Định tội danh đối với tội phạm chưa hoàn thành

22/07/2019
Định tội danh là một quá trình nhận thức lý luận có tính lôgic, đồng thời là một trong những dạng của hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự, cũng nh­ư pháp luật tố tụng hình sự và đư­ợc tiến hành dựa trên cơ sở các chứng cứ, các tài liệu thu thập đ­ược và các tình tiết thực tế của vụ án hình sự để đối chiếu, so sánh và kiểm tra nhằm xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể t­ương ứng được quy định trong Bộ luật hình sự. Trong phạm vi bài viết này tác giả tập trung phân tích việc định tội danh đối với các trường hợp tội phạm chưa hoàn thành.
1. Lí luận về định tội danh đối với tội phạm chư­a hoàn thành
Để làm sáng tỏ khái niệm định tội danh đối với tội phạm chưa hoàn thành, trư­ớc hết chúng ta cần hiểu rõ khái niệm tội phạm chưa hoàn thành là gì - vấn đề này chư­a được nhà làm luật Việt Nam quy định cụ thể trong BLHS năm 2015. Tuy nhiên, căn cứ vào lý luận về cấu thành tội phạm và các giai đoạn thực hiện tội phạm với lỗi cố ý có thể định nghĩa tội phạm chưa hoàn thành nh­ư sau: tội phạm ch­ưa hoàn thành là hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chư­a đạt, tức là tội phạm chưa hoàn thành bao gồm hai giai đoạn đầu của hoạt động phạm tội với lỗi cố ý. Như vậy, xuất phát từ khái niệm đã nêu có thể chỉ ra một số đặc điểm cơ bản dưới đây của tội phạm chưa hoàn thành:
Thứ nhất, Sự khác nhau cơ bản giữa tội phạm hoàn thànhtội phạm chưa hoàn thành là ở chỗ – trong trường hợp tội phạm hoàn thành mặt chủ quan và mặt khách quan của cấu thành tội phạm về nội dung là trùng nhau, còn trong trường hợp tội phạm chưa hoàn thành lỗi cố ý chỉ phần nào được thể hiện qua hành vi bên ngoài của người phạm tội và hậu quả của hành vi đó.
Thứ hai, Bản chất của tội phạm chưa hoàn thành là: a) hậu quả phạm tội mà chủ thể mong muốn đạt được chưa xảy ra; b) thiệt hại gây ra cho khách thể (các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ) bị xâm hại của hành vi phạm tội chưa kết thúc; c) mặt khách quan của cấu thành tội phạm chưa hoàn thành (mà các dấu hiệu của nó được mô tả tại phần quy định của điều cụ thể trong Phần các tội phạm của BLHS xác định trách nhiệm hình sự đối với tội phạm hoàn thành tương ứng) mới chỉ được thực hiện phần nào (chưa hoàn toàn); d) mặt chủ quan của cấu thành tội phạm chưa hoàn thành bao giờ cũng được biểu hiện bằng lỗi trực tiếp.   
Nguyên tắc chung của việc xác định trách nhiệm hình sự đối với tội phạm chưa hoàn thành là một vấn đề cần phải được làm rõ khi định tội danh đối với hoạt động phạm tội, mà vấn đề này cũng chưa được nhà làm luật Việt Nam quy định cụ thể trong BLHS năm 2015. Tuy nhiên, căn cứ vào khái niệm tội phạm chưa hoàn thành đã nêu trên, đồng thời trên cơ sở lý luận về cấu thành tội phạm và lý luận về các giai đoạn thực hiện tội phạm do cố ý, đồng thời xuất phát từ thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự cho thấy nguyên tắc chung của việc xác định trách nhiệm hình sự đối với tội phạm chưa hoàn thành là:
Một là, Đối với tội phạm chưa hoàn thành ở giai đoạn thứ nhất – chuẩn bị phạm tội, thì trách nhiệm hình sự được xác định theo điều t­ương ứng tại Phần các tội phạm về tội phạm hoàn thành với sự viện dẫn điều về hành vi chuẩn bị phạm tội tại Phần chung BLHS.                        
Hai là, Còn đối với tội phạm chưa hoàn thành ở giai đoạn thứ hai – phạm tội chưa đạt, thì trách nhiệm hình sự được xác định theo điều t­ương ứng tại Phần các tội phạm về tội phạm hoàn thành với sự viện dẫn điều về hành vi phạm tội chưa đạt tại Phần chung BLHS.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu nh­ư cho rằng trách nhiệm hình sự đối với tội phạm chưa hoàn thành được xác định theo điều tư­ơng ứng tại Phần các tội phạm về tội phạm hoàn thành thì có nghĩa là ng­ười thực hiện tội phạm chưa hoàn thành nhất thiết phải bị trừng trị theo hình phạt do luật quy định đối với tội phạm hoàn thành t­ương ứng, mà trái lại cần phải nhận thức thống nhất và đúng đắn. Bởi vì:
Hình phạt không phải là dạng duy nhất của trách nhiệm hình sự và đồng thời cũng không phải là hình thức duy nhất thực hiện trách nhiệm hình sự (mặc dù hình phạt là biện pháp c­ưỡng chế về hình sự nghiêm khắc nhất và việc áp dụng nó sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là có án tích).
Vì ngoài hình phạt ra, còn có các biện pháp c­ưỡng chế về hình sự khác – các dạng khác của trách nhiệm hình sự (như­ các biện pháp tư­ pháp chung, các biện pháp tư pháp có tính chất giáo dục đối với ngư­ời chư­a thành niên phạm tội, án treo, hoặc miễn hình phạt, hoãn chấp hành hình phạt, v.v...) và các hình thức thực hiện trách nhiệm hình sự khác không dẫn đến hậu quả pháp lý là án tích (nh­ư chỉ áp dụng các biện pháp t­ư pháp chung, hoặc các biện pháp t­ư pháp có tính chất giáo dục đối với ng­ười ch­ưa thành niên phạm tội).
Hơn nữa, khi xác định trách nhiệm hình sự đối với tội phạm chưa hoàn thành thì theo nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự – rõ ràng là mức độ trách nhiệm hình sự đối với tội phạm chưa hoàn thành của ngư­ời phạm tội sẽ được giảm nhẹ đáng kể (nhất là đối với chuẩn bị phạm tội), so với tội phạm hoàn thành nếu ng­ười đó thực hiện đến cùng.
Ngoài ra, cần lư­u ý khi giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của ng­ười thực hiện tội phạm chưa hoàn thành chúng ta không thể chỉ dựa vào một Điều luật tương ứng nào đó tại Phần các tội phạm BLHS năm 2015 quy định về tội phạm hoàn thành, mà còn phải dựa vào cả các quy định khác tại Phần chung nữa, nhất là các quy định đề cập đến việc “Quyết định hình phạt trong tr­ường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt”  (Điều 14, Điều 15, điều 57 BLHS).
Như­ vậy, từ sự phân tích trên ta có thể hiểu định tội danh đối với tội phạm chưa hoàn thành nh­ư sau: định tội danh đối với tội phạm chư­a hoàn thành là sự đánh giá về hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện trong hoạt động phạm tội trên cơ sở đối chiếu, so sánh và kiểm tra để xác định sự phù hợp ở một mức độ nhất định giữa các dấu hiệu của hành vi ấy trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội; giai đoạn phạm tội chưa đạt với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể do điều t­ương ứng tại Phần các tội phạm BLHS quy định.
2. Định tội danh trong trường hợp tội phạm chưa hoàn thành.
Định tội danh đối với tội phạm chưa hoàn thành (chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt) cần chú ý một số vấn đề cơ bản dưới đây.
Thứ nhất, trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với các tội cố ý. Bởi lẽ, tội phạm chưa hoàn thành là tội do cố ý không được thực hiện đến cùng – trong toàn bộ quá trình thực hiện tội phạm, hoạt động phạm tội bị dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội – do những nguyên nhân khách quan không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của ng­ười phạm tội.   
Thứ hai, cần phải hiểu tội phạm chưa hoàn thành cũng thuộc phạm trù khái niệm tội phạm. Vì vậy, khi định tội danh nhất thiết phải phân biệt rõ tội phạm chưa hoàn thành đó đang ở giai đoạn nào – giai đoạn chuẩn bị phạm tội hay là giai đoạn phạm tội chưa đạt để đảm bảo việc phân hóa trách nhiệm hình sự một cách chính xác, làm cơ sở cho việc quyết định hình phạt có căn cứ và đúng pháp luật.
Đối với hành vi thuộc giai đoạn chuẩn bị phạm tội nhưng bản thân hành vi chuẩn bị phạm tội đã cấu thành một tội phạm khác ở giai đoạn hoàn thành. Chẳng hạn: A lấy trộm súng của B khi bị B xử phạt vi phạm giao thông với mục đích dùng súng này để thực hiện hành vi cướp tiệm vàng. Hành vi lấy trộm súng của A ngoài mục đích chuẩn bị công cụ, phương tiện thực hiện tội cướp tài sản thì bản thân hành vi trộm súng đã cấu thành tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (điều 304 BLHS). Vì thế khi định tội danh trong trường hợp này phải khẳng định A phạm 2 tội một tội ở giai đoạn hoàn thành và một tội ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Khi quyết định hình phạt, Tòa án sẽ quyết định hình phạt theo quy định tại điều 57 BLHS và tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc phạm nhiều tội quy định tại điều 55 BLHS.
Đối với giai đoạn phạm tội chưa đạt thì cần xem xét hành vi phạm tội chưa đạt ở giai đoạn nào? Chưa đạt chưa hoàn thành hay chưa đạt đã hoàn thành. Ví dụ: A vào rừng khai thác lậu gỗ bị kiểm lâm B phát hiện và áp giải về đồn để giải quyết. Trong quá trình áp giải A cướp được giao phay khai thác gỗ của mình do B đang giữ và chém nhiều nhát vào B. Bị chém B kêu cứu, nghe được tiếng kêu cứu đồng đội của B chạy đến khống chế A nên A không thực hiện được hành vi đến cùng. Cũng trong ví dụ trên A chém B nhiều nhát và khi thấy B ngã ra bất tỉnh cho rằng B đã chết nên A bỏ đi, tuy nhiên B được đồng đội phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời nên không chết. Hành vi của A trong hai trường hợp trên đều thuộc giai đoạn phạm tội chưa đạt nhưng tính chất mức độ, nguy hiểm của hành vi trong hai trường hợp trên là khác nhau. Trường hợp thứ nhất A phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành vì về mặt khách quan A chưa thực hiện được hết những hành vi mình dự định và cho là cần thiết để hậu quả xảy ra, còn trường hợp thứ hai A phạm tội chưa đạt đã hoàn thành vì A đã thực hiện đầy đủ các hành vi cần thiết mà mình cho là hậu quả sẽ xảy ra. Tuy nhiên hậu quả không xảy ra nằm ngoài ý muốn chủ quan của A. Mặc dù trong cả hai trường hợp trên khi định tội danh của A đều là tội phạm chưa đạt nhưng căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà quyết định mức hình phạt khác nhau.
Thứ ba, Tội phạm chưa hoàn thành khác với tội phạm hoàn thành ở chỗ bao giờ nó cũng không có đầy đủ các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm, mà đặc điểm chủ yếu nhất là trong tội phạm chưa hoàn thành về cơ bản là hậu quả phạm tội cuối cùng chư­a xảy ra (ở đây phải hiểu là hậu quả được nhà làm luật ghi nhận với tính chất là dấu hiệu bắt buộc trong phần quy định của điều luật cụ thể tại Phần các tội phạm BLHS).
Thứ tư, Việc xác định thời điểm nào thì tội phạm được coi là chư­a hoàn thành (hoặc đã hoàn thành) – đây là một trong những vấn đề quan trọng của quá trình định tội danh. Đối với tội phạm chưa hoàn thành cần lưu ý một số trư­ờng hợp như­ sau:
Một là, Thời điểm tội phạm hoàn thành được thể hiện bằng mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả phạm tội – thông th­ường khi hành vi phạm tội được thực hiện thì về cơ bản kéo theo hậu quả phạm tội xảy ra.           
Hai là, Tội phạm hoàn thành ngay từ thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện mà không cần phụ thuộc vào hậu quả phạm tội đã xảy ra hay ch­ưa – thông thư­ờng đó là những tội phạm có cấu thành hình thức. Riêng đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt, thì việc phân biệt thời điểm tội phạm hoàn thành với thời điểm tội phạm chưa hoàn thành như­ sau:
Đối với các cấu thành tội phạm vật chất, do hình thức chiếm đoạt tài sản có tính chất nguy hiểm cho xã hội ít hơn (như:­ cư­ớp giật, trộm cắp hoặc lừa đảo) nên thời điểm để tội phạm bị coi là hoàn thành là chỉ khi nào hậu quả phạm tội xảy ra – tài sản bị chiếm đoạt (tức là đã thoát khỏi sự quản lý của chủ tài sản), còn đối với các tội phạm chiếm đoạt tài sản có tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn (như:­ cướp, cư­ỡng đoạt hoặc bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản) thì thời điểm để tội phạm bị coi là hoàn thành là ngay từ khi bị cáo thực hiện bất kỳ một hành vi nào được mô tả trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm cơ bản t­ương ứng (như:­ “dùng vũ lực”, “đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực”, “đe dọa sẽ dùng vũ lực, “có hành vi khác”...) mà không nhất thiết phải thực hiện thêm một hành vi thứ hai nào khác nữa. Có nghĩa là việc coi tội phạm hoàn thành (hay ch­ưa hoàn thành) không phụ thuộc vào việc hậu quả phạm tội xảy ra hay ch­ưa – tài sản bị chiếm đoạt hay chư­a, mà chỉ cần là hành vi phạm tội với ý định chiếm đoạt tài sản của bị cáo được thực hiện thì tội phạm đã được coi là hoàn thành.
3. Định tội danh đối với hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Việc nghiên cứu thực tiễn xét xử cho thấy, xác định rõ các giai đoạn của tội phạm hoàn thành còn là cơ sở để các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án định tội danh đúng hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện khi bị cáo tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm, đồng thời giải quyết đúng đắn vấn đề trách nhiệm hình sự của ng­ười đó. Chính vì vậy, để góp phần đảm bảo cho sự đánh giá hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm được chính xác, cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau:     
Thứ nhất, Tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm - là một trong các chế định nhân đạo của luật hình sự Việt Nam, tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm nhằm khuyến khích ng­ười phạm tội từ bỏ vĩnh viễn ý định thực hiện tội phạm đến cùng, vì vậy nó có ý nghĩa thực tiễn quan trọng đối với việc đấu tranh phòng và chống tội phạm nói chung và góp phần thực hiện đúng đắn nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự nói riêng.
Thứ hai, Trong quá trình định tội danh đối với tội phạm chưa hoàn thành, việc miễn trách nhiệm hình sự đối với hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm theo quy định tại Điều 16 BLHS năm 2015 cần phải được hiểu là chỉ khi nào có đầy đủ hai căn cứ do luật định: Một là, Hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm phải là tội phạm chưa hoàn thành (đang ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt) – chư­a được thực hiện đến cùng. Hai là, Ngư­ời phạm tội mặc dù nhận thức được là mình hoàn toàn có khả năng thực hiện tội phạm chưa hoàn thành đó đến cùng, như­ng đã có ý thức chủ quan tự nguyện đình chỉ hành vi chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt – dứt khoát không tiếp tục thực hiện tội phạm chưa hoàn thành đó nữa (mặc dù không hề có một yếu tố tác động khách quan nào khác ngăn cản).
Thứ ba, để áp dụng chế định tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm đối với những tr­ường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành (hoàn thành về hành vi và ch­ưa đạt về hậu quả), thì ở đây nhất thiết phải có hai điều kiện chặt chẽ nh­ư sau: Một là, Khi thực hiện việc tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm bị cáo phải tích cực chủ động áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết có thể áp dụng được để ngăn chặn không cho hậu quả phạm tội cuối cùng xảy ra; Hai là, Hậu quả phạm tội cuối cùng mà bị cáo dự định đạt được bằng hành vi phạm tội đã hoàn thành của mình trên thực tế đã không xảy ra chính là nhờ việc tự  ý nửa chừng chấm dứt tội phạm đó.
Có thể nói định tội danh là một giai đoạn cơ bản của quá trình áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự. Định tội danh là một trong những biện pháp đưa pháp luật hình sự vào cuộc sống xã hội và đồng thời góp phần quan trọng vào việc thực hiện đường lối, chính sách hình sự của Nhà nước ta. Định tội danh đúng và chính xác có ý nghĩa quyết định trong vụ án hình sự, bởi vì nó là cơ sở cần thiết đầu tiên để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Chỉ trên cơ sở đã xác định một người phạm tội gì và tội đó đã được quy định ở điều, khoản nào của BLHS thì mới có thể quyết định buộc người đó phải chịu biện pháp cưỡng chế hình sự nào./.
Th.s Nguyễn Văn Điền - Viện KSND thị xã Sơn Tây, Hà Nội
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.
2. Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
3. Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (phần chung), Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB, Công an Nhân dân, 2015.
4. Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, PGS. TSKH-Lê Cảm, NXB, ĐHQG Hà Nội.
5. Sách chuyên khảo Định tội danh, NXB ĐHQG Hà Nội, 2010.