1. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật năm 2019
Năm 2019 bên cạnh việc tăng cường, đẩy mạnh những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp, chỉ số B1 của Việt Nam đã có sự cải thiện vượt bậc với kết quả ngoài sự mong đợi của Chính phủ
[1]: Năm 2019, Chỉ số B1 của Việt Nam được nâng lên 17 bậc so với năm 2018
[2], xếp thứ
79/141 quốc gia. Thứ hạng của chỉ số B1 trong năm 2019 được cải thiện cũng đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện thứ hạng trụ cột thể chế của Việt Nam, tăng 5 bậc so với năm 2018 (Năm 2018, trụ cột thể chế của Việt Nam xếp thứ 94/140 quốc gia. Năm 2019 trụ cột thể chế của Việt Nam xếp thứ 89/141 quốc gia). Đồng thời, góp phần cải thiện vị trí xếp thứ hạng về năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF): Năm 2019 năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ
67/141 quốc gia, tăng
10 bậc so với năm 2018
(Năm 2018 năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 77/140 quốc gia), đạt và vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 mà Chính phủ đề ra: Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh - GCI 4.0 (của WEF) tăng 5-10 bậc; trong năm 2019 tăng 3-5 bậc.
Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ nâng xếp hạng chỉ số B1 còn có những tồn tại, hạn chế
[3]:
Thứ nhất, về xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật
- Việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch của nhiều bộ, ngành và địa phương còn chậm so với yêu cầu, một số bộ, ngành và địa phương không ban hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo nội dung hướng dẫn của Bộ Tư pháp;
- Việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng Quý chưa được thực hiện nghiêm túc, còn mang tính hình thức, đối phó, chất lượng báo cáo chưa cao, nội dung báo cáo còn chung chung, thiếu số liệu đánh giá;
- Nguồn lực về kinh phí và biên chế thực hiện công tác nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai công việc.
Thứ hai, về các điều kiện bảo đảm thi hành pháp luật nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật
- Một số Bộ, ngành còn chậm công khai thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia dẫn đến khó khăn cho địa phương trong việc triển khai thực hiện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước vẫn còn rời rạc, thiếu sự đồng bộ và chia sẻ, kết nối liên thông, đặc biệt là việc kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin theo ngành dọc của Bộ, ngành trung ương;
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khai thác, công khai các loại thủ tục hành chính cũng như phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, giữa cơ quan với doanh nghiệp chưa được nhịp nhàng và hiệu quả;
- Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại một số nơi vẫn mang tính hình thức, chưa đạt hiệu quả cao do không bố trí được cán bộ chuyên trách, cán bộ còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn. “Đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chủ yếu làm việc kiêm nhiệm (kể cả cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đang công tác ở Bộ Tư pháp trong Chương trình 585, đơn vị giúp Chính phủ quản lý công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc) nên không có điều kiện đầu tư thời gian thỏa đáng cho công tác này nên số đơn vị tại địa phương được giao triển khai hoạt động của Chương trình còn thực hiện chưa đạt yêu cầu, chậm tiến độ. Chưa huy động được nhiều chuyên gia pháp lý có nhiều kinh nghiệm, có khả năng trao đổi, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp tại các lớp bồi dưỡng, hội nghị, đối thoại nhằm đáp ứng đúng và trúng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp”
[4].
- Một số văn bản quy phạm pháp luật của trung ương có quy định về thủ tục hành chính thường xuyên thay thế, sửa đổi, bổ sung gây khó khăn, mất nhiều thời gian để rà soát, triển khai trên thực tế, đồng thời nhiều quy định chưa rõ ràng về mặt nội dung nên dẫn đến quá trình áp dụng tại địa phương còn nhiều khó khăn, lúng túng;
- Doanh nghiệp còn chưa chủ động tham gia cùng chính quyền trong việc phản ánh các quy định còn bất cập trên thực tế thi hành cũng như những vướng mắc gặp phải trong việc thi hành pháp luật, chưa phối hợp tốt với chính quyền trong việc phản ánh, kiến nghị đối với hành vi tiêu cực của công chức cũng như đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. “Cơ chế tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện hệ thống pháp luật trên thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vì một số doanh nghiệp chưa chủ động đề xuất, kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, do tâm lý e ngại hoặc cho rằng việc kiến nghị sẽ không được phản hồi..”
[5]
Những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật năm 2019 nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân
[6] sau đây:
Một là, một số lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương còn chưa hiểu rõ và thực sự quan tâm tới công tác cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp nên chưa chỉ đạo kịp thời các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao;
Hai là, các bộ, ngành và địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn lực về kinh phí thực hiện nhiệm vụ, do đây là nhiệm vụ mới phát sinh, chưa được dự toán trong kinh phí triển khai hoạt động của năm 2019; đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương còn thiếu về số lượng, chưa được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến lúng túng trong quá trình tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai nhiệm vụ;
Ba là, chi phí tuân thủ pháp luật của người dân và doanh nghiệp được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực nên khó khăn trong việc rà soát, đánh giá những thủ tục hành chính làm phát sinh các chi phí không chính thức trong thực hiện các thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều chính sách có quy định về chi phí tuân thủ pháp luật chưa phù hợp, chồng chéo, trong quá trình xây dựng chính sách cơ quan có thẩm quyền chưa tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp;
Bốn là, nhận thức của một số chủ doanh nghiệp về công tác thi hành pháp luật chưa cao, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp làm không đúng pháp luật, vi phạm pháp luật.
2. Một số đề xuất, kiến nghị góp phần tiếp tục cải thiện điểm số, duy trì thứ hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật trong năm 2020
2.1. Để tiếp tục giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp, bảo đảm đạt và vượt mục tiêu cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số B1 như Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, Nghị quyết số 02/NQ-CP và Quyết định số 86/QĐ-BTP
[7] ngày 17/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể:
2.1.1. Theo Nghị quyết số 02/NQ-CP, các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần
[8] (trong đó có chỉ số B1):
- Rà soát và hoàn thiện tài liệu, tổ chức tập huấn, hướng dẫn để bảo đảm các bộ, cơ quan, địa phương có cách hiểu đúng, đầy đủ, thống nhất về mục tiêu, các bộ chỉ số, nhóm chỉ số, chỉ số thành phần, mẫu biểu báo cáo. Ban hành tài liệu hướng dẫn hoặc Kế hoạch hành động bổ sung (nếu cần thiết)
[9].
- Tiếp tục hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện tại các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chỉ đạo giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
- Chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố kết nối với các tổ chức quốc tế có liên quan; cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cần thiết bảo đảm đánh giá, xếp hạng khách quan, chính xác; thực hiện thông tin đối ngoại để giới thiệu về kết quả đánh giá, xếp hạng hàng năm.
- Trước ngày 20 tháng 6 và trước ngày 20 tháng 12 năm 2020, tổng hợp kết quả thực hiện các chỉ số được phân công trong 6 tháng và một năm, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp vào báo cáo chung về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết. Nội dung báo cáo cần bám sát yêu cầu của Nghị quyết; nêu chi tiết những sáng kiến, cải cách đã được triển khai và kết quả đạt được, trong đó đánh giá tác động về cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; nêu rõ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực thi và đề xuất, kiến nghị (nếu có).
Bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Nghị quyết số 02/NQ-CP cũng yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương thực hiện truyền thông về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Thông tấn xã Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí chủ động hỗ trợ các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức truyền thông…
[10]. Bộ Nội vụ nghiên cứu lồng ghép một số tiêu chí đánh giá, xếp hạng việc thực thi Nghị quyết vào nội dung khảo sát hàng năm của chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS).
2.1.2. Theo Quyết định số 86/QĐ-BTP, để tiếp tục cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật trong năm 2020, Bộ Tư pháp tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau
[11]:
- Rà soát và hoàn thiện tài liệu, tổ chức tập huấn, hướng dẫn để bảo đảm các Bộ, cơ quan, địa phương có cách hiểu đúng, đầy đủ, thống nhất về mục tiêu các bộ chỉ số, nhóm chỉ số, chỉ số thành phần, mẫu biểu báo cáo. Ban hành tài liệu hướng dẫn hoặc kế hoạch hành động bổ sung (nếu có) đối với chỉ số B1
[12].
- Hỗ trợ, kiểm tra, theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện việc cải thiện, nâng xếp hạng chỉ số B1 tại các Bộ, ngành, địa phương và cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cần thiết cho các cơ quan có liên quan, bảo đảm việc đánh giá, xếp hạng khách quan, chính xác.
- Kết nối với các tổ chức quốc tế có liên quan để trao đổi, cung cấp thông tin cần thiết, bảo đảm đánh giá, xếp hạng khách quan; thực hiện thông tin đối ngoại để giới thiệu về kết quả đánh giá, xếp hạng hàng năm đối với chỉ số B1.
- Trước ngày 20/6/2020 và trước ngày 20/12/2020, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả và các đề xuất, giải pháp, kiến nghị thực hiện cải thiện điểm số, nâng xếp hạng chỉ số B1.
- Phối hợp với Bộ Nội vụ (Theo đề nghị của Bộ Nội vụ - nếu có) nghiên cứu, lồng ghép các tiêu chí đánh giá, xếp hạng của chỉ số B1 vào nội dung khảo sát hàng năm của Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS).
2.2. Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, tác giả cho rằng năm 2020, để đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra “Cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật”
[13], các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có sự quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
2.2.1. Xác định các nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện trong năm 2020, trên cơ sở đó, xác định chủ thể thực hiện nhiệm vụ để giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trong phạm vi Bộ, ngành, địa phương, bảo đảm thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Bộ, ngành, địa phương, đồng thời, đôn đốc, kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
2.2.2. Việc thực hiện các nhiệm vụ của từng Bộ, ngành, địa phương cần gắn với các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, hoàn thiện thể chế để giảm chi phí tuân thủ pháp luật và các nhiệm vụ, giải pháp về tổ chức thi hành pháp luật trên tinh thần hướng đến ngày càng giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp
[14]. Trong đó, tiếp tục có sự ưu tiên hợp lý trong tập trung nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ
[15]: (i) rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định pháp luật liên quan đến chi phí tuân thủ pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ, ngành và địa phương; (ii) tiếp nhận, kịp thời xử lý các phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là đối với các phản ánh, kiến nghị trực tiếp liên quan đến cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật; (iii) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong thực thi công vụ, xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thi hành pháp luật và (iv) đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật.
2.2.3. Quan tâm bố trí cán bộ, kinh phí để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (Chỉ số B1) trong năm 2020 cũng như tiếp tục cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp thứ hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam trong những năm tiếp theo./.