* Pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe của Việt Nam với pháp luật Cộng hòa Liên bang Đức
Trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng nói chung, trách nhiệm dân sự do xâm phạm tính mạng, sức khỏe nói riêng trong pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức được quy định ở các điều từ Điều 823 đến Điều 853 BLDS Đức. Khoản 1 Điều 823 BLDS Đức quy định:
Người nào, cố ý hoặc bất cẩn, mà gây thiệt hại cho tính mạng, cơ thể, sức khoẻ, tự do, tài sản hoặc quyền của người khác thì có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại đối với thiệt hại phát sinh từ hành vi đó. Điều này tương tự như khoản 1 Điều 584 BLDS năm 2015 của Việt Nam “
Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Khoản 2 Điều 823 BLDS Đức quy định một người phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người khác trong trường hợp anh ta vi phạm một luật để bảo vệ một người nào đó, ví dụ như vi phạm Bộ luật hình sự. Điều 826 BLDS Đức quy định:
“một người cố ý hoặc vô ý làm trái với chính sách công gây thiệt hại cho người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường”.
Điều kiện để áp dụng BLDS Đức, Điều 823 khoản 1 đó là: có hành vi vi phạm (hành vi thực hiện hoặc không thực hiện) dẫn đến việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản... của người khác; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại phát sinh; hành vi vi phạm phải trái pháp luật và có thiệt hại phát sinh (quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại phát sinh). Về các căn cứ phát sinh của nước ta cũng tương tự của pháp luật của Đức, gồm có 4 căn cứ phát sinh, tuy nhiên, khác với BLDS năm 2015, BLDS Đức quy định rõ hành vi vi phạm phải là hành vi trái pháp luật.
Đối tượng được bảo vệ theo Điều 823 BLDS Đức bao gồm: tài sản, tính mạng, sức khoẻ, thân thể, tự do của con người (đối tượng bị bắt nhốt, giam) và quyền, còn Điều 584 BLDS Việt Nam quy định gồm có:
tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác. Những vật quyền được bảo vệ ở Điều 823 BLDS Đức là những vật quyền có tính chất tuyệt đối, loại bỏ sự can thiệp của người khác. BLDS Đức không nói rõ về các quyền nhân thân trong quy định của luật như BLDS Việt Nam nhưng chúng đều được bảo vệ thông qua cơ chế xét xử tại Tòa án.
Về tính trái pháp luật của hành vi: khi xác định hành vi đó có trái pháp luật không người ta thường phải cân đối lợi ích giữa hai bên để xem hành vi đó có trái pháp luật không. Thông thường, một hành vi bị coi là trái pháp luật khi nó làm sai đi mong muốn của người có quyền.
Việc chứng minh hành vi trái pháp luật: bên bị buộc tội có nghĩa vụ chứng minh hành vi của mình không trái pháp luật nếu muốn được giải phóng khỏi trách nhiệm. Đây là một điểm tiến bộ trong pháp luật Cộng hòa liên bang Đức mà chúng ta đã tiếp thu, chỉnh sửa, đưa vào BLDS năm 2015 (BLDS năm 2005 quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên có yêu cầu, tức là người bị thiệt hại, khiến cho trách nhiệm đè nặng trên vai người bị thiệt hại mà trong nhiều trường hợp họ không thể chứng minh được).
Yếu tố lỗi: xem xét người có hành vi đó có năng lực hay không (Điều 827, 828 BLDS Đức). Nếu một người bị rơi vào tình trạng vô thức có hành vi gây hại cho người khác thì có nghĩa là họ đã không làm chủ được hành vi của mình nên không có lỗi và không bị chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu người đó tự uống rượu, bia gây lỗi thì phải chịu trách nhiệm (Điều 615 BLDS năm 2005 của Việt Nam chặt chẽ hơn: bao gồm cả chất kích thích khác và gồm cả trường hợp một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức...). Theo quy định của Đức thì phải tự bản thân anh ta uống bia, rượu mới phải chịu trách nhiệm.
Theo quy định của Điều 828 BLDS Đức thì: trẻ em chưa đủ 7 tuổi không phải chịu trách nhiệm cho thiệt hại mà mình gây ra cho người khác (khoản 1); trẻ em từ 7 đến 10 tuổi khi tham gia giao thông không phải chịu trách nhiệm cho thiệt hại mà họ gây ra trừ trường hợp họ cố ý gây hại (khoản 2); người chưa đến 18 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình khi họ ý thức được hành vi của họ (khoản 3). Quy định này tạo ra sự khác biệt lớn trong pháp luật về bồi thường thiệt hại của Đức và của Việt Nam, BLDS năm 2015 của Việt Nam quy định về cơ bản, dù người gây thiệt hại ở độ tuổi nào thì người bị thiệt hại vẫn được bồi thường (người có trách nhiệm bồi thường có thể chính là người gây ra thiệt hại, có thể là cha mẹ, người giám hộ của người gây ra thiệt hại nếu người gây ra thiệt hại dưới 15 tuổi, mất năng lực hành vi dân sự… và không có tài sản để bồi thường). Có thể thấy, quy định của mỗi nước đều có điểm tiến bộ nhất định, song, quy định của BLDS năm 2015 của Việt Nam sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại và đề cao trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ.
Các hình thức của lỗi cố ý và vô ý:
Theo pháp luật Đức thì lỗi cố ý là việc một người mong muốn thực hiện hành vi trái pháp luật, còn lỗi vô ý là việc một người hành động không cẩn thận một cách cần thiết mà nhẽ ra mình phải hành động cẩn thận. Quy định này cũng tương tự như quy định của pháp luật Việt Nam.
Nguyên tắc bồi thường: bồi hoàn tổng thể những gì đã mất; bồi thường thực tế (người gây hại có nghĩa vụ tái thiết lại thực trạng như khi trước khi gây hại, người bị hại có quyền yêu cầu người gây hại bồi thường trực tiếp hoặc thuê người khác tái thiết lại), ví dụ khi làm hỏng ôtô, người gây hại không biết sửa phải thuê người khác sửa hộ. Nếu bồi thường bằng hiện trạng tự nhiên không thực hiện được thì người ta có thể yêu cầu bồi thường bằng tiền. Tương tự như pháp luật Đức, pháp luật Việt Nam cũng quy định nguyên tắc bồi thường
“toàn bộ” và còn phải bồi thường
“kịp thời”.
Điều 253 BLDS Đức quy định về bồi thường thiệt hại phi vật chất (tiền đau thương). Ở Việt Nam cũng quy định về bồi thường thiệt hại do bị tổn thất về tinh thần nhưng khác so với quy định của Đức ở chỗ: Đức quy định việc bồi thường chỉ thực hiện trong những trường hợp cụ thể do luật định. Mức tiền bồi thường không quy định cụ thể trong luật mà toà án qua hoạt động thực tế sẽ đưa ra những quy định cụ thể, phù hợp.
Quyền yêu cầu chấm dứt hành vi để ngăn chặn thiệt hại xảy ra.
Ngoài các chế định về việc đòi bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại xảy ra, Điều 1004 BLDS Đức cho phép chủ sở hữu được quyền yêu cầu người gây thiệt hại (người gây cản trở đối với quyền sở hữu) chấm dứt hành vi mà họ đang thực hiện nhằm ngăn chặn những thiệt hại có thể phát sinh.
Nhìn chung, các quy định của pháp luật Cộng hòa liên bang Đức và pháp luật dân sự Việt Nam về vấn đề bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe có nhiều điểm tương đồng, có những điểm mà pháp luật Việt Nam quy định chặt chẽ hơn, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại.
* Pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe của Việt Nam với pháp luật Cộng hòa Pháp
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài Hợp đồng trong pháp luật Pháp còn được gọi là
“responsabilité civile deslictuelle” (nguyên nghĩa là Trách nhiệm dân sự do gây thiệt hại). Từ năm 1985, ở Pháp có nhiều luật liên quan đến bồi thường thiệt hại đã được thông qua, tạo nên những thay đổi lớn trong lĩnh vực trách nhiệm dân sự, trong đó có ba luật quan trọng có thể kể đến là: Luật bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông năm 1985; Luật bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật năm 1998 và Luật bồi thường thiệt hại do dịch vụ y tế năm 2002. Có thể nói, đây là ba luật bồi thường thiệt hại rất quan trọng với các quy định đôi khi tách biệt với các quy định chung và nguyên tắc cơ bản về trách nhiệm dân sự.
Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804 quy định trách nhiệm dân sự dựa trên yếu tố lỗi là nguyên tắc chủ đạo nếu không muốn nói là duy nhất. Các nhà làm luật đã xây dựng một cơ chế quy trách nhiệm dân sự chủ quan, nghĩa là một cơ chế quy trách nhiệm dân sự do có lỗi, tức là một cá nhân được tự do thực hiện các hoạt động, thậm chí là mạo hiểm nhưng nếu gây ra thiệt hại khi thực hiện các hành động đó, họ có thể phải chịu trách nhiệm dân sự với điều kiện là họ có lỗi.
Đến đầu thế kỷ 20, sau khi xã hội đã trải qua một thời kỳ phát triển với nhiều biến động khiến cho các quy định trong BLDS Pháp năm 1804 không còn phù hợp, chức năng trách nhiệm dân sự theo tinh thần của các nhà làm luật thời kỳ này là ngăn ngừa trước các thiệt hại và xử phạt các hành vi gây thiệt hại. Về bản chất các quy định về trách nhiệm dân sự là các quy định về hành vi, các quy định nhằm răn đe, trừng phạt và ngăn ngừa những hành vi chống lại xã hội, những hành vi gây thiệt hại. Đây là một chức năng mang tính trừng phạt của pháp luật trách nhiệm dân sự, vì vậy, trọng tâm là người gây thiệt hại. Những thay đổi về tư tưởng này dẫn đến kết quả là pháp luật trách nhiệm dân sự Pháp đã có những bước tiến quan trọng: Pháp luật không trừng phạt mà bồi thường thiệt hại hoặc trừng phạt ít hơn là bồi thường thiệt hại. Yếu tố lỗi không còn là yếu tố mang tính chủ đạo để xác định trách nhiệm dân sự.
Ở Pháp giai đoạn này, đối với các thẩm phán, điều quan trọng là bồi thường thiệt hại, nguyên nhân của thiệt hại không còn quan trọng dù đó là một sự việc có lỗi hay không. Vì vậy, vào cuối thế kỷ 19, đã phát triển một cơ chế trách nhiệm không cần lỗi do các thẩm phán và Tòa Phá án xây dựng nên, cơ chế này ngày càng phát triển và trở thành nguyên tắc chung trong bồi thường thiệt hạingoài hợp đồng nói chung, bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác nói riêng - nguyên tắc trách nhiệm dân sự không cần lỗi.
Quy định này tương đồng với BLDS năm 2015 của nước ta về điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bao gồm: Hành vi trái pháp luật, có thiệt hại thực tế và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật.
Về các thiệt hại được bồi thường, quy định trong pháp luật Pháp cũng khác so với quy định trong pháp luật dân sự của Việt Nam, pháp luật Pháp không quy định danh sách các thiệt hại được bồi thường, các thiệt hại không được bồi thường mà tất cả các thiệt hại nếu chứng minh được thì đều được bồi thường, thiệt hại đó có thể về vật chất, tinh thần, sức khỏe, kinh tế v.v.. Căn cứ vào nguyên tắc chứng minh được, nên pháp luật Pháp cũng rất khác với pháp luật Việt Nam về người được bồi thường và mức độ được bồi thường.
Ví dụ: Pháp luật dân sự Việt Nam quy định:
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (khoản 2 Điều 591 BLDS 2015).
Điều đó có nghĩa là pháp luật Việt Nam quy định cụ thể đối tượng được bồi thường, nhưng pháp luật Pháp lại không quy định cụ thể trong luật về đối tượng được bồi thường mà điều đó được xác định dựa trên thẩm phán trong quá trình xét xử và việc người yêu cầu bồi thường chứng minh được.
Ví dụ: Trường hợp A và B là hai người bạn, khi A bị gây tai nạn chết, B có thể được người gây tai nạn cho A bồi thường nếu B chứng minh được khi còn sống A và B có mối quan hệ rất thân thiết, gắn bó và khi A chết đi đã khiến cho B phải chịu tổn thất về tinh thần rất lớn. Ngược lại, trong trường hợp vợ của A là C, nhưng C không chứng minh được khi A còn sống, quan hệ vợ chồng tình cảm gắn bó keo sơn mà có căn cứ cho rằng A và C sống không có hạnh phúc, A chết đi không làm cho C bị tổn thất về tinh thần hoặc tổn thất rất ít thì C không được bồi thường tổn thất về tinh thần hoặc được bồi thường rất ít.
Trên thực tế, việc bồi thường thiệt hại về tinh thần nói chung, trong trường hợp xâm phạm về tính mạng, sức khỏe nói riêng đều mang tính chủ quan. Theo pháp luật Pháp, việc bồi thường thiệt hại về tinh thần không thể làm hết nỗi đau của người bị xâm phạm về sức khỏe và của những người thân của người bị xâm phạm về tính mạng. Vì vậy, việc bồi thường thiệt hại về tinh thần không nhằm đến bù tổn thất về tinh thần cho người chịu thiệt hại mà nhằm mục đích trừng phạt người gây ra thiệt hại. Đây là một quy định rất tiến bộ và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong pháp luật về bồi thường thiệt hại của Pháp.
Một điểm cần lưu ý nữa là trong pháp luật Pháp không ấn định cụ thể mức bồi thường, đối với các thiệt hại về sức khỏe, thân thể có các định mức quy định cụ thể những loại thiệt hại nào được bồi thường và mức bồi thường đối với từng thiệt hại mà Tòa án có thể tham khảo, áp dụng để đưa ra mức bồi thường hợp lý nhưng không bắt buộc phải áp dụng định mức này. Như vậy, để đánh giá mức độ thiệt hại, theo pháp luật của Pháp, các thẩm phán xét xử về nội dung vụ việc đó có toàn quyền đánh giá nhưng họ phải nêu lý do về việc quyết định bồi thường thiệt hại hoặc không bồi thường một hoặc một số thiệt hại nào đó. Trong khi đó, pháp luật dân sự của nước ta quy định tương đối cụ thể về mức bồi thường trong các trường hợp cụ thể, khiến cho việc giải quyết các vụ việc trên thực tế thiếu đi tính linh động, hợp lý.
Có thể nói, so với các quy định của pháp luật dân sự Việt Nam về bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe nói riêng, về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung thì pháp luật của Cộng hòa Pháp có rất nhiều điểm tiến bộ, tuy nhiên, có một số quy định mang tính đặc thù, chỉ phù hợp để thực hiện khi trình độ của thẩm phán và cơ chế xét xử của Tòa án đã đạt đến một mức độ nhất định.
* Pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe của Việt Nam với pháp luật các nước theo hệ thống luật án lệ (Anh, Mỹ)
Pháp luật của các nước theo hệ thống luật án lệ (Anh, Mỹ) quy định điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là: Có sự tồn tại của một nghĩa vụ (duty); Có sự vi phạm nghĩa vụ (breach of duty); Có mối quan hệ nhân quả (causation) giữa thiệt hại và hành vi vi phạm nghĩa vụ; Có thiệt hại thực tế xảy ra (injuly) với nguyên tắc pháp lý quan trọng là người có hành vi gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Đây là điểm khác biệt rất lớn với pháp luật Việt Nam. Pháp luật nước ta quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ngoài việc áp dụng đối với người có hành vi trái pháp luật như các loại trách nhiệm bồi thường thiệt hạikhác thì còn áp dụng đối với người khác như cha mẹ của người chưa thành niên, người giám hộ đối với người được giám hộ, pháp nhân đối với người của pháp nhân, trường học, bệnh viện, cơ sở dạy nghề…
So sánh giữa hai quy định đó thì quy định của pháp luật Việt Nam hợp lý hơn vì sẽ đảm bảo được quyền lợi của người bị thiệt hại. Quy định theo hệ thống luật án lệ (Anh, Mỹ), nếu đánh giá dựa trên từng cá nhân riêng rẽ, tự chủ được hành vi của mình, thì nguyên tắc này là đúng, chính xác. Nhưng thực tế xã hội còn có sự tồn tại của những người không có đủ năng lực để thực hiện và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình (người chưa thành niên, người đã thành niên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi), sự tồn tại của tổ chức. Vì vậy, xét từ khía cạnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị thiệt hại thì cơ sở xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại như nêu trên có phần chưa hợp lý. Chẳng hạn, trường hợp người chưa thành niên (hoặc người khác không có đủ năng lực chịu trách nhiệm dân sự) gây thiệt hại thì ai sẽ là người phải bồi thường? Theo nguyên lý chung, thì những người này sẽ phải bồi thường. Điều đó là không hợp lý, vì không những không bảo vệ quyền lợi cho người bị thiệt hại, mà còn làm cho những người giám hộ thờ ơ với trách nhiệm của mình.
Khi so sánh, đối chiếu giữa các quy định của pháp luật dân sự Việt Nam với pháp luật các nước theo hệ thống pháp luật án lệ (Anh, Mỹ) về bồi thường thiệt hạido xâm phạm tính mạng, sức khỏe chúng ta có thể thấy pháp luật dân sự Việt Nam có nhiều điểm tiến bộ hơn và có nhiều điểm khác biệt rất lớn. Sự khác biệt này có nguyên nhân từ sự khác biệt mang tính bản chất giữa hai hệ thống pháp luật: hệ thống pháp luật Civil Law nghiêng về pháp luật thành văn và hệ thống pháp luật Common Law nghiêng về sử dụng án lệ.
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Văn Cương, Chu Thị Hoa (2005), “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Quốc hội, (4), tr. 61-66.
- Trần Ngọc Dương (2009), “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong pháp luật dân sự của Cộng hòa Pháp”, Tạp chí Luật học, (1), tr. 63-71.
- Võ Sỹ Đàn (2008), “Vướng mắc từ thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, Tạp chí Tòa án nhân dân, (6), tr. 23-24.