Luật XLVPHC về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm trong mối tương quan, so sánh với quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS) (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), đồng thời, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật XLVPHC với quy định của BLHS.
1. Quy định của Luật XLVPHC về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm
Theo quy định của Luật XLVPHC[1], người chưa thành niên nếu có hành vi vi phạm pháp luật (tùy theo từng điều kiện cụ thể) sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, giáo dục tại trường giáo dưỡng “ Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong quá trình xem xét xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn”[2].
1.1. Người chưa thành niên sẽ bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn[3] khi thuộc một trong ba trường hợp sau đây[4]:
(1) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.
(2) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.
(3) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người chưa thành niên thuộc các trường hợp nêu trên mà không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đủ các điều kiện: (i) Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình; (ii) Có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này; (iii) Cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình thì sẽ được áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình[5].
1.2. Người chưa thành niên sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng[6] nếu thuộc một trong bốn trường hợp sau đây[7]:
(1) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.
(2) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật hình sự.
(3) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
(4) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
          2. Quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
          Điều 12 BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
          1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.
BLHS xác định 02 độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự: (i) Từ đủ 16 tuổi trở lên; (ii) từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Theo khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chịu trách nhiệm hình sự ở phạm vi hẹp. Theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhưng giới hạn trong 28 tội danh, tập trung vào 04/14 nhóm tội, bao gồm:
(1) - 08 tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người:
(i) Điều 123. Tội giết người.
(ii) Điều 134. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ.
(iii) Điều 141. Tội hiếp dâm.
(iv) Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
(v) Điều 143. Tội cưỡng dâm.
(vi) Điều 144. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
(vii) Điều 150. Tội mua bán người.
(viii) Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi.
(2) – 06 tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm sở hữu:
(i) Điều 168. Tội cướp tài sán.
(ii) Điều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
(iii) Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản.
(iv) Điều 171. Tội cướp giật tài sản.
(v) Điều 173. Tội trộm cắp tài sản.
(vi) Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
(3) – 05 tội danh thuộc nhóm các tội phạm về ma túy:
(i) Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy.
(ii) Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
(iii) Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
(iv) Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy.
(v) Điều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy.
(4) – 09 tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng:
(i) Điều 265. Tội tổ chức đua xe trái phép.
(ii) Điều 266. Tội đua xe trái phép.
(ii) Điều 286. Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.
(iv) Điều 287. Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.
(v) Điều 289. Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.
(vi) Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
(vii) Điều 299. Tội khủng bố.
(viii) Điều 303. Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.
(ix) Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
Cùng với việc quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, BLHS cũng quy định về xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, bao gồm các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự[8] (trong đó có biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn) và biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng:
- Giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của BLHS là một trong các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự. Theo đó, biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự[9] (sau đây gọi là biện pháp giám sát, giáo dục) là các biện pháp được quy định tại Mục 2 Chương XII của BLHS số 100/2015/QH13, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14, bao gồm: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn[10].
Theo quy định tại Điều 95 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đối tượng có thể được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người dưới 18 tuổi (người chưa thành niên) phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91[11] của Bộ luật này;
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91[12] của Bộ luật này.
- Biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng: Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ[13].
3. Nhận xét, đánh giá và một số đề xuất, kiến nghị
Như đã phân tích ở phần trên, BLHS năm 2015 đã có sự điều chỉnh mạnh mẽ về chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi, theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về việc thực hiện 28/314 tội danh được quy định cụ thể tại BLHS và các tội danh mà trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự đều là những tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Những thay đổi mạnh mẽ về chính sách đối với người dưới 18 tuổi của BLHS năm 2015 khẳng định rằng, việc xử lý các vi phạm pháp luật của người dưới 18 tuổi, bao gồm cả những vi phạm mà trước đây người chưa thành niên sẽ bị xử lý hình sự thì sẽ chủ yếu áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và các biện pháp khác để xử lý. Tuy nhiên, nếu đặt các quy định này của BLHS năm 2015 bên cạnh các quy định về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người dưới 18 tuổi của Luật XLVPHC thì có một số vấn đề sau cần tiếp tục được nghiên cứu để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của BLHS và các quy định của Luật XLVPHC cũng như đảm bảo không có khoảng trống pháp luật trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với người dưới 18 tuổi, cụ thể như sau:
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 90 và Điều 92 Luật XLVPHC thì điều kiện áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng sẽ căn cứ vào độ tuổi của người dưới 18 tuổi vi phạm, cụ thể:
- Đối với biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm: (1) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS; (2) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS; (3) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự cộng cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Đối với biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng gồm: (1) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự; (2) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại BLHS; (3) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; (4) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự cộng cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Với các quy định nêu trên của Luật XLVPHC và BLHS thì trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS hoặc thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại BLHS mà không thuộc các tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS thì vừa không bị xử lý hình sự vừa không bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi, các em sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng nếu thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự[14]. Có thể thấy, đưa vào trường giáo dưỡng bản chất là biện pháp nhằm hạn chế tự do của người chưa thành niên. Vì thế, với tinh thần vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên thì đối với trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi cân nhắc không nên áp dụng biện pháp mang tính tước tự do này, bởi việc cách ly các em khỏi cuộc sống cộng đồng quá sớm có thể không mang lại hiệu quả giáo dục phòng ngừa.
Do đó, có thể nghiên cứu, cân nhắc sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 90 và Điều 92 Luật XLVPHC theo hướng sau:
Một là, nghiên cứu, cân nhắc sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 90 của Luật XLVPHC về điều kiện áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo hướng:
“1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật hình sự.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý hoặc một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật hình sự”.
Hai là, nghiên cứu, cân nhắc bỏ quy định tại khoản 1 và sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 92 của Luật XLVPHC về điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo hướng:
“2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại BLHS, trừ những tội phạm quy định tại các điều được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự.
3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý hoặc một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn”.
          Thứ hai, theo quy định tại khoản 3 Điều 90 và khoản 4 Điều 92 của Luật XLVPHC thì  “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” thuộc đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đối tượng này sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng nếu 02 lần trở lên trong 06 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 12 BLHS thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm (khoản 1) và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong 28 điều luật (khoản 2), trong đó có Điều 173 về tội trộm cắp tài sản. Bên cạnh đó, theo quy định của BLHS năm 2015 thì cả 04 tội phạm là tội trộm cắp tài sản (Điều 173), tội lừa đảm chiếm đoạt tài sản (Điều 174), tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318) và tội đánh bạc (Điều 321) đều quy định trường hợp “đã bị xử phạt vi phạm hành chính … mà còn vi phạm” là một trong những dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội phạm này (tình tiết “đã bị xử phạt VPHC mà còn vi phạm” là dấu hiệu cấu thành của tội trộm cắp tài sản (Điều 173), tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 174) phải là đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm” hay tội đánh bạc (Điều 321) phải đã bị xử phạt vi phạm hành chính về chính hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (Điều 322) hay tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318) phải đã bị xử phạt vi phạm hành chính về chính hành vi gây rối trật tự công cộng).
Như vậy, với quy định này của BLHS năm 2015 thì trong cả 04 trường hợp nêu tại khoản 3 Điều 90 và khoản 4 Điều 92 Luật XLVPHC, người từ đủ 16 tuổi trở lên nếu có 02 lần trở lên trong 06 tháng thực hiện các hành vi này, trong đó có một lần đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì đều thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, do BLHS năm 2015 quy định người trong độ tuổi này không phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện 03/04 hành vi quy định tại khoản 3 Điều 90 và khoản 4 Điều 92 Luật XLVPHC, đó là lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi trộm cắp. Vì thế, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu 02 lần trở lên trong 06 tháng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, nếu thuộc trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu 02 lần trở lên trong 06 tháng mà họ thực hiện hành vi lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng thì trong mọi trường hợp đều không có yếu tố “mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” như quy định tại khoản 3 Điều 90 và khoản 4 Điều 92 Luật XLVPHC. Do đó, cần nghiên cứu, sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 90 và khoản 4 Điều 92 theo hướng sau:
Một là, sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 90 Luật XLVPHC theo hướng:
3. “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có hành vi lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng”.
Hai là, sửa đổi quy định tại khoản 4 Điều 92 Luật XLVPHC theo hướng:
4. “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có hành vi lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn”./.
                    Ths. Nguyễn Thị Minh Phương, Cục QLXLVPHC&TDTHPL và Ths. Lê Thị Vân Anh, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính.
 

[1] Xem: Chương 1 Phần thứ năm Luật XLVPHC năm 2012.
[2][2] Xem: Khoản 1 Điều 134 Luật XLVPHC năm 2012.
[3] Theo quy định tại Điều 89 Luật XLVPHC năm 2012:
“1. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 90 của Luật này để giáo dục, quản lý họ tại nơi cư trú trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi cộng đồng.
2. Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 03 tháng đến 06 tháng”.
[4] Xem: Điều 90 Luật XLVPHC năm 2012.
[5] Xem: Điều 140 Luật XLVPHC năm 2012.
[6] Theo quy định tại Điều 91 Luật XLVPHC năm 2012:
1. Đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều 92 của Luật này nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.
2. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng từ 06 tháng đến 24 tháng.
[7] Xem: Điều 92 Luật XLVPHC năm 2012.
[8] Xem: Mục 2 Chương XII Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[9] Xem: Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự.
[10] Xem: Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP ngày 10/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.
[11] Điểm a khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này.
[12] Điểm a khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150,151,168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này.
[13] Xem: Khoản 1 Điều 96 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[14] Xem: Khoản 1 Điều 92 Luật XLVPHC.