Những điểm mới của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020)

15/10/2019

Luật Thi hành án hình sự (THAHS) năm 2019 đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua với tỷ lệ 91,53% số Đại biểu Quốc hội tán thành và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. So với Luật thi hành án hình sự năm 2010, Luật THAHS năm 2019 gồm 16 chương, 207 điều và có nhiều nội dung mới về phạm vi điều chỉnh, tha tù trước thời hạn có điều kiện, thi hành án tử hình, thi hành án đối với pháp nhân thương mại, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của phạm nhân đang chấp hành án..v.v.. khắc phục bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác thi hành án, thể hiện tính nhân văn sâu sắc bảo đảm quyền lợi của phạm nhân, đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, cụ thể:
1. Về phạm vi điều chỉnh
Luật đã mở rộng thêm đối với việc xác định nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện; thi hành các hình phạt và biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại chấp hành án. Chương XI “Thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại” bao gồm  9 điều quy định về cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án; quyết định, thủ tục, hồ sơ thi hành án; quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án; cưỡng chế thi hành án; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại; chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại; cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp…
2. Bổ sung điều luật quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân
Thể thể hóa Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã Luật bổ sung các nhóm quyền cho phạm nhân như: Được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Trong đó, phạm nhân được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, phạm nhân được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật... cụ thể, tại Điều 27 của Luật quy định phạm nhân có các quyền và nghĩa vụ như sau:
* Về quyền:
a) Được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân;
b) Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế theo quy định; gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án;
c) Được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ;
d) Được lao động, học tập, học nghề;
đ) Được gặp, liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân; đối với phạm nhân là người nước ngoài được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự;
e) Được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật;
g) Được bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo; được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
h) Được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;
i) Được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật;
k) Được khen thưởng khi có thành tích trong quá trình chấp hành án.
* Phạm nhân có các nghĩa vụ:
a) Chấp hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự trong quá trình thi hành án hình sự và các quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ phạm nhân, các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án;
c) Chấp hành yêu cầu, mệnh lệnh, hướng dẫn của cán bộ cơ sở giam giữ phạm nhân;
d) Lao động, học tập, học nghề theo quy định;
đ) Phạm nhân làm hư hỏng, làm mất hoặc hủy hoại tài sản của người khác thì phải bồi thường.
Khoản 3 Điều 27 quy định: “Phạm nhân có quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này”.
Những quy định này phù hợp với Hiến pháp, vừa bảo đảm tính khả thi của Luật, phù hợp với sự phát triển KT - XH của đất nước, vừa bảo đảm đạt được mục đích của hình phạt là giáo dục, cải tạo người chấp hành án. Đây là điểm hoàn toàn mới trong Luật Thi hành án hình sự 2019.
3. Quy định về những đối tượng được giam giữ riêng
Trước đây,tại khoản 2 Điều 27 của Luật Thi hành án hình sự 2010 quy định có 06 đối tượng được giam giữ riêng, gồm: Phạm nhân nữ; phạm nhân là người chưa thành niên; phạm nhân là người nước ngoài; phạm nhân là người có bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm; phạm nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án; phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy, quy chế trại giam. Hiện nay, Luật mới đã bổ sung thêm 02 đối tượng là Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam và Phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính. Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật thi hành án hình sự năm 2019 có tổng cộng 08 đối tượng có thể được giam giữ riêng.
4. Về việc tiếp nhận người chấp hành án phạt tù
Điều 28 của Luật thi hành án hình sự năm 2019 quy định: Khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định, trại giam, trại tạm giam… phải tiếp nhận người chấp hành án phạt tù. Khi tiếp nhận, các cơ quan này phải có trách nhiệm kiểm tra thông tin, khám sức khỏe cho người chấp hành hình phạt tù. Phải kiểm tra cơ thể của người chấp hành hình phạt tù để xử lý đồ vật mang theo trước khi đưa vào buồng giam. Trong đó, những đồ vật không được mang vào buồng giam gồm: vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; chất gây mê, chất độc, chất cháy, chất gây cháy, chất phóng xạ, hóa chất, độc dược; các chất ma túy và thuốc tân dược có thành phần gây nghiện; rượu, bia và các chất kích thích khác; các đồ dùng có thể dùng làm hung khí như dây lưng, dây điện, dây đàn, đồ làm bằng sành sứ, đá, thủy tinh, phích nước, đồ vật sắc nhọn …; tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý; các loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, hộ khẩu, bằng cấp, chứng chỉ… các loại thiết bị kỹ thuật, điện tử như máy ghi âm, ghi hình, máy nghe nhìn, điện thoại, bộ đàm; tranh, ảnh, phim, băng đĩa có nội dung mê tín dị đoan, phản động, đồi trụy; các loại bài lá … việc kiểm tra thân thể nam giới do cán bộ nam thực hiện, thân thể nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và phải kiểm tra tại nơi kín đáo.
5. Quy định về Chế độ lao động, Tổ chức lao động cho phạm nhân
Về chế độ lao động, khoản 4 Điều 32 bổ sung quy định: Phạm nhân được nghỉ lao động trong các trường hợp sau đây: Phạm nhân bị bệnh, không đủ sức khỏe lao động và được y tế trại giam xác nhận; phạm nhân đang điều trị tại cơ sở y tế; phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ trong trại giam mà bị bệnh, được y tế trại giam xác nhận; phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của pháp luật về lao động.
Về tổ chức lao động cho phạm nhân, Điều 33 của Luật quy định: Căn cứ vào độ tuổi, sức khỏe, giới tính, mức án, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của phạm nhân; điều kiện đất đai, tài nguyên, ngành, nghề, trang thiết bị, phương tiện, vật tư, nguồn vốn mà trại giam đang quản lý và điều kiện cụ thể của trại giam; khả năng hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân, Giám thị trại giam lập kế hoạch tổ chức lao động cho phạm nhân trong năm, gửi cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng để phê duyệt (khoản 1). Trại giam tổ chức lao động cho phạm nhân theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
6. Về xếp loại chấp hành án phạt tù
Luật bổ sung Điều 35 quy định về việc phạm nhân được nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù theo tuần, tháng, quý, 6 tháng, 1 năm dựa trên căn cứ việc thực hiện kết quả thực hiện các tiêu chuẩn thi đua, nội quy cơ sở giam giữ. Việc nhận xét, đánh giá phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, dân chủ và bảo đảm tính liên tục; căn cứ kết quả thực hiện các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, học tập, lao động cải tạo, kết quả khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra để nhận xét, đánh giá và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân theo một trong các mức tốt, khá, trung bình, kém; kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù theo quý, 06 tháng, 01 năm phải bằng văn bản, được lưu hồ sơ phạm nhân. Phạm nhân lập công thì được nâng mức xếp loại chấp hành án phạt tù.
7. Người bị bệnh nặng phải trưng cầu giám định y khoa
Điều 25 và Điều 37 của Luật đã bổ sung quy định xử lý trường hợp đối với người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù với lý do ốm nặng nhưng có dấu hiệu phục hồi sức khỏe để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, cụ thể: tại khoản 7 Điều 25 và điểm b khoản 5 Điều 37 của Luật quy định: Đối với người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù vì lý do bị bệnh nặng, nếu xét thấy có dấu hiệu phục hồi sức khỏe mà vẫn lấy lý do về sức khỏe để trốn tránh việc chấp hành án người được hoãn thi hành án, tạm đình chỉ chấp hành án có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được tạm đình chỉ cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi đơn vị được giao quản lý người đó có trách nhiệm trưng cầu giám định y khoa tại bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp quân khu trở lên hoặc trưng cầu giám định pháp y tâm thần tại tổ chức giám định pháp y tâm thần có thẩm quyền.
Trường hợp kết quả giám định xác định người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án đã phục hồi sức khỏe thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thực hiện việc đưa người đó đến nơi chấp hành án và thông báo cho Tòa án đã ra quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ.
Trường hợp kết quả giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu đề nghị Tòa án đã ra quyết định thi hành án để ra quyết định hủy quyết định hoãn hoặc hủy quyết định tạm đình chỉ và áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.
Chi phí giám định do cơ quan trưng cầu giám định chi trả.
8. Tái hòa nhập cộng đồng
Luật bổ sung Điều 45 quy định về tái hòa nhập cộng đồng, theo đó trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện. Nội dung chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng bao gồm: Tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý; định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm; hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam. Kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện tái hòa nhập cộng đồng do ngân sách nhà nước cấp; quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam và các quỹ khác theo quy định của pháp luật; nguồn đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tạo điều kiện, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng bằng các biện pháp như thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng; dạy nghề, giải quyết việc làm; trợ giúp về tâm lý và hỗ trợ các thủ tục pháp lý; các biện pháp hỗ trợ khác.
9. Phạm nhân được nhận tiền qua đường bưu điện
Trước đây, theo quy định tại Điều 46 Luật thi hành án hình sự năm 2010 phạm nhân chỉ được nhận quà là tiền khi được gặp trực tiếp thân nhân. Thì hiện nay, theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự 2019, phạm nhân được nhận quà là tiền, đồ vật do thân nhân gửi qua đường bưu chính không quá 02 lần trong 01 tháng. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận tiền, đồ vật mà thân nhân của phạm nhân gửi cho phạm nhân và bóc, mở, kiểm tra để phát hiện và xử lý đồ vật thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật.
Khoản 3 Điều 52 cũng quy định đối với tiền, phạm nhân phải gửi trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quản lý. Việc quản lý, sử dụng đồ vật, tiền của phạm nhân được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 28 của Luật này.
10. Bổ sung quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện
Trên cơ sở quy định của Điều 66, Bộ luật Hình sự năm 2015 (Tha tù trước thời hạn có điều kiện) và Điều 368 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Thủ tục xét tha tù trước thời hạn có điều kiện), Luật bổ sung Mục 3, Chương III, gồm 16 điều, từ Điều 57 đến Điều 72 quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện, bao gồm các quy định về: thời điểm; hồ sơ quản lý, cơ quan quản lý, nhiệm vụ của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; nghĩa vụ, việc lao động, học tập, rút ngắn thời gian thử thách, thủ tục rút ngắn thời gian thử thách; thực hiện việc kiểm điểm, việc vắng mặt tại nơi cư trú; xử lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nghĩa vụ hoặc vi phạm pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính; giải quyết trường hợp phạm nhân đã được đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nội quy trại giam, cơ sở giam giữ hoặc có hành vi vi phạm pháp luật; hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; trách nhiệm của gia đình người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
11. Về thi hành án tử hình
Thi hành án tử hình được quy định tại Chương IV của Luật, gồm 7 điều (từ Điều 77 đến Điều 83), nội dung sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình theo hướng quy định cụ thể hơn về thời gian, mối quan hệ, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thành lập Hội đồng thi hành án tử hình; bổ sung về hồ sơ thi hành án tử hình (Điều 80); ngoài việc nhận tử thi và hài cốt, Luật bổ sung quy định về “Giải quyết việc xin nhận tử thi, tro cốt và hài cốt của người bị thi hành án tử hình” (Điều 83), theo đó trường hợp thân nhân hoặc người đại diện của người bị thi hành án tử hình muốn nhận tro cốt của người bị thi hành án và tự chịu chi phí hỏa táng thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu bàn giao tử thi và hỗ trợ đưa tử thi về nơi hỏa táng.
12. Về thi hành án treo, cải tạo không giam giữ
Thi hành án treo, cải tạo không giam giữ được quy định tại Chương V, trong đó Mục 1 “Thi hành án treo” gồm 11 điều quy định từ Điều 84 đến Điều 94, Mục 3 “Thi hành án phạt cải tạo không giam giữ” gồm 11 điều từ Điều 96 đến Điều 106. Về nội dung, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thi hành án treo như bổ sung nhiệm vụ của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, theo đó Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo có nhiệm vụ, quyền hạn lập hồ sơ, tổ chức giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; bàn giao hồ sơ cho cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền theo quy định của Luật này (Điều 86); quy định chi tiết cụ thể, nhiệm vụ quyền hạn của đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo trong thời gian thử thách (khoản 3 Điều 86). Quy định về trình tự, thủ tục, biện pháp lao động phục vụ tại cộng đồng đối với người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc mất việc làm trong thời gian chấp hành án (khoản 5 Điều 101); bổ sung một số nội dung liên quan đến việc giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (Điều 100).
13. Quy định người bị án treo có thể được rút hết thời gian thử thách
Luật thi hành án hình sự năm 2010 chỉ nêu thủ tục rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo; về điều kiện trình tự thủ tục thời hạn xem xét quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo được quy định tại Thông tư liên tịch 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/8/2012 hướng dẫn rút ngắn thời gian thử thách án treo và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo. Theo đó, người được hưởng án treo có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án quân sự cấp khu vực rút ngắn thời gian thử thách của án treo khi có đủ các điều kiện:
- Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách của án treo;
- Có nhiều tiến bộ, được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ của người được hưởng án treo; chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế nơi làm việc; tích cực lao động, học tập và sửa chữa lỗi lầm; thực hiện đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ khác theo quyết định của bản án;
- Được Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản.
Người được hưởng án treo một năm chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ một tháng đến một năm. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư thời gian thử thách Tòa án đã tuyên.
Điều 89, Điều 90 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bổ sung thêm các điều kiện, thủ tục như trên cùng với quy định thêm về việc nếu thời gian thử thách còn lại không quá 01 tháng thì có thể được rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại (khoản 2 Điều 89).
14. Quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại
Đây là quy định mới của Luật nhằm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về pháp nhân thương mại. Luật dành 1 chương (Chương XI) gồm 9 điều từ Điều 158 đến Điều 166 để quy định về cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án; quyết định, thủ tục, hồ sơ thi hành án; quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án; cưỡng chế thi hành án; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại; chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại; cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp... Về thủ tục thi hành (Điều 160) quy định: Khi được cơ quan thi hành án hình sự triệu tập để thông báo, yêu cầu thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phải có mặt, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan; trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, pháp nhân thương mại phải công bố quyết định đó trên trang thông tin điện tử, ấn phẩm của pháp nhân thương mại và niêm yết công khai tại trụ sở chính và địa điểm kinh doanh của pháp nhân thương mại trong thời gian chấp hành án; thông báo việc chấp hành hình phạt, biện pháp tư pháp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan…
Điều 161 quy định Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm lập hồ sơ thi hành án đối với pháp nhân thương mại.
Về quyền và nghĩa vụ của pháp nhân thương mại, Điều 162 quy định Pháp nhân thương mại chấp hành án có các quyền sau đây: Được thông báo về việc thi hành án; được nhận các quyết định liên quan trong quá trình chấp hành án; được khiếu nại về thi hành án; được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp theo quy định của Luật này; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Pháp nhân thương mại chấp hành án có các nghĩa vụ: Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; quyết định, yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án; người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan thi hành án hình sự; công bố và niêm yết công khai quyết định thi hành án; thông báo việc chấp hành hình phạt và biện pháp tư pháp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Luật này; báo cáo cơ quan thi hành án hình sự về việc chấp hành án…
* Đề xuất, kiến nghị:
Ngày 19/8/2019 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1041/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Trong thời gian tới, khi Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có hiệu lực thi hành (1/1/2020), để luật đi vào cuộc sống cần khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về các nội dung mới được sửa đổi bổ sung;
Tiếp tục rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về công tác thi hành án hình sự căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác thi hành án hình sự để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về Thi hành án hình sự;
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; giáo dục pháp luật; tổ chức tập huấn nội dung quy định của Luật cho những đối tượng có liên quan về những nội dung điểm mới trong quy định của Luật;
Xây dựng, ban hành, kiện toàn các mẫu biểu mới thay thế hệ thống mẫu biểu cũ để phù hợp với quy định mới của Luật;
Tổng hợp vướng mắc trong áp dụng thực tiễn, báo cáo đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế nếu có…
Trên đây là những điểm mới cơ bản của Luật Thi hành án hình sự 2019 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020) và một số đề xuất kiến nghị. Có thể nói, Luật Thi hành án hình sự 2019 được sửa đổi toàn diện nhằm cụ thể hóa việc thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các đạo luật khác có liên quan, thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật trước đây, bảo vệ quyền lợi của phạm nhân, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc./.
Hồ Nguyễn Quân - Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 4