1. Tiếp cận pháp luật là một tiêu chí thành phần trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020
Nhận thức được vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vấn đề xây dựng nông thôn mới được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, coi trọng. Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp nhằm xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển các đô thị; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn… và xác định rõ giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó xác định nhiệm vụ xây dựng
“Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới” với nội dung chính là xây dựng, tổ chức cuộc sống của dân cư nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hóa và môi trường sinh thái gắn với phát triển đô thị, thị trấn, thị tứ. Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn phù hợp quy hoạch không gian xây dựng làng (ấp, thôn, bản), xã và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; kết hợp giữa hỗ trợ của Nhà nước với phát huy nội lực của cộng đồng dân cư nông thôn. Nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và tổ chức tốt đời sống văn hóa cơ sở. Xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa gồm cả nông nghiệp và phi nông nghiệp, thực hiện “mỗi làng một nghề”. Trước yêu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (một số tiêu chí được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20/02/2013) và Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020. Mục tiêu của Chương trình nhằm xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bộ tiêu chí được thực hiện nhằm đánh giá, xây dựng xã, huyện, tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015 gồm 19 tiêu chí và 39 chỉ tiêu thành phần, trong đó phần lớn các tiêu chí, chỉ tiêu về hạ tầng, cơ sở vật chất; ít các tiêu chí, chỉ tiêu về văn hóa,
không có tiêu chí, chỉ tiêu về tiếp cận pháp luật. Điều đó thể hiện tinh thần thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất đi trước một bước, phù hợp với giai đoạn trước.
Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2016 – 2020, trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Hiến pháp năm 2013, vấn đề cải cách tư pháp, cải cách hành chính; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất và thực thi công khai đòi hỏi Đảng và Nhà nước quan tâm, nhất là việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thi hành công vụ của chính quyền các cấp ở địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã cũng như có chính sách bảo đảm cho người dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện các quyền con người, quyền công dân, quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật. Nhận thức đúng đắn việc xây dựng nông thôn mới không phải là một dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đơn thuần mà là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị, pháp luật và an ninh quốc phòng, ngày 16/8/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 (sau đây gọi là Quyết định số 1600/QĐ-TTg) với mục tiêu tổng quát
“Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững”. Bộ Tư pháp được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, hướng dẫn thực hiện
“đánh giá, công nhận, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân” trong nội dung thành phần về nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; cải thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân của Chương trình.
Ngày 17/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1980/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, theo đó, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, hướng dẫn tiêu chí thành phần 18.5 về
“Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định”. Bộ tiêu chí đã cụ thể hóa nội dung định hướng xây dựng xã nông thôn mới thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là căn cứ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, là chuẩn mực để các xã lập kế hoạch phấn đấu đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí cũng là căn cứ để chỉ đạo, đánh giá công nhận xã đạt nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và đánh giá trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền xã trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 gồm 5 nhóm tiêu chí, 19 tiêu chí, 49 chỉ tiêu (tăng hơn 10 chỉ tiêu thành phần so với Bộ tiêu chí giai đoạn 2010 – 2015), cụ thể như sau:
1. Nhóm tiêu chí quy hoạch gồm tiêu chí quy hoạch với 02 chỉ tiêu;
2. Nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội gồm 08 tiêu chí: Giao thông; Thủy lợi; Điện; Trường học; Cơ sở vật chất văn hóa; Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Nhà ở và dân cư với 19 chỉ tiêu;
3. Nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản suất gồm 04 tiêu chí: Thu nhập; Hộ nghèo; Lao động có việc làm và Tổ chức sản xuất với 05 chỉ tiêu;
4. Nhóm tiêu chí văn hóa – xã hội – môi trường gồm 04 tiêu chí: Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Văn hóa; Môi trường và An toàn thực phẩm với 15 chỉ tiêu;
5. Nhóm tiêu chí hệ thống chính trị gồm 02 tiêu chí: Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; Quốc phòng và An ninh với 08 chỉ tiêu, trong đó nội dung tiếp cận pháp luật là chỉ tiêu số 5 của tiêu chí số 18 về Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật:
“18.5. Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định”.
Như vậy, một trong những điểm mới quan trọng của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 là đã bổ sung vào tiêu chí 18 “Hệ thống chính trị và pháp luật” tiêu chí thành phần 18.5 về
“Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định”. Lần đầu tiên chuẩn tiếp cận pháp luật được xác định và trở thành một trong nội dung của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Đây là một trong 10 sự kiện nổi bật của Ngành Tư pháp năm 2016 được ghi nhận tại Quyết định số 2700/QĐ-BTP ngày 31/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phê duyệt và công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2016 của Ngành Tư pháp. Điều đó có nghĩa là kết quả xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc bổ sung tiêu chí tiếp cận pháp luật là một nội dung thành phần của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm gắn kết, thực hiện toàn diện các mục tiêu, nội dung xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở, nâng cao nhận thức pháp luật, giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền xã; đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, khẳng định vai trò của pháp luật và ngành Tư pháp trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó quy định về các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, nội dung xây dựng, thẩm quyền, quy trình và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật là căn cứ để xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân, thúc đẩy thực hiện toàn diện mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân mà Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đề ra. Điểm cần lưu ý ở đây đó là Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định việc xây dựng, đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không chỉ đối với các xã mà áp dụng cho cả các phường và thị trấn trong cả nước. Vì vậy, đối với các xã đăng ký xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì khi đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cần đặt trong tổng thể các quy định về xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, đảm bảo gắn kết, đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/7/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BTP quy định điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
2. Mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của việc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng xã nông thôn mới
a) Mục đích, ý nghĩa
Ngày 24/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg Quy định về chuẩn tiếp cận của người dân tại cơ sở (Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg). Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở gồm 8 tiêu chí và 41 chỉ tiêu là công cụ để đánh giá hệ thống, đồng bộ, toàn diện thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Từ kết quả đánh giá, chính quyền các cấp có điều kiện nắm bắt, nhìn nhận toàn diện hơn về thực trạng, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ về giải quyết các vụ việc hành chính - tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật; trợ giúp pháp lý; thực hiện dân chủ cơ sở; hoạt động của các thiết chế tiếp cận pháp luật; thực trạng thực thi pháp luật của người dân tại cơ sở để có biện pháp khắc phục, thực hiện các nhiệm vụ đó hiệu quả hơn. Đồng thời, chính quyền các cấp có điều kiện nhận diện và khắc phục hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững, dân chủ, hiện đại, văn minh trong đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết số 28-NQ/TW và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Việc đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng giúp cán bộ, công chức có điều kiện nhìn nhận để thấy ưu điểm, hạn chế trong thực thi công vụ, từ đó có biện pháp khắc phục, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân; đồng thời đề xuất, kiến nghị giải pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường pháp lý, hỗ trợ, tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức tiếp cận, sử dụng pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Sau thời gian triển khai Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg cho thấy, việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật và nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo có tác động sâu sắc đến nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; gắn với ổn định đời sống chính trị - pháp lý ở nông thôn; đảm bảo an ninh, quốc phòng; nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong thi hành pháp luật, thực thi công vụ; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm, phát huy đầy đủ quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt là những tác động, hiệu quả tích cực mà nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã mang lại đối với công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật ở cơ sở, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh địa phương và đất nước. Thực tiễn đó đã chứng minh việc bổ sung tiêu chí tiếp cận pháp luật vào Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Chính vì thế, trong giai đoạn 2016 – 2020, việc đánh giá “xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” chính thức được thể chế hóa và là một chỉ tiêu thành phần của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Việc đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong tổng thể đánh giá, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới tại địa phương đã tạo cơ sở, động lực góp phần thúc đẩy thực hiện toàn diện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đó là cải thiện và cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn, trong đó có văn hóa pháp luật, giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật, xây dựng nếp sống văn minh tại cộng đồng dân cư, đề cao vai trò người dân trong quản lý xã hội, góp phần giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội để nông thôn mới phát triển bền vững và toàn diện, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, pháp luật của người dân tại cơ sở.
Việc bổ sung tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã còn nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của các chính sách trong hệ thống pháp luật; việc lựa chọn, xây dựng và đưa các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật phù hợp vào Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ và góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg và làm thử việc đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại 05 tỉnh, thành phố
[1], thực tiễn đã xuất hiện hiện tượng xã được công nhận đạt nông thôn mới song lại chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như tại Điện Biên, Thái Bình
[2] do chưa gắn kết nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, nếu gắn kết hai nhiệm vụ này với nhau sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, khắc phục tình trạng xã đạt nông thôn mới nhưng lại không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bởi sau khi lồng ghép thực hiện thì xã đạt chuẩn nông thôn mới thì phải đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; từ đó, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở.
Bên cạnh đó, việc triển khai gắn kết nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và xã đạt chuẩn nông thôn mới còn nhằm tận dụng, tiết kiệm nguồn lực của nhà nước khi tổ chức triển khai; hơn nữa, các địa phương cũng sẽ nhanh chóng nắm bắt được nội dung để tổ chức triển khai thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật do đã tương đối quen thuộc với phương thức tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
b) Yêu cầu
Với mục đích, ý nghĩa quan trọng như đã đề cập, việc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới cần đảm bảo các yêu cầu sau:
Thứ nhất, khẳng định và nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, ý nghĩa của tiếp cận pháp luật trong tổng thể các chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân để thực hiện, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân; xây dựng, phát triển con người nông thôn mới toàn diện đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Thứ hai, việc đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới (về điều kiện, trình tự, thủ tục...xét, công nhận, kinh phí, nguồn lực triển khai thực hiện).
Thứ ba, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, trong đó ngành Tư pháp giữ vai trò nòng cốt, chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong tổng thể xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thứ tư, việc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đặt trong tổng thể nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới; ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ xã còn nhiều chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật từ nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành.
3. Nội dung tiêu chí đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Như trên đã đề cập, ngày 08/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 619/QĐ-TTg ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Quyết định được ban hành trên cơ sở kế thừa nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, đảm bảo tiếp thu có chọn lọc những nội dung hợp lý, khả thi và bổ sung những quy định phù hợp với giai đoạn hiện nay. Theo đó, việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện dựa trên 05 tiêu chí thành phần và 35 chỉ tiêu với tổng số điểm là 100 điểm. Trên cơ sở đó, Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định cụ thể điểm số, cách tính điểm của các chỉ tiêu của tiêu chí tiếp cận pháp luật. Các tiêu chí, chỉ tiêu này là chuẩn mực được sử dụng để đánh giá kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật của tổ chức, cá nhân và xem xét, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được hiểu là việc chính quyền cấp xã đáp ứng đủ các điều kiện trong việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật sau đây:
a) Tiêu chí 1: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật (15 điểm)
Mục đích đánh giá tiêu chí này nhằm đo lường trách nhiệm, năng lực xây dựng, ban hành và hiệu quả tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền và kế hoạch, văn bản khác nhằm triển khai thi hành kịp thời Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của cấp trên của chính quyền cấp xã. Đồng thời nó cũng phản ánh, đánh giá thực trạng và đo lường khả năng, mức độ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn của chính quyền cấp xã.
Tiêu chí này gồm 03 chỉ tiêu thành phần gồm:
Chỉ tiêu 1: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch triển khai nhiệm vụ được giao để thi hành Hiến pháp, pháp luật, chỉ đạo của cấp trên tại địa phương và triển khai thực hiện đúng yêu cầu, tiến độ (04 điểm);
Chỉ tiêu 2: An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút) trên địa bàn cấp xã được kiềm chế, có giảm so với năm trước (06 điểm); Chỉ tiêu 3: Giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn; không có hoặc giảm khiếu nại, tố cáo kéo dài trên địa bàn cấp xã so với năm trước (05 điểm).
b)Tiêu chí 2: Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã (30 điểm)
Việc thực hiện tiêu chí này nhằm mục đích:
Thứ nhất, đánh giá, đo lường mức độ bảo đảm các điều kiện cần thiết; trách nhiệm thực hiện các hoạt động công vụ nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công vụ, trách nhiệm, tinh thần phục vụ của đội ngũ công chức cấp xã trong việc đáp ứng nhu cầu tiếp cận pháp luật của người dân.
Thứ ba, xây dựng giải pháp nâng cao năng lực, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cải thiện điều kiện tiếp cận pháp luật cho người dân, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân, góp phần thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính nói riêng và cải cách hành chính nhà nước nói chung.
Tiêu chí này gồm 05 chỉ tiêu thành phần sau:
Chỉ tiêu 1: Công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính (04 điểm);
Chỉ tiêu 2: Bố trí địa điểm, công chức tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định (02 điểm);
Chỉ tiêu 3: Giải quyết các thủ tục hành chính đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định (10 điểm);
Chỉ tiêu 4: Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về giải quyết các thủ tục hành chính đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định (02 điểm);
Chỉ tiêu 5: Bảo đảm sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính (12 điểm).
c) Tiêu chí 3: Phổ biến, giáo dục pháp luật (25 điểm)
Việc thực hiện tiêu chí về phổ biến giáo dục pháp luật nhằm mục đích: (1) Đo lường, đánh giá trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc tổ chức thực thi các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; đo lường mức độ tạo điều kiện cho người dân tham gia vào hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền nhằm bảo đảm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật; (2) Đánh giá thực trạng, tính hiệu quả của các thiết chế thông tin, văn hóa, pháp luật trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ người dân tiếp cận pháp luật và (3) Đo lường mức độ, trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm các nguồn lực về kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật.
Tiêu chí này gồm 09 chỉ tiêu thành phần sau:
Chỉ tiêu 1: Công khai văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung liên quan trực tiếp đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn (trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước) thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã (02 điểm);
Chỉ tiêu 2: Cung cấp đầy đủ thông tin pháp luật thuộc trách nhiệm phải cung cấp của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định (02 điểm);
Chỉ tiêu 3: Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định và chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan, tổ chức cấp trên (02 điểm);
Chỉ tiêu 4: Tổ chức quán triệt, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật mới ban hành cho cán bộ, công chức cấp xã (02 điểm);
Chỉ tiêu 5: Triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn cấp xã bằng hình thức thích hợp (05 điểm);
Chỉ tiêu 6: Triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật (02 điểm);
Chỉ tiêu 7: Các thiết chế thông tin, văn hóa, pháp luật tại cơ sở hoạt động có hiệu quả, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, phổ biến pháp luật của Nhân dân trên địa bàn cấp xã (05 điểm);
Chỉ tiêu 8: Tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương (02 điểm);
Chỉ tiêu 9: Bố trí đủ kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định (03 điểm).
c) Tiêu chí 4: Hòa giải ở cơ sở (10 điểm)
Triển khai, thực hiện tiêu chí về hòa giải ở cơ sở nhằm mục đích sau:
Thứ nhất, đo lường, đánh giá tổ chức, hoạt động và hiệu quả của thiết chế hòa giải ở cơ sở - một trong những hoạt động thuận lợi cho người dân tại địa bàn cơ sở tiếp cận pháp luật.
Thứ hai, đo lường mức độ, trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm kinh phí hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, qua đó tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật.
Tiêu chí này gồm 03 chỉ tiêu thành phần, cụ thể:
Chỉ tiêu 1: Thành lập, kiện toàn tổ hòa giải và công nhận tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở (02 điểm);
Chỉ tiêu 2: Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải được hòa giải kịp thời theo yêu cầu của các bên (06 điểm); Chỉ tiêu 3: Bố trí đủ kinh phí hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định (02 điểm).
d) Tiêu chí 5: Thực hiện dân chủ ở cơ sở (20 điểm)
Mục đích của tiêu chí này nhằm đo lường mức độ bảo đảm của Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của người dân tại cơ sở và đánh giá, đo lường mức độ tham gia và tiếp cận của người dân đối với nội dung công khai để nhân dân biết, nội dung nhân dân bàn và quyết định; nội dung nhân dân tham gia ý kiến và nội dung nhân dân thực hiện giám sát.
Tiêu chí này nhằm 05 chỉ tiêu thành phần sau: Chỉ tiêu 1: Công khai, minh bạch các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở trừ các thông tin quy định tại chỉ tiêu 1 của tiêu chí 2 và chỉ tiêu 1 của tiêu chí 3 (05 điểm);
Chỉ tiêu 2: Cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình được bàn, quyết định trực tiếp về các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở (05 điểm);
Chỉ tiêu 3: Cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình được bàn, biểu quyết để cơ quan có thẩm quyền quyết định về các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở (05 điểm);
Chỉ tiêu 4: Nhân dân được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định về các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở (05 điểm);
Chỉ tiêu 5: Nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở (05 điểm).
Việc đánh giá, công nhận, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới là một nhiệm vụ mới, vì vậy, để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần bảo đảm thực hiện tốt một số công việc như công tác quán triệt, phổ biến, truyền thông; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, trong đó xác định nội dung công việc cần triển khai, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đầu mối thực hiện; kiện toàn, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo bố trí kinh phí đảm bảo triển khai nhiệm vụ được giao; thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được giao gắn với xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới....
[1] Theo Công văn số 4793/VPCP-PL ngày 27/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng việc thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg và chỉ đạo làm thử việc đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại 05 tỉnh, thành phố bao gồm Cà Mau, Điện Biên, Quảng Bình, Thái Bình và TP. Hồ Chí Minh
[2] Theo Báo cáo số 164/BC-BTP ngày 04/7/2016 của Bộ Tư pháp về tổng kết 03 năm triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 và 02 năm triển khai làm thử việc đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới