Thể chế hóa tinh thần Hiến pháp năm 2013, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS 2015) được ban hành đã thể hiện được những tư tưởng quan trọng của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là đề cao, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Một trong những điểm mới cơ bản nhất của BLHS năm 2015 là những quy định mới về miễn chấp hành hình phạt (Điều 62); giảm mức hình phạt đã tuyên (Điều 63); xóa án tích (chương X: từ Điều 69 đến Điều 73) và đặc biệt là lần đầu tiên BLHS đã quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 64).
Qua nghiên cứu quy định tại Điều 63 BLHS năm 2015 trong mối tương quan với quy định tại Điều 58 BLHS năm 1999
[1] cho thấy, về cơ bản chính sách hình sự mới đã có sự phân hoá cụ thể hơn. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của BLHS năm 1999, thì người phải chấp hành án phạt tù từ 30 năm trở xuống với người bị phạt 03 năm tù, đều có chung điều kiện về thời gian đã chấp hành hình phạt tù để được xét giảm mức hình phạt lần đầu là “
1/3 thời hạn”. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 58 BLHS năm 1999 thì một người bị phạt tù chung thân cho 01 tội hay bị phạt tù chung thân do tổng hợp hình phạt của nhiều tội danh trong đó có tội bị áp dụng hình phạt tù chung thân hay trường hợp người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống mức án chung thân thì điều kiện để được xem xét giảm mức hình phạt lần đầu đều là đã thi hành được 12 năm tù. Điều này cho thấy, Điều 58 BLHS năm 1999 quy định về giảm mức hình phạt chưa bảo đảm sự công bằng và cá thể hoá trách nhiệm hình sự, giữa người phạm một tội đặc biệt nghiêm trọng hay phạm nhiều tội trong đó có tội đặc biệt nghiêm trọng cùng bị phạt tù chung thân; giữa người phạm tội đang trong thời gian chấp hành án lại tiếp tục phạm tội với người phạm tội lần đầu bởi mặc dù mức án phạt là như nhau nhưng tính chất nguy hiểm của người đang chấp hành án phạt tù lại tiếp tục phạm tội rõ ràng nguy hiểm hơn. Chính vì vậy, quy định tại Điều 63 BLHS 2015 đã cá thể hóa trách nhiệm hình sự cụ thể hơn, tương xứng với tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội và mức án mà người phạm tội phải chịu theo nguyên tắc chung nhất. Đó là, điều kiện để được xem xét giảm mức hình phạt lần đầu đối với người phạm nhiều tội, phạm tội nhiều lần, người bị phạt tù chung thân về nhiều tội hoặc bị phạt tù chung thân do tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống mức tù chung thân được quy định chặt chẽ hơn so; cụ thể:
-
Thứ nhất, về cơ bản khoản 1 và khoản 2 Điều 63 BLHS năm 2015 kế thừa nguyên vẹn quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 58 BLHS năm 1999. Bên cạnh đó, để bảo đảm sự thống nhất trong quy định với Luật thi hành án hình sự, khoản 1 Điều 63 quy định cơ quan duy nhất có thẩm quyền đề nghị giảm thời hạn chấp hành là “
cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền”. Đồng thời, xuất phát từ kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Điều 58 BLHS năm 1999, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 63 BLHS năm 2015 đã có sự sửa đổi về mặt kỹ thuật, bổ sung điều kiện để được xem xét giảm mức hình phạt đối với người phải chấp hành án là “
đã bồi thường một phần nghĩa vụ dân sự”.
-
Thứ hai, khắc phục tồn tại, hạn chế như phân tích ở trên trong quá trình thực thi quy định tại Điều 58 BLHS năm 1999, tại khoản 3 và khoản 6 Điều 63 BLHS năm 2015 đã quy định về điều kiện xét giảm, mức giảm đối với những trường hợp bị kết án tử hình nhưng được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình nhưng không phải thi hành án tử hình chặt chẽ và nghiêm khắc hơn đối với trường hợp người bị kết án phạt tù về nhiều tội trong đó có tội bị áp dụng hình phạt tù chung thân. Cụ thể như sau:
+ Khoản 3 Điều 63 BLHS năm 2015 quy định:
“Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm”.
Theo quy định nêu trên, thì điều kiện về thời gian đã chấp hành án để được xét giảm lần đầu đối với người thực hiện nhiều tội phạm trong đó có tội bị kết án tù chung thân sẽ dài hơn 03 năm (15 năm so với 12 năm) so với người thực hiện một tội phạm và bị kết án tù chung thân và tổng thời gian thực tế chấp hành hình phạt tù của người này ít nhất là 25 năm.
Ví dụ, Hoàng Văn B bị Tòa án tuyên phạt 05 năm tù về tội cướp tài sản và tù chung thân về tội hiếp dâm, tổng hợp hình phạt chung của 02 tội là tù chung thân. Nếu theo quy định tại khoản 1 Điều 58 BLHS năm 1999, Hoàng Văn B có thể được xét giảm lần đầu sau 12 năm chấp hành án phạt tù và bảo đảm thời gian thực tế phải chấp hành án ít nhất là 20 năm. Nay theo quy định tại khoản 3 Điều 63 BLHS năm 2015, phải sau 15 năm chấp hành hình phạt tù, Hoàng Văn B mới được xem xét giảm mức hình phạt lần đầu và dù có được giảm nhiều lần thì thời gian thực tế chấp hành hình phạt tù của Hoàng Văn B ít nhất phải là 25 năm.
+ Theo quy định tại Khoản 6 Điều 63 BLHS năm 2015, người bị kết án tử hình được Chủ tịch nước ân giảm chuyển thành hình phạt tù chung thân và người bị kết án tử hình nhưng được chuyển thành hình phạt tù chung thân do đến thời điểm thi hành án thì đã đủ 75 tuổi hoặc người bị kết án tử hình về tội tham ô hoặc tội nhận hối lộ nhưng sau khi bị kết án đã nộp ít nhất ¾ tài sản đã chiếm đoạt và trong quá trình bị điều tra trước đó đã hợp tác tích cực với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, điều kiện về thời gian để có thể được xem xét giảm mức hình phạt lần đầu phải là đã chấp hành 25 năm tù và dù được xét giảm nhiều lần thì thời gian thực tế đối tượng này phải chấp hành hình phạt tù ít nhất là 30 năm. Quy định này thể hiện rõ nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự đến mức cao nhất theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, bảo đảm sự công bằng hơn trong việc áp dụng và thi hành hình phạt.
- Điểm mới thứ ba trong quy định về giảm mức hình phạt đã tuyên của BLHS năm 2015 so với BLHS năm 1999 là quy định tại khoản 4 Điều 63. Theo đó, đối với người đang chấp hành hình phạt, đã được giảm một phần hình phạt mà lại tiếp tục phạm tội ít nghiêm trọng do cố ý thì người đó chỉ được xét giảm sau khi đã chấp hành ½ mức hình phạt chung. Điều này thể hiện chính sách hình sự nghiêm khắc và rõ ràng hơn so với BLHS năm 1999. Vì Điều 58 BLHS năm 1999 không quy định về trường hợp này, nên nếu xảy ra thì việc xét giảm mức hình phạt đối với người phạm tội được áp dụng như trường hơp pham tội lần đầu quy định tại các khoản 1, 3 Điều 58 BLHS năm 1999. Điều này theo quan điểm cá nhân tôi là không công bằng, vì một người đã bị kết án, đang chấp hành hình phạt và đã được giảm hình phạt nghĩa là người đó đã nhận thức được lỗi lầm về hành vi phạm tội của mình nhưng lại cố ý tiếp tục phạm tội thì phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc hơn so với người phạm tội lần đầu.
Ví dụ: Đinh Tiến K bị Tòa án tuyên phạt 03 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”, sau khi thi hành án được 12 tháng, do cải tạo tốt K được Tòa án quyết định giảm 03 tháng trừ vào thời hạn thi hành án còn lại, nhưng sau đó K lại có hành vi gây thương tích cho bạn tù trong quá trình đi lao động và bị truy tố, xét xử về tội cố ý gây thương tích với hình phạt 24 tháng tù. Tổng hợp hình phạt chung của 02 bản án, K phải chấp hành là 45 tháng tù. Theo quy định tại Điều 58 BLHS năm 1999, thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu đối với K là 15 tháng (1/3 của 45 tháng) nhưng nay theo quy định tại khoản 4 Điều 63 BLHS năm 2015 thì thời gian đã chấp hành hình phạt của K để được xét giảm lần đầu phải là 23 tháng. Quy định này có tác dụng giáo dục, phòng ngừa người phạm tội trong quá trình thi hành án, bởi lẽ, người phạm tội đã bị kết án và quá trình thi hành án đã nhận thức được lỗi lầm của mình nhưng lại tiếp tục cố ý phạm tội thì điều kiện xét giảm án phải nghiêm khắc hơn so với người phạm tội lần đầu.
- Điểm mới thứ tư của BLHS 2015 về điều kiện giảm mức hình phạt đã tuyên được thể hiện ở quy định tại Khoản 5 Điều 63. Quy định tại khoản này vừa kế thừa quy định tại khoản 4 Điều 58 BLHS năm 1999 của BLHS năm 1999 nhưng cũng có điểm mới thể hiện sự minh bạch hơn trong việc xét giảm mức hình phạt đã tuyên khi quy định rõ trường hợp nếu tội mới bị phạt tù chung thân thì điều kiện xét xét giảm mức hình phạt đã tuyên lần đầu sẽ áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 63.
Có thể thấy, xuyên suốt nội dung quy định tại Điều 63 BLHS năm 2015 thể hiện chính sách hình sự nghiêm khắc hơn so với BHLS năm 1999 đối với người phạm nhiều tội so với người phạm 01 tội; nghiêm khắc hơn đối với người đã được giảm hình phạt lại tiếp tục phạm tội và nghiêm khắc hơn giữa người bị kết án tử hình được ân giảm xuống chung thân hoặc không bị thi hành án tử hình với người bị kết án chung thân. Tuy nhiên, khi sâu chuỗi, kết nối nội dung quy định tại khoản 5 với khoản 3 Điều 63 tôi thấy, hình như có sự chưa thống nhất trong việc thể hiện chính sách hình sự.
Khoản 5 Điều 63 quy định: “
Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Toà án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được 2/3 mức hình phạt chung hoặc trường hợp hình phạt chung là tù chung thân thì việc xét giảm án thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này”.
Trong thực tiễn thi hành quy định này, có thể sẽ xảy ra các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Trần Văn A bị Tòa án phạt 16 năm 06 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản, A đã chấp hành án được 06 năm và được xét giảm mức hình phạt đã tuyên là 06 tháng, thời gian chấp hành án còn lại của A là 10 năm tù. Do mâu thuẫn dẫn đến xảy ra xô xát trong quá trình đi lao động, A đã đánh chết một phạm nhân khác. Tòa án xét xử tuyên phạt A 20 năm tù về tội Cố ý gây thương tích, tổng hợp với hình phạt chưa chấp hành của bản án trước là 10 năm tù. Hình phạt chung A phải chấp hành của cả 02 bản án là 30 năm tù.
Trường hợp 02: Lưu Văn X bị Tòa án phạt 15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, X đã chấp hành án được 05 năm và được xét giảm lần đầu với mức 06 tháng tù, thời gian chấp hành án còn lại của X là 09 năm 06 tháng. Trong 01 lần buồng giam của X tiếp nhận thêm phạm nhân mới là Đỗ K. X yêu cầu phạm nhân K phải nộp lễ ra mắt buồng là phần quà mà gia đình phạm nhân mới gửi cho K. Tuy nhiên, phạm nhân K không thực hiện theo yêu cầu của X. X thể hiện vai trò của trưởng buồng, song phi vào ngực, đá vào đầu phạm nhân K khiến K tử vong. Tòa án xét xử X về tội giết người và tuyên phạt X tù chung thân. Tổng hợp hình phạt chung của 02 bản án là tù chung thân.
Trong 02 trường hợp của A và X nói trên, về tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội mới thì rõ ràng hành vi của X nguy hiểm hơn hành vi của A. Theo nguyên tắc của Điều 63 BLHS năm 2015, điều kiện giảm mức hình phạt của X phải chặt chẽ, khó khăn hơn của A. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 Điều 63 thì X chỉ cần chấp hành án được đủ 15 năm tù theo bản án mới là đã có thể được xem xét giảm mức hình phạt đã tuyên, còn A phải chấp hành được đủ 20 năm tù mới được xem xét giảm mức hình phạt.
Nếu theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cụ thể tại điểm đ mục 3.2 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007, thì mỗi người mỗi năm chỉ được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt một lần. Trường hợp trong năm đó sau khi được giảm thời hạn chấp hành hình phạt mà có lý do đặc biệt đáng được khoan hồng như lại lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì có thế được xét giảm thêm tối đa là hai lần trong một năm. Như vậy, đặt giả thiết là A và X đều được xếp loại cải tạo như nhau, mỗi năm A và X đều được xét giảm án 01 lần. Như vậy, sẽ có 3 trường hợp sau xảy ra:
- Nếu mức giảm mỗi năm của A và X đều là 06 tháng/ 01 lần.
Với A, thời gian bắt đầu được giảm từ năm thứ 21 đến năm thứ 30, cứ sau mỗi năm lại được giảm thêm 06 tháng, tổng thời gian được giảm là: 03 năm 06 tháng. Thời gian thực tế A phải chấp hành án là 26 năm 06 tháng tù (30 năm - 03 năm 06 tháng);
Với X, do bị phạt tù chung thân nên được giảm từ năm thứ 16, giảm lần đầu xuống mức 30 năm tù. Còn 14 năm, từ năm thứ 17 mỗi năm X được giảm tiếp 06 tháng, tổng thời gian giảm là: 05 năm. Thời gian phải chấp hành phạt tù đúng bằng thời gian giới hạn quy định tại khoản 5 Điều 63 là 25 năm tù.
Như vậy, trong trường hợp này đã có sự không công bằng giữa A với X vì A phạm tội nhẹ hơn, thời hạn phạt tù ngắn hơn nhưng tổng thời gian chấp hành án phạt tù lại nhiều X dù về xếp lại cải tạo cả A và X đều như nhau.
- Nếu mức giảm mỗi năm của X và A đều là 03 tháng.
Với A, thời gian chấp hành án phạt tù của A được giảm sẽ là 02 năm. Tổng thời gian A phải chấp hành là 28 năm tù.
Với X, năm thứ 16 được giảm từ tù chung thân xuống 30 năm. Còn 14 năm, từ năm thứ 17 mỗi năm X được giảm tiếp 03 tháng. Tổng thời gian được giảm sẽ là 03 năm. Tổng thời gian chấp hành án phạt tù của X sẽ chỉ có 27 năm.
Như vậy, rõ ràng X phạm tội nguy hiểm hơn A, mức án phạt tù cao hơn A, kết quả cải tạo như A nhưng thực tế lại chấp hành án ít hơn A là 01 năm.
- Trường hợp cả A và X đều có năm chỉ được giảm 03 tháng, có năm được giảm 06 tháng.
Cụ thể, từ năm thứ 21 đến hết năm 24 được giảm 03 tháng/năm, các năm tiếp theo còn lại được giảm 06 tháng/năm. Như vậy, tổng thời gian A được giảm là 02 năm 09 tháng. Thời gian thực tế A phải chấp hành án phạt tù sẽ là 27 năm 03 tháng.
Với X, còn 14 năm, kể từ năm thứ 17 đến hết năm thứ 24, mỗi năm được giảm 03 tháng/năm và các năm tiếp theo còn lại được giảm 06 tháng/năm. Tổng thời gian X được giảm sẽ là 03 năm. Thời gian thực tế chấp hành án phạt tù của X trong trường hợp này sẽ là 26 năm 09 tháng tù.
Như vậy, X phạm tội nguy hiểm hơn A, mức án cao hơn, kết quả cải tạo không tốt bằng A (số năm được giảm 06 tháng ít hơn nhiều so với số năm được giảm 03 tháng) nhưng thực tế chấp hành hình phạt tù lại ít hơn A là 06 tháng.
Từ những ví dụ phân tích nêu trên, có thể thấy để bảo đảm thể hiện đúng, đủ và toàn diện, thống nhất chính sách hình mới; tính khả thi của quy định tại Điều 63 BLHS năm 2015, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn về vấn đề này.
[1] đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009