Một số vấn đề về chế định án treo trong Bộ luật hình sự năm 2015

30/05/2018
Mặc dù là một chế định tiến bộ, song án treo không phải là một chế định được quy định trong hệ thống pháp luật của tất cả mọi quốc gia. Ở Việt Nam, chế định án treo được ghi nhận trong pháp luật hình sự, đây là một chế định pháp luật thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta, một biểu hiện cụ thể của nguyên tắc trừng trị kết hợp với khoan hồng, giáo dục người phạm tội

 
* Án treo là một chế định pháp lý hình sự liên quan đến việc chấp hành hình phạt của người bị kết án. Án treo được hiểu là tạm thời miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, hình phạt đối với người vi phạm pháp luật ở mức độ ít nghiêm trọng, khi bị xử phạt tù không quá ba năm, có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và xét thấy không cần phải cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội mà vẫn có thể cải tạo được, tòa án có thể miễn chấp hành tại trại giam mà để cho người bị kết án tự cải tạo dưới sự giám sát, quản lý giáo dục của chính quyền tại địa phương tại nơi cư trú. Trong thời gian thử thách, nếu người bị kết án lại phạm tội mới thì toà án quyết định buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt như đã ghi trong bản án cũ và tổng hợp với hình phạt của bản án mới. Nếu trong thời gian được hưởng án treo, người được hưởng án treo có nhiều tiến bộ thì tòa án có thể rút ngắn hoặc chấm dứt thời gian thử thách, người được hưởng án treo được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt và được xóa án tích khi có đủ điều kiện do pháp luật quy định. Các điều kiện để được hưởng án treo được quy định tùy theo pháp luật của từng quốc gia có ghi nhận chế định này trong hệ thống hình phạt.
Mặc dù là một chế định tiến bộ, song án treo không phải là một chế định được quy định trong hệ thống pháp luật của tất cả mọi quốc gia. Ở Việt Nam, chế định án treo được ghi nhận trong pháp luật hình sự, đây là một chế định pháp luật thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta, một biểu hiện cụ thể của nguyên tắc trừng trị kết hợp với khoan hồng, giáo dục người phạm tội. Trước đây cũng như hiện nay, đã có rất nhiều văn bản giải thích về chế định này, cụ thể: án treo được hiểu là một biện pháp “tạm đình chỉ việc thi hành án” (Điều 10 Sắc lệnh số 21/SL ngày 14/2/1946);  có lúc án treo được hiểu là biện pháp “hoãn hình có điều kiện” (Thông tư số 2308/NCPL ngày 01/12/1961 của TANDTC); “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện” (Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1985); “Án treo là miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện” (Nghị quyết số 01-HĐTP ngày 18/10/1990, của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1985). Điều 1 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS 1999[1] giải thích: “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”
Như vậy, mặc dù chế định này từ khi ra đời có nhiều cách giải thích và được quy định ở nhiều văn bản khác nhau, song có thể hiểu Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Chế định án treo trong một thời gian dài cho đến nay đã có ý nghĩa quan trọng trong việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị- trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ sự bình yên cho xã hội. Đồng thời, khuyến khích người bị kết án tự lao động cải tạo để trở thành công dân có ích dưới sự giúp đỡ giám sát của chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức và gia đình. Đặc biệt, chế định án treo đã thể hiện rõ bản chất nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước ta, thể hiện sự khoan hồng và tính ưu việt của chính sách hình sự XHCN.
Nhằm mục đích thể chế hóa chính sách hình sự của Nhà nước ta và Hiến pháp năm 2013, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) tiếp tục ghi nhận chế định Án treo tại Điều 65 như sau:
1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này.
4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
5. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này”.
Như vậy so với Điều 60 BLHS năm 1999 [1] (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì chế định về án treo quy định tại Điều 65 BLHS năm 2015 đã được nhà làm luật sửa đổi, bổ sung về nội dung đầy đủ, bao quát hơn, câu từ rõ nghĩa, chính xác hơn. Cụ thể:
Một là, tại khoản 1, ngoài sử dụng ký tự số “03” thay cho chữ “ba”, nhà làm luật bổ sung cụm từ “thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.”. Theo đó, các nghĩa vụ của người được hưởng án treo phải thực hiện, được quy định tại Điều 64 Luật Thi hành án hình sự năm 2010, bao gồm:
(1). Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
(2). Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục.
(3). Trường hợp người được hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú từ 01 ngày trở lên thì phải khai báo tạm vắng.
(4). Ba tháng một lần trong thời gian thử thách người được hưởng án treo phải nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật cho người trực tiếp giám sát, giáo dục; trường hợp đi khỏi nơi cư trú từ 03 tháng đến 06 tháng, thì phải có nhận xét của Công an cấp xã nơi người đó đến lưu trú hoặc tạm trú để trình với Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người đó.
Hai là, khoản 3 Điều 65 BLHS năm 2015 quy định trực tiếp và chỉ rõ chủ thể là “Tòa án” có thể quyết định áp dụng hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định loại hình phạt này đối với người được hưởng án treo thay vì sử dụng quy phạm dẫn chiếu như tại khoản 3 của BLHS 1999.
Ba là, tại khoản 5 Điều 65 BLHS năm 2015, nhà làm luật đã bổ sung quy định quan trọng nhằm bảo đảm người được hưởng án treo phải chấp hành tốt các nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định trong thời gian thử thách. Nếu người được hưởng án treo trong thời gian thử thách cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 64 Luật Thi hành án hình sự  từ 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Đây là điểm bổ sung hoàn toàn mới, mà trước đó, quy định về án treo tại Điều 44 BLHS năm 1985 [2], Điều 60 BLHS năm 1999 chưa đề cập đến.
* Điều kiện để xem xét cho người bị phạt tù được hưởng án treo theo quy định pháp luật:
Hiện nay, theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 01/2013 ngày 06/11/2013 của HĐTP thì chỉ xem xét cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Bị xử phạt tù không quá 3 năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng theo phân loại tội phạm quy định tại khoản 3 Điều 8 BLHS;
- Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật;
- Có nơi cư trú rõ ràng, cụ thể;
- Không có tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại khoản 1 Điều 48 BLHS và có từ 02 tình tiết giảm nhẹ TNHS trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS; nếu có 01 tình tiết tăng nặng TNHS thì phải có từ 03 tình tiết giảm nhẹ TNHS trở lên, trong đó có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS;
- Có khả năng tự cải tạo và nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm về tham nhũng.
* Về thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo
Điều 4 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP hướng dẫn: Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án đầu tiên cho hưởng án treo, cụ thể như sau:
(1). Trường hợp tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.
(2). Trường hợp tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, tòa án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo, thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.
(3). Trường hợp tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.
(4). Trường hợp tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng tòa án cấp giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm
(5). Trường hợp tòa án cấp sơ thẩm, tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng bản án sơ thẩm và phúc thẩm bị hủy để điều tra lại và sau đó xét xử sơ thẩm lại và sau đó xét xử sơ thẩm, phúc thẩm lại vẫn cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm hoặc ngày tuyên án phúc thẩm lần sau theo các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này.
Những hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP về án treo trong một thời gian dài đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, thống nhất và điều kiện thuận lợi cho công tác xét xử các vụ án hình sự, phù hợp với yêu cầu của công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm trong từng giai đoạn, từng thời kỳ. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng các quy định của luật và những hướng dẫn trên còn nhiều vấn đề chưa thống nhất trong cách hiểu và áp dụng, cụ thể:
Một là, đối với trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian bản án mà họ được hưởng án treo chưa có hiệu lực pháp luật. Đối với trường hợp này, cũng giống như trường hợp một người được hưởng án treo sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật thì lại phạm tội mới, đều có chung hậu quả pháp lý là người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù mà Tòa án đã cho hưởng án treo và tổng hợp hình phạt đối với tội phạm mới đã phạm. Vấn đề này đang tồn tại quan điểm cho rằng: việc người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian mà án chưa có hiệu lực pháp luật lại buộc họ phải chấp hành hình phạt tù là không công bằng và không đúng với tinh thần tại Điều 7 [3], Điều 13 [4] Bộ luật TTHS năm 2015 và khoản 1 Điều 2 Luật THAHS năm 2010 [5]. Tuy nhiên, khi nghiên cứu các quy định trước đây về thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách, tại Điều IV của Sắc lệnh số 33C và tại Điều 10 của Sắc lệnh số 21 ngày 14/02/1946 về tổ chức các Tòa án quân sự của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quy định thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo là “bắt đầu từ ngày tuyên án”. Tại thông tư số 01-NCPL ngày 06/4/1988, hướng dẫn bổ sung về án treo hướng dẫn thời gian thử thách được tính từ “ngày tuyên án treo đầu tiên”. Tại tiểu mục 6.5 Mục 6 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1999 về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt hướng dẫn về thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là “ngày tuyên án đầu tiên cho hưởng án treo”. Hướng dẫn này và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP cơ bản là giống nhau. Hướng dẫn này được hiểu, trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án phúc thẩm. Còn trường hợp, Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo và Tòa án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách cũng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách án treo phải ghi rõ trong phần quyết định của bản án. Do đó, trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho người bị kết án hưởng án treo và trong bản án quyết định thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm, thì cũng được hiểu là quyết định về thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách án treo của bản án sơ thẩm là quyết định được thi hành ngay, mặc dù bản án sơ thẩm ấy chưa có hiệu lực pháp luật. Điều này hoàn toàn có lợi cho người bị kết án. Như vậy, hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách án treo là phù hợp và công bằng, không có gì trái với nguyên tắc bảo đảm pháp chế XHCN, nguyên tắc suy đoán vô tội và đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm trong từng giai đoạn, thời kỳ. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 363 BLTTHS năm 2015: “Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, tuyên bị cáo không có tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là hình phạt tù hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị.”
Hai là, đối với trường hợp người phạm tội trong thời gian thử thách, khi bị kết án thì có được hưởng án treo một lần nữa hay không? Theo quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHS năm 2015 thì: “Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này”. Theo quy định của điều luật có thể hiểu rằng người nào được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, không phân biệt lỗi cố ý hay vô ý, cũng không phân biệt tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hay tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thì đều bị Tòa án buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước rồi tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của BLHS năm 2015. Vấn đề đặt ra là có phải bất cứ trường hợp nào mà một người đã được hưởng án treo lại phạm tội trong thời gian thử thách thì Tòa án đều không cho họ được hưởng án treo một lần nữa hay không? Vấn đề này do luật không quy định cụ thể, nên trong thực tiễn xét xử có thể xảy ra trường hợp là trong thời gian thử thách người được hưởng án treo lại phạm tội mới là tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng do lỗi vô ý và có nhiều tình tiết giảm nhẹ…thì có Tòa xem xét cho người bị kết án hưởng án treo thêm một lần nữa nhưng cũng có Tòa không cho bị cáo được hưởng án treo. Vấn đề này, theo quan điểm của tác giả phải hiểu đúng tinh thần của điều luật, có nghĩa là trong thời gian thử thách người được hưởng án treo lại phạm tội mới là tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng do lỗi vô ý và có nhiều tình tiết giảm nhẹ…thì có Tòa án xem xét cho người bị kết án hưởng án treo. Bởi vì, hiểu theo tinh thần điều luật, luật không quy định cấm việc Tòa án khi xét xử không cho người phạm tội trong thời gian thử thách được hưởng án treo thêm một lần nữa nếu như thỏa mãn các điều kiện quy định. Mặt khác, nếu không cho họ được hưởng án treo là không công bằng khi ý thức chủ quan của người phạm tội là do lỗi vô ý, tội mà họ phạm là ít nghiêm trọng…
Ba là, đối với trường hợp một người đang được hưởng án treo, sau đó lại phát hiện trước đó họ có hành vi phạm một tội khác mà hành vi này xảy ra trước khi có bản án treo. Theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP thì: “Trường hợp một người đang được hưởng án treo mà sau đó lại phát hiện trước khi được hưởng án treo họ đã thực hiện một tội phạm khác, thì Tòa án xét xử, quyết định hình phạt đối với tội phạm đó và không cho hưởng án treo một lần nữa. Người phạm tội đồng thời phải chấp hành hai bản án. Việc thi hành án trong trường hợp này do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Luật thi hành án hình sự.
Ví dụ: Ngày 15-12-2011, Bùi Văn B phạm tội đánh bạc. Ngày 20-3-2012, Bùi Văn B bị Tòa án nhân dân thành phố V xử phạt 6 tháng tù về tội đánh bạc, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 1 năm. Sau khi bị kết án về tội đánh bạc và bản án có hiệu lực pháp luật, Cơ quan cảnh sát điều tra lại phát hiện trước đó, ngày 10-10-2011, Bùi Văn B còn phạm tội trộm cắp tài sản và bị truy tố ra Tòa án huyện M. Đối với trường hợp này, khi xét xử Tòa án huyện M không cho Bùi Văn B hưởng án treo một lần nữa. Nếu bản án của Tòa án huyện M không bị kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực pháp luật thì Bùi Văn B phải chấp hành đồng thời hai bản án (bản án của Tòa án nhân dân thành phố V và bản án của Tòa án nhân dân huyện M).”
Theo quy định trên, một người đang được hưởng án treo, sau đó lại phát hiện trước đó họ có hành vi phạm một tội khác mà hành vi này xảy ra trước khi có bản án treo thì họ không được hưởng án treo một lần nữa. Tuy nhiên, trường hợp nếu một người đang chấp hành hình phạt tù nhưng được cho hưởng án treo, mà bị xét xử về tội phạm thực hiện trước đó là tội ít nghiêm trọng với lỗi vô ý thì có nên cho họ được hưởng án treo một lần nữa hay không? Theo tác giả trường hợp này vẫn có thể cho họ được hưởng án treo để bảo đảm sự công bằng khi áp dụng pháp luật và việc cho họ hưởng án treo là hoàn toàn phù hợp với đường lối xử lý theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP, không cho hưởng án treo nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
“a) Người phạm tội thuộc đối tượng cần phải nghiêm trị quy định tại khoản 2 Điều 3 của Bộ luật hình sự bao gồm: người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
b) Bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội;
c) Trong hồ sơ thể hiện là ngoài lần phạm tội và bị đưa ra xét xử, họ còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong một vụ án khác;
d) Bị cáo tại ngoại bỏ trốn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án đã đề nghị cơ quan điều tra truy nã.”
Để nghiên cứu thêm về vấn đề này có thể tham khảo theo hướng dẫn trước đây tại điểm 2 mục IV của Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 18/10/1990, theo đó:“… nếu trong thời gian thử thách, họ bị phạt tù về tội đã thực hiện trước khi bị phạt tù và được hưởng án treo thì tùy trường hợp, Tòa án có thể cho hoặc không cho hưởng án treo một lần nữa. Nếu Tòa án không cho hưởng án treo một lần nữa và người bị kết án chấp hành hình phạt tù trong thời gian thử thách của án treo thì thời gian chấp hành hình phạt tù được tính vào thời gian thử thách của án treo. Nếu cho người bị kết án được hưởng án treo một lần nữa, thì Tòa án tổng hợp hình phạt tù của hai bản án và ấn định thời gian thử thách chung cho cả 2 bản án. Trong trường hợp này cần chú ý là chỉ khi hình phạt chung của hai bản án không vượt quá 5 năm tù (đối với Bộ luật hình sự năm 1985, còn đối với khoản 1 Điều 60 BLHS năm 1999 là ba năm tù) thì mới được cho hưởng án treo và thời gian thử thách chung cũng không dưới 1 năm, không được quá 5 năm và không được ít hơn mức hình phạt tù chung.”
Nội dung hướng dẫn này hiện nay đã không còn hiệu lực áp dụng, nhưng có thể nghiên cứu tham khảo để hướng dẫn xử lý tình huống pháp lý đặt ra từ thực tiễn xét xử để bổ sung quy định về tổng hợp hình phạt trong trường hợp người được hưởng án treo hai lần của hai bản án khác nhau.
* Nghiên cứu chế định về Án treo một vấn đề quan trọng nữa cần cần đặt ra đó là những hướng dẫn về án treo hiện nay là quá chặt chẽ (Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP), không mang tính chất định tính khiến cho việc áp dụng pháp luật của thẩm phán đang thiếu đi sự uyển chuyển linh hoạt, máy móc và khô cứng. Điều này đã phần nào làm thu hẹp đi phạm vi áp dụng của án treo, đồng thời làm giảm tính áp dụng pháp luật tùy nghi - một đặc điểm đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của người thẩm phán; chưa đáp ứng chính sách hình sự hướng thiện, vì con người, khuyến khích tự giáo dục, cải tạo. Trong khi theo quy định của luật thì: “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05…” có nghĩa là điều luật chỉ quy định căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ. Nếu người phạm tội có nhân thân không xấu là có thể được Tòa án cho hưởng án treo mà không cần phải áp dụng các điều kiện như hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP như trên. Theo thống kê trong khoảng 10 năm (2007-2016), tỉ lệ bị cáo được hưởng án treo tăng đến năm 2009 và giảm dần; đặc biệt là từ năm 2014, sau khi Nghị quyết 01 được ban hành và có hiệu lực. Năm 2008 tỉ lệ các bị cáo được hưởng án treo chiếm khoảng 28% người bị kết án; năm 2013 là 20%-22% và năm 2016 là 16%-18% [6].
Thực tiễn cũng cho thấy trong nhiều năm qua, TANDTC đã thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, điều này là phù hợp với yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm theo từng giai đoạn, thời kỳ. Theo đó, việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo phải bảo đảm các căn cứ quy định tại Điều 60 BLHS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Đối với các vụ án về tham nhũng mà có bị cáo được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ thì Tòa án đã xét xử phải gửi bản án về TANDTC để giám đốc kiểm tra nhằm bảo đảm giám sát chặt chẽ công tác xét xử đối với loại tội phạm này. Trường hợp cho các bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật, thì sẽ phải kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm, nếu do lỗi chủ quan của Thẩm phán thì sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc…Trong qui chế mới ban hành của TANDTC có qui định, khi kết thúc nhiệm kỳ, thẩm phán có bản án xử phạt bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo, cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính),cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử lý trách nhiệm với hình thức không được đề nghị bổ nhiệm lại hoặc chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại. Các trường hợp không xem xét đề nghị bổ nhiệm lại gồm ra bản án xử phạt 4 bị cáo trở lên hình phạt tù cho hưởng án treo, cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật; Quyết định hình phạt tù cho hưởng án treo, hình phạt cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật đối với bị cáo phạm tội tham nhũng hoặc đối với bị cáo phạm tội khác gây dư luận xấu. Các trường hợp chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại gồm: Ra bản án xử phạt 01 bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo, cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật thì chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại trong thời hạn 9 tháng; Ra bản án xử phạt 2 bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo, cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật thì chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại trong thời hạn 12 tháng; Ra bản án xử phạt 3 bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo, hình phạt cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật thì chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại trong thời hạn 18 tháng…[7]
Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã nêu rõ định hướng hoàn thiện về pháp luật hình sự là: “Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm”. Như vậy, chính sách giảm hình phạt tù và hạn chế hình phạt tử hình là một định hướng lớn đã được nêu rõ trong chiến lược cải cách tư pháp. Án treo là một chế định quan trọng của pháp luật hình sự thể hiện rõ nét tính nhân đạo của pháp luật XHCN. Thực tiễn áp dụng cũng đã chứng minh những kết quả tích cực, tạo điều kiện cho những người có nhân thân tốt, phạm tội với lỗi vô ý, phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng có cơ hội cải sửa cao. Quy định này cũng phù hợp với xu hướng hội nhập hiện nay, hạn chế những hình phạt mang tính chất giam giữ “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Vì vậy, nếu hạn chế áp dụng chế định án treo sẽ không bảo đảm được sự công bằng cho người phạm tội, không đạt được mục đích của hình phạt.
Như vậy, việc BLHS 2015 tiếp tục ghi nhận chế định về án treo đã thể hiện sự tiến bộ, bản chất nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước ta, góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, bảo đảm tính công bằng, sự bình đẳng trước pháp luật của mọi người dân và phù hợp với một nguyên tắc cơ bản của luật hình sự là mọi người đều phải chịu hình phạt tương ứng với hành vi phạm tội của mình gây ra. Qua đó, chế định này cũng thể hiện sự ưu việt so với các loại hình phạt khác, và cần được các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hướng dẫn áp dụng trong thời gian tới./.
 Hồ Nguyễn Quân – Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 4
 

[1] Điều 60. Án treo
1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.
2. Trong thời gian thử thách, Toà án giao người  được hưởng án  treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Người  được hưởng án  treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định tại Điều 30 và Điều 36 của Bộ luật này.
4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát và giáo dục, Toà án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
 5. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này.
[2] Điều 44. Án treo
1- Khi xửphạt tù không quá năm năm, căn cứ vào thân nhân của người phạm tội và các tìnhtiết giảm nhẹ, nếu xét không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Toà áncho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.
2- Toà ángiao người bị án treo cho cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội nơi người đó làmviệc hoặc thường trú để theo dõi, giáo dục.
3- Người bịán treo có thể phải chịu thêm một số hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm đảmnhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định quy định ở Điều 23và Điều 28.
4- Nếu ngườibị án treo đã chấp hành được một nửa thời gian thử thách và có nhiều tiến bộthì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm theo dõi, giáo dục, Toà áncó thể rút ngắn thời gian thử thách.
5- Nếu trongthời gian thử thách, người bị án treo phạm tội mới và bị xử phạt tù thì Toà ánquyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hìnhphạt của bản án mới theo quy định ở khoản 2 Điều 42.
[3] Điều 3. Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự
Mọi hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này
[4] Điều 13. Suy đoán vô tội
Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
[5] Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành:
a) Bản án hoặc phần bản án của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm;
b) Bản án của Toà án cấp phúc thẩm;
c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án.
[6] Hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 của BLHS về án treo, 2017.
[7] Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
 
Hồ Nguyễn Quân – Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 4