Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam và các nước khác trong Asean – Thực trạng và một số đề xuất, kiến nghị

21/06/2019
Bài viết giới thiệu về chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam (2013-2018), đồng thời, có sự phân tích, đánh giá thực trạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam và các nước khác trong ASEAN (2017-2018, 2018) theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Qua đó, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm cải thiện chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam.
1. Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam (2013-2018)
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu (2013 - 2018), chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật ((Burden of government regulation, gọi tắt là chỉ số B1) của Việt Nam đã liên tục được cải thiện, cụ thể:
- Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2013-2014 (Được phát hành ngày 29/8/2013)[1] : Chỉ số B1 của Việt Nam đạt 3.1 trên thang điểm 1-7, đứng thứ 106/148 nước.
- Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014-2015 (Được phát hành ngày 21/8/2014)[2] : Chỉ số B1 của Việt Nam cũng đạt 3.1 trên thang điểm 1-7, đứng thứ 101/144 nước.
- Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 (Được phát hành ngày 22/9/2015) [3]: Chỉ số B1 của Việt Nam đạt 3.2 trên thang điểm 1-7, đứng thứ 90/140 nước.
- Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2016-2017 (Được phát hành ngày 28/9/2016) [4]: Chỉ số B1 của Việt Nam đạt 3.2 trên thang điểm 1-7, đứng thứ 88/138 nước.
- Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 (Được phát hành ngày 26/10/2017)[5]: Chỉ số B1 của Việt Nam đạt 3.3 trên thang điểm 1-7, đứng thứ 76/137 nước.

2. Thực trạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam và các nước khác trong ASEAN (2017-2018 và năm 2018)
            2.1. 2017-2018
  Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2017 (The global Competitiveness Report 2017-2018), được phát hành ngày 26/10/2017 của WEF[6], trong các nước ASEAN (các nước được WEF khảo sát) thì chỉ số B1 của Việt Nam đạt 3.3 trên thang điểm 1-7, xếp thứ 76/137 nước và đứng thứ 8 trong các nước ASEAN (chỉ trên Philippin):
(1) Singapore: Chỉ số B1 đạt 5.6 trên thang điểm 1-7, xếp vị trí thứ 1 trong tổng số 137 nước và dẫn đầu các quốc gia trong khối ASEAN.
(2) Malaysia: Chỉ số B1 đạt 4.8 trên thang điểm 1-7, xếp thứ 5/137 nước và đứng thứ 2 trong các nước ASEAN.
(3) Indonesia: Chỉ số B1 đạt 4.1 trên thang điểm 1-7, xếp thứ 27/137 nước và đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.
(4) Lào: Chỉ số B1 đạt 3.9 trên thang điểm 1-7, xếp thứ 34 trong tổng số 137 nước và đứng thứ 4 trong các nước ASEAN.
(5) Thái Lan: Chỉ số B1 đạt 3.6 trên thang điểm 1-7, xếp thứ 58 trong tổng số 137 nước và đứng thứ 5 trong các nước ASEAN.
(6) Campuchia: Chỉ số B1 đạt 3.4 trên thang điểm 1-7, xếp thứ 68 trong tổng số 137 nước và đứng thứ 6 trong các nước ASEAN. 
(7) Brunây: Chỉ số B1 đạt 3.4 trên thang điểm 1-7, xếp thứ 70/137 nước và xếp thứ 7 trong các nước ASEAN.
(8) Việt Nam: Chỉ số B1 đạt 3.3 trên thang điểm 1-7, xếp thứ 76/137 nước và đứng thứ 8 trong các nước ASEAN.
(9) Philippin: Là quốc gia có chỉ số B1 được chấm rất thấp, đạt 2.8 trên thang điểm 1-7 và thứ hạng xếp cũng rất thấp (111/137 nước), đứng thứ 9 trên tổng số 9 nước ASEAN được WEF khảo sát.
               2.2. Năm 2018
        Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 (The global Competitiveness Report 2018) được phát hành ngày 16/10/2018 của WEF[7], chỉ số B1 của Việt Nam được chấm đạt giá trị 3.1 trên thang điểm 1-7, tương ứng với điểm 34.6  (giảm) trên thang điểm 0-100, đứng thứ 96/140 nước – Đây là điểm số và thứ hạng thấp nhất trong khu vực ASEAN, theo đó, Việt Nam đứng thứ 9 trong tổng số 9 nước ASEAN được WEF khảo sát về chỉ số B1, cụ thể:
          (1) Singapore: Chỉ số B1 đạt 5.6 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 76.1 (giảm) trên thang điểm 0 -100, xếp thứ 1/140 nước và đứng vị trí thứ 1 trong các nước ASEAN.
          (2) Malaysia: Chỉ số B1 đạt 5.0 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 66.8 (tăng) trên thang điểm 0 -100, xếp thứ 5/140 nước và đứng vị trí thứ 2 trong các nước ASEAN.
          (3) Indonesia: Chỉ số B1 đạt 4.1 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 52.0 (tăng) trên thang điểm 0 -100, xếp thứ 26/140 nước và đứng vị trí thứ 3 trong các nước ASEAN.
          (4) Lào: Chỉ số B1 đạt 3.8 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm  45.9 (giảm) trên thang điểm 0 -100, xếp thứ 47/140 nước và đứng vị trí thứ 4 trong các nước ASEAN.
          (5) Thái Lan: Chỉ số B1 đạt 3.6 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 43.3 (tăng) trên thang điểm 0 -100, xếp thứ 58/140 nước và đứng vị trí thứ 5 trong các nước ASEAN.
          (6) Campuchia: Chỉ số B1 đạt 3.6 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm  42.5 (tăng) trên thang điểm 0-100, xếp thứ 61/140 nước và đứng vị trí thứ 6 trong các nước ASEAN.  
          (7) Brunây: Chỉ số B1 đạt 3.2 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 37.1 (giảm) trên thang điểm 0-100, xếp thứ 85/140 nước và đứng vị trí thứ 7 trong các nước ASEAN.
          (8) Philippin: Chỉ số B1 đạt 3.1 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 35.1 (tăng) trên thang điểm 0-100, xếp thứ 91/140 nước và đứng vị trí thứ 8 trong các nước ASEAN.
          (9) Việt Nam: Chỉ số B1 đạt 3.1 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 34.6 (giảm) trên thang điểm 0-100, xếp thứ 96/140 nước và đứng vị trí thứ 9 trong các nước ASEAN.
         
        2.3. Nhận xét, đánh giá về chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam và các nước khác trong ASEAN
        Qua nghiên cứu chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam và các nước khác trong ASEAN qua các năm cho thấy:
        Thứ nhất, vị trí xếp hạng về Chỉ số B1 của Việt Nam theo các báo cáo của WEF (2013-2014, 2014-2015, 2015-2016, 2016-2017, 2017-2018) cho thấy
chỉ số B1 của Việt Nam liên tục được cải thiện. Tuy nhiên, theo Báo cáo năm 2018 của WEF thì vị trí xếp hạng chỉ số B1 của Việt Nam lại bị giảm so với  2017-2018 (so với vị trí xếp hạng trong Báo cáo của WEF 2017-2018, vị trí xếp hạng năm 2018 của Việt Nam về chỉ số B1 giảm tới 20 bậc). Sự so sánh, nếu xét trên tổng thể xếp hạng GCI (Global Competitiveness Index – Chỉ số cạnh tranh toàn cầu) từ trước tới nay, có phần khập khiễng vì GCI 2018 đã có sự thay đổi khá cơ bản về quan điểm cũng như về phương pháp. GCI 2018 thay đổi tên gọi thành GCI 4.0[8], 12 trục nội dung cũng thay đổi về tên gọi và các chỉ tiêu chi tiết. Tuy nhiên, những thay đổi liên quan đến nội dung và phương pháp tính toán của GCI không ảnh hưởng nhiều đến chỉ tiêu về chỉ số B1[9]. Bên cạnh đó, câu hỏi liên quan đến chỉ số B1 của 2017-2018 và năm 2018 cũng không có sự thay đổi.
        Thứ hai, qua so sánh kết quả chấm điểm và vị trí xếp thứ hạng về chỉ số B1 của WEF đối với Việt Nam và các nước khác trong ASEAN 2017-2018 và năm 2018 cho thấy:
        Một là, có 03 nước trên tổng số 09 nước ASEAN giữ nguyên vị trí xếp hạng về chỉ số B1 trong năm 2017-2018 là Singapore, Malaysia và Thái Lan. Tuy nhiên, trong 03 nước này thì mặc dù Singapore vẫn giữ vị trí xếp hạng là số 1 nhưng điểm số của năm 2018 so với 2017-2018 bị đánh giá là giảm (đạt 76.1), Thái Lan và Malaysia có điểm số tăng nhưng thứ hạng không thay đổi (Malaysia: 2017-2018 đạt 4.8 trên thang điểm từ 1-7, năm 2018 đạt 5.0 trên thang điểm từ 1-7, tương ứng với số điểm 66.8 (tăng) trên thang điểm từ 0-100. Thái Lan: 2017-2018 đạt 3.6 trên thang điểm từ 1-7, năm 2018 đạt 3.6 trên thang điểm từ 1-7, tương ứng với số điểm 43.3 (tăng) trên thang điểm từ 0-100).
        Hai là, có 03 nước trên tổng số 09 nước ASEAN, năm 2018 đã cải thiện vị trí xếp hạng về chỉ số B1 so với 2017-2018 (vị trị xếp hạng được nâng lên), bao gồm:
(i) Campuchia: 2017-2018, chỉ số B1 đạt 3.4 trên thang điểm 1-7, xếp thứ 68/137 nước. Năm 2018, đạt 3.6 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 42.5 (tăng) trên thang điểm 0-100, xếp thứ 61/140 nước. Như vậy, năm 2018, vị trí xếp hạng về chỉ số B1 của Campuchia đã được nâng lên 07 bậc so với 2017-2018.
(ii) Indonesia: 2017-2018, chỉ số B1 đạt 4.1 trên thang điểm 1-7, xếp thứ 27/137 nước. Năm 2018, đạt 4.1 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 52.0 (tăng) trên thang điểm 0-100, xếp thứ 26/140 nước. Như vậy, năm 2018, vị trí xếp hạng về chỉ số B1 của Indonesia được nâng lên 01 bậc so với 2017-2018.
(iii) Philippin: 2017-2018, chỉ số B1 đạt 2.8 trên thang điểm 1-7, xếp thứ 111/137 nước. Năm 2018, đạt 3.1 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 35.1 (tăng) trên thang điểm 0-100, xếp thứ 91/140 nước. Như vậy, năm 2018, vị trí xếp hạng về chỉ số B1 của Philippin được nâng lên 20 bậc so với 2017-2018.
Ba là, có 03 nước trên tổng số 09 nước ASEAN, năm 2018 đã bị giảm vị trí xếp hạng về chỉ số B1 so với 2017-2018, bao gồm:
(i) Lào: 2017 -2018, chỉ số B1 đạt 3.9 trên thang điểm 1-7, xếp thứ 34/137 nước. Năm 2018, đạt 3.8 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 45.9 (giảm) trên thang điểm 0-100, xếp thứ 47/140 nước. Như vậy, năm 2018, vị trí xếp hạng về chỉ số B1 của Lào cũng giảm 13 bậc so với 2017-2018.
(ii) Brunây: 2017-2018 chỉ số B1 đạt 3.4 trên thang điểm 1-7, xếp thứ 70/137 nước. Năm 2018, đạt 3.2 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 37.1 (giảm) trên thang điểm từ 0-100, xếp thứ 85/140 nước. Như vậy, năm 2018, chỉ số B1 của Brunây không những không giữ nguyên hoặc nâng được vị trí xếp hạng mà còn bị giảm 15 bậc so với 2017-2018.
(iii) Việt Nam: 2017-2018, chỉ số B1 đạt 3.3 trên thang điểm 1-7, xếp thứ 76/137 nước. Năm 2018, đạt 3.1 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 34.6 (giảm) trên thang điểm 0-100, xếp thứ 96/140 nước. Như vậy, năm 2018, chỉ số B1 của Việt Nam cũng giống như Brunây, không những không giữ nguyên hoặc tăng được vị trí xếp hạng mà còn giảm 20 bậc so với 2017-2018.
Tóm lại, việc tác giả so sánh chỉ số B1 của Việt Nam qua các năm (từ 2013-2017) và so sánh kết quả chấm điểm và vị trí xếp thứ hạng về chỉ số B1 của WEF đối với Việt Nam và các nước khác trong ASEAN năm 2017-2018 cũng để thấy được thực trạng điểm số và vị trí xếp thứ hạng về chỉ số B1 của Việt Nam trong một số năm vừa qua cũng như thực trạng điểm số và vị trí xếp thứ hạng của Việt Nam so với các nước khác trong ASEAN (không nhằm mục đích nêu ra để thể hiện cuộc cạnh tranh của các quốc gia). Trên cơ sở đó, có sự nghiên cứu, đề xuất mục tiêu cải thiện chỉ số B1 của Việt Nam trong những năm tiếp theo.
3. Một số đề xuất, kiến nghị 
          Để giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp, bảo đảm đạt được mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số B1 của Việt Nam như Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra[10], theo tác giả ngoài các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật đã được nêu tại Tài liệu hướng dẫn nâng xếp hạng chỉ số B1[11]: (1) Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế để giảm chi phí tuân thủ pháp luật; (2) Về tổ chức thi hành pháp luật trên tinh thần hướng đến ngày càng giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp: (2.1) Các quy định pháp luật phải được cập nhật và tuyên truyền, phổ biến thường xuyên, rộng rãi đến cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp; (2.2) Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên  chức thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hỗ trợ các doanh nghiệp; (2.3) Tiếp nhận và xử lý kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp, thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật và khen thưởng trong tổ chức thực thi và tuân thủ pháp luật; (2.4) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; (2.5) Các nhiệm vụ, giải pháp khác (thường xuyên chỉ đạo, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh; tiếp tục tăng cường, thúc đẩy chia sẻ dữ liệu; chú trọng hơn nữa đến công tác phối hợp), thời gian tới cần quan tâm, thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
          3.1. Nghiên cứu, cân nhắc bổ sung mục tiêu nâng cao về điểm số của chỉ số B1 đồng thời với việc đặt ra mục tiêu về “Nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật lên từ 5-10 bậc,… [12], [13]. Theo đó, cùng với việc đặt ra mục tiêu nâng xếp hạng của từng năm, cần nghiên cứu, đặt ra mục tiêu nâng cao về điểm số của năm đó.
          3.2. Người đứng đầu các Bộ, cơ quan, địa phương phải coi việc cải thiện chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ này.
          3.3. Tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, góp phần giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp như tổ chức giám sát việc thực hiện các văn bản pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh và giám sát việc giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp (nếu có).
                    Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL.
 
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tư pháp (2019), Tài liệu hướng dẫn nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (Kèm theo Công văn số 1083/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 29/3/2019 của Bộ Tư pháp).
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), “Tìm hiểu về chỉ số Năng lực cạnh tranh 4.0 (GCI 4.0) của Diễn đàn kinh tế thế giới” – Tài liệu hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021 (Kèm theo Công văn số 1424/BKHĐT-QLKTTW ngày 07/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
3. Chính phủ (2019), Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
4. Phan Đức Hiếu (2019), “Chi phí tuân thủ pháp luật: nhận biết và phương thức cắt giảm” - Tài liệu Hội nghị “Về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật” do Bộ Tư pháp tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 16/4/2019.
5. Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh (2019), “Chỉ số gánh nặng từ các quy định trong Bộ chỉ số cạnh tranh toàn cầu”  – Tài liệu Hội nghị “Về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật” do Bộ Tư pháp tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 16/4/2019.  
6. World Economic Forum (2013), “The Global Competitiveness Report 2013-2014”, retrieved from https://www.weforum.org/reports/global-competitiveness-report-2013-2014.
7. World Economic Forum (2014), “The Global Competitiveness Report 2014-2015”, retrieved from https://www.weforum.org/reports/global-competitiveness-report-2014-2015.
8. World Economic Forum (2015), “The Global Competitiveness Report 2015-2016”, retrieved from  https://www.weforum.org/reports/global-competitiveness-report-2015.
9. World Economic Forum (2016), “The Global Competitiveness Report 2016-2017”, retrieved from https://www.weforum.org/reports/the-global-competitiveness-report-2016-2017-1.
9. World Economic Forum (2017), “The Global Competitiveness Report 2017-2018”, retrieved from https://www.weforum.org/reports/the-global-competitiveness-report-2017-2018.
10. World Economic Forum (2018), “The Global Competitiveness Report 2018”, retrieved from https://www.weforum.org/reports/the-global-competitveness-report-2018.
  
[1] Xem: World Economic Forum (2013), “The Global Competitiveness Report 2013-2014”, retrieved from https://www.weforum.org/reports/global-competitiveness-report-2013-2014, trang 389.
[2] Xem: World Economic Forum (2014), “The Global Competitiveness Report 2014-2015”, retrieved from https://www.weforum.org/reports/global-competitiveness-report-2014-2015, trang 385.
[3] Xem: World Economic Forum (2015), “The Global Competitiveness Report 2015-2016”, retrieved from  https://www.weforum.org/reports/global-competitiveness-report-2015, trang 367.
[4] Xem: World Economic Forum (2016), “The Global Competitiveness Report 2016-2017”, retrieved from https://www.weforum.org/reports/the-global-competitiveness-report-2016-2017-1, trang 363.
[5] Xem:   World Economic Forum (2017), “The Global Competitiveness Report 2017-2018”, retrieved from https://www.weforum.org/reports/the-global-competitiveness-report-2017-2018, trang 309.
[6] Xem: World Economic Forum (2017), “The Global Competitiveness Report 2017-2018”, retrieved from https://www.weforum.org/reports/the-global-competitiveness-report-2017-2018, trang 73, 79, 149, 175, 193, 239, 263, 287, 309.
 
[7] Xem: World Economic Forum (2018), “The Global Competitiveness Report 2018”, retrieved from https://www.weforum.org/reports/the-global-competitveness-report-2018, trang 119, 135, 283, 335, 371, 463, 511, 555 và 599.
[8] Xếp hạng Global Competitiveness Index 4.0 retrieved from  https://www.weforum.org/reports/the-global-competitveness-report-2018
[9] Xem: Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh (2019), “Chỉ số gánh nặng từ các quy định trong Bộ chỉ số cạnh tranh toàn cầu”  – Tài liệu Hội nghị “Về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật” do Bộ Tư pháp tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 16/4/2019.  
[10] Xem: Chính phủ (2019), Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
[11] Xem:  Bộ Tư pháp (2019), Tài liệu hướng dẫn nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (Kèm theo Công văn số 1083/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 29/3/2019 của Bộ Tư pháp), phần III.
[12] Xem: Chính phủ (2019), Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, điểm b mục 2 phần II.
[13] Xem: Bộ Tư pháp (2019), Tài liệu hướng dẫn nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (Kèm theo Công văn số 1083/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 29/3/2019 của Bộ Tư pháp), mục 2 phần II.