Bình luận về thực trạng người không quốc tịch ở Việt Nam hiện nay

04/05/2018

 

Trong pháp luật quốc tế, vấn đề về người không quốc tịch được quy định trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948[1], Công ước về vị thế của người không quốc tịch 1954 và Công ước về giảm tình trạng không quốc tịch 1961.Theo điểm 2 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam thì “người không quốc tịch” là người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài. Như vậy, có thể hiểu,người không quốc tịch là tình trạng pháp lý của một cá nhân không có quốc tịch của một nước nào, người đó cũng không được coi là công dân của bất kỳ nước nào. Hiện nay tình trạng người không quốc tịch là vấn đề của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó đặc biệt có đối tượng là trẻ em. Theo báo cáo của Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn thì trên thế giới cứ 10 phút lại có một đứa trẻ không có quốc tịch ra đời. Chỉ tính ở 20 quốc gia có số dân không quốc tịch đông nhất, mỗi năm có 70.000 trẻ không quốc tịch được sinh ra. Hay gần đây, trên Báo Vnexpress.net, ngày 07/3/2018 có đưa tin về “Những người nhập cư gốc Việt tại Mỹ chờ ngày bị trục xuất”, trong đó có nội dung Cục điều tra dân số Mỹ ước tính có khoảng 1,3 triệu người Việt nhập cư sống tại Mỹ. Theo các luật sư thì trong số này, có khoảng 80.000-10.000 người Việt nhập cư có nguy cơ bị trục xuất, trong đó nhiều trường hợp là vì mất "thẻ xanh" do từng bị kết án[2]. Ngoài ra, những người rời khỏi Việt Nam trước ngày 12/7/1995, thời điểm hai quốc gia nối lại quan hệ ngoại giao, cũng thuộc nhóm bị bắt giữ trái luật. Vấn đề này đặt ra sẽ có tình trạng người Việt Nam chưa được nhập quốc tịch Mỹ và đã bị mất quốc tịch Việt Nam thì sẽ như thế nào? Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả chỉ đánh giá về thực trạng người không quốc tịch ở Việt Nam, những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và một số ý kiến bình luận để góp phần cải thiện vấn đề người không quốc tịch ở Việt Nam trong thời gian tới.

  1. Thực trạng

Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Tư pháp, từ ngày 01/7/2009 đến ngày 31/3/2017 (số liệu thống kê theo yêu cầu của Bộ Tư pháp tại văn bản số: 733/QĐ-BTP ngày  25 tháng 5 năm 2017), Chủ tịch nước đã quyết định cho phép 5.025 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam, 71 trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam, 62.315 trường hợp được thôi quốc tịch Việt Nam; các Sở Tư pháp trong cả nước và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã cấp 15.058 Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam; 1.398 Giấy xác nhận gốc Việt Nam cho người có yêu cầu[3]. Theo Điều 22 Luật Quốc tịch thì “người không quốc tịch mà không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân, nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật này có hiệu lực và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo trình tự, thủ tục và hồ sơ do Chính phủ quy định”.Quy định tại Điều 22 Luật quốc tịch năm 2008 đã tạo cơ sở pháp lý giải quyết việc nhập quốc tịch Việt Nam cho hàng ngàn người không quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên, góp phần quan trọng vào việc giải quyết tồn đọng mang tính lịch sử về tình trạng người không quốc tịch ở nước ta.Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn hàng chục ngàn người không quốc tịch chưa đủ điều kiện gia nhập quốc tịch Việt Nam do thời gian cư trú dưới 20 năm. Ngoài ra, cũng theo rà soát của Bộ Tư pháp thì hiện nay có bốn nhóm người không quốc tịch, cụ thể: (i) những người di cư tự do từ Campuchia đến sinh sống tại các tỉnh phía Nam; (ii) những người di cư tự do từ Lào sống dọc các tỉnh biên giới phía Tây; (iii) những người di cư tự do từ Trung Quốc sống tại các tỉnh biên giới phía Bắc; và (iv) những người đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài song vì nhiều lý do khác nhau không được nhập quốc tịch nước ngoài nên trở về Việt Nam sinh sống.
Trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng không quốc tịch thì tại Việt Nam, có một số nguyên nhân chính là:
Thứ nhất, doxung đột pháp luật giữa các nước về vấn đề quốc tịch. Xuất phát từ chủ quyền quốc gia mà mỗi nước có quyền quy định trong pháp luật của nước mình những phương thức hưởng quốc tịch. Quốc tịch có thể là quốc tịch theo huyết thống, quốc tịch theo nơi sinh, v.v. Tuy nhiên, có trường hợp người đang cư trú ở nước ngoài mà theo luật nước đóyêu cầu phải được sự chấp thuận thôi quốc tịch gốc mới được vào quốc tịch mới nhưng họ lại bị tước quốc tịch hoặc tự động mất quốc tịch ở nước họ. Nguyên nhân này là một trong các lý do dẫn đến việc xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam mà có một bên hoặc cả hai bên cha mẹ là người không quốc tịch còn gặp nhiều khó khăn vì cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau, dẫn đến một số trường hợp trẻ không được xác định quốc tịch.
Thứ hai, đã có quốc tịch nhưng bị mất quốc tịch, cụ thể, công dân xin thôi quốc tịch Việt Nam nhưng chưa làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài.Ví dụ: một công dân Việt Nam lấy vợ hoặc lấy chồng Đài Loan đã xin thôi quốc tịch Việt Nam nhưng vì lý do nào đó không được phía Đài Loan chấp nhận nên rơi vào trạng thái không quốc tịch, về Việt Nam sinh sống.Chưa có quy định hướng dẫn cụ thể để tạo thuận lợi cho người đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam theo Điều 7 và Điều 23 Luật Quốc tịch. Do còn có cách hiểu và áp dụng khác nhau, nên dẫn đến hệ quả hiện nay có nhiều trường hợp đã thôi quốc tịch Việt Nam, nhưng vì nhiều lý do khác nhau không được nhập quốc tịch nước ngoài và rơi vào tình trạng không quốc tịch, (nhiều người trong số họ chưa được giải quyết cho trở lại quốc tịch Việt Nam mặc dù đã có đơn yêu cầu)[4].
Thứ ba, điều kiện xin nhập quốc tịch chưa phù hợp. Điều 8 Luật Quốc tịch quy định “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo điều kiện cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quốc tịch và những người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này”. Tuy nhiên, việc thực hiện áp dụng quy định còn còn nhiều bất cập, vì để được nhập quốc tịch Việt Nam thì yêu cầu phải có nơi thường trú tại Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp thẻ thường trú[5]. Để được cấp thẻ thường trú thì theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 thì người nước ngoài phải có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.Tuy nhiên nhiều người không quốc tịch, tuy đã sống tại Việt Nam từ trước năm 2000 nhưng do không có giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định mà do đó không đáp ứng được các điều kiện để được cấp thẻ thường trú. Thực tế, tại các khu vực biên giới như An Giang, Tây Ninh, v.v. các hộ dân này không có chỗ ở ổn định, chỉ che nhà tạm ở ven sông, thường xuyên di chuyển đi nhiều nơi khác nhau, ngoài ra, do trình độ văn hóa, hiểu biết pháp luật của người dân tại khu vực biên giới còn thấp nên việc kê khai, thủ tục đăng ký cũng bị ảnh hưởng. Điều này đồng nghĩa với việc họ không đủ điều kiện về mặt hồ sơ để xin nhập quốc tịch Việt Nam. Đây là khó khăn lớn đối với người không quốc tịch cư trú ổn định tại Việt Nam xin nhập quốc tịch Việt Nam trong thời gian qua.
2. Bình luận
Khắc phục những tình trạng nêu trên, Luật Hộ tịch năm 2014 có quy định về việc đăng ký khai sinh cho trẻ em, theo đó trẻ em sinh ra tại Việt Nam mà có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch[6]; và có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch[7] thì được đăng ký khai sinh. Quy định này đã phần nào giải quyết được bất cập trong thực tiễn và phù hợp với quy định của điều ước quốc tế[8]. Về cơ bản, Luật Quốc tịch đã tạo thuận lợi cho việc nhập quốc tịch Việt Nam đối với một số lượng lớn người không quốc tịch cư trú trên lãnh thổ Việt Nam qua đó góp phần quan trọng vào việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hiện thực hóa chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước; tăng cường sự đoàn kết, gắn bó của cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài với quê hương, đất nước.Để tiếp tục nâng cao hơn nữa việc xác định quốc tịch cho người không quốc tịch, trên cơ sở thực tiễn phát sinh các trường hợp người không quốc tịch như đã đề cập ở trên, tác giả cho rằng cần thực hiện một số hoạt động sau:
Một là, cân nhắc sớm tham gia Công ước về vị thế của người không quốc tịch 1954. Việc tham gia Công ước sẽ giúp Việt Nam sẽ cải thiện được tình trạng pháp lý và nâng cao vị thế của người không quốc tịch. Qua đó, bảo đảm các quyền cơ bản của con người đối với người không quốc tịch, hướng đến việc các quốc gia thành viên Công ước cấp quốc tịch cho người không quốc tịch hiện đang cư trú trên quốc gia mình.
Hai là, rà soát các quy định còn bất cập để sửa đổi, bổ sung các quy định về người không quốc tịch trong Luật Hộ tịch và Luật Quốc tịch bảo đảm khả thi trong thực tiễn. Ví dụ, quy định linh hoạt yêu cầu bắt buộc phải có thẻ thường trú, có thể thay thế bằng các giấy tờ, chứng nhận khác, v.v.
Ba là, tăng cường hợp tác quốc tế với các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc, Campuchia để giải quyết các vấn đề liên quan đến người không quốc tịch ở Việt Nam.
Bốn là, ứng dụng tối đa lợi thế của công nghệ thông tin vào hoạt động đăng ký khai sinh, theo đó, sớm hoàn thiện và triển khai Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch trên phạm vi cả nước./.
 

Thịnh Anh

 

 


[1] Điều 15.1 và 15.2 Tuyên ngân quốc tếnhân quyền.

[2]https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nguoi-viet-5-chau/nhung-nguoi-nhap-cu-goc-viet-tai-my-cho-ngay-bi-truc-xuat-3719447.html

[3] Dự thảo Báo cáo tổng kết 8 năm thi hành Luật Quốc tịch tại Hội nghị tổng kết Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 ngày 22/11/2017 tại thành phố Hà Nội.

[5]Điều 5 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP.

[6] Điểm a khoản 1 Điều 35 Luật Hộ tịch 2014.

[7] Điểm d khoản 1 Điều 35 Luật Hộ tịch 2014.

[8] Khoản 1 Điều 7 Công ước về quyền trẻ em quy định trẻ em phải được đăng  ký ngay lập tức sau khi sinh ra và có quyền có họ tên, có quốc tịch ngay từ khi chào đời.