Quy định về kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả tiền bồi thường của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước 2017

11/10/2018
Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây gọi là Luật TNBTCNN 2017) đã chính thức được Quốc hội thông qua, với 92,46 % số phiếu tán thành. Luật TNBTCNN 2017 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018. So với Luật TNBTCNN số 35/2009/QH (Luật TNBTCNN 2009), Luật TNBTCNN 2017 đã có nhiều điểm mới cơ bản nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật TNBTCNN 2009 và đáp ứng những đòi hỏi của thực tế đối với các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực bồi thường Nhà nước trong đó có vấn đề về kinh phí bồi thường. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin nêu ra một số quan điểm trong quá trình xây dựng Luật, đồng thời phân tích những điểm mới về kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả tiền bồi thường được quy định trong Luật TNBTCNN 2017.
1. Kinh phí bồi thường và một số quan điểm trong quá trình xây dựng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017
Kinh phí bồi thường có thể được hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, có cách hiểu cho rằng kinh phí bồi thường là một khoản tiền do Nhà nước cấp cho cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thi hành pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước[1]. Dưới góc độ luật thực định, Luật TNBTCNN 2009 không quy định giải thích thuật ngữ “kinh phí bồi thường”. Tuy nhiên, thông qua các quy định trong Luật thì kinh phí bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN 2009 được hiểu là kinh phí để chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại.
Luật TNBTCNN 2009 quy định về kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả tiền bồi thường tại Chương VI của Luật với 04 điều luật (Điều 52, 53, 54 và 55), trong đó, quy định về các nội dung: kinh phí bồi thường; lập dự toán kinh phí bồi thường; trình tự, thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường; quyết toán kinh phí bồi thường. Để triển khai thực hiện được các quy định này trên thực tế, thì Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 71/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 09 tháng 05 năm 2012 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Thực tiễn thi hành Luật TNBTCNN 2009 và văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy, các quy định về kinh phí bồi thường còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: quy định về việc lập dự toán kinh phí bồi thường chưa hợp lý; trình tự chi trả tiền bồi thường rất phức tạp, phải trải qua nhiều cấp có thẩm quyền xem xét nên đã làm chậm việc chi trả tiền bồi thường...[2]; quy định về kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị bồi thường chưa phù hợp, có sự chồng chéo trách nhiệm giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ. Theo quy định của Luật TNBTCNN 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định nhiều cơ quan khác nhau có thẩm quyền kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị bồi thường để cấp kinh phí (các cơ quan cấp trên của cơ quan giải quyết bồi thường và Sở Tài chính hoặc Bộ Tài chính) trong khi không quy định rõ về nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị bồi thường để cấp kinh phí dẫn tới việc giải quyết bồi thường kéo dài, không đúng thời hạn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, tạo dư luận xã hội không tốt về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước[3].
Trong quá trình xây dựng Luật TNBTCNN 2017, còn nhiều quan điểm khác nhau về kinh phí bồi thường, cụ thể như sau:
a) Về nguồn kinh phí bồi thường, có một số quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất đề xuất thành lập Quỹ bồi thường nhà nước vì cho rằng, việc có quỹ bồi thường sẽ bảo đảm việc chi trả tiền bồi thường được nhanh chóng. Bên cạnh đó, do kinh phí bồi thường là loại kinh phí đặc biệt, chỉ phát sinh khi có sai phạm của người thi hành công vụ gây thiệt hại, do đó, rất khó có thể lập dự toán trước được [4]. Để hiện thực hóa đề xuất này, một số ý kiến cho rằng Quỹ bồi thường có thể được hình thành từ tiền hoàn trả của người thi hành công vụ hoặc cơ chế bảo hiểm trách nhiệm công vụ hoặc có thể trích một phần từ tiền xử lý vi phạm hành chính [5], tiền do phạm tội mà có. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quan điểm này không phù hợp vì hiện nay, Luật Ngân sách Nhà nước chưa có quy định về việc thành lập Quỹ từ ngân sách nhà nước mà để quản lý Quỹ này có thể lại phát sinh thêm bộ máy, con người. Đồng thời, cũng có ý kiến cho rằng cần cân nhắc đề xuất thành lập Quỹ bồi thường này vì trong thời gian qua, nhiều cơ quan đã đề xuất thành lập nhiều loại quỹ. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhiều quỹ sau khi được thành lập thì hoạt động lại không hiệu quả. Do đó, để đề xuất thành lập Quỹ bồi thường thì cần lập luận chặt chẽ, giải trình kỹ tính khả thi và hiệu quả trong triển khai thực tiễn thì mới có thể bảo vệ được đề xuất này [6].
Quan điểm thứ hai cho rằng, để luôn bảo đảm sẵn sàng nguồn kinh phí cho việc bồi thường thì cần quy định theo hướng trong mục lục ngân sách nhà nước có một mục riêng về kinh phí thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước [7] vì nếu quy định như vậy sẽ khẳng định cam kết và sẵn sàng của Nhà nước thực hiện trách nhiệm của mình theo Luật TNBTCNN, khắc phục tình trạng các bên đã thống nhất được việc GQBT, bản án, quyết định về GQBT đã được ban hành, nhưng người bị thiệt hại phải chờ đợi lâu mới nhận được tiền bồi thường [8]. Tuy nhiên, ý kiến của đại diện Bộ Tài chính cho rằng, trong thực tiễn tổ chức thi hành các quy định của Luật TNBTCNN 2009 thì kinh phí bồi thường đã được quy định là một mục trong mục lục ngân sách nhà nước [9], do đó, không cần thiết phải quy định theo quan điểm nêu trên.
Quan điểm cuối cùng được chấp thuận đó là giữ quy định về nguồn kinh phí như hiện hành nhưng cần quy định rõ hơn theo hướng Nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách nhà nước để thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để kịp thời chi trả, khắc phục trình trạng quyết định GQBT của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, bản án, quyết định của Tòa án về GQBT đã có hiệu lực pháp luật nhưng người bị thiệt hại phải đợi lâu mới nhận được tiền bồi thường [10].
b) Về trách nhiệm lập dự toán kinh phí bồi thường, có các quan điểm sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần giữ nguyên quy định về việc lập dự toán kinh phí bồi thường như Luật TNBTCNN 2009, theo đó, dự toán kinh phí được lập trên cơ sở căn cứ thực tế bồi thường của năm trước, cơ quan tài chính các cấp phối hợp với cơ quan, đơn vị cùng cấp lập dự toán kinh phí bồi thường để tổng hợp vào dự toán ngân sách cấp mình, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và được phân bổ cho cơ quan, đơn vị khi có yêu cầu chi trả tiền bồi thường. Tuy nhiên, nếu theo quan điểm này thì sẽ không giải quyết được những bất cập, hạn chế trong thực tiễn vì GQBT không phải là hoạt động có tính chất thường xuyên, cơ quan nhà nước chỉ phải thực hiện nếu có phát sinh yêu cầu bồi thường do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, do đó, việc lập dự toán kinh phí bồi thường là không có căn cứ để thực hiện được [11].
Quan điểm thứ hai cho rằng, cần thống nhất đầu mối lập dự toán kinh phí bồi thường ở Trung ương và địa phương, theo đó, việc lập dự toán kinh phí bồi thường được giao cho cơ quan tài chính có thẩm quyền. Hằng năm, căn cứ  vào thực tế cấp phát kinh phí bồi thường của năm trước thì cơ quan tài chính có cơ sở thuận lợi hơn trong việc lập dự toán và quyết toán kinh phí bồi thường. Hơn nữa, kinh phí bồi thường không cấp ngay cho các cơ quan nhà nước mà chỉ cấp khi có đề nghị cấp kinh phí bồi thường [12]. Quan điểm này đã được chấp thuận và được thể hiện trong quy định của Luật TNBTCNN 2017.
c) Về cấp phát kinh phí bồi thường, trong quá trình soạn thảo Luật TNBTCNN 2017, các quan điểm thống nhất cao với việc sửa đổi quy định về việc cấp phát kinh phí bồi thường, chi trả tiền bồi thường theo hướng đơn giản, nhanh gọn. Việc cấp phát kinh phí và chi trả tiền bồi thường chỉ căn cứ vào quyết định GQBT hoặc bản án, quyết định của Tòa án về GQBT. Cơ quan tài chính có trách nhiệm cấp phát kinh phí bồi thường khi quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật. Ngay sau khi được cấp kinh phí, cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm chi trả cho người bị thiệt hại. Cơ quan tài chính cũng phải kịp thời cấp phát kinh phí tạm ứng khi có văn bản đề nghị của cơ quan giải quyết bồi thường [13].
2. Những điểm mới trong quy định về kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả theo Luật TNBTCNN 2017
So với Chương VI Luật TNBTCNN 2009, Chương VI Luật TNBTCNN 2017 đã sửa đổi toàn diện các quy định về kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả, theo hướng:
Thứ nhất, sửa đổi quy định về cơ quan có trách nhiệm lập dự toán, quyết toán kinh phí bồi thường, chuyển trách nhiệm này từ cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại sang cơ quan tài chính có thẩm quyền [14]. Việc sửa đổi như vậy là nhằm thống nhất đầu mối lập dự toán, quyết toán kinh phí bồi thường ở trung ương và cấp tỉnh, tránh tình trạng tất cả các cơ quan đều phải lập dự toán, quyết toán kinh phí bồi thường, trong khi bồi thường nhà nước không phải là công việc thường xuyên, chỉ phát sinh khi có vụ việc cụ thể. Mặt khác, hàng năm, căn cứ vào thực tế cấp phát kinh phí bồi thường của năm trước thì cơ quan tài chính có cơ sở và thuận lợi hơn trong việc lập dự toán kinh phí bồi thường.
Thứ hai, mở rộng cách hiểu “kinh phí bồi thường” so với Luật TNBTCNN 2009, theo đó, Luật TNBTCNN 2017 quy định chi phí định giá tài sản, giám định thiệt hại được coi là một loại kinh phí bồi thường và được bảo đảm từ ngân sách Nhà nước. Theo quy định này thì “Chi phí cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại” sẽ được ngân sách nhà nước cấp bổ sung mà không lấy vào kinh phí hoạt động của cơ quan giải quyết bồi thường như quy định của Thông tư liên tịch số 71/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 09/05/2012 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Điều này có ý nghĩa quan trọng, bởi sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước [15].
Thứ ba, bỏ quy định về kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường của cơ quan tài chính có thẩm quyền và của cơ quan chủ quản (nếu có) của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. Việc bỏ quy định này là bởi, Luật TNBTCNN 2017 đã quy định cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tài chính có thẩm quyền phải tham gia quá trình giải quyết bồi thường ngay từ giai đoạn xác minh thiệt hại nếu có đề nghị và giai đoạn thương lượng việc bồi thường để bảo đảm tính chặt chẽ, đúng pháp luật của quá trình giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ.
Thứ tư, bổ sung quy định về hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường tương ứng với các cơ chế giải quyết bồi thường đã được quy định tại Điều 4 về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước.
Thứ năm, bổ sung quyền hạn của cơ quan tài chính có thẩm quyền nếu không đồng ý với mức bồi thường hoặc nếu cho rằng hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường không đáp ứng yêu cầu.
Thứ sáu, bổ sung quy định về sung quỹ nhà nước nếu người yêu cầu bồi thường không nhận tiền bồi thường trong thời hạn luật định. Quy định này được bổ sung nhằm khắc phục tình trạng, cơ quan giải quyết bồi thường đã thực hiện chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật nhưng người bị thiệt hại không hợp tác, không nhận tiền bồi thường, gây khó khăn cho cơ quan giải quyết bồi thường khiến cho vụ việc không được giải quyết dứt điểm.
Thứ bảy, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ phải gửi giấy tờ, tài liệu có liên quan đến việc chi trả tiền bồi thường cho cơ quan tài chính đã cấp phát kinh phí cho phù hợp với quy định về trách nhiệm quyết toán của cơ quan tài chính có thẩm quyền vì việc chi trả tiền bồi thường không phải do cơ quan tài chính thực hiện mà vẫn do cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thực hiện [16].
3. Quy định cụ thể về kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả theo Luật TNBTCNN 2017
3.1. Về kinh phí bồi thường (Điều 60)
Luật TNBTCNN 2017 đã quy định về kinh phí bồi thường như sau:
Về trách nhiệm bảo đảm kinh phí bồi thường, Nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách nhà nước để thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm cấp phát kịp thời và đầy đủ kinh phí bồi thường.
Về kinh phí bồi thường, kinh phí bồi thường được xác định bao gồm: (1)tiền chi trả cho người bị thiệt hại; (2) chi phí cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại.
Về nguồn kinh phí bồi thường, trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách Trung ương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách Trung ương; trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách cấp tỉnh.
3.2. Trách nhiệm lập dự toán kinh phí bồi thường, quyết toán kinh phí bồi thường (Điều 61 và Điều 63)
(1) Luật TNBTCNN 2017 quy định Bộ Tài chính và Sở Tài chính có trách nhiệm lập dự toán kinh phí bồi thường như sau:
- Hằng năm, căn cứ thực tế số tiền bồi thường, chi phí cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại đã cấp phát của năm trước, Bộ Tài chính lập dự toán kinh phí bồi thường của cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách Trung ương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Hằng năm, căn cứ thực tế số tiền bồi thường, chi phí cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại đã cấp phát của năm trước, Sở Tài chính lập dự toán kinh phí bồi thường của cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
(2) Luật TNBTCNN 2017 quy định việc quyết toán kinh phí bồi thường được thực hiện như sau:
- Sau khi chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm gửi giấy tờ, tài liệu có liên quan đến việc chi trả tiền bồi thường cho cơ quan tài chính đã cấp phát kinh phí để quyết toán theo quy định của pháp luật.
 - Kết thúc năm ngân sách, Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm quyết toán kinh phí bồi thường theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
3.3. Cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường (Điều 62)
Luật TNBTCNN 2017 quy định việc cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường, cụ thể như sau:
(1) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày quyết định GQBT hoặc bản án, quyết định của Tòa án về GQBT có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải gửi hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường đến cơ quan tài chính có thẩm quyền.
(2) Hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường đối với trường hợp giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc trường hợp giải quyết bồi thường tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp kinh phí bồi thường có ghi đầy đủ thông tin về người bị thiệt hại, căn cứ để xác định các khoản tiền bồi thường, các khoản tiền bồi thường đối với các thiệt hại cụ thể, số tiền đã tạm ứng (nếu có) và tổng số tiền đề nghị được cấp để thực hiện việc chi trả tiền bồi thường;
- Bản sao văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường;
- Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền về giải quyết yêu cầu bồi thường.
(3) Hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường trong trường hợp giải quyết yêu cầu bồi thường kết hợp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự hoặc vụ án hành chính bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp kinh phí bồi thường có ghi đầy đủ thông tin về người bị thiệt hại, căn cứ để xác định các khoản tiền bồi thường, các khoản tiền bồi thường đối với các thiệt hại cụ thể và tổng số tiền đề nghị được cấp để thực hiện việc chi trả tiền bồi thường;
- Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường.
(4) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 62 của Luật, cơ quan tài chính phải hoàn thành việc cấp phát kinh phí bồi thường cho cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
(5) Thẩm quyền của cơ quan tài chính nếu cho rằng mức bồi thường không phù hợp hoặc hồ sơ không đáp ứng yêu cầu:
- Trường hợp có căn cứ rõ ràng cho rằng hồ sơ không đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 62 hoặc mức bồi thường không đúng quy định của pháp luật thì cơ quan tài chính có trách nhiệm phối hợp với cơ quan giải quyết bồi thường để hoàn thiện hồ sơ, cấp phát kinh phí bồi thường trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường.
- Trường hợp có căn cứ rõ ràng cho rằng mức bồi thường trong bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết bồi thường (bao gồm bản án, quyết định của Tòa án được ban hành trong thủ tục tố tụng hình sự hoặc tố tụng dân sự hoặc tố tụng hành chính) không đúng quy định của pháp luật thì cơ quan tài chính kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng.
(6) Về chi trả tiền bồi thường.
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí do cơ quan tài chính cấp, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu bồi thường về việc chi trả tiền bồi thường.
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người yêu cầu bồi thường nhận được thông báo, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải tiến hành chi trả tiền bồi thường.
(7) Về hậu quả pháp lý trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không nhận tiền bồi thường.
Hết thời hạn 03 năm kể từ ngày nhận được thông báo quy định tại khoản 5 Điều 62 mà người yêu cầu bồi thường không nhận tiền bồi thường thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại làm thủ tục sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật.
Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự không tính vào thời hạn 03 năm nêu trên.
Khánh Vân
 
[1] Trần Minh Trọng, Hoàn thiện các quy định của pháp luật về kinh phí bồi thường nhà nước và thủ tục chi trả, Số chuyên đề “Thực tiễn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, trang 73-83, trang 73.
[2] Báo cáo số 181/BC-BTP ngày 15 ngày 7 năm 2016 của Bộ Tư pháp báo cáo Tổng kết 06 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trang 25.
[3] Báo cáo số 181/BC-BTP ngày 15 ngày 7 năm 2016 của Bộ Tư pháp báo cáo Tổng kết 06 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trang 26.
[4] Báo cáo ngày 23/10/2015 của Tổ biên tập báo cáo kết quả cuộc họp lần thứ nhất Tổ biên tập dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), trang 3 và Báo cáo số 36/BC-BTP ngày 25/01/2017 của Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), trang 5.
[5] Cục Bồi thường nhà nước, Báo cáo số 148/BC-BTNN ngày 19/10/2015 kết quả hội thảo “Định hướng trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”, trang 5.
[6] Phạm Xuân Thường (2015), tham luận “Về một số định hướng sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”, Hội thảo “Định hướng trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” do Cục Bồi thường nhà nước tổ chức, Hải Phòng, 10/2015, trang 4.
[7] Bộ Tư pháp, Báo cáo số 47/BC-BTP ngày 14/3/2016 báo cáo Chính phủ báo cáo những định hướng lớn xây dựng dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
[8] Bộ Tư pháp, Tờ trình số 42 ngày 15/7/2016 của Bộ Tư pháp trình Chính phủ dự án Luật TNBTCNN (sửa đổi), trang 11.
[9] Thông báo ngày 13/6/2016 của Tổ biên tập thông báo kết quả cuộc họp lần thứ tư Tổ biên tập dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), trang 4.
[10] Chính phủ, Tờ trình số 290/TTr-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), trang 11.
[11] Trần Thị Thu Hằng (2016), “Hoàn thiện quy định về kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả  tiền bồi thường”, Số chuyên đề “Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, NXB Tư pháp, trang 157-166, trang 158.
[12] Bộ Tư pháp, Báo cáo số 36/BC-BTP ngày 25/01/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), trang 6.
[13] Chính phủ, Tờ trình số 290/TTr-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), trang 11.
[14] Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp, Những nội dung cơ bản của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Nxb. Công an nhân dân (2017), trang 146.
[15] Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp, Những nội dung cơ bản của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Nxb. Công an nhân dân (2017), trang 147.
[16] Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp, Những nội dung cơ bản của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Nxb. Công an nhân dân (2017), trang 149.