Luận bàn về quyền cá biệt hóa chủ thể của cá nhân trong pháp luật dân sự hiện hành

27/11/2019
Quyền cá biệt hóa chủ thể là các quyền nhân thân cơ bản của cá nhân được quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành. Các quyền đó gồm: Quyền có họ tên; Quyền thay đổi họ; Quyền thay đổi tên; Quyền xác định, xác định lại dân tộc; Quyền được khai sinh, khai tử; Quyền đối với quốc tịch; Quyền xác định lại giới tính; Quyền chuyển đổi giới tính.

1. Quyền có họ, tên của cá nhân
Quyền có họ, tên là quyền nhân thân quan trọng đối với mỗi cá nhân, có từ thời điểm người đó sinh ra. Khoản 1 Điều 26 BLDS năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền có họ tên (bao gồm cả chữ đệm nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Họ và tên gọi là những yếu tố nhân thân cá biệt hóa cá nhân, được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Suốt cuộc đời của mỗi cá nhân đều cần có họ, tên, đây là yếu tố định danh cá nhân, phân biệt giữa cá nhân này với cá nhân khác. Thông qua họ và tên của một cá nhân mà có thể xác định được nguồn gốc, dân tộc, giới tính, quốc tịch của người đó.
 Họ là thành tố đầu tiên trong tên gọi cá nhân, xác định nguồn gốc của một cá nhân. Theo cuốn Họ và Tên người Việt Nam của Tiến sĩ Lê Trung Hoa biên soạn và được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 2005, những họ phổ biến và chiếm đa số dân số Việt Nam là: Nguyễn (40%); Lê (9,5%), Trần (7,5%); Phạm (5,9); Hoàng (Huỳnh) (5,1%), Phan (4,5); Vũ (3,9%); Đặng (2,1); Bùi (2%)…
Tên được chia thành hai loại gồm tên chính và tên đệm: (i) Tên đệm là yếu tố xen giữa họ và tên chính, đây là thành tố phụ có thể xuất hiện hoặc vắng mặt. Tên đệm thường có chức năng xác định giới tính. Ví dụ: Nữ thường lấy tên đệm là “Thị”, Nam thường lấy tên đệm là “Văn”; (ii) Tên chính là tên gọi của từng cá nhân, để phân biệt với các cá nhân khác. Tên chính đứng ở vị trí cuối cùng trong cụm từ họ - tên.
Việc xác định họ, tên của cá nhân được xác định theo các căn cứ: (i) Trường hợp xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của cá nhân: Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ, tùy theo sự thỏa thuận của cha mẹ; nếu cha mẹ không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán; (ii) Trường hợp chưa xác định được cha đẻ của cá nhân thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ; (iii) Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì: Họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi; Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc mẹ nuôi đó; (iv) Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi: Họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.
Xuất phát từ các thay đổi tương ứng trong các văn bản pháp luật chuyên ngành, BLDS năm 2015 cũng nêu rõ cha đẻ, mẹ đẻ của cá nhân được xác định là: (i) người trực tiếp sinh ra đứa trẻ hoặc (ii) người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ (Điều 94 Luật HN&GĐ năm 2014). Nếu trong trường hợp có sự tranh chấp nhau trong việc đặt tên giữa cha mẹ đẻ của đứa trẻ với người mẹ mang thai hộ thì áp dụng theo quy định này để giải quyết. Tức là quyền đặt họ, tên thuộc về cha mẹ đẻ của đứa trẻ.
Tên của cá nhân được đặt theo các yêu cầu sau: (i) không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; (ii) không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của BLDS năm 2015; (iii) phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; (iiii) không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ, ví dụ như: Bùi Văn 6 mà phải là Bùi Văn Sáu.
Họ, tên là yếu tố nhân thân gắn liền với suốt cuộc đời của mỗi cá nhân. Khi cá nhân xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự thì cá nhân phải dùng chính họ, tên của mình để thực hiện giao dịch dân sự đó. Cá nhân không được phép dùng họ, tên của người khác để xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự cho bản thân.
Ngoài họ, tên chính thức được ghi nhận trong giấy khai sinh thì cá nhân có thể dùng bí danh, bút danh để thay cho tên gọi của mình. Bí danh thường được dùng cho những người hoạt động mang tính chất bí mật cao như hoạt động cách mạng trong thời chiến. Ví dụ: Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trong thời kỳ hoạt động cách mạng đã lấy bí danh là Mười Cúc; cố Thủ tướng Võ Văn Kiện có bí danh là Sáu Dân; cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp có bí danh là Anh Văn; cố Tổng bí thư Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống… Còn với bút danh thường được dùng cho những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, ví dụ: Nhà Văn nổi tiếng Trần Hữu Tri sử dụng bút danh là Nam Cao; nhà thơ Nguyễn Trọng Trí lấy bút danh là Hàn Mặc Tử; nhà văn Nguyễn Sen lấy bút danh là Tô Hoài; nhà thơ Lê Tư Lành lấy bút danh là Tố Hữu. Ngoài khái niệm bút danh, bí danh, trên thực tế còn có một khái niệm cũng rất phổ biến đó là “nghệ danh”. Nghệ danh là tên gọi mà những người làm nghệ thuật đặt trong hoạt động như ca sĩ, diễn viên, người mẫu.
2. Quyền thay đổi họ của cá nhân
 Là quyền nhân thân không gắn liền với tài sản của mỗi cá nhân. trường hợp, cá nhân muốn thay đổi họ của mình thì hoàn toàn có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính thay đổi họ, tên của cá nhân đó.
Họ của cá nhân là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xác định nguồn gốc của cá nhân. Thông thường, họ là yếu tố có tính bền vững cao và thường ít thay đổi hơn so với tên gọi của cá nhân. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa suốt cuộc đời cá nhân chỉ mang một họ duy nhất mà cá nhân có quyền thay đổi họ của mình trong những trường hợp do pháp luật quy định, điều đó được thể hiện cụ thể tại Điều 27 BLDS năm 2015 gồm: (1) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại. Khi cá nhân được đăng ký khai sinh thì cá nhân đó có thể mang họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ, tùy thuộc vào sự thỏa thuận của cha mẹ đẻ. Nếu con mang họ của cha đẻ thì có thể được thay đổi sang họ của mẹ đẻ và ngược lại. Việc thay đổi họ trong trường hợp này là phù hợp. Tuy nhiên, quy định này còn có những hạn chế đó là: (i) Chưa/không đưa ra căn cứ để thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại. Việc thay đổi này chỉ cần cha hoặc mẹ có yêu cầu hay phải được sự nhất trí, đồng ý của cả cha đẻ hoặc mẹ đẻ? Có ý kiến cho rằng, vì Điều 27 BLDS năm 2015 không đặt ra yêu cầu cha mẹ phải thỏa thuận về việc chuyển họ cho con nên đương nhiên chỉ cần hiểu là cha đẻ hoặc mẹ đẻ yêu cầu thay đổi họ cho con là có đủ căn cứ để làm thủ tục thay đổi. Một số quan điểm khác lại không đồng tình với ý kiến của các quan điểm trên và lập luận rằng, khoản 2 Điều 26 BLDS năm 2015 lại quy định họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ. Tức là việc xác định họ cho con dựa trên sự thỏa thuận của cha mẹ thì việc thay đổi họ cho con cũng phải dựa trên sự thỏa thuận của cha mẹ thì mới phù hợp; (ii) Quy định này không tương thích với các quy định khác trong cùng khoản 1 Điều 27 về thay đổi họ cho con. Các căn cứ thay đổi họ cho con được ghi nhận tại các điểm b, c, d… khoản 1 Điều 27 quy định rõ quyền yêu cầu thay đổi họ cho con khi xác định cha, mẹ cho con thuộc về cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của chính người con (khi người con đủ các điều kiện về năng lực hành vi dân sự để tiến hành việc yêu cầu thay đổi họ).
Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi. Trường hợp này được áp dụng đối với những đứa trẻ được nhận làm con nuôi. Vấn đề này hoàn toàn hợp lý với tâm lý của người nhận nuôi đứa trẻ khi muốn người con nuôi mang họ của mình. Bên cạnh đó, việc mang họ của cha nuôi, mẹ nuôi sẽ tạo sự ổn định về tâm lý cho chính đứa trẻ được nhận nuôi. Chẳng hạn như, nếu cha nuôi họ Nguyễn, con nuôi họ Lê, khi đứa trẻ lớn lên sẽ dẫn đến những tình huống xảy ra đó là đứa trẻ sẽ mặc cảm với bạn bè và xã hội vì sự khác họ giữa cha và con. Tuy nhiên, họ của đứa trẻ chỉ thay đổi khi có yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi nếu cha nuôi, mẹ nuôi không có yêu cầu thay đổi họ thì đứa trẻ vẫn giữ nguyên họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ.
+ Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ của người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ. Quy định này áp dụng với những trường hợp một người được nhận làm con nuôi người khác nhưng sau đó người này thôi làm con nuôi của người đó. Các trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi người khác bao gồm: (i) Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi; (ii) Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi; (iii) Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi; (iv) Vi phạm quy định tại Điều 3 của Luật này (Điều 25 Luật Nuôi con nuôi năm 2010). Chủ thể yêu cầu lấy lại họ của người con theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ là người đã chấm dứt làm con nuôi người khác hoặc theo yêu cầu cha đẻ, mẹ đẻ của chính người đó.
+ Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con. Xác định cha, mẹ cho con là trường hợp một đứa trẻ được sinh ra mà chưa được xác định cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc đã được xác định trong Giấy khai sinh nhưng sau đó cha đẻ hoặc mẹ đẻ của đứa trẻ được xác định lại. Trường hợp này, chính cá nhân chưa biết đích danh cha đẻ, mẹ đẻ hoặc cha đẻ, mẹ đẻ có quyền được yêu cầu Tòa án xác định cha đẻ, mẹ đẻ. Khi xác định cha đẻ, mẹ đẻ cho con thì người con được quyền thay đổi họ, tên theo quy định của pháp luật. Chủ thể có quyền yêu cầu thay đổi họ là chính người con hoặc cha đẻ, mẹ đẻ.
+ Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình. Người lưu lạc đã tìm ra huyết thống là người vì một lý do khách quan hoặc chủ quan mà bị lạc khỏi gia đình nhưng sau đó tìm lại được huyết thống của mình. Ví dụ, cháu A (2 tuổi) bị lạc mẹ ở khu vui chơi HM. Cháu được một người nhận nuôi và lấy theo họ của người đó. Đến năm cháu 7 tuổi thì gia đình tìm được cháu. Trường hợp này, cháu A được quyền thay đổi họ theo huyết thống của mình.
+ Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi. Hiện nay, việc kết hôn với người nước ngoài diễn ra ngày càng nhiều nên quy định này đã đáp ứng và phù hợp với thực tiễn đó. Để thuận lợi cho cuộc sống của chính người kết hôn với người nước ngoài thì quy định này đã cho phép thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Ví dụ, theo quy định của pháp luật một số nước trên thế giới, trường hợp kết hôn thì người vợ phải bỏ họ của mình để mang họ của chồng cho tương thích với quy định của pháp luật nước đó.
+ Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ. Họ của cha, mẹ là cơ sở quan trọng nhất để xác định họ cho con. Do đó, nếu cha, mẹ thay đổi họ thì con được quyền thay đổi theo họ của cha, mẹ. Quy định này được áp dụng đối với cả trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi thay đổi họ.
3. Quyền thay đổi tên của cá nhân
Tên gọi là một trong những yếu tố cá biệt hóa cá nhân. Từ khi sinh ra, cá nhân đã có quyền có họ, tên nhưng không phải trong mọi trường hợp mà cả cuộc đời, cá nhân đó đều gắn với một tên gọi duy nhất mà cá nhân có quyền thay đổi tên gọi khác với tên gọi của mình. Quyền thay đổi tên được quy định cụ thể tại Điều 28 BLDS năm 2015 gồm những nội dung sau:
+ Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó. Đây là trường hợp tên gọi của cá nhân mang ý nghĩa không tốt đẹp hay những tên gọi thiếu văn hóa, thiếu thuần phong mỹ tục. Thực tế, từ nhiều năm qua đã có không ít các ông bố, bà mẹ khi sinh ra đứa con của mình đã bị một biến cố tâm lý nào đó và do nhận thức chưa đầy đủ, tỉnh táo nên đã đặt cho con mình với những cái tên rất kinh dị như: Hận tình, lưu lạc kỳ cùng, bất cần, kiếp giang hồ, đời phong trần…điều này ảnh hưởng đến tâm lý của đứa con khi đến tuổi trưởng thành. Cũng theo truyền thống đặt tên của người Việt Nam, tên của con cháu không được phép đặt trùng với tên của các bậc bề trên trong gia đình, dòng họ. Nhiều cha mẹ vì không nắm được thông tin đầy đủ về tên gọi của những người đã khuất trong gia đình (ông tứ đại, ông tam đại, bà cô tổ, bà cô tại gia,ông bà, cha chú…nên dẫn đến việc đặt tên cho con trùng với tên gọi của một trong những người đó dẫn đến bất hòa, căng thẳng trong gia đình, làm ảnh hưởng đến tình cảm gia đình.
+ Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt. Cũng tương tự như đối với trường hợp thay đổi họ, việc thay đổi tên trong trường hợp này phù hợp với tâm lý, mong muốn của cha, mẹ nuôi cũng như cha, mẹ đẻ khi quan hệ nhận nuôi con nuôi được xác lập hoặc chấm dứt.
+ Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con. Trong trường hợp cá nhân được xác định cha, mẹ cho con theo pháp luật hôn nhân và gia đình, cá nhân đó có quyền thay đổi họ, tên, phù hợp với họ, tên của cha đẻ, mẹ đẻ. Vì vậy, bên cạnh quyền thay đổi họ (đã được quy định tại Điều 27 BLDS năm 2015), cá nhân luôn có quyền thay đổi tên trong trường hợp này.
+ Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình. Trường hợp cá nhân tìm ra được nguồn gốc huyết thống của mình và biết được chính xác họ của mình thì cá nhân có quyền yêu cầu thay đổi họ (như quy định tại Điều 27 BLDS năm 2015) và yêu cầu thay đổi tên hiện tại của mình cho phù hợp.
+ Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi. Việc thay đổi tên hoặc lấy lại tên của cá nhân vợ, chồng là công dân Việt Nam trong quan hệ hôn nhân với người nước ngoài có mục đích bảo đảm cho sự hòa nhập vào cuộc sống gia đình và truyền thống xã hội của quốc gia mà cá nhân người Việt Nam là con dâu hoặc con rể. Điều này cũng tương tự đối với các trường hợp khôi phục lại tên của vợ, chồng là công dân Việt Nam khi quay về sinh sống ở trong nước.
+ Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính. Tên gọi của cá nhân cũng là một trong những yếu tố để nhằm suy đoán giới tính cá nhân là người đó là giới tính nam hay giới tính nữ. Chẳng hạn như, tên gọi của Nữ thương là: Hoa, Huệ, Lan, Mai, Hoa, Đào, Cúc, Thu, Xuân.. và tên đệm phổ biến ở đằng trước tên chính thường là “Thị”; còn tên gọi của Nam thường là: Hùng, Thắng, Dũng, Mạnh, Quang, Sơn, Long…và tên đệm ở đằng trước tên chính
thường là “Văn”. Do đó, việc pháp luật thừa nhận việc xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính là căn cứ để thay đổi tên gọi là hoàn toàn phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho những người xác định lại giới tính và người đã chuyển đổi giới tính nhằm tránh sự không tương thích giữa tên gọi và giới tính, từ đó sẽ gây ra những rắc rối về đời sống sinh hoạt cho những người đã xác định lại giới tính và những người đã chuyển đổi giới tính.Ví dụ, chị A được xác định là giới tính nữ từ lúc mới sinh ra. Đến năm 20 tuổi, chị đi khám bệnh ở bệnh viện, các bác sĩ phát hiện giới tính thật của chị A là giới tính nam chứ không phải là giới tính nữ. Chị A tiến hành các thủ tục cần thiết để xác định giới tính thật của mình. Cá nhân chị A có quyền thay đổi tên cho phù hợp với giới tính đã xác định lại. Nếu để nguyên tên gọi như hiện tại sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và đời sống của người xác định lại giới tính. Quy định này hoàn toàn tương thích với nội dung của Điều 37 BLDS năm 2015 về việc chuyển đổi giới tính của cá nhân. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, cá nhân chỉ được thay đổi tên gọi trong trường hợp này khi cá nhân “đã xác định lại giới tính” hoặc “chuyển đổi giới tính”; còn đối với các trường hợp cá nhân mới có ý định xác định lại giới tính, thay đổi giới tính hoặc đang trong quá trình tiến hành việc xác định lại giới tính, thay đổi giới tính thì không được quyền thay đổi tên theo căn cứ này.
Cũng tương tự như đối với việc thay đổi họ, việc thay đổi tên của cá nhân từ đủ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó. Vì với độ tuổi này, cá nhân đã có sự nhận thức nhất định, đã biết (có khả năng) thể hiện ý kiến, nguyện vọng của mìn. Quy định này đã thể hiện sự tôn trọng ý kiến của chính người được thay đổi tên cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của chính cá nhân. Các quyền, nghĩa vụ dân sự mà cá nhân đã xác lập theo tên cũ  không bị ảnh hưởng mà vẫn được giữ nguyên khi cá nhân thay đổi tên gọi.
4. Quyền xác định, xác định lại dân tộc
Điều 29 BLDS năm 2015 quy định: “1. Cá nhân có quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình; 2. Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ,mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo sự thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thoả thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn; Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo thoả thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì dân tộc của trẻ em được xác định theo dân tộc của người đó; Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định theo dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em…”.
Hiện nay ở nước ta có 54 dân tộc sinh sống ở trên 63 tỉnh thành trong cả nước theo Quyết định số 421 ngày 02/03/2009 của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Dân tộc đông nhất là dân tộc Kinh, chiếm 86,2% dân số. Các dân tộc thiểu số đông dân nhất: Thái, Tày, Nùng, Mường, Khmer, Dao, Hmông, Ê Đê, Sán Rìu…Đa số các dân tộc này sống ở miền núi các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên, miền Trung, Tây Nam Bộ; và một số dân tộc thuộc nhóm dân tộc ít người cần được giữ gìn như Si La, Mảng, La Hủ, Cống, Mạ, Sán Rìu..chỉ còn khoảng hơn 200 người. Với một quốc gia có sự đa dạng về dân tộc như vậy thì việc xảy ra các sự kiện để xác định, xác định lại dân tộc là điều tất yếu.
Xác định dân tộc tức là việc xác định lần đầu tiên dân tộc cho một cá nhân (áp dụng đối với trẻ sơ sinh khi làm thủ tục đăng ký khai sinh); còn xác định lại dân tộc là việc xác định dân tộc cho những cá nhân đã được thừa nhận một dân tộc trước đó. Chẳng hạn như: Chị Nguyễn Thị Hằng và anh Hoàng Văn Thắng kết hôn với nhau và sinh 1 bé trai đặt tên Hoàng Tuấn Đạt, khi làm thủ tục đăng ký khai sinh cho bé Đạt thì vợ chồng anh chị thoả thuận lựa chọn và xác định dân tộc của bé theo dân tộc của mẹ (dân tộc kinh), khi bé Đạt lên 8 tuổi thì anh chị muốn xác định lại dân tộc cho bé theo dân tộc của cha là dân tộc Tày. Vậy việc xác định dân tộc lần đầu tiên khi đăng ký khai sinh là xác định lại dân tộc, còn việc thay đổi từ dân tộc kinh sang dân tộc tày là việc xác định lại dân tộc.
Quyền xác định dân tộc của cá nhân phát sinh từ khi cá nhân được sinh ra, điều đó được hiện thực hoá trên giấy tờ nhân thân đó là giấy khai sinh và quyền xác định, xác định lại dân tộc là một quyền nhân thân được ghi nhận từ các BLDS trước đó, từ BLDS năm 1995, được kế thừa trong BLDS năm 2005 và đến nay là BLDS năm 2015, các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch và luật chuyên ngành đó là Luật Hộ tịch năm 2014. Quyền xác định lại dân tộc là quyền nhân thân cơ bản của cá nhân, có từ khi cá nhân sinh ra và được áp dụng cho lần xác định dân tộc đầu tiên của một cá nhân (cá nhân chưa có dân tộc nào trước đó). Theo BLDS năm 2005 thì dân tộc của một cá nhân được xác định theo dân tộc của cha hoặc dân tộc của mẹ, trong trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì con sinh ra được xác định theo tập
quán hoặc theo thoả thuận. Căn cứ xác định dân tộc theo tập quán hoặc theo thoả thuận được đặt ngang hàng nhau mà không có sự ưu tiên áp dụng trước, sẽ gây ra sự phức tạp nếu có tranh chấp liên quan đến viêc xác định lại dân tộc cho con trong những trường hợp sau này, khắc phục những điểm hạn chế đó, Điều 29 BLDS năm 2015 đã bổ sung thêm khoản 2 về việc xác định dân tộc đối với trẻ em được ghi nhận làm con nuôi và trẻ em bị bỏ rơi mà chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ.
          6. Quyền được khai sinh, khai tử của cá nhân
Đây là quyền nhân thân quan trọng đối với mỗi cá nhân, quyền này có từ khi cá nhân sinh ra và được thực hiện kể từ thời điểm cá nhân sinh ra và khi cá nhân chết.
Điều 30 BLDS năm 2015 quy định: “1. cá nhân từ khi sinh ra có quyền khai sinh; 2. Cá nhân chết phải được khai tử; 3. Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu; 4. Việc khai sinh, khai tử do pháp luật về hộ tịch quy định”.
Quyền khai sinh là quyền có ý nghĩa rất lớn đối với cá nhân nhằm xác nhận cá nhân với tư cách là một chủ thể mới trong xã hội. Đây là quyền cơ bản của mỗi con người và được quy định theo pháp luật hộ tịch tại Điều 35 và Điều 36 Luật Hộ tịch năm 2014. Ở khoản 3 Điều 30 quy định về thời điểm bắt đầu được phép khai sinh cho đứa trẻ. Thông qua đăng ký khai sinh, cá nhân được cấp Giấy khai sinh – một trong những giấy tờ nhân thân quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Giấy khai sinh là giấy tờ tùy thân sớm nhất của một cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp để xác nhận pháp lý về sự hiện diện của cá nhân đó và chứng nhận sự sinh ra của một cá nhân và cũng là giấy tờ cần thiết không thể thiếu được trong các hoạt động quan trọng của mỗi cá nhân sau này như trong quá trình học tập, trong quá trình làm việc hoặc khi làm các thủ tục hành chính trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Giấy khai sinh thường có ghi về họ, tên, chữ đệm, thông tin về ngày, tháng, năm sinh, thông tin về giới tính, dân tộc, quốc tịch, quê quán thông tin về quan hệ cha, mẹ, con hoặc các thông tin cơ bản khác tùy theo quy định đặc thù của từng quốc gia. Giấy khai sinh là giấy tờ tùy thân có giá trị suốt cuộc đời và từ khi có giấy khai sinh thì cá nhân có đầy đủ quyền và nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định.
Theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014, thẩm quyền đăng ký khai sinh thuộc về UBND cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh (Điều 13). Các nội dung đăng ký khai sinh bao gồm: (i) Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc, quốc tịch; (ii) Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh, dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; (iii) Sổ định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh (Khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch năm 2014). Những nội dung này là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của cá nhân đó. Bên cạnh những quy định trên, Luật Hộ tịch năm 2014 còn quy định về trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con của cha mẹ và đồng thời quy định về trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh để người đi đăng ký khai sinh cũng như người có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh nắm rõ các bước để tiến hành.                          
Ngược lại với quyền được khai sinh là nhằm xác định tư cách chủ thể cho cá nhân mới được sinh ra thì quyền khai tử nhằm xác nhận sự kiện cá nhân chết, chấm dứt tư cách chủ thể của cá nhân. Theo Pháp luật, cá nhân chết phải được khai tử và quy định theo pháp luật hộ tịch tại Điều 32, 33, 34 Luật Hộ tịch năm 2014. Ở Khoản 3 Điều 30 BLDS năm 2015 có quy định về khai tử cho trẻ sơ sinh: “Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu". Văn bản thể hiện sự kiện hộ tịch khai tử là Giấy khai tử. Giấy khai tử được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho gia đình người đã mất xác nhận tình trạng của người chết. Giấy chứng tử về mặt pháp lý là căn cứ rõ ràng nhất xác định thời điểm chết của người được khai tử – căn cứ để xác định thời điểm mở thừa kế, diện thừa kế, di sản thừa kế.
Ở đây ta thấy, Khoản 3 Điều 30 là quy định về thời gian khai sinh khai tử cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên tại cuối khoản 3 có quy định “nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu”. Người làm cha người làm mẹ chào đón đứa con của mình là một niềm hạnh phúc nhất của đời người nhưng ngay sau đó không chỉ đánh mất niềm hạnh phúc mà còn đánh mất đứa con yêu quý của mình còn đau đớn hơn cả cái chết. Ai sinh con ra đều mong muốn con mình lớn lên và trưởng thành nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Bất kì cá nhân nào sinh ra đều có quyền được khai sinh và khai sinh là sự cộng nhận về sự tồn tại, về quyền, về nghĩa vụ cho các cá nhân đó. Việc pháp luật, không yêu cầu khai sinh với những đứa trẻ sống dưới hai bốn giờ nhưng bố mẹ đẻ có quyền yêu cầu khai sinh thực sự rất nhân văn. Trong lúc tang gia đau buồn, đó là sự công nhận về sự tồn tại của đứa con đối với người cha người mẹ, đó cũng là sự xoa dịu nổi đau của họ và là lời chia buồn đối với đứa trẻ xấu số. Qua đây, thì ta thấy rằng thực sự pháp luật Việt Nam không chỉ có cái lý mà còn có cả cái tình.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về thẩm quyền đăng ký khai tử. Thẩm quyền đăng ký khai tử thuộc về UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì UBND cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử (Điều 32 Luật Hộ tịch năm 2014). Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm đi khai tử.
Việc đăng ký khai sinh, khai tử không chỉ mang lại ý nghĩa đối với cá nhân được đăng ký mà còn có ý nghĩa trong việc quản lý hộ tịch của Nhà nước, là cơ sở để điều tra và thông kê dân số.
Khác với các quyền nhân thân khác có thể được tiến hành bởi người đại diện, người giám hộ hoặc bởi chính cá nhân đó (khi cá nhân đủ điều kiện về độ tuổi và điều kiện về năng lực nhận thức để có thể tự mình tiến hành) thì quyền được khai sinh, khai tử của cá nhân luôn được thực hiện thông qua hành vi của một cá nhân khác mà không phải là chính cá nhân mang quyền.
7. Quyền đối với quốc tịch của cá nhân
Quốc tịch là một trong những sự công nhận của quốc gia đối với cá nhân vô cùng quan trọng. Trong Tuyên ngôn quốc tế của Liên Hợp Quốc năm 1948 cũng cho thấy sự quan trọng của quốc tịch khi khẳng định “Mọi người đều có quyền với một quốc tịch” và “Không ai đáng bị tước quốc tịch một cách tùy tiện hay bị từ chối quyền đổi quốc tịch”. Vậy Quốc tịch là gì và vì sao nó lại quan trọng như vậy?
      “Quốc tịch là trạng thái pháp lý thể hiện mối quan hệ giữa công dân một nước với quốc gia nhà nước nơi họ có quốc tịch, đây là quyền thành viên của một quốc gia hay một nhà nước có chủ quyền. Các quốc gia có quyền quyết định công dân của nước đó. Những việc quyết định này là một phần của Luật quốc tịch. Trong một vài trường hợp, việc quyết định quốc tịch được dựa theo luật pháp quốc tế”. Qua đây ta thấy rằng quốc tịch là sự thể hiện mối quan hệ của công dân với quốc gia đó được pháp luật của quốc gia quyết định. Tuy nhiên trong một vài trường hợp quốc tịch của cá nhân sẽ được dựa theo pháp luật quốc tế.
Dưới góc độ của pháp luật chuyên ngành, quốc tịch là yếu tố nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân, đồng thời cũng là yếu tố thể hiện sự liên kết của một cá nhân với quốc gia mà cá nhân mang quốc tịch. Điều 31 BLDS năm 2015 quy đinh: “1. Cá nhân có quyền có quốc tịch; 2. Việc xác đinh, thay đổi, nhập, thôi, trở lại  quốc tịch Việt Nam do Luật quốc tịch quy định; 3. Quyền của người không quốc tịch cư trú, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam được bảo đảm theo luật”. Theo đó, bất kì cá nhân nào đều có quyền có quốc tịch. Những vấn đề liên quan tới quốc tịch đều được pháp luật điều chỉnh tại Luật quốc tịch Việt Nam. Quyền của những người không có quốc tịch Việt Nam được đảm bảo theo luật. Ta có thể thấy rằng trong pháp luật dân sự, quyền đối với quốc tịch của công dân chỉ đơn giản là lời khẳng định, là lời tuyên ngôn đối với công dân. Bản thân quyền đối với quốc tịch trong BLDS năm 2015 chỉ là những quy định chung chung chưa hẳn rõ ràng chính vì điều đó nên Luật quốc tịch Việt Nam được ra đời.
Điều 1 Luật quốc tịch năm 2008 quy định: “Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam”. Việc xác định quốc tịch của cá nhân được thể hiện khi tiến hành thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ.
Các căn cứ xác định người có quốc tịch Việt Nam bao gồm: (1) Do sinh ra theo quy định tại các Điều 15, 16, 17 của Luật quốc tịch như: (i) Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam; (ii) Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam hoặc trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam hoặc trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam; (iii) Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam hoặc trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không có quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam; (2) Được nhập quốc tịch Việt Nam. Đây là những trường hợp cá nhân không có quốc tịch Việt Nam nhưng thỏa mãn các điều kiện luật định để có thể được nhập quốc tịch Việt Nam. Hồ sơ, trình tự, thủ tục nhập quốc tịch được quy định tại Luật quốc tịch năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014); (3) Được trở lại quốc tịch Việt Nam. Là trường hợp áp dụng với những người đã mất quốc tịch Việt Nam nhưng người này có thể được xin trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau: (i) Xin hồi hương về Việt Nam; (ii) Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam; (iii) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; (iv) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (iv) Thực hiện đầu tư tại Việt Nam; (v) Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài (Điều 23 Luật quốc tịch năm 2008). Đặc biệt, điều luật này cũng nhấn mạnh, đối với người xin trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến quốc gia Việt Nam; (4) Theo quy định tại các Điều 18, 35 và 37 Luật quốc tịch, cụ thể: (i) Điều 18 quy định trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai thì có quốc tịch Việt Nam; (ii) Điều 35 ghi nhận về quốc tịch của con chưa thành niên khi cha mẹ được nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam: Khi có sự thay đổi về quốc tịch do nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam của cha mẹ thì quốc tịch của con chưa thành niên sinh sống cùng với cha mẹ cũng được thay đổi theo quốc tịch của họ; (iii) Điều 37 quy định về quốc tịch của con nuôi chưa thành niên: trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam; Trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi; (5) Theo Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Quốc tịch là yếu tố nhân thân quan trọng gắn với cuộc đời mỗi cá nhân, là điều kiện để Nhà nước đảm bảo quyền lợi hay có những chính sách ưu đãi cho công dân nước mình. Trong rất nhiều trường hợp, một quyền hay lợi ích nào đó chỉ được đặt ra đối với công dân Việt Nam (người có quốc tịch Việt Nam) mà không đặt ra với những cá nhân nước ngoài hay với người không có quốc tịch, ví dụ: “quyền bầu cử”, “quyền ứng cử”, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì chỉ có công dân Việt Nam mới có quyền bầu cử và quyền ứng cử, để được công nhận là công dân Việt Nam đương nhiên phải là người có quốc tịch Việt Nam. Việc xác định quốc tịch càng có ý nghĩa to lớn khi công dân Việt Nam học tập, làm việc tại nước ngoài sẽ được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các Đại sứ quán Việt Nam tại nước mà nơi công dân đó đang học tập và công tác. Bên cạnh đó, quốc tịch còn là căn cứ quan trọng trong việc dẫn chiếu luật áp dụng đối với những quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Như pháp luật đã quy định, quốc tịch là sự thể hiện liên kết của công dân với quốc gia và bất kì ai cũng có quyền có quốc tịch. Do đó dù đi bất kì đâu, quốc tịch thể hiện tinh thần của công dân đó, đất nước đó và ở bất kì nơi đâu công dân cũng được nhà nước che chở bảo vệ. Cũng chính vì thế một số trường hợp, quốc tịch của một người được quyết định bởi dân tộc của người đó vì vậy quốc tịch còn có thể là quyền thành viên của một dân tộc (một nhóm người có cùng mối quan hệ về dân tộc và văn hóa) dù dân tộc đó không có nhà nước. Qua đây ta có thấy, Quốc tịch là sự thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc trên toàn thế giới.
Pháp luật Việt Nam hướng tới mục tiêu chính là bảo hộ quyền lợi cho những cá nhân mang quốc tịch Việt Nam nhưng điều đó không có nghĩa là phủ nhận quyền của những người không có quốc tịch. Đối với những cá nhân/người không có quốc tịch thì việc sinh sống, cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được pháp luật Việt Nam bảo đảm về các quyền con người và quyền dân sự theo quy định của pháp luật dân sự.
7. Quyền xác định lại giới tính của cá nhân
Điều 36 BLDS năm 2015 quy định: “1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính; Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính; 2. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật; 3. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch, có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và pháp luật khác có liên quan”.
Giới tính là những điểm riêng biệt tạo nên sự khác biệt giữa nam và nữ. Ví dụ như: đàn ông to khỏe, giọng ồm ồm, tính cách bộc trực, cứng rắn, đi đứng mạnh mẽ; còn phụ nữ thì nhẹ nhàng, thanh thoát, kín đáo, dịu dàng. Theo khái niệm trên, giới tính trước hết là sự khác biệt về mặt sinh học giữa nam giới và phụ nữ thể hiện qua cơ quan sinh dục, hooc môn và nhiễm sắc thể (nữ có âm vật, buồng chứng, nhiễm sắc thể XX; nam có dương vật, tinh hoàn, nhiễm sắc thể XY). Thuật ngữ giới tính còn hay bị nhầm lẫn với thuật ngữ giới. Giới là sự khác biệt về mặt xã hội giữa phụ nữ và nam giới như: vai trò, thái độ, hành vi ứng xử và các giá trị. Vai trò giới được biết đến thông qua quá trình dạy dỗ, học tập và có sự khác nhau theo từng nền văn hóa, từng thời kỳ. Như vậy, giới là yếu tố thuộc cảm nhận, mong muốn của mỗi cá nhân, suy nghĩ của người đó về mình là nam hay nữ; còn giới tính là sự thể hiện bên ngoài của giới thông qua các cấu tạo bộ phận trên cơ thể.
 Cá nhân có quyền xác định lại giới tính nếu thoả mãn điều kiện: (1) giới tính của cá nhân bị khuyết tật bẩm sinh; hoặc (2) giới tính của cá nhân chưa định hình chính xác cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.
Văn bản chuyên ngành điều chỉnh việc xác định lại giới tính là Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 05/8/2008 của Chính phủ về xác định lại giới tính; Thông tư số 29/2010/TT-BYT ngày 24/5/2010 của Bộ Y tế hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 88/2008/NĐ-CP. Theo các văn bản hướng dẫn chi tiết này thì khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người này từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong những dạng như nữ lưỡng tính giả nam, nam lưỡng tính giả nữ hoặc lưỡng giới thật. Giới tính chưa được định hình chính xác là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay là nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính.
Nguyên tắc xác định lại giới tính, bảo đảm mỗi người đều được sống đúng với giới tính thật của mình, việc xác định lại giới tính phải được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, khách quan, trung thực, khoa học và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định lại giới tính; giữ bí mật về các thông tin liên quan đến người được xác định lại giới tính, trừ trường hợp có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xet xử liên quan đến việc xác định lại giới tính.
Thủ tục đề nghị xác định lại giới tính được thưc hiện, người đề nghị xác định lại giới tính gửi hồ sơ để xác định lại giới tính đến cơ sở khám, chữa bệnh được phép và cơ sở khám, chữa bệnh phải trả lời lại đơn theo thời hạn luật định. Cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện việc can thiệp y tế xác định lại giới tính cấp giấy chứng nhận y tế sau khi đã xác định lại giới tính cho người được can thiệp y tế. Giấy chứng nhận y tế là căn cứ để đăng ký hộ tịch cho người đã được xác định lại giới tính. UBND cấp huyện có trách nhiệm giải quyết việc đăng ký hộ tịch cho người đã được xác định lại giới tính theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch.
BLDS năm 2015 đã tạo điều kiện cho việc ổn định và hoà nhập cuộc sống của những người xác định lại giới tính thông qua việc quy định họ có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch, có quyền nhân thân phù hơp với giới tính đã được xác định lại Ví dụ, cá nhân sau khi xác định lại giới tính thì giới tính thật là nam hoặc nữ có quyền thay đổi tên hiện có là nam giới hoặc nữ giới để phù hợp với cuộc sống, sinh hoạt, có quyền kết hôn với người nam hoặc người nữ khác theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
8. Quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân
Ở nước ta, trước thời điểm BLDS năm 2015 chưa được Quốc hội thông qua thì pháp luật không thừa nhận quyền thay đổi giới tính mà chỉ công nhận quyền được xác định lại giới tính của cá nhân theo Điều 36 BLDS năm 2005: “Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính”. Để quy định chi tiết Điều 36 BLDS năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính, trong đó có quy định những hành vi bị nghiêm cấm: “Thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính”. Như vậy, các quy định của pháp luật hiện hành chưa áp dụng đối với người chuyển giới cũng như không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của bản dạng giới trong xã hội hiện nay. Về vấn đề này, khi xây dựng Dự thảo BLDS năm 2015 đã có rất nhiều ý kiến trái chiều trong việc thừa nhận hay không thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên có thể thấy, việc thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính cho cá nhân là thực sự cần thiết. Bởi lẽ điều này sẽ là công cụ rất hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chuyển giới và người chuyển đổi giới tính. Cụ thể: (1) trong xã hội hiện nay, nhóm người có mong muốn chuyển giới là thực tế tồn tại khách quan. Dưới góc độ quyền con người, cá nhân có quyền được sống, trong đó bao hàm quyền được sống là chính mình, có quyền quyết định đối với cơ thể, hình hài của mình. Đây là mong muốn chính đáng của họ. Xã hội càng phát triển, quyền tự do của con người ngày càng được mở rộng và cần được pháp luật tôn trọng, bảo vệ; (2) nếu pháp luật không thừa nhận quyền được chuyển đổi giới tính thì bản thân người chuyển giới vẫn không từ bỏ niềm khao khát mình là giới tính kia. Vì vậy, xu hướng phẫu thuật chuyển đổi giới tính vẫn ngày càng gia tăng, bất chấp những rào cản về mặt xã hội và pháp lý; việc không thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính sẽ ảnh hưởng đến các quyền, lợi ích hợp pháp của họ như: vấn đề cải chính hộ tịch sau khi cá nhân thực hiện việc chuyển giới; cản trở việc kết hôn, tham gia các quan hệ xã hội như tuyển dụng lao động, việc làm…; (3) ngược lại, nếu thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân thì cũng không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người khác, không làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Không những vậy, nó còn tác động tích cực trong việc giải quyết các xung đột gia đình, giảm thiểu sự kỳ thị của xã hội, tạo cơ sở pháp lý giải quyết một số vướng mắc trên thực tế hiện nay.
Với những lý do như vậy, Hiến pháp năm 2013 quy định: “các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp, pháp luật” (Điều 14), “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội” (Điều 16); Thể chế hoá tinh thần của Hiến pháp năm 2013, BLDS năm 2015 quy định: “Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan" (Điều 36); Điều 37 BLDS năm 2015 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính, có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và pháp luật khác có liên quan”. Điều 3 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Xác định lại giới tính đươc ghi vào sổ hộ tịch theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, Điều 36 quy định: “Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch”; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 có thêm quy định: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sau đây có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng: người đồng tính, người chuyển giới”.
Thể chế hoá các quy định trên, đảm bảo quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, Điều 37 BLDS năm 2015 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính, có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và pháp luật khác có liên quan”. Lần đầu tiên trong hệ thống pháp luật dân sự của Nhà nước ta đã ghi nhận về quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân theo Điều 37 BLDS năm 2015. Quy định này đã bảo đảm tốt hơn quyền con người, các quyền dân sự của cá nhân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.
Trước đây, pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận việc xác định lại giới tính cho những người bị khuyết tật bẩm sinh về mặt giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Việc chuyển đổi giới tính của những người hoàn thiện về giới tính không được pháp luật cho phép. Do đó, những người đã chuyển đổi giới tính rất bấp bênh trong việc bảo vệ quyền của mình. Về mặt hình thể, họ là nam hoặc nữ, nhưng trên giấy tờ nhân thân thì họ lại là nữ hoặc nam. Chính vì vậy, pháp luật Việt Nam không thừa nhận chuyển đổi giới tính nên các cơ quan có thẩm quyền không thể thay đổi về hộ tịch cho những người này theo giới tính hiện tại. Cũng vì lẽ đó, một số quyền nhân thân, quyền tài sản, thậm chí là nhân phẩm, danh dự của những người này bị xâm phạm mà không được pháp luật bảo vệ. Cụ thể, Điều 36 BLDS năm 2005 chỉ cho phép trường hợp một người chỉ được quyền yêu cầu xác định lại giới tính của mình khi họ có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác. Nghị định số 88/2008 NĐ-CP hướng dẫn vấn đề này tại khoản 1 Điều 1 và khoản 1, 2 Điều 2. Bên cạnh đó, văn bản này xác định rõ "Cấm" hành vi thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính, thể hiện quan điểm không chấp nhận trường hợp chuyển đổi giới tính theo mong muốn của chủ thể.
Hiện nay, BLDS năm 2015 đã thừa nhận việc chuyển đổi giới tính là một trong những quyền cơ bản của công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Song song với việc thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, BLDS năm 2015 cũng có những quy định để đảm bảo các quyền nhân thân cho người chuyển đổi giới tính. Những người chuyển đổi giới tính có quyền thay đổi họ, tên, cải chính hộ tịch và những quyền nhân thân khác phù hợp với giới tính như kết hôn, nhận nuôi con nuôi…
Mặc dù pháp luật đã có hướng mở cho việc chuyển đổi giới tính, tuy nhiên thì đây không phải là một quyền dân sự vô hạn như quyền về danh dự, nhân phẩm, uy tín, tính mạng, sức khoẻ, thân thể, hình ảnh và các quyền nhân thân khác. Khi công dân thực hiện chuyển đổi giới tính đều phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật. Các văn bản liên quan phải xác định cụ thể những đối tượng nào được chuyển đổi giới tính, những cơ sở y tế nào được thực hiện chuyển đổi giới tính, cách thức chuyển đổi giới tính như thế nào, tình trạng hôn nhân của công dân ra sao, quy trình thay đổi hộ tịch của công dân sau khi chuyển đổi giới tính được thực hiện như thế nào.
Tuy nhiên, lần đâu tiên pháp luật Việt Nam cho phép công dân được chuyển đổi giới tính, do đó sẽ có nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm phát sinh, đó là các vấn đề liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân gia đình cũng như các chính sách an sinh xã hội. Chẳng hạn như việc thay đổi tên gọi, xác định lại giới tính trong giấy tờ hộ tịch. Với người chuyển giới, giới tính hiện tại của họ không trùng với giới tính khi sinh ra, các giấy tờ nhân thân trước đó ghi theo giới tính khi sinh ra. Điều này dẫn đến hệ quả khi một người chuyển giới họ phải cải chính thông tin trên giấy tờ nhân thân và các giấy tờ khác có liên quan như văn bằng, chứng chỉ… Đây sẽ là một vấn đề phức tạp đối với một người đã có một quá trình dài lao động, làm việc, có rất nhiều các loại giấy tờ cá nhân do nhiều cơ quan ban hành.
Như vậy, các quyền cá biệt hóa chủ thể của cá nhân trong pháp luật dân sự hiện hành đã đáp ứng được cơ bản cá quyền con người nói chung, quyền nhân thân của cá nhân nói riêng, Việc quy định các quyền nhân thân của cá nhân nói trên rất phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về quyền con người cũng như tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
ThS. Đoàn Thị Ngọc Hải - Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình
 
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Công ước của Liên Hợp quốc về quyền con người;
2. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;
3. Bộ luật Dân sự năm 2005 và năm 2015;
4. Luật Quốc tịch năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014);
5. Luật Nuôi con nuôi năm 2010;
6. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
7. Luật Hộ tịch năm 2014;
9. Trường Đại học Luật Hà Nội “Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam” – nxb Công an nhân dân;
10. PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ - PGS.TS Trần Thị Huệ “Bình luận khoa học BLDS năm 2015” – nxb Công an nhân dân.