Một số vấn đề về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định của Pháp luật Hình sự

28/08/2018
  Đất nước ta đang trong thời kì xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với xu thế toàn cầu hóa và khu vực hóa diễn ra mạnh mẽ, các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại phát sinh ngày càng phong phú và đa dạng. Nhằm làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, góp phần bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, từng bước loại bỏ tình trạng “hình sự hóa” các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại hay “dân sự hóa” các hành vi phạm tội. Vì vậy, việc nhận diện đúng quan hệ dân sự với hành vi phạm tội để từ đó áp dụng pháp luật một cách đúng đắn, khách quan, đầy đủ và chính xác là vô cùng quan trọng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đi sâu phân tích về các hành vi, đồng thời giúp  độc giả nhận thức rõ về “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015.
          1. Khái niệm 
          Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian  dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
          Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định lần đầu tiên tại Điều 140 Bộ luật Hinh sự năm 1999, đây là tội được nhập từ tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân quy định tại Điều 158, Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1985, nhưng chỉ đến khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành thì Tội này mới được quy định khá chặt chẽ và cụ thể. Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:
          “ 1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
          a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
          b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
          2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
          a) Có tổ chức;
          b) Có tính chất chuyên nghiệp;
          c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
          d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
          đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
          e) Tái phạm nguy hiểm.
          3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
          a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
          b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
          4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
          5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
          Theo quy định trên thì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi: vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó, hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt: tài sản phải có giá trị từ bốn triệu đồng trở lên thì mới phạm vào tội này, nếu dưới bốn triệu đồng thì phải hội đủ các điều kiện khác của điều luật như đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và điều 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì mới phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
          2. Các dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
          Thứ nhất, dấu hiệu về mặt chủ thể của tội phạm
          Có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên. Đây là một trong các điểm mới của Bộ luật hình sự 2015 so với Bộ  luật hình sự 1999, bộ luật mới đã có sự tách bạch rõ ràng hơn về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
          Thứ hai, dấu hiệu về mặt khách thể của tội phạm
          Khách thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như các tội có tính chất chiếm đoạt khác, nhưng tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, đây cũng là một điểm khác với các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, đặc điểm này được thể hiện trong cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ là tình tiết định khung hình phạt. Vì vậy, nếu sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt mà có hành vi chống trả để tẩu thoát, gây chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. 
          Thứ ba, dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm
Cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng được thực hiện do cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng  bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
          Thứ tưdấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm
          Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được cấu thành khi thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Giá trị của tài sản chiếm đoạt của người khác từ 4.000.000 đồng trở lên; (ii) Giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội về xâm phạm sở hữu khác: tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội trộm cắp, tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (iii) Tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống của chính người bị hại hoặc gia đình họ.
Những hành vi khách quan cần có những điểm đáng lưu ý sau: (i) Người phạm tội có được tài sản một cách hợp pháp thông qua các hợp đồng vay, mượn thuê tài sản của người khác hoặc bằng hình thức khác. Sau khi có được tài sản người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; (ii) Nếu người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì cũng bị coi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
3. Những thay đổi tiến bộ về tội lạm dụng tín nhiệm tài sản trong pháp luật hình sự nước ta (cụ thể tại Bộ luật Hình sự năm 2015)
          So với Điều 140 Bộ luật hình sự 1999 thì Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 đã có những thay đổi mang tính hoàn thiện hơn hành lang pháp lý đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
          Thứ nhất, thay đổi về nội hàm của khái niệm “hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”
          Theo Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định 03 loại hành vi là hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đó là: Sau khi vay, mượn, thuê, tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng, chủ thể đã thực hiện một trong 03 hành vi sau:
          - Dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó;
          - Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
          - Sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
          Tuy nhiên, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định thêm 01 loại hành vi là hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đó là hành vi “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”, đồng thời bỏ hành vi “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” ra khỏi khái niệm “hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đây chính là một bước hoàn thiện rõ rệt của Bộ luật Hình sự năm 2015 so với Bộ luật Hình sự năm 1999.
          Hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt và phải là chiếm đoạt được. Khác với hành vi chiếm đoạt ở các tội phạm khác, hành vi chiếm đoạt ở tội này là sự vi phạm nghĩa vụ trả lại tài sản bằng hành vi chiếm đoạt. Có thể hiểu: Chiếm đoạt là hành vi cố ý (trực tiếp) làm cho chủ tài sản mất hẳn khả năng thực tế thực hiện quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với tài sản của mình và tạo ra cho người phạm tội khả năng thực hiện việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt trái pháp luật tài sản đó.
          Dựa trên cơ sở đó, xem xét đến hành vi của người nhận được tài sản thông qua các hình thức hợp đồng ngay thẳng (vay, mượn, thuê… tài sản) sau đó khi đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả. Hành vi “cố tình không trả” là hành vi vi phạm nghĩa vụ trả lại tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, hành vi này làm cho chủ tài sản mất hẳn khả năng thực hiện quyền sở hữu của mình trên thực tế và tạo cho chủ thể (vay, mượn, thuê… tài sản) khả năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó như tài sản của mình; Như vậy, hành vi đó là hành vi chiếm đoạt và mang bản chất của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy vậy, hành vi này chưa được quy định là một hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm tài sản chính là một bất cập của Bộ luật Hình sự năm 1999. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã hình sự hóa hành vi nói trên, không chỉ là một bước hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mà qua đó còn tạo cơ sở pháp lý để đấu tranh với các thực trạng đang rất “nóng bỏng” hiện nay như: “quỵt nợ”, “vỡ tín dụng”, “đòi nợ thuê”…
          Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Như vậy cần lưu ý, việc chuyển giao tài sản từ người bị hại sang người phạm tội xuất phát từ một hợp đồng hợp pháp như vay, mượn, thuê tài sản.
Sau khi đã nhận được tài sản, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý; về thủ đoạn gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản như đối với thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản;
Nếu người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối mà sau khi đã nhận tài sản một cách hợp pháp rồi bỏ trốn với ý thức không thanh toán, không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản ( ý thức chiếm đoạt tài sản ) thì cũng là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Khi đánh giá hành vi bỏ trốn của người phạm tội phải xem xét một cách khách quan, toàn diện, nếu người phạm tội bỏ trốn hoặc tránh mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản vì nguyên nhân khác thì không coi là bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản.
Nếu người phạm tội không có hành vi gian dối, không bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản nhưng lại dùng tài sản đó (tài sản nhận từ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản một cách hợp pháp) vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì cũng bị coi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hiểu như thế nào là dùng tài sản vào mục đích bất hợp pháp là một vấn đề không đơn giản, nếu theo khái niệm thông thường thì “bất hợp pháp” là không đúng với pháp luật không phân biệt đó là pháp luật gì và nếu hiểu bất hợp pháp theo nghĩa rộng như vậy thì hấu hết các trường hợp mất khả năng thanh toán nợ cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đều là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
          Tuy nhiên, xem xét đến hành vi “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản”, ta thấy Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã không quy định hành vi này là hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là đúng đắn, bởi lẽ: Trên thực tế, những người nhận được tài sản thông qua các hình thức hợp đồng ngay thẳng (vay, mượn, thuê… tài sản) sau đó “bỏ trốn” (trốn khỏi nơi cư trú, nơi làm việc) sẽ thuộc một trong hai trường hợp:
          Một là, người (vay, mượn, thuê… tài sản) vì một lý do nào đó đã không còn khả năng trả lại tài sản
          Trong trường hợp lý do đó là khách quan (như: Kinh doanh thua lỗ…), hành vi “không trả lại tài sản” của người đó không có lỗi cố ý trực tiếp nên không phải là hành vi chiếm đoạt, việc người đó bỏ trốn chỉ là “bất đắc dĩ” do “vỡ nợ” chứ không phải là một thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản. Còn trong trường hợp lý do dẫn đến việc người đó không có khả năng trả lại tài sản là do lỗi chủ quan: Người đó đã sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp (ví dụ: Đánh bạc, buôn lậu…), thì hành vi này là hành vi chiếm đoạt, vì hành vi sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp là sự định đoạt trái pháp luật của chủ thể đối với tài sản không phải của mình (người đó đương nhiên nhận thức rõ được tính trái pháp luật này và do đó, hành vi này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp) và làm cho chủ tài sản mất hẳn tài sản; nhưng trường hợp này đã được quy định là một hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
          Hai là, người (vay, mượn, thuê… tài sản) có khả năng trả lại tài sản nhưng bỏ trốn cùng với số tài sản nhận được
          Trường hợp này trùng với trường hợp “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”, chính hành vi bỏ trốn cùng số tài sản nhận được đã thể hiện thái độ “cố tình không trả” của chủ thể.
          Như vậy, việc Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã hình sự hóa “hành vi khi đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” thành một hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đồng thời phi hình sự hóa “hành vi bỏ trốn” trong tội này, là một bước tiến rõ rệt trong việc hoàn thiện các quy định của luật hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 còn bỏ chữ “để” trong cụm từ “dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó” tại khoản 1 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999, thành “dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó”, đây cũng là một bước tiến của Bộ luật Hình sự năm 2015, nhằm tránh việc dấu hiệu chiếm đoạt trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bị nhầm lẫn thành “mục đích chiếm đoạt” thay vì là “hành vi chiếm đoạt được” như đúng bản chất pháp lý của tội này.
          Thứ hai, thay đổi về các dấu hiệu định khung hình phạt
          Điểm e khoản 2, điểm b khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 sử dụng các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” làm tình tiết định khung hình phạt của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nhưng cũng như ở các tội khác, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định các tình tiết này làm tình tiết định khung hình phạt, đây cũng chính là một điểm mới mang tính tiến bộ của Bộ luật Hình sự năm 2015, bởi lẽ:
          Một là, đây là những “hậu quả gián tiếp” do hành vi phạm tội gây ra, mà việc định tội, định hình phạt đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cần phải căn cứ vào hậu quả trực tiếp của hành vi nguy hiểm cho xã hội, chứ không phải là hậu quả gián tiếp (hậu quả mang tính chất suy diễn và nằm ngoài khả năng dự đoán của người phạm tội).
          Hai là, những “hậu quả nghiêm trọng” hay “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng” như trên mang tính không cụ thể, nếu quy định vào trong luật như Bộ luật Hình sự năm 1999, thì sẽ dẫn đến việc phải có văn bản hướng dẫn dưới luật thì mới thi hành được luật, mà luật hình sự thì phải cụ thể và rõ ràng, dễ hiểu để mọi người đều có thể hiểu và thi hành, tránh phát sinh nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật. Như vậy, quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 cụ thể hơn và mang tính tiên liệu thực tiễn cao hơn Bộ luật Hình sự năm 1999.
          Bên cạnh đó, điểm b khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định thêm tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” làm tình tiết định khung hình phạt, quy định này là hợp lý và cần thiết để răn đe, trừng trị đối với những người mà tính “bất tín” đã trở thành bản tính.
          Thứ ba, thay đổi về các mức hình phạt 
          Các mức hình phạt quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 đều theo hướng có lợi hơn cho người phạm tội so với khoản 3, 4, 5 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999.
          Khoản 3 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định mức hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù, không có khoảng giao thoa với khoản 2. Còn khoản 3 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mức hình phạt từ 05 năm đến 12 năm tù, có khoảng giao thoa với khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 và nhẹ hơn khoản 3 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999.
          Khoản 4 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. Khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù, không áp dụng tù chung thân, có lợi hơn cho người phạm tội so với khoản 4 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999, nhưng lại không có khoảng giao thoa với khoản 3 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc không có khoảng giao thoa này cần phải xem xét lại, vì rõ ràng hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có giá trị 499.999.000 đồng và có thêm tình tiết tăng nặng khác” nguy hiểm hơn hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có giá trị 500.000.000 đồng và không có thêm tình tiết tăng nặng” (thậm chí là có thể có thêm 01 tình tiết giảm nhẹ), nhưng mức hình phạt cho hành vi thứ nhất không thể quá 12 năm, còn mức hình phạt cho hành vi thứ hai thì lại không thể dưới 12 năm.
          Khoản 5 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 về cơ bản là giống với khoản 5 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999, chỉ khác ở chỗ: Khoản 5 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định hình phạt “bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm” có thể được áp dụng đồng thời với hình phạt “bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, tức là người phạm tội có thể vừa bị mất tài sản lại vừa bị “mất nghề”, nhưng theo khoản 5 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì chỉ được áp dụng một trong hai hình phạt bổ sung này, như vậy là nhân đạo hơn với người phạm tội.
          Tóm lại, có thể nói, đối với tội lạm dụng tín nhiệm tài sản, Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều điểm mới mang tính khoa học, hợp lý, cụ thể, rõ ràng, nhân đạo và hoàn thiện hơn hơn so với Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, việc quy định khung hình phạt ở khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 không có khoảng giao thoa với khung hình phạt ở khoản 3 thì cần phải xem xét lại, để các quy định của luật hình sự ngày một hoàn thiện hơn./.
ThS. Đoàn Thị Ngọc Hải – ThS. Nguyễn Văn Điền