Đưa quy định về trách nhiệm phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng vào cuộc sống

14/11/2018


Ngày 25/11 và 27/11/2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực 01/7/2016; Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực thi hành 01/01/2018 cùng với Luật TGPL năm 2017, trong đó ghi nhận nhiều điểm mới về trách nhiệm phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Để hướng dẫn những quy định này, ngày 29/6/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã liên tịch ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/ TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10). Bài viết xin giới thiệu các quy định có liên quan về việc phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trong các Bộ luật, luật về tố tụng, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Thông tư liên tịch số 10 và một số hoạt động để triển khai các quy định về trách nhiệm phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, cụ thể như sau:
I. Một số quy định về trách nhiệm phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trong văn bản quy phạm pháp luật
1. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
a) Bổ sung tư cách của Trợ giúp viên pháp lý trong tham gia tố tụng
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 ghi nhận người bào chữa bao gồm Luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân. Trong bối cảnh ra đời sau, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 đã ghi nhận chức danh Trợ giúp viên pháp lý là người đại diện hợp pháp để bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc để bảo vệ quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý là người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Thực tiễn quá trình triển khai các hoạt động nghiệp vụ tố tụng trong những năm qua, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý gặp không ít khó khăn xuất phát từ việc tư cách Trợ giúp viên pháp lý chưa được ghi nhận tại văn bản tố tụng cao nhất là Bộ luật tố tụng hình sự. Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp, do đó khi thực hiện các hoạt động tố tụng, Trợ giúp viên pháp lý thực hiện theo quyền và nghĩa vụ của người đại diện hợp pháp, do đó có hạn chế hơn so với quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, dẫn đến quá trình tác nghiệp chưa được bảo đảm. Thậm chí, ở một số nơi, cơ quan tiến hành tố tụng từ chối Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý. Do đó, để khắc phục được những hạn chế đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã ghi nhận Trợ giúp viên pháp lý với tư cách là người bào chữa tạo ra sự thống nhất trong quá trình thực hiện về hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự, cụ thể:
Tại Điều 72, Điều 83, Điều 84 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định người bào chữa; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có thể là:
+ Luật sư.
+ Người đại diện.
+ Bào chữa viên nhân dân.
+ Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
b) Bổ sung trách nhiệm cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo, giải thích quyền được trợ giúp pháp lý
Mặc dù các biện pháp thông tin, truyền thông về trợ giúp pháp lý đã được thực hiện tích cực trong thời gian qua, nhưng do nhận thức và hiểu biết của người dân còn hạn chế, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa, miền núi là những người có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có trình độ dân trí thấp, không biết chữ nên họ chưa hiểu, chưa nhận thức được về quyền trợ giúp pháp lý của mình hoặc không biết nơi liên hệ hoặc chưa được giải thích hoặc được giải thích nhưng chưa đầy đủ, thấu đáo về quyền được trợ giúp pháp lý và chưa sử dụng quyền được trợ giúp pháp lý của mình. Vì vậy, nhằm bảo đảm cho những người tham gia tố tụng biết quyền và nghĩa vụ của mình, Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng (Điều 71), cụ thể: Tại khoản 1 quy định cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng. Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được trợ giúp pháp lý; nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và được bảo đảm thực hiện bằng khoản 2 “Việc thông báo, giải thích phải được ghi vào biên bản”.
c) Bổ sung cơ chế bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý trong trường hợp chỉ định người bào chữa (khoản 2 Điều 76)
Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định chỉ định người bào chữa cho những đối tượng sau:
“1. Trong những trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người chưa thành niên”.
Đồng thời, đã bổ sung cơ chế bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý trong các trường hợp trên, cụ thể: “2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này:
a) Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;
b) Trung tâm trợ giúp pháp lý cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư để bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý;
c) Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên để bào chữa cho thành viên của tổ chức mình.
Như vậy, khi bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi, đồng thời đủ điều kiện được trợ giúp pháp lý là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có thể cử luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia án chỉ định đối với người thuộc diện được trợ giúp pháp lý). Trường hợp chỉ định người bào chữa do Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử người bào chữa thì Trung tâm này chi trả chi phí cho người bào chữa mà không phải do cơ quan yêu cầu chỉ định chi trả.
Việc bổ sung quy định này đã chia sẻ trách nhiệm thực hiện bào chữa theo các án chỉ định cho các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tạo cơ chế hữu hiệu để bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người thuộc diện trợ giúp pháp lý, tránh bỏ sót đối tượng nhằm góp phần bảo đảm quyền con người, quyền bào chữa được Hiến pháp 2013 ghi nhận.
2. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 kế thừa Bộ luật tố tụng dân sự 2004 và 2011 về ghi nhận tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Đồng thời, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã bổ sung trách nhiệm của Nhà nước, của Thẩm phán bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của người thuộc diện được trợ giúp pháp lý (Điều 9, Điều 48, Điều 75).
a) Tư cách pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong tố tụng dân sự
Bộ luật tố tụng dân sự 2015 tiếp tục kế thừa quy định người thực hiện trợ giúp pháp lý với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 75). Như vậy, trường hợp đương sự là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì (1) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố sẽ cử Trợ giúp viên pháp lý/luật sư (luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước) hoặc (2) tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý cử luật sư làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
b) Trách nhiệm của Nhà nước, Thẩm phán trong việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015
- Trách nhiệm của Nhà nước (Khoản 3 Điều 9): Theo quy định của Khoản 3 Điều 9 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì trách nhiệm bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được quy định như sau: "Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo quy định của pháp luật để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án".
Như vậy, việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý đã được Bộ luật tố tụng dân sự 2015 ghi nhận như một nguyên tắc cơ bản, được Nhà nước bảo đảm thực hiện.
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán (Điều 48): Mặc dù các biện pháp thông tin, truyền thông về trợ giúp pháp lý đã được thực hiện tích cực trong thời gian qua, nhưng do nhận thức và hiểu biết của người dân còn hạn chế, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa, miền núi là những người có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có trình độ dân trí thấp, không biết chữ nên họ chưa hiểu, chưa nhận thức được về quyền trợ giúp pháp lý của mình hoặc không biết nơi liên hệ hoặc chưa được giải thích hoặc được giải thích nhưng chưa đầy đủ, thấu đáo về quyền được trợ giúp pháp lý và chưa sử dụng quyền được trợ giúp pháp lý của mình. Vì vậy, nhằm bảo đảm cho đương sự biết quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã quy định Thẩm phán có trách nhiệm: “giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý” (khoản 6 Điều 46).
3. Đối với Luật Tố tụng hành chính năm 2015
Luật Tố tụng hành chính 2015 đã kế thừa quy định về tư cách tham gia tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 61), đồng thời, ghi nhận Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý (Điều 19), trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý của Thẩm phán (Điều 38).
a) Tư cách pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong tố tụng hành chính

Luật tố tụng hành chính 2015 tiếp tục kế thừa quy định Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 61) từ Luật tố tụng hành chính 2010. Như vậy, trường hợp đương sự là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì (1) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố sẽ cử Trợ giúp viên pháp lý/luật sư (luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước) hoặc (2) tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý cử luật sư làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

b) Trách nhiệm của nhà nước, Thẩm phán trong việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý theo quy định của tố tụng hành chính
- Trách nhiệm của nhà nước: Khoản 3 Điều 19 Luật tố tụng hành chính quy định về bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như sau: "Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án". Như vậy, việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý được Luật Tố tụng hành chính ghi nhận như một nguyên tắc cơ bản và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán (Điều 38): Tương tự như trong tố tụng dân sự, nhằm bảo đảm cho đương sự biết quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý,  Luật Tố tụng hành chính 2015 đã quy định Thẩm phán có trách nhiệm: “giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý”. Vai trò của Thẩm phán được nhấn mạnh trong việc bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của người dân, góp phần đảm bảo quyền cơ bản của con người, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tiếp cận công lý.
4. Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam
a) Quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người được trợ giúp pháp lý được đảm bảo quyền trợ giúp pháp lý. Điều 8 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định về hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm hành vi “cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền thăm gặp thân nhân, quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, tiếp xúc lãnh sự, khiếu nại, tố cáo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan. Như vậy, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quyền yêu cầu trợ giúp pháp lý nếu họ là người được trợ giúp pháp lý. Cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, cơ quan điều tra; cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân đều phải tôn trọng, tạo điều kiện để cho người bị tạm giữ, tạm giam được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
- Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý (Điều 9) đồng thời ghi nhận nhiệm vụ, quyền hạn của nhà tạm giữ, trại tạm giam trong việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý (Điều 16).
b) Trách nhiệm của nhà tạm giữ, trại tạm giam bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam
Theo quy định Điều 8 Luật Trợ giúp pháp lý 2017, người được trợ giúp pháp lý có quyền Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý”. Theo quy định Điều 13 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Nhà tạm giữ, trại tạm giam có trách nhiệm chuyển yêu cầu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong đó có việc chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý của người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố. Như vậy, nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì nhà tạm giữ, trại tạm giam có trách nhiệm chuyển yêu cầu đó đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết là tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia TGPL).
5. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017
a) Trách nhiệm thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý
Khoản 3 Điều 31 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định: “Trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý của người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý của bị can, bị cáo, người bị hại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại địa phương”. Đồng thời, Khoản 1 Điều 31 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 cũng đã quy định tư cách tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý.
b) Trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật
Điều 41 Luật Trợ giúp pháp lý quy định về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng. Đây là một trong những quy định mới của Luật Trợ giúp pháp lý 2017. Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý trong hệ thống các cơ quan trực thuộc. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
6. Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng
Thông tư liên tịch số 10 vừa hướng dẫn thi hành các quy định về phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thực hiện trợ giúp pháp lý trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật tố tụng hành chính năm 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, vừa kế thừa những điểm còn hợp lý, khắc phục một số tồn tại của Thông tư liên tịch số 11 để bảo đảm thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý trong việc được hưởng quyền được trợ giúp pháp lý, cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng, trên cơ sở đó bào chữa, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Cụ thể:
a) Bổ sung một số chủ thể trong trách nhiệm phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng
Tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 11) điều chỉnh các đối tượng là cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; cơ sở giam giữ và một số người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ; cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý; tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý; người được trợ giúp pháp lý và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Tại Điều 2 của Thông tư số 10 có sửa đổi, bổ sung một số đối tượng có trách nhiệm phối hợp như sau: sửa đổi, bổ sung một số cơ quan (cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra), người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; bổ sung một số cơ sở giam giữ (buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng) và một số người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ (Giám thị, Phó Giám thị, Trưởng phân trại, Phó Trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó Đội trưởng và người làm nhiệm vụ quản giáo trong trại tạm giam; người làm nhiệm vụ quản giáo trong nhà tạm giữ; Đồn trưởng đồn biên phòng nơi có buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng, Trưởng buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng); bổ sung trại giam và người có thẩm quyền của trại giam (Trưởng phân trại, Phó Trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó Đội trưởng trại giam).
Đây là những chủ thể trực tiếp tiếp xúc với người đươc trợ giúp pháp lý, vì vậy Thông tư liên tịch số 10 đã quy định những chủ thể này trong trách nhiệm phối hợp để người được trợ giúp pháp lý được giải thích, biết và sử dụng quyền của mình. Việc bổ sung các chủ thể như vậy vừa bảo đảm phù hợp với các Bộ luật, luật về tố tụng vừa bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của các phạm nhân thuộc diện được trợ giúp pháp lý đang chấp hành án tại trại giam là người bị buộc tội, người bị hại hoặc đương sự trong vụ án khác do có hành vi phạm tội, xâm hại hoặc có liên quan đến vụ án trước khi chấp hành án.
b) Quy định rõ về việc giải thích, thông báo, thông tin trợ giúp pháp lý
Quy định về giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý được quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 10. So với Thông tư liên tịch số 11 thì đây là điều mới nhằm hướng dẫn Điều 71 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015[1], khoản 6 Điều 48 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015[2], khoản 6 Điều 38 Luật tố tụng hành chính năm 2015[3], điểm đ khoản 1 Điều 9 và điểm d khoản 1 Điều 13 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015[4]. Điều này quy định trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc thực hiện, nội dung, cách thức thực hiện, mẫu hóa các nội dung giải thích; phân chia việc giải thích, thông báo, thông tin trong tố tụng hình sự với tố tụng dân sự và tố tụng hành chính (các nội dung này chưa được quy định hoặc quy định chưa cụ thể trong Thông tư liên tịch số 11). Cụ thể:
- Quy định rõ thời điểm, nội dung và quy trình giải thích quyền được trợ giúp pháp lý (Thông tư liên tịch số 11 không quy định rõ các vấn đề này).
Về thời điểm, tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 10 đã quy định: Tại thời điểm bắt, tạm giữ người, lấy lời khai, hỏi cung bị can, lấy lời khai của người bị hại, lấy lời khai của đương sự, đương sự nộp đơn trực tiếp tại Tòa án hoặc tại thời điểm gửi thông báo thụ lý vụ án, thông báo thụ lý đơn yêu cầu. Về nội dung, đã được cụ thể hóa tại Mẫu số 02, trong đó nêu rõ các điểm như về việc đã đọc bản thông tin về người được trợ giúp pháp lý chưa? Có thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý không? Có yêu cầu trợ giúp pháp lý không?
Về quy trình giải thích được quy định rõ tại khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 10 theo các bước như sau:
Bước 1, phát Bản thông tin về người được trợ giúp pháp lý theo Mẫu số 01: Khi tiếp cận với người bị buộc tội, người bị hại, đương sự, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phát cho họ Bản thông tin về người được trợ giúp pháp lý để họ đọc hoặc thông báo cho họ biết trong trường hợp họ không tự đọc được.
Bước 2: Giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý: Trường hợp họ tự nhận mình là người được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý. Riêng trong tố tụng hình sự, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đọc, hướng dẫn cụ thể nội dung và điền thông tin vào Biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý theo Mẫu số 02.
- Quy định rõ quy trình thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý (Thông tư liên tịch số 11 chưa có quy định cụ thể về quy trình, kết quả của việc thông báo trợ giúp pháp lý và chưa quy định việc thông tin về trợ giúp pháp lý).
Trong tố tụng hình sự (quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Thông tư liên tịch số 10) được chia thành hai trường hợp như sau:

  • Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được trợ giúp pháp lý và:

+ Nếu có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm, Chi  nhánh để cử người thực hiện trợ giúp pháp lý (đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, thông báo bằng văn bản đồng thời thông báo ngay bằng điện thoại).
+ Nếu chưa có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông tin cho Trung tâm, Chi nhánh.

  • Trường hợp chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị Trung tâm, Chi nhánh cử ngay người thực hiện trợ giúp pháp lý (bằng văn bản thông báo).

Trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính (được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 10): như trong tố tụng hình sự nhưng không phải ghi vào biên bản tố tụng.
- Quy định bằng chứng của việc giải thích, thông báo về trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự (Thông tư liên tịch số 11 chỉ mới quy định việc giải thích phải được ghi trong biên bản tố tụng và lưu tại hồ sơ vụ án). Tại Thông tư liên tịch số 10 đã quy định biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý theo mẫu số 02 được lưu trong hồ sơ vụ án (điểm b khoản 1 Điều 7); việc thông báo về trợ giúp pháp lý thực hiện theo mẫu số 03, ghi vào biên bản tố tụng và lưu tại hồ sơ vụ án (điểm a khoản 2 Điều 7).
- Quy định rõ chủ thể có trách nhiệm giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý. Tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 11 mới chỉ nêu trách nhiệm giải thích của người tiến hành tố tụng; còn trách nhiệm thông báo đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý mới quy định cho người có thẩm quyền của Trại tạm giam, nhà tạm giữ. Đến Thông tư liên tịch số 10, ngoài quy định tại Điều 7 nêu trên, tại các điều, khoản khác đã nhấn mạnh trách nhiệm của từng chủ thể trong việc giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý như: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (khoản 1 Điều 8); người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (khoản 1 Điều 9); cơ sở giam giữ (điểm a khoản 1 Điều 10); trại giam (điểm a khoản 2 Điều 10); người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ, trại giam (điểm a khoản 1; khoản 2 Điều 11).
Với các quy định trên, sẽ tăng cường trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phối hợp cung cấp thông tin về đối tượng, tăng cường trách nhiệm của Trung tâm, Chi nhánh trong việc chủ động tiếp cận đối tượng, cung cấp dịch vụ, từ đó bảo đảm được quyền được trợ giúp pháp lý, tránh việc bỏ sót người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Bởi lẽ, thực tiễn thời gian qua cho thấy vì nhiều lý do (tâm lý không ổn định, thiếu thời gian tìm hiểu về trợ giúp pháp lý, nhận thức hạn chế…) mà người thuộc diện trợ giúp pháp lý chưa yêu cầu trợ giúp pháp lý ngay khi người tiến hành tố tụng giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý. Do đó, nếu được người thực hiện trợ giúp pháp lý gặp gỡ, tiếp xúc, giải thích cụ thể với tư cách là người giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì có thể họ sẽ yêu cầu trợ giúp pháp lý.
c) Bổ sung một số quy định về trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ, trại giam
- Đối với trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng được quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 10. Bên cạnh những trách nhiệm được kế thừa quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 11 thì có một số điểm mới sau đây: (1) Giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý (Tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 11 chỉ quy định người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý nhưng chưa quy định nội dung, thời điểm, cách thức giải thích, thông báo); (2) Thống kê vào Sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (đây là nội dung mới,  Thông tư liên tịch số 11 chưa quy định), theo đó, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thống kê vào Sổ và báo cáo số liệu cho cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương để tổng hợp hàng năm, báo cáo Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương. Quy định này đã khắc phục việc không thống kê được người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trong tổng số vụ án tại các cơ quan tiến hành tố tụng. (3) Bổ sung quy định khuyến khích cơ quan điều tra, tòa án các cấp tạo điều kiện người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại các cơ quan này phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương (đây là nội dung mới, Thông tư liên tịch số 11 chưa quy định). Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý có điều kiện tiếp cận với người được trợ giúp pháp lý để có cơ hội được bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đây là quy định không mang tính chất bắt buộc, nó mang tính khuyến khích thực hiện nhằm hướng tới các cơ quan tiến hành tố tụng và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương nào đủ điều kiện (bao gồm cả điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực) thì có thể đẩy mạnh việc thực hiện quyền của người được trợ giúp pháp lý.
- Đối với trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 10. Bên cạnh những trách nhiệm được kế thừa quy định tại Điều 7 và Điều 9 Thông tư liên tịch số 11 thì có một số nội dung mới như sau: (1) Thông tư liên tịch số 10 đã quy định rõ trách nhiệm giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý mà Thông tư liên tịch số 11 đã quy định không rõ như phần trên đã nêu; (2) Sửa đổi, bổ sung trách nhiệm thông báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành các hoạt động điều tra khác; (3) Quy định rõ nội dung thông báo lịch xét xử bằng văn bản qua dịch vụ bưu chính dưới hình thức bảo đảm, chuyển trực tiếp hoặc bằng hình thức khác; (4) Chuyển trách nhiệm xác nhận về thời gian hoặc công việc của người thực hiện thực hiện trợ giúp pháp lý khi làm việc với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng từ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sang người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Đối với trách nhiệm của cơ sở giam giữ, trại giam được quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 10. Bên cạnh những trách nhiệm được kế thừa quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 11 thì có một số nội dung mới như sau:  (1) Bổ sung trách nhiệm giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý (Thông tư liên tịch số 11 không quy định); (2) Thống kê vào Sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 11 không quy định). Việc bổ sung trách nhiệm này nhằm bảo đảm việc thống kê trong phối hợp trợ giúp pháp lý được thống nhất, bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên thực tế; (3) Truyền thông trong cơ sở giam giữ. Thông tư liên tịch số 11 mới quy định một số hình thức như niêm yết Bảng thông tin, đặt Hộp tin, phát miễn phí tờ gấp, mẫu đơn, chưa quy định trách nhiệm của Cơ sở giam giữ phát qua các phương tiện truyền thanh băng ghi âm, đĩa ghi âm, USB hoặc phương tiện khác có chứa nội dung thông tin về trợ giúp pháp lý dạng âm thanh tại nơi sinh hoạt chung của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Quy định trên nhằm bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bị can, bị cáo trong điều kiện bị giam giữ với các quy định chặt chẽ có điều kiện tiếp cận với trợ giúp pháp lý, từ đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Đối với trách nhiệm của người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ, trại giam được quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch số 10. Điều này cơ bản kế thừa quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 11, Thông tư liên tịch số 10 chỉ bổ sung trách nhiệm giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý. Tại Thông tư liên tịch số 11 không quy định rõ, mới chỉ quy định trách nhiệm giải thích mà chưa quy định thời điểm, quy trình, nội dung; mới chỉ quy đinh việc hướng dẫn người được trợ giúp pháp lý viết đơn và chuyển đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý mà chưa quy định trách nhiệm thông báo.
d) Bổ sung một số quy định làm rõ trách nhiệm của Trung tâm trợ giúp pháp lý
Trách nhiệm của Trung tâm và Chi nhánh được quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 10. Điều này cơ bản kế thừa Điều 3 Thông tư liên tịch số 11, tuy nhiên có sửa đổi, bổ sung một số trách nhiệm của Trung tâm, Chi nhánh cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý, truyền thông, hướng dẫn về trợ giúp pháp lý, nhất là trong cơ sở giam giữ, thống kê trong phối hợp trợ giúp pháp lý để người được trợ giúp pháp lý có điều kiện tiếp cận và sử dụng dịch trợ giúp pháp lý, từ đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, giảm thiểu việc bỏ sót người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Cụ thể:
- Kiểm tra diện đối tượng, cử người khi nhận được thông báo, thông tin (tại khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch số 10). Nội dung này Thông tư liên tịch số 11 chưa quy định. Khi nhận được thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì Trung tâm, Chi nhánh có trách nhiệm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo. Nếu vụ việc thuộc trường hợp thụ lý ngay thì Trung tâm, Chi nhánh cử ngay người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý.
Trường hợp nhận được thông báo, thông tin của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì Trung tâm, Chi nhánh có trách nhiệm kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý đối với người bị buộc tội, người bị hại, đương sự, cử người thực hiện trợ giúp pháp lý  nếu họ là người được trợ giúp pháp lý, thông tin lại cho cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chuyển đến biết nếu họ không thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc không có yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Các trường hợp thụ lý ngay theo quy định tại khoản 4 Điều 30 của Luật Trợ giúp pháp lý cũng đã được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, theo đó bao gồm các trường hợp: Thời hiệu khởi kiện của vụ việc còn dưới 05 ngày làm việc; ngày xét xử theo quyết định đưa vụ án ra xét xử còn dưới 05 ngày làm việc; các trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các trường hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật Trợ giúp pháp lý mà cơ quan tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm; các trường hợp để tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý do người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý quyết định.
- Cung cấp Bản thông tin về người được trợ giúp pháp lý, Biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của người bị buộc tội, người bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý, Thông báo về trợ giúp pháp lý, Thông tin về trợ giúp pháp lý và Sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (các Mẫu số 01, 02, 03, 04 và 05 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 10) cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ và trại giam; cung cấp cho cơ sở giam giữ các phương tiện truyền thông băng ghi âm, đĩa ghi âm, USB hoặc phương tiện khác có chứa nội dung thông tin về trợ giúp pháp lý dạng âm thanh. Các nội dung này tại Thông tư liên tịch số 11 chưa quy định.
Ngoài ra, về trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng được quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 10, về cơ bản kế thừa từ Điều 5 Thông tư liên tịch số 11 và sửa đổi, bổ sung tư cách tham gia tố tụng là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý (trước đây là người đại diện hoặc người bảo vệ); sửa đổi, bổ sung các trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý không được bào chữa, không tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý (đã được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; khoản 1 và khoản 2 Điều 25 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017).
đ) Quy định rõ trách nhiệm của thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong tố tụng
Tại Khoản 3 Điều 15 và Khoản 4 Điều 16 Thông tư liên tịch số 11 mới quy định về trách nhiệm của Hội đồng phối hợp liên ngành và Tổ giúp việc có trách nhiệm giúp việc cho Hội đồng mà chưa có quy định cụ thể trách nhiệm của các ngành thành viên. Các quy định từ Điều 16 - Điều 21 tại Thông tư liên tịch số 10 đã (1) tách bạch giữa nhiệm vụ chung của Hội đồng với nhiệm vụ của các ngành thành viên, phân chia nhiệm vụ giữa thành viên của ngành Tư pháp - cơ quan thường trực Hội đồng, ngành Tài chính với các thành viên thuộc các ngành còn lại (nội dung này Thông tư liên tịch số 11 không quy định nên một số ngành tại một số thời điểm chưa chủ động trong công tác phối hợp); (2) sửa đổi, bổ sung thành phần Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương và địa phương (quy định số lượng thành viên không quá 08 người; bổ sung thành phần Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Giám đốc Sở Tư pháp phụ trách công tác trợ giúp pháp lý, quy định mang tính lựa chọn thành phần thuộc Ngành Quốc phòng trong Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương); (3) Bổ sung một số nhiệm vụ để tăng tính hiệu quả của Hội đồng như (kiến nghị hoàn thiện thể chế; ban hành và triển khai KH; các nhiệm vụ khác (nội dung này Thông tư liên tịch số 11 không quy định); (4) Sửa đổi kỳ báo cáo, thời hạn gửi báo cáo, mẫu báo cáo phù hợp với quy định về báo cáo, thống kê của ngành Tư pháp.
Ngoài các nội dung trên, tại Thông tư liên tịch số 10 cũng đã quy định về các khoản kinh phí và cơ quan, đơn vị được lập dự toán kinh phí phối hợp tại Điều 23. Theo đó, đã bổ sung 04 khoản kinh phí so với Thông tư liên tịch số 11; Quy định Sở Tư pháp (Trung tâm) lập dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ phối hợp trợ giúp pháp lý ở địa phương (07 nội dung tại khoản 2 Điều 23); Quy định các ngành (Công an, quốc phòng, tài chính, tòa án, kiểm sát) theo chức năng được lập dự toán đối với 02 khoản kinh phí là sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá, sao chụp tài liệu phối hợp và tổ chức tập huấn cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc ngành mình).
Thông tư liên tịch số 10 đã mẫu hóa 08 nội dung để thống nhất, nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, cụ thể: Mẫu số 01 (Bản thông tin về người được trợ giúp pháp lý), Mẫu số 02 (Biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của người bị buộc tội, người bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý); Mẫu số 03 (Thông báo về trợ giúp pháp lý); Mẫu số 04 (Thông tin về trợ giúp pháp lý); Mẫu số 05 (Sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng). Các mẫu này do Trung tâm, Chi nhánh cung cấp cho các cơ quan phối hợp để phục vụ công tác giải thích, thông báo, thông tin, thống kê công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý; Mẫu số 06A (Báo cáo kết quả triển khai Thông tư liên tịch số 10); Mẫu số 06B (Phụ lục Báo cáo số liệu năm); Mẫu số 06C (Báo cáo số liệu năm chính thức). Các mẫu này được dùng cho cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp địa phương là Sở Tư pháp (Trung tâm) trong việc thực hiện chế độ báo cáo, thống kê hàng năm đối với cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp Trung ương là Bộ Tư pháp (Cục Trợ giúp pháp lý) để bảo đảm thông tin và số liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
II. Các hoạt động triển khai các quy định trách nhiệm phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng
Để bảo đảm các quy định về trách nhiệm phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trong các văn bản quy phạm pháp luật về tố tụng đi vào cuộc sống, trong thời gian tới các cơ quan, tổ chức cần phải tổ chức triển khai các hoạt động sau đây:
1. Tổ chức tập huấn, quán triệt về các nội dung phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan trợ giúp pháp lý cần thường xuyên quán triệt và tăng cường tập huấn cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, trại tạm giam, nhà tạm giữ, người có thẩm quyền trong cơ quan tiến hành tố tụng, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước…
2. Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trung ương và địa phương cần có hướng dẫn cụ thể để các ngành thành viên triển khai hiệu quả các quy định này.
3. Tăng cường truyền thông về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, báo phát thanh, đài truyền hình. Truyền thông các chuyên đề về phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên các trang web, tạp chí, báo viết, báo điện tử..., đặc biệt là giới thiệu các vụ việc trợ giúp pháp lý điển hình, phức tạp; điển hình trong việc phối hợp hiệu quả tại địa phương, các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp...
4. Nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch và tổ chức việc triển khai Kế hoạch việc thí điểm người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại các cơ quan điều tra, Tòa án các cấp phù hợp với điều kiện của địa phương.
5. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, theo dõi, thực hiện nghiêm túc chế độ thống kê, báo cáo theo quy định pháp luật về tố tụng và trợ giúp pháp lý.

- Thanh Trịnh -

 

 


[1] Điều 71. Trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng
1. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này.
Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được TGPL theo quy định của Luật TGPL thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được TGPL; nếu họ đề nghị được TGPL thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm TGPL nhà nước.
2. Việc thông báo, giải thích phải ghi vào biên bản.”.

[2] Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán:…“6. Giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu TGPL theo quy định của pháp luật về TGPL”.

[3] Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán:… 6. Giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được  yêu cầu TGPLtheo quy định của pháp luật về TGPL”.

[4] Điểm đ khoản 1 Điều 9: Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền sau đây:…“Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, TGPL”.
Điểm d khoản 1 Điều 13: “Bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan”.