Sau 08 năm thi hành, dự thảo Luật thi hành án hình sự sửa đổi (sau đây gọi tắt là dự thảo Luật THAHS) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 năm 2018. Việc sửa đổi, bổ sung dự thảo luật là cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật khi mà Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành việc tạm giữ, tạm giam và các luật mới về tổ chức của các cơ quan tư pháp đều đã có sự thay đổi, đồng thời, việc sửa đổi luật cũng nhằm khắc phục những vướng mắc,hạn chế bộc lộ qua một thời gian thực hiện. Bên cạnh nhiều nội dung mới được Chính phủ bổ sung hoặc sửa đổi trong dự thảo Luật, có một nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều người công tác trong lĩnh vực pháp luật, đó là dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép, tùy theo điều kiện cụ thể trại giam liên kết với Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhântổ chức điểm lao động, khu sản xuất ở khu vực ngoài trại giam cho phạm nhân lao động
. Xung quanh việc bổ sung quy định mới này, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến ủng hộ với lý do như tạo điều kiện cho phạm nhân được tiếp xúc với đời sống xã hội bên ngoài, qua đógiúp phạm nhân có tâm lý thoải mái, giảm bớt áp lực ở các trại giam quá tải và giúp cho phạm nhân thuận lợi hơn khi tái hòa nhập cộng đồng nhưng trại giam phải bảo đảm được an ninh trật tự thì mới được phép liên kết với doanh nghiệp
[1]. Tuy nhiên, ở góc độ một người công tác trong lĩnh vực pháp luật, nghiên cứu quy định của dự thảo Luật, tôi xin nêu một số ý kiến xung quanh quy định mới này của dự thảo luật, hy vọng nhận được những ý kiến đóng góp của những luật gia, phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Như đã biết, bất kỳ một quy định quy phạm pháp luật nào trước khi được ban hành, cần phải tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật BHVBQPPL), mà một trong những yêu cầu bắt buộc của Luật BHVBQPPL là cơ quan trình dự án luật phải thực hiện đánh giá tác động của những quy định mới này, trong đó có phải đánh giá những tác động về chính trị - xã hội, tác động về chi phí, tác động về thủ tục hành chính, tác động về kinh tế…. Xem xét hồ sơ dự án luật được đăng tải trên trang thông tin của Quốc hội
[2]cho thấy, dường như các tài liệu như Tờ trình Chính phủ, thuyết minh dự án luật chưa nêu bật được sự cần thiết phải bổ sung quy định này.
Dự thảo luật bổ sung điểm b vào khoản 4 Điều 17 quy định: “
Căn cứ yêu cầu thực tếcông táccủa công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động dạy nghềngoài trại giamdo Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định ” và
khoản 5 Điều 32 quy định: “
Trại giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động nhưng phải bảo đảm chế độ giam giữ, các chế độ, chính sách đối với phạm nhân theo quy định của Luật này và thực hiện theo các quy định tại các khoản 1, 2,3,4 của Điều này”.
Như vậy, để bảo đảm quy định này có thể được áp dụng trên thực tế và phát huy ý nghĩa của nó, cần phải trả lời được các vấn đề xung quanh quy định này, nếu không thì quy định trên sẽ không có tính khả thi hoặc sẽ làm phát sinh nhiều bất ổn trong công tác quản lý phạm nhân thi hành án phạt tù, đó là:
Vấn đề thứ nhất, việc phạm nhân chấp hành hình phạt tù là bảo đảm mục đích của hình phạt (trừng trị & giáo dục người phạm tội) được thực thi trên thực tế. Đối với phạm nhân, việc giáo dục phạm nhân được thông qua nhiều hình thức trong đó có tổ chức cho phạm nhân lao động. Như vậy, lao động của phạm nhân là một biện pháp giáo dục chứ không phải nhằm tạo ra vật chất để phục vụ đời sống của phạm nhân vì Nhà nước đã bảo đảm toàn bộ chi phi ăn, mặc, ở,... của phạm nhân.Theo quy định của dự thảo Luật và ngay cả trong Luật THAHS hiện hành thì kết quả lao động của phạm nhân, sau khi trừ đi tất cả các chi phí như vật tư, nguyên liệu, tiền công thuê lao động bên ngoài, chi phí điện nước,... mới được sử dụng bổ sung mức ăn cho phạm nhân, lập một số quỹ,...Do đó, nếu có tạo ra giá trị thặng dư từ lao động của phạm nhân thì đó cũng không phải là mục đích chính của giáo dục phạm nhân.Vậy nên, khi cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân tại điểm, khu sản xuất ngoài trại giam, thì vô hình chung lao động của phạm nhân sẽ là hoạt động chính tạo ra giá trị vật chất cho phạm nhân. Điều này làm nảy sinh 02 vấn đề khác nữa:
thứ nhất, toàn bộ chi phí ăn, ở,... của phạm nhân đã được Nhà nước bỏ ra, nếu có giá trị thặng dư từ lao động của phạm nhân thì kết quả lao động này phải đóng thuế và có cần tính đến việc nhà nước giảm bớt định mức đầu tư cho công tác thi hành án phạt tù không
?Thứ hai, khi Trại giam đã ký hợp đồng với Doanh nghiệp, lao động của phạm nhân sẽ phụ thuộc vào nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp (phạm nhân có thể phải làm theo ca chứ không phải chỉ sáng đi làm chiều tối về), sẽ làm ảnh hưởng đến các hoạt động giáo dục khác đối với phạm nhân như các hoạt động giáo dục pháp luật, học văn hóa,... và nếu chỉ chú trọng tổ chức lao động cho phạm nhân thì cũng không bảo đảm được ý nghĩa của việc thi hành hình phạt đối với phạm nhân giáo dục, cải tạo để họ trở thành người có ích cho xã hội.
Vấn đề thứ hai,đối với công tác bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự: Một khó khăn và cũng là một tồn tại lớn kéo dài trong công tác thi hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ hiện nay là tình trạng phạm nhân vi phạm kỷ luật trại giam, mang vật cấm vào trại giam, đánh nhau và trốn khỏi nơi giam giữ. Báo cáo công tác thi hành án hàng năm của Chính phủ trước Quốc hội cho thấy, hàng năm Nhà nước đều bố trí kinh phí để trang bị phương tiện kỹ thuật phục vụ việc quản lý giam giữ phạm nhân nhưng tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam qua các năm tuy có giảm nhưng vẫn diễn ra phức tạp. Như vậy, khi tổ chức cho phạm nhân lao động ở ngoài khu vực trại giam, vấn đề bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa phạm nhân mang vật cấm (thậm chí cả ma túy, điện thoại di động,...) vào cơ sở giam giữ sẽ trở nên rất phức tạp. Nếu như Nhà nước bố trí kinh phí để trang bị máy móc phục vụ cho việc kiểm soát an ninh tại các cơ sở sản xuất liên kết với trại giam cho phạm nhân lao động thì rất khó khả thi vì làm tăng chi phí đầu tư so với hiệu quả thu được, trong khi ngay cả việc trang bị các phương tiện kỹ thuật cho các trại giam hiện vẫn còn khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu thì không thể bố trí đủ kinh phí để trang bị phương tiện kỹ thuật kiểm soát ở các cơ sở sản xuất. Như vậy, nếu công tác bảo đảm an ninh ở các cơ sở sản xuất mà Trại giam liên kết với doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động không thể bảo đảm vì nguồn lực hạn chế thì liệu có nên tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam không? Đó là vấn đề cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi triển khai thực hiện.
Vấn đề thứ ba, theo quy định khoản 5 Điều 32 dự thảo Luật, việc trại giam liên kết để tổ chức điểm, khu sản xuất ngoài khu vực trại giam cho phạm nhân thì khu sản xuất, điểm lao động vẫn phải bảo đảm theo chế quản lý, giam giữ tại Điều 30 của dự thảo Luật. Việc thực hiện quy định này sẽ làm nảy sinh 02 vấn đề phải giải quyết:
thứ nhất,việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động phải bảo đảm được xây dựng đáp ứng yêu cầu của chế độ giam giữ (phân loại giam giữ theo mức án, giới tính,...) và bảo đảm các quy định về nghiệp vụ giam giữ của ngành công an. Như vậy, cần tính đến tính khả thi của quy định này, bởi lẽ, mục đích hoạt động của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận với chi phí đầu tư tiết kiệm nhất, liệu có doanh nghiệp nào chấp nhận đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất chỉ để cho phạm nhân lao động, đồng thời việc xây dựng cơ sở sản xuất đó lại phải đáp ứng được các yêu cầu về giam giữ?Trong trường hợp để cho doanh nghiệp tự tổ chức khu sản xuất, điểm lao động mà không có sự ràng buộc về tiêu chuẩn, điều kiện để bảo đảm an toàn, giữ gìn an ninh trật tự có thể vì mục tiêu lợi nhuận mà doanh nghiệp, tổ chức tận dụng những cơ sở vật chất có sẵn không bảo đảm điều kiện về an ninh trật tự thậm chí cả cơ sở vật chất vi phạm pháp luật để bố trí cho phạm nhân lao động thì việc lao động của phạm nhân vô hình chung đã tiếp tay cho sự vi phạm như một trường hợp đã xảy ra trên thực tế đã được báo chí phản ánh gần đây
[3];
thứ hai, việc tổ chức điểm lao động, cơ sở sản xuất ngoài khu vực trại giam cũng đồng nghĩa với việc dù ít hay nhiều trại giam phải bố trí thêm cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ, giữ gìn trật tự tại điểm lao động, khu sản xuất. Điều này sẽ dẫn đến việc làm tăng biên chế cảnh sát trại giam vì vừa phải có lực lượng quản lý, giữ gìn trật tự ở trại giam vừa phải có thêm lực lượng để quản lý, giữ gìn trật tự tại khu sản xuất ngoài trại giam, và như vậy là trái với việc cải cách bộ máy, tinh giản biên chế ngành công an vừa thực hiện. Và liệu có doanh nghiệp nào sẽ sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn khi bên ngoài, bên trong có lực lượng cảnh sát thi hành án bảo vệ. Nếu không thận trọng, vô hình chung biến khu sản xuất thành một loại “
trại giam” và như vậy sẽ không có lợi về mặt chính trị vì tồn tại quá nhiều trại giam!
Vấn đề thứ tư, thực tế công tác thi hành án phạt tù tại các trại giam thời gian qua cho thấy, việc tổ chức lao động cho phạm nhân đã được các trại giam tổ chức thực hiện trong khu vực do trại giam quản lý. Xuất phát từ thực tế mặt bằng văn hóa của phạm nhân khác nhau và nhìn chung là thấp, thời gian chấp hành án phạt tù khác nhau, việc tổ chức lao động, học nghề cho phạm nhân chỉ phù hợp với các công việc mang tính gia công, lao động đơn giản, giá trị sức lao động thấp (như bóc hạt điều, làm nông nghiệp- trồng lúa, làm mi giả, sản xuất vàng mã, đan ghế nhựa,... ). Phạm nhân không thể bảo đảm các công việc mang tính dây chuyền, có tính chuyên môn hóa cao như công nhân các nhà máy may mặc hay lắp ráp linh kiện máy móc. Như vậy, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài khu vực trại giam chưa có căn cứ nào để khẳng định giá trị lao động của phạm nhân sẽ tăng lên so với chính công việc đã được thực hiện trong khu vực trại giam? Đây là vấn đề cần phải được đánh giá đầy đủ. Mặt khác, phần lớn các trại giam đều đang quản lý diện tích đất từ vài chục héc ta đến vài trăm héc ta. Nếu tổ chức lao động cho phạm nhân ở khu vực sản xuất ngoài trại giam, có khả năng dẫn đến lãng phí nguồn lực vì diện tích đất các trại giam đang quản lý không được khai thác hết do không đủ lao động.
Vấn đề thứ năm, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có quy định về biện pháp tha tù có điều kiện. Việc thực thi biện pháp này đã được tổ chức trên thực tế và với định hướng dự kiếnbiện pháp này sẽ thực hiện từ 2-3 lần/năm. Như vậy, những phạm nhân được áp dụng biện pháp này, trong thời gian thử thách của biện pháp tha tù có điều kiện có cơ hội được lao động cùng gia đình hoặc lựa chọn các công việc phù hợp với khả năng bản thân và điều kiện thực tế tại mỗi địa phương,điều này sẽ thiết thực cho phạm nhân hơn và cũng tiết kiệm các khoản đầu tư của Nhà nước.
Với các lý do trên, người viết bài này cho rằng, việc bổ sung quy định cho phép trại giam liên kết với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức điểm lao động, khu sản xuất cho phạm nhân ngoài trại giam có thể được thực hiện nhưng cần xác định việc tổ chức lao động chỉ với mục đích truyền, dạy nghề cho phạm nhân và phạm vi chỉ áp dụng với phạm nhân còn thời hạn chấp hàn án phạt tù từ 01 năm trở xuống với mục đích hỗ trợ phạm nhân thuận lợi trong tái hòa nhập cộng đồng. Còn nếu tổ chức lao động cho phạm nhân chỉ với mục đích tạo thêm nguồn thu để bổ sung mức ăn và bổ sung vào các quỹ của phạm nhân thì cần phải cân nhắc đến các lý do đã nêu ở trên.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi xung quanh quy định mới của dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) sắp được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2018. Mong nhận được các ý kiến trao đổi của các độc giả quan tâm./.
Lg. Vũ Nguyên
[1]Quan điểm của Thạc sĩ Phạm Văn Chung- Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum: https://www.nguoiduatin.vn/nen-cho-phep-pham-nhan-duoc-lao-dong-ngoai-trai-giam-a402675.html
[2]http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1468&TabIndex=2
[3]https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/la-lung-pham-nhan-lam-viec-trong-co-so-san-xuat-biet-phu-song-kinh-thay-1084437.html