Ý kiến về một số quy định trong Luật tố tụng hành chính 2015

07/05/2018

Luật tố tụng hành chính được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015 (gọi tắt là Luật TTHC năm 2015). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Với những sửa đổi, bổ sung quan trọng so với Luật tố tụng hành chính năm 2010, sau gần hai năm thi hành, Luật tố tụng hành chính 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý cho quá trình thụ lý và giải quyết vụ án hành chính, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự tham gia; đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm tranh tụng trong xét xử để Tòa án nhân dân thực sự là chỗ dựa của nhân dân về công lý, góp phần tích cực vào việc bảo vệ và khôi phục những quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm.
 Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện một số quy định trong Luật TTHC năm 2015 đã bộc lộ một số hạn chế, nhất là trong giải quyết các vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân bị khiếu kiện. Cụ thể:
1. Về quy định tại Điều 60 của Luật TTHC năm 2015
Tại khoản 7 Điều 60 Luật TTHC năm 2015 quy định về người đại diện như sau: “Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra, Thi hành án; công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an không được làm người đại diện trong tố tụng hành chính, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.”
Tuy nhiên, tại điểm c khoản 2 Điều 61 Luật TTHC năm 2015 lại quy định người được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là: Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có kiến thức pháp lý, chưa bị kết án hoặc bị kết án nhưng đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra, Thi hành án; công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.
Có thể thấy, quy định này chưa phù hợp với thực tế khi hạn chế quyền tham gia tố tụng của cán bộ, công chức của cơ quan thanh tra thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong tham gia tố tụng hành chính, bởi trên thực tế, thanh tra là cơ quan tham mưu của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tại Điều 5 Luật thanh tra năm 2010 quy định chức năng của cơ quan thanh tra nhà nước là “Cơ quan thanh tra nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện và giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.”  Do đó, trong quá trình tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân giải quyết khiếu nại, tố cáo, họ là người nắm bắt rõ về các nội dung liên quan đến vụ án hành chính. Vậy nên, theo quan điểm cá nhân, nên sửa đổi, bổ sung quy định cán bộ, công chức trong cơ quan thanh tra của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được tham gia tố tụng trong vụ án hành chính với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân) liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân bị khiếu kiện.
2. Về người đại diện theo ủy quyền
Tại khoản 3 Điều 60 Luật TTHC năm 2015 quy định:
“3. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản.
Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia tố tụng hành chính thì các thành viên có thể ủy quyền cho một thành viên hoặc người khác làm đại diện tham gia tố tụng hành chính.
Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này.”
Theo đó, người bị kiện trong vụ án hành chính là thủ trưởng cơ quan, tổ chức và họ chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình tham gia tố tụng mà không được ủy quyền cho cơ quan chuyên môn trực thuộc. Có thể thấy, quy định này là khá cứng nhắc, làm ảnh hưởng đến việc làm rõ một số tình tiết liên quan của vụ án trong quá trình hỏi, kiểm tra chứng cứ cũng như trong quá trình tranh tụng tại Tòa án. Bởi trên thực tế, đa phần trước khi ra bất cứ quyết định hành chính hay thực hiện hành vi hành chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân thì đều có sự tham mưu trực tiếp của cơ quan chuyên môn trực thuộc về cơ sở pháp lý, các phương án lựa chọn, tiên lượng hay đánh giá hệ quả nếu thực hiện/không thực hiện hành vi hành chính, ban hành /không ban hành quyết định hành chính...
Theo đó, nên bổ sung quy định để Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân - người bị khởi kiện, được ủy quyền cho cơ quan chuyên môn trực tiếp tham mưu về lĩnh vực đang bị khiếu kiện bởi hơn ai hết họ là người có chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu rõ nhất quy định pháp luật khi tham mưu thực hiện quyết định hành chính, hành vi hành chính.
3. Về các trường hợp trả lại đơn khởi kiện
Theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật tố tụng hành chính thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong những trường hợp sau đây:
a) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện;
b) Người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ;
c) Trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;
d) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
đ) Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;
e) Người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại trong trường hợp quy định tại Điều 33 của Luật này;
g) Đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật này mà không được người khởi kiện sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 122 của Luật này;
h) Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 1 Điều 125 của Luật này mà người khởi kiện không xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có lý do chính đáng.
Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 116 Luật tố tụng hành chính thì thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Thời hiệu đối với từng trường hợp cụ thể được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 116 của Luật).
Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp người khởi kiện đều có thể nhận biết được quyền khởi kiện của mình đã hết để không nộp đơn khởi kiện. Chính vì vậy, để hạn chế việc khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đã hết thời hiệu khởi kiện, đề nghị nên bổ sung quy định về việc trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp thời hiệu khởi kiện đã hết vào quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật.
Lg. Vũ Nguyên